Nghiêm túc quán triệt thông điệp của Thủ tướng

Thứ Năm, 22/07/2021, 14:32
Tuần qua, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm ngành Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh: "Tới đây sẽ phải đột phá rất mạnh vào sắp xếp tổ chức bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ, các đơn vị sự nghiệp và đơn vị hành chính, không giảm được đầu mối thì không thể tinh giản biên chế được… Vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn chậm, lúng túng. Nơi nào sáng tạo, linh hoạt, năng động, tích cực, quyết tâm, quyết liệt thì nơi đó thực hiện rất tốt. Nơi nào thấy còn băn khoăn, còn chưa quyết liệt, chưa quyết tâm cao thì còn chậm chạp".


Trong giai đoạn 2015 - 2021, các bộ, ngành, địa phương trên cả nước đã tinh giản trên 684.000 người là đối tượng hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách Nhà nước, vượt mục tiêu 10% đề ra. Một yếu tố khác trực tiếp tác động đến tinh giản biên chế là xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước. Lẽ ra càng ứng dụng công nghệ thông tin thì biên chế càng phải giảm. Nhưng kỳ lạ là biên chế vẫn không giảm? Bộ máy hiện nay vẫn còn quá cồng kềnh, chồng chéo, nhiều tầng nấc đầu mối bên trong.

Chủ trương tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế của Đảng ta là hướng đi đúng đắn, tích cực, có vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính quyền vì dân. Việc này đã được chứng minh khi tỉnh Quảng Ninh làm thí điểm đã đem lại những lợi ích, hiệu quả thiết thực. Đi đầu trong việc cắt bỏ tầng nấc trung gian, Đảng ủy Công an Trung ương đã làm một cuộc cách mạng về tổ chức, trên tinh thần tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nhân dân mong chờ các cơ quan Trung ương, địa phương cũng nhanh chóng trình ra phương án cắt giảm tầng nấc trung gian như Bộ Công an.

Tinh giản biên chế vẫn là bài toán khó trong tình hình hiện nay (ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Thực tế đang tồn tại là việc sắp xếp tổ chức, bộ máy chưa tạo được sự nhận thức thống nhất, đồng thuận và quyết tâm cao. Ðây là một trong những lý do nhiều nơi chần chừ thực hiện chủ trương này, dù biết việc kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là rất cần thiết.

Để tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế thì việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về tiêu chuẩn chức danh công chức chuyên ngành, chức danh nghề nghiệp viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, xác định vị trí việc làm sẽ giúp chọn đúng người, đúng việc, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Tuy nhiên, đề án vị trí việc làm - một giải pháp được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản trong việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế mãi vẫn chưa hoàn thiện. Chính vì thế, Đề án này đã biến thành "lá chắn" cho việc trì hoãn tinh giản hoặc biện minh cho việc không tinh giản được biên chế.

Một trong những lý do khiến các đơn vị khó tìm ra đối tượng không hoàn thành nhiệm vụ để tinh giản là do đánh giá cán bộ công chức cuối năm có đến trên 90% hoàn thành tốt, thậm chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vậy lấy ai ra để mà tinh giản. Việc tinh giản biên chế đang thực hiện theo kiểu chủ yếu là thụ động chờ giải quyết cho những người… "đến tuổi nghỉ hưu" hoặc có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật tới mức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo và bản án quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì mới có thể buộc họ thôi việc được. Còn những người yếu kém về chuyên môn, không đủ trình độ, năng lực và không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không mấy người bị đuổi việc, vẫn ung dung ở trong bộ máy nhà nước.

Thế nên, tinh giản biên chế tuy vượt chỉ tiêu giảm 10%, song chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức... Chưa kể đến tâm lý nể nang, né tránh, ngại khó, sợ phiền hà vì trong số những người trong diện tinh giản biết đâu họ lại là con cháu của các lãnh đạo thì dại gì đụng vào, có khi chưa tinh giản được họ, "họ đã tinh giản mình rồi".

Phải khẳng định, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế trong thực tế là việc làm rất khó. Chính vì vậy mà đến nay, công việc này vẫn "rối như tơ vò". Đó là chưa nói đến việc, nếu làm không khéo thì tinh giản biên chế sẽ là cơ hội để một số cá nhân lợi dụng tìm kiếm "đồng minh", tập hợp bè phái, trù dập, loại ra những người không "hợp cạ".

Trong buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo Bộ Nội vụ đầu tháng 5-2021, gợi mở tinh thần giải quyết các khó khăn, vướng mắc, Thủ tướng nhấn mạnh "3 không": dứt khoát là "Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm"; khó mấy cũng phải làm, cũng phải có giải pháp xử lý.

Mong những gì Thủ tướng nghĩ tới thì các bộ, ngành, địa phương cũng quyết liệt làm cho đúng, cho trúng, cho kịp thời và hợp lòng dân. Để chúng ta sớm xây dựng được Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động với tinh thần đề cao trách nhiệm sẽ tạo ra những cơ hội cho đất nước phát triển.

Cù Tất Dũng
.
.