Nghệ sĩ và cú “phốt” trên mạng xã hội

Thứ Sáu, 20/12/2019, 08:33
Mạng xã hội tuy là nơi mỗi người được quyền tự do thể hiện suy nghĩ, cảm xúc cá nhân nhưng nó không riêng tư hoàn toàn. Một lượng lớn người hâm mộ lẫn những người không thích anh sẽ theo dõi nhất cử nhất động của anh. Thật dở khóc dở cười cho những nhân vật qua một đêm đã nổi tiếng...


Ca sĩ Phương Thanh từng bảo rằng, chị phải đóng Facebook một thời gian dài vì nó khó kiểm soát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến mình dễ đánh mất hình ảnh. Nhìn lại scandal của giới nghệ sĩ, ngòi nổ từ trang cá nhân chiếm tỉ lệ không hề nhỏ.

Ăn theo "người mặt đen" quái dị xin tiền đểu ở Hà Nội, mới đây, ca sĩ Chi Dân và một người bạn hóa trang thành nhân vật khiến nhiều người kinh sợ. Chàng ca sĩ coi đây như trò vui hù dọa mọi người. Không những thế, Chi Dân còn hí hửng chụp hình đăng lên trang Facebook với dòng chú thích: "Ngay thời điểm này, những kẻ tình nghi đã vào đến chung cư của chúng tôi... Mọi người cẩn thận nhé".

Hành động của anh lập tức bị cư dân mạng "ném đá" tơi tả. Họ cho rằng việc hóa trang và đi hù dọa người khác như thế không khác gì anh chàng đang cổ xúy cho bọn tội phạm quái đản kia. Vụ việc còn gây ra hậu quả tai hại khi một số người lầm tưởng đối tượng "mặt đen" đã xuất hiện ở TP Hồ Chí Minh nên vội vàng cảnh báo. Mạng xã hội được một phen xôn xao, khiếp đảm.

Hình ảnh ca sĩ Chi Dân (phải) cùng người bạn hóa trang thành đối tượng "mặt đen" đăng trên trang cá nhân.

Chi Dân không phải là nghệ sĩ đầu tiên bị phản ứng bởi cách hành xử không hay trên mạng xã hội. Cách đây không lâu, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị công chúng kêu gọi tẩy chay. Xem một clip lan truyền trên mạng, ai cũng bức xúc và phẫn nộ trước cảnh ông bố Tiền Giang bạo hành con nhỏ. Nhưng bức xúc và phẫn nộ đến mức lên Facebook treo thưởng 20 triệu đồng để xúi giục cộng đồng mạng hành hung "dạy dỗ" lại ông bố này như Đàm Vĩnh Hưng thì quả là quá đà và cực đoan.

Chưa kể, đây là hành vi kích động bạo lực, vi phạm pháp luật. Bởi sau lời kêu gọi và hứa hẹn mức tiền thưởng hấp dẫn, không ít đối tượng quá khích đã truy lùng ra ông bố và cho một trận nên thân. Nhận vô số phản hồi tiêu cực, Đàm Vĩnh Hưng mau chóng lên tiếng xin lỗi, thừa nhận mình quá thương con trẻ và bản thân còn hạn chế về kiến thức pháp luật.

Mạng xã hội được coi là công cụ hữu hiệu kết nối nghệ sĩ và khán giả. Đây là nơi để người hâm mộ được tương tác trực tiếp với thần tượng, hiểu hơn về cuộc sống đời thường cũng như quan điểm cá nhân của thần tượng trước các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, chính vì quá vô tư, nhiều nghệ sĩ không kiểm soát mình khi tham gia sân chơi này.

Ca sĩ Duy Mạnh từng bị khán giả chỉ trích kịch liệt khi bình luận tương tác với người hâm mộ. Cụ thể, một khán giả đùa rằng "Anh ăn gì mà suốt ngày yêu đời thế?". Câu trả lời của nam ca sĩ khiến người hâm mộ không khỏi đỏ mặt vì độ tục tĩu, thô thiển. Phía bênh vực thì cho rằng anh trả lời rất đỗi chân thật, vô tư. Thế nhưng, phần đông công chúng không thể chấp nhận kiểu nói chuyện bỗ bã, tự nhiên chủ nghĩa thái quá này.

Khi bị bắt lỗi, các "sao" nhà ta thường nhảy cẫng lên bảo rằng: nghệ sĩ cũng là con người mà! Điều đó không phải bàn cãi. Tuy nhiên, nghệ sĩ là đại sứ của cái đẹp, là người sáng tạo và truyền tải chân - thiện - mỹ. Hơn nữa, nghệ sĩ vốn được mặc định là người của công chúng.

Do đó, không chỉ tác phẩm nghệ thuật mà mọi lời ăn tiếng nói, cách hành xử thường ngày của anh cũng có tác động đến công chúng, đặc biệt với những người coi anh là thần tượng. Những phát ngôn, cách hành xử không hay của anh sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến fan hâm mộ.

Nói như chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long: "Hành xử phản cảm của nghệ sĩ cũng phụ thuộc vào nhận thức của từng người, bởi nếu chỉ liên quan đến văn hoá thì chuẩn mực văn hoá của mỗi người, nhóm người là khác nhau. Tuy nhiên, bây giờ khá nhiều bạn trẻ ủng hộ những lời lẽ, phát ngôn gây sốc của nghệ sĩ thì đây là điều đáng lo ngại".

Chẳng phải vì lẽ đó mà cô bé Thiện Nhân mới 12 tuổi đã phải gò mình vào khuôn thước, giữ ý giữ tứ sau khi đoạt ngôi quán quân "Giọng hát Việt nhí" đó sao? Khi được hỏi có cảm thấy bị gò bó khi phải giữ gìn hình ảnh mọi lúc mọi nơi, Thiện Nhân thật thà cho biết: "Em quyết định theo đuổi niềm đam mê ca hát thì em bắt buộc phải như vậy để bản thân ngày càng hoàn thiện hơn, để con đường mình đi ngày càng đẹp hơn, tốt hơn. Khi nhận được sự yêu thương của khán giả, em đều ý thức và rất trân trọng những tình cảm đó. Vì vậy em luôn cố gắng từng ngày để hoàn thiện mình hơn ở mọi mặt: từ học tập, ca hát lẫn đạo đức, lối sống thường ngày". Một cô bé mới chập chững đoạn đường đầu tiên trên hành trình nghệ thuật đã ý thức sâu sắc như thế thì tại sao các vị tiền bối, là đàn anh đàn chị lại không làm được? Lẽ ra họ phải là người nêu gương để lớp hậu bối noi theo.

Mạng xã hội tuy là nơi mỗi người được quyền tự do thể hiện suy nghĩ, cảm xúc cá nhân nhưng nó không riêng tư hoàn toàn. Một lượng lớn người hâm mộ lẫn những người không thích anh sẽ theo dõi nhất cử nhất động của anh. Thật dở khóc dở cười cho những nhân vật qua một đêm đã nổi tiếng.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng xin lỗi công chúng vì status treo thưởng, xúi giục cộng đồng mạng đánh người.

Có người nói đùa rằng, trước đêm chung kết, cô gái nào có khả năng cao đoạt ngôi hoa hậu thì nên khóa Facebook. Bởi tất tần tật hình ảnh từ thời xa lắc xa lơ của tân hoa hậu sẽ nhanh chóng bị cư dân mạng khai quật để đấu tố. Đùa vậy mà thành thật. Đó là chưa kể rất nhiều báo mạng vô tư khai thác trang Facebook nghệ sĩ mà không hề xin phép. Thậm chí, có phóng viên so sánh động thái của những nghệ sĩ vốn có hiềm khích với nhau để tự gán ghép rồi suy diễn vô tội vạ càng khiến người trong cuộc khốn đốn.

Ca sĩ Phương Thanh nổi đóa: "Nhiều bạn nhà báo, phóng viên vào Facebook cá nhân của tôi mổ xẻ status, comment quá là vô duyên. Tôi nhận ra, mình viết nhiều thành ra không hay nên khóa Facebook lại cho nó lành. Tôi hay bị lôi kéo vào những chuyện chẳng ra gì".

Biết là sử dụng mạng xã hội như con dao hai lưỡi nên nhiều nghệ sĩ cũng chịu khó "uốn lưỡi bảy lần" trước khi phát ngôn. Thế mà ca sĩ Minh Quân "uốn lưỡi" tổng cộng 18 lần vẫn bị chê cười. Số là trước việc Chi Pu quyết tâm làm ca sĩ dù không được đánh giá cao thực lực, Minh Quân sốt sắng lên tiếng trên Facebook đòi cơ quan có thẩm quyền phải cấp thẻ hành nghề cho những người kiếm tiền với danh xưng ca sĩ. Sáng kiến này nhanh chóng bị giới chuyên môn cho là tối kiến khiến Minh Quân không biết giấu mặt vào đâu. Cuối cùng anh phải xóa luôn status mới yên chuyện.

Do vậy, không hiếm nghệ sĩ nói "không" với mạng xã hội. Họ không muốn rắc rối phát sinh từ đó trong một phút mình bốc đồng nói năng không tỉnh táo. Khi ngồi ghế giám khảo cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, Á hậu Hoàng My từng khuyên thí sinh nên hết sức cẩn thận khi phát ngôn trên mạng xã hội. Ấy vậy mà chính cô lại vạ miệng.

Khi cơn bão vừa rút khỏi miền Trung và gây bao tang thương, thiệt hại cho người dân thì Hoàng My đăng hình ảnh thí sinh hoa hậu dọn dẹp cành cây gãy đổ sau bão kèm dòng trạng thái: "Bão Damrey đến rồi đi trong đêm, không nhằm gì so với thiệt hại của những cơn bão không hồi kết cho đương kim hoa hậu đâu em ạ. Những bàn tay nõn nà của tôi, đừng bị trầy xước gì nhé". Dù đã xin lỗi công chúng và xóa status gây phẫn nộ nhưng Hoàng My vẫn bị dư luận yêu cầu rời vị trí giám khảo cuộc thi. Họ không thể chấp nhận một người vô tâm cầm cân nảy mực.

Để sử dụng mạng xã hội một cách tỉnh táo, rõ ràng nghệ sĩ nên cân nhắc cái gì mình nên phát ngôn, cái gì nên chia sẻ chứ không nên coi đó là nơi thoải mái thể hiện cái tôi. Nhiều nghệ sĩ đặt ra nguyên tắc: chỉ đưa những gì liên quan đến nghề nghiệp chuyên môn, còn những chuyện đời tư, quan điểm cá nhân thì không chia sẻ lên mạng xã hội. Họ còn xem xét điều mình viết ra liệu có giúp ích, có truyền đi thông điệp tích cực gì cho cộng đồng hay không. Đó chính là trách nhiệm của người nghệ sĩ chân chính.

Phan Thi Uyên
.
.