Nghịch lý mua đắt, bán rẻ

Thứ Năm, 29/03/2018, 08:37
Trong kinh doanh, ai cũng mong muốn mua rẻ mà bán đắt. Ấy vậy mà chuyện ngược đời mua đắt, bán rẻ vẫn liên tục xảy ra!


Mua đắt

Ngay trong tuần qua, Thanh tra Chính phủ đã chính thức công bố kết luận về vụ MobiFone (100% vốn nhà nước) mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Kết luận thanh tra cho thấy nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại Mobifone khoảng 7.006 tỉ đồng. Người dân cả nước bàng hoàng đến ngạc nhiên khi Mobifone đem ngần ấy tiền thuế, tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân mua AVG đang bên bờ phá sản với giá ngất ngưởng trên trời để làm gì?

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, AVG có đưa ra mức giá cho 95% cổ phần ở mức 1.000 tỷ đồng chưa chắc đã có người mua, thế nhưng không hiểu vì sao MobiFone lại "đâm đầu" vào mua với tổng giá trị 8.900 tỷ đồng, cao gấp gần 9 lần.

Đáng ra, thương vụ này phải tuân thủ theo nguyên tắc thị trường, bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn và tài sản của Nhà nước. Tất nhiên ai cũng hiểu, để thương vụ này diễn ra trót lọt sẽ phải qua tầng tầng, nấc nấc thủ tục, vậy mà vẫn bị mua hớ với giá cắt cổ, mà nếu không được kịp thời ngăn chặn thì nhà nước có khả năng mất đi khối lượng tiền khổng lồ.

Đằng sau những hợp đồng "mua đắt, bán rẻ" thường có bóng dáng của nhóm lợi ích (Ảnh chỉ có tính minh họa)

Xung quanh câu chuyện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần của 3 ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng gồm: Ngân hàng Xây dựng, OceanBank và GP Bank, nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại liệu có tổ chức nào dám "ôm" đống nợ kia không nếu Ngân hàng Nhà nước không ra tay?  Và việc mua với giá 0 đồng tức là chuyển nợ của một số cá nhân thành nợ của toàn dân…

Trên thực tế, tổng giá trị thực của các ngân hàng này khi được mua lại là âm hàng chục ngàn tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước phải gánh nghĩa vụ trả nợ cho người gửi tiền, trong khi tiền đã cho vay thì gần như không thu hồi được, cũng như phải bổ sung đầy đủ số vốn điều lệ theo quy định và cần một khoản chi phí rất lớn cho việc tái cấu trúc nhà băng.

Vậy nguồn kinh phí này sẽ lấy từ đâu nếu không phải là từ ngân sách Nhà nước? Như vậy, nói mua ngân hàng 0 đồng không ảnh hưởng đến ngân sách hay kinh tế nhà nước e là khó thuyết phục.

Bán rẻ

Chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước của Đảng ta là hướng đi đúng đắn, tích cực và là động lực để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước có thể được xem như là một hoạt động bán hàng của chủ sở hữu với người bán là Chính phủ và người mua là các nhà đầu tư. Kết quả bước đầu thu được là các doanh nghiệp dần thoát ra khỏi "bầu sữa" ngân sách Nhà nước, vươn ra biển lớn để cạnh tranh, tồn tại và phát triển.

Không ít doanh nghiệp nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, lợi dụng sự thiếu đồng bộ, thiếu hành lang pháp lý nên đã xác định giá trị doanh nghiệp rất thấp so với giá thị trường (giá trị trang thiết bị, tài sản đất đai và thương hiệu…). Cụ thể, có những đơn vị giá trị thực tế cả nghìn tỷ đồng, nhưng được định giá chỉ vài trăm tỷ đồng. Điển hình là hai thương vụ gần đây khi Cảng Quy Nhơn và Hãng Phim truyện Việt Nam cổ phần hóa, bán với giá "bèo".

Cảng Quy Nhơn là một trong những tài sản của Tổng Công Ty Hàng Hải Việt Nam. Theo thông tin báo chí đăng tải, Cảng Quy Nhơn có hơn 20.000m2 nhà kho, 48.000m2 bãi chứa container, với 6 cầu tàu dài 824m, có thể tiếp nhận tàu tải trọng 50.000 tấn, 165 phương tiện, thiết bị trị giá hàng trăm tỷ đồng, có trụ sở làm việc 3 tầng kiên cố cùng với khoảng 300.000m2 đất tại nhiều nơi trong thành phố.

Tính sơ sơ khối tài sản này được định giá lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Thế nhưng cảng này chỉ được định giá hơn 400 tỷ đồng, để sau đó 86% cổ phần thuộc về Công ty Hợp Thành (có trụ sở tại tỉnh Thái Bình) và Hợp Thành đã trở thành ông chủ của Cảng Quy Nhơn.

Tháng 7-2017, Hãng phim truyện Việt Nam chính thức bước vào cổ phần hóa. Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso) đã thanh toán số tiền gần 33,5 tỷ đồng để mua 65% vốn điều lệ của Hãng phim truyện Việt Nam để trở thành cổ đông chiến lược.

Không thể không buồn, không khỏi xót xa khi mà thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam từng được ví như cánh chim đầu đàn của nền Điện ảnh cách mạng Việt Nam có bề dày truyền thống 60 năm, đã sản xuất gần 400 bộ phim truyện, lại được định giá 0 đồng. Giới đầu tư cho rằng "điểm sáng" duy nhất khiến nhà đầu tư có thể tỏ ra quan tâm tới VFS là các lô "đất vàng" của hãng đang quản lý.

Cụ thể là trụ sở đặt tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội có diện tích sử dụng gần 5.500m2. Ngoài ra, Hãng còn có 905m2 đất trên phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình; 6.382m2 tại Đông Anh, Hà Nội và hơn 1.200m2 tại Khu đất số 6, Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, TP. Hồ Chí Minh làm trường quay phim… lại không được định giá khi bán cho Tổng Công ty Vận tải thủy Vivaso vì được cho là đất thuê, đất Nhà nước giao cho quản lý nên không được tính.

Phần lớn người dân nghi ngờ về sự thiếu công khai, minh bạch trong các hoạt động mua doanh nghiệp tư nhân và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Kết quả là sau khi thương vụ kết thúc thì Nhà nước mất tiền, còn những người nắm giữ cổ phần thì lợi đơn, lợi kép.

Do vậy, phải thực hiện công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhất là trong những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Bởi đây là yếu tố cần thiết để tạo đồng thuận xã hội, đồng thuận giữa người dân và chính quyền, tạo lòng tin của dân vào Đảng, Nhà nước, mà còn giám sát hoạt động của Nhà nước, hướng tới một xã hội thực sự dân chủ, công bằng, văn minh.

Thực tế đã cho thấy, những quốc gia có tính minh bạch cao thường là những quốc gia, dân tộc xếp hàng đầu về thu nhập.

Cù Tất Dũng
.
.