Nghĩ về "hội chứng đám đông"

Thứ Hai, 28/07/2014, 08:00
Đám đông có luôn luôn đúng? Đây là câu hỏi tưởng chừng dễ mà khó. Người ta thường nói "chân lí thuộc về số đông". Với cách hiểu này thì số đông luôn có lí và luôn luôn đúng. Cụ thể hơn, sở thích của họ, nhận định, đánh giá của họ về một cá nhân, hành động, sự việc nào đó cần phải được tôn trọng và thừa nhận.

Tuy nhiên, thực tế gần đây dường như đã chứng minh ngược lại điều này. Điều đáng nói là dường như có một khuynh hướng đáng quan ngại, ngày càng phổ biến. Đó là việc thị hiếu hay cách hành xử của đám đông trong nhiều trường hợp ngày càng xa rời những giá trị chuẩn mực chung của cả một cộng đồng. Đành rằng đám đông này có thể là thiểu số trong một cộng đồng lớn hơn nhưng hiện tượng "lệch pha" này rất đáng để suy ngẫm.

Có lần, một người bạn làm ở một tờ báo điện tử thuộc dạng "có máu mặt", với lượng độc giả thuộc hàng "top ten" cho tôi biết bài viết được nhiều người đọc nhất trong tháng trên tờ báo của chị là bài viết về người đàn ông có dương vật dài nhất thế giới tình nguyện hiến "của quý" của mình cho y học sau khi chết! Trong những hừng hực của tình hình biển Đông, bất cập giáo dục, y tế, giá cả, vệ sinh thực phẩm, thiếu nước sạch, an toàn giao thông… thật chẳng biết vui hay buồn khi biết "một bộ phận không nhỏ" độc giả quan tâm đến những tin kiểu vô bổ này.

Gần gũi và cụ thể hơn là ý thức giao thông hay bảo vệ môi trường. Không biết liệu có thiếu cơ sở không nếu đưa ra nhận định đa phần người tham gia giao thông ở nước ta không tuân thủ nghiêm túc luật. Tôi tin, hầu như trong mỗi chúng ta ngày nào cũng mắc ít nhất một lỗi nhỏ nào đó. Hãy cứ quan sát ở một ngã tư lúc giờ cao điểm, nhất là khi trời gần mưa hay những nơi không có bóng dáng cảnh sát giao thông, bạn sẽ không hoài nghi nhận định vừa rồi.

Việc vứt rác không đúng nơi quy định, xả rác bừa bãi hay thói quen úp mặt vào tường vào gốc cây để "vơi đi nỗi buồn" thì thậm chí còn phổ biến hơn. Điều này báo chí đã nói nhiều. Cứ sau mỗi ngày lễ, mỗi ngày hội, các chị em bên môi trường lại oằn lưng thu dọn cơ man nào là rác trên mặt đất, rác trên cành cây hay thậm chí cả rác dưới mặt nước. Thủ đô Hà Nội có lẽ cần được ghi vào sách kỉ lục những khẩu hiệu độc nhất vô nhị theo kiểu: "cấm đ… bậy"; "cấm xả rác"; "cấm khạc nhổ"; "cấm bẻ hoa"…

Cuộc sống không phải lúc nào cũng “chân lý thuộc về số đông”. Trong ảnh một pha biểu hiện tình cảm quá chớn của các fan hâm mộ đối với “thần tượng của mình”.

Một lần đi chùa Hương, tôi đã phải nhìn về cửa động Hương Tích mà vái vọng bởi không đủ sức lực, trí lực để "đánh đu" với dòng người đổ về đây một cách hết sức lộn xộn, nhẫn tâm. Người ta xô đẩy, to tiếng, chửi bới, tranh nhau từng bước chân ngay trên đất Phật. Rồi thì nơi nơi người ta chen nhau, tranh nhau nhét tiền vào tay Phật, ép Phật dùng lễ mặn hay coi đền chùa là sàn diễn thời trang siêu ngắn, siêu mỏng.

Đám đông trong những trường hợp trên tạo ra một sự phản cảm, vô tâm, tàn nhẫn và mất định hướng. Điều đáng quan ngại là chả ai cho đó là lạc lối, họ cứ hồn nhiên đi xe trên vỉa hè; cười tươi rói khi "cướp" được lộc chốn linh thiêng hay bẻ trộm được cành hoa đâu đó…

Có vị cán bộ cấp cao từng phát biểu đại ý là ở nhiều cơ quan, đa phần cán bộ làm việc không hiệu quả, tương xứng với vị trí của mình. Thế nhưng chẳng ai kỉ luật được bởi nếu phải bỏ phiếu để thông qua quyết định này, số đông vẫn ủng hộ nhau. Rồi thì nhiều khi, người làm được việc có khi bị đố kị, ghen ghét bởi số đông những người làm việc ít hiệu quả hơn. Điều đáng buồn là dường như những người tốt ngày càng trở nên cô đơn. Những người có năng lực lại khó đoàn kết với nhau?

Người viết bài này đã viết một bài về thói quen "im lặng", cách hành xử "mũ ni che tai" của "một bộ phận không nhỏ" công chức viên chức. Thói quen này như một cách "hành xử" đẹp lòng nhau một cách giả tạo, thỏa hiệp trước cái sai như việc sử dụng bằng cấp không tương xứng, yếu kém trong chuyên môn, không hoàn thành nhiệm vụ hay nhân danh tập thể để trục lợi cá nhân.

Đám đông này dẫn đến sự hình thành của cái gọi là "nhóm lợi ích" mà lãnh đạo Đảng và Chính phủ đã chỉ ra gần đây. Sự nguy hại của nhóm này không chỉ ở việc bòn rút ngân sách của nhà nước, gây lãng phí tài sản công, kìm hãm sự phát triển của cơ quan mà còn là mầm mống gây mất đoàn kết nội bộ, "gây bè, kéo phái", "trù úm" người tốt không cùng chính kiến với mình, làm tổn hại uy tín của cơ quan hay của ngành trong mắt công luận và bạn bè quốc tế.

Dư luận cần phải được kiểm soát, định hướng bởi nó không nhất thiết lúc nào cũng đại diện cho lẽ phải, cho chân lí. Vai trò của tập thể là vô cùng quan trọng bởi tập thể không phải là một đám đông bất kì. Trái lại, tập thể là tập hợp của nhiều cá nhân, những người luôn cùng nhìn về một hướng, luôn lấy lợi ích chung làm trọng, luôn lấy pháp luật làm thượng tôn cho mọi hành xử của mình

Nguyễn Công Thảo
.
.