Nghệ sĩ và báo chí

Thứ Bảy, 24/06/2017, 08:02
Rõ ràng, để mối quan hệ giữa nghệ sĩ và báo chí truyền thông đạt được đúng mục tiêu tốt đẹp ban đầu, rất cần tới trách nhiệm và ý thức của cả hai bên, vì dù thế nào thì đây vẫn là mối liên kết không thể thiếu. Bên cạnh việc báo chí cần tạo điều kiện cho những nghệ sĩ thực sự có tài năng được tỏa sáng thì cũng cần khắt khe hơn với những nhân vật lợi dụng scandal để gây chú ý.


Mối quan hệ năng động, tương hỗ

Đã từ lâu, mối quan hệ giữa nghệ sĩ - nhà báo đã được xem như mối quan hệ thân thiết, không thể tách rời. Tùy theo từng góc nhìn mà mỗi người có một quan niệm cũng như cách ví von khác nhau về mối quan hệ này. Tuy nhiên, điều cốt lõi, vô cùng quan trọng mà bất cứ ai khi nhìn vào mối quan hệ này cũng thấy đó là sự mật thiết, tương hỗ với nhau.

Trong mối quan hệ cộng sinh đó, nghệ sĩ cần đến truyền thông để đưa hình ảnh của mình đến với người hâm mộ, ngược lại, báo chí cũng cần nghệ sĩ để nhanh chóng có những thông tin nóng hổi cho độc giả. Với nghệ sĩ, báo chí được ví như chiếc cầu nối giữa họ và công chúng. Bằng đặc thù của mình, báo chí giúp người nghệ sĩ đến gần với công chúng hơn, giúp công chúng hiểu hơn về lao động của người nghệ sĩ.

Ngược lại, nghệ sĩ là những nhân vật nổi tiếng, được đông đảo công chúng biết tới thì khi báo chí viết về nghệ sĩ, cũng đồng nghĩa với việc thu hút được sự quan tâm của nhiều độc giả. Trong sự phát triển như vũ bão của các loại hình báo chí truyền thông hiện nay, trong sự cạnh tranh khốc liệt của môi trường nghệ thuật thì mối quan hệ ấy lại càng mạnh mẽ và cần thiết với nhau hơn bao giờ hết.

Mọi hoạt động của nghệ sĩ luôn được báo chí cập nhật để đưa đến cho khán giả.

Lâu nay, mối quan hệ đó vẫn được đánh giá là khá tốt đẹp. Họ cùng "nương" nhau để làm tốt công việc, đạt được mục tiêu đề ra. Nhiều nghệ sĩ có quan hệ khá tốt với truyền thông. Chính vì thế, những sản phẩm của họ luôn được báo chí giới thiệu kịp thời tới công chúng. Những cống hiến của họ trong nghệ thuật cũng được báo chí đánh giá khách quan, công tâm, góp phần tạo dựng và đưa tới hình ảnh một nghệ sĩ đẹp trong mắt công chúng.

Ngược lại, nhiều nghệ sĩ cũng chủ động và cởi mở với báo chí. Họ coi việc chia sẻ thông tin nghệ thuật cũng như đời sống cá nhân của mình với báo chí như một việc làm cần thiết, giúp báo chí có được những thông tin mà độc giả mong chờ. Những cái bắt tay giữa nghệ sĩ và báo chí luôn mang lại những hiệu quả xã hội tích cực. Không chỉ giúp cho những mục tiêu công việc của hai bên đạt được kết quả tốt, ở nhiều trường hợp, cả báo chí và nghệ sĩ cùng chung tay tạo dựng được những chương trình có ý nghĩa xã hội rộng lớn. Trong đó phải kể tới những hoạt động từ thiện, bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn minh...

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, truyền thông đang phát triển chóng mặt và mọi sự phát triển đều có hai mặt tích cực và tiêu cực. Bên cạnh đó, môi trường nghệ thuật cũng không còn “hiền lành” như trước mà khốc liệt với đầy rẫy sự cạnh tranh.

Sự ganh đua quá lớn của các đơn vị báo chí, truyền thông với nhau đã khiến một số báo chí chạy theo mục tiêu phải làm tin hot, tin sốc, khai thác triệt để mọi khía cạnh của đời sống nghệ sĩ để thu hút độc giả. Trong quá trình ấy, không thể phủ nhận, đôi khi báo chí đã gây tổn thương cho nghệ sĩ, hoặc mang đến những cái nhìn không thiện cảm của công chúng với một số nghệ sĩ nào đó.

Một số bài báo đưa những thông tin chưa được kiểm chứng, nhất là những thông tin lấy qua facebook của nghệ sĩ. Điều này gây hiểu lầm hoặc có những thông tin sai lệch, làm độc giả mất niềm tin vào báo chí. Ngược lại, trong cuộc chạy đua khốc liệt để giành lấy sự nổi tiếng, nhiều nghệ sĩ đã sử dụng truyền thông như một cách để lăng xê tên tuổi của mình. Họ tìm mọi cách để xuất hiện trên báo chí với bất kỳ lý do gì. Những thông tin nhiễu loạn ấy không chỉ khiến đời sống nghệ thuật trở nên lộn xộn, bát nháo mà còn giảm đi phần nào niềm tin của độc giả dành cho báo chí.

Từ mối quan hệ năng động và tương hỗ đã xuất hiện những biểu hiện "cơm không lành, canh không ngọt" giữa nhà báo và nghệ sĩ. Tuy chuyện nhà báo và nghệ sĩ đưa nhau ra tòa vẫn là thiểu số nhưng chuyện ấm ức, "bằng mặt nhưng không bằng lòng" giữa hai bên là có thật. Một số nghệ sĩ cho rằng, báo chí đăng tải những thông tin không xác thực, bất lợi cho mình.

Rõ ràng, để mối quan hệ giữa nghệ sĩ và báo chí truyền thông đạt được đúng mục tiêu tốt đẹp ban đầu, rất cần tới trách nhiệm và ý thức của cả hai bên, vì dù thế nào thì đây vẫn là mối liên kết không thể thiếu. Bên cạnh việc báo chí cần tạo điều kiện cho những nghệ sĩ thực sự có tài năng được tỏa sáng thì cũng cần khắt khe hơn với những nhân vật lợi dụng scandal để gây chú ý. Bản thân nghệ sĩ cũng phải làm tốt vai trò của mình, cống hiến nghiêm túc cho nghệ thuật để mang đến những sản phẩm có chất lượng. Chỉ khi cả hai cùng hướng tới mục tiêu tốt đẹp ấy thì mới mang lại mối quan hệ bền vững.

Ca sĩ Tân Nhàn: Nghệ sĩ và nhà báo nên giữ khoảng cách nhất định

- Là một nghệ sĩ tên tuổi, có thâm niên trong hoạt động nghệ thuật, theo Tân Nhàn thì báo chí, truyền thông có vai trò như thế nào trong sự thành công của người nghệ sĩ?

+ Với những người làm nghệ thuật, báo chí, truyền thông giữ vai trò quan trọng. Báo chí là chiếc cầu nối giữa nghệ sĩ và sản phẩm của nghệ sĩ với công chúng. Tuy nhiên, với điều kiện những người làm báo đó phải có sự hiểu biết nhất định về lĩnh vực mà họ theo dõi, cũng như hiểu rõ con người nghệ sĩ, trường phái nghệ thuật mà nghệ sĩ ấy theo đuổi để có được những bài viết có giá trị. Bởi, những bài viết vô thưởng vô phạt, thiếu sự đầu tư kỹ lưỡng và cả cái tâm của người làm báo lại khiến khán giả có cái nhìn sai lệch về nghệ sĩ.

- Tân Nhàn có nhận xét gì về đội ngũ những nhà báo theo dõi mảng văn hóa văn nghệ hiện nay?

+ Dù không thường xuyên xuất hiện trên mặt báo nhưng Tân Nhàn vẫn giữ thói quen đọc báo, nhất là những bài viết ở lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Qua đó, Nhàn thấy rằng có những nhà báo có tâm có tầm, mỗi bài viết của họ mang lại hiệu ứng xã hội tích cực.

Tuy nhiên, theo tôi, số lượng ấy không nhiều. Tôi từng đọc một số bài báo khiến tôi có cảm giác như nhà báo chưa hiểu rõ những gì mình viết, nhất là trong việc sử dụng những thuật ngữ chuyên ngành. Ví dụ như có lần tôi đọc một bài báo mà tác giả viết "Cô ấy có giọng tenor", trong khi tenor là giọng nam cao...

Tất nhiên, không đòi hỏi nhà báo phải đi học thanh nhạc, hay có những tìm hiểu quá sâu về nghệ thuật, nhưng khi viết bài về lĩnh vực ấy thì tôi cho rằng, các nhà báo nên tìm hiểu một số khái niệm cơ bản để sử dụng cho đúng. Với những bài báo viết về chân dung nghệ sĩ thì cần có sự tìm hiểu kỹ lưỡng nhân vật, nếu không, bài báo ấy sẽ hời hợt, không đọng lại điều gì khiến ngay cả nhân vật của bài cũng kém vui.

 - Tân Nhàn có thấy là dường như hiện nay, có một bộ phận báo chí đang khai thác quá sâu những scandal của gương mặt trẻ hơn là đưa đến những chân dung nghệ sĩ làm nghề nghiêm túc?

+ Theo tôi, tình trạng này nguyên nhân có từ 2 phía. Tôi được biết, một số nghệ sĩ trẻ đặt hàng báo chí để thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Ví dụ như tuần này anh/ chị viết cho em chủ đề này, chủ đề kia nhé! Vì sự thật, nếu không có sự "đặt hàng" ấy thì chẳng có nhà báo nào rảnh rang để mỗi tuần lại viết một bài về nhân vật ấy. Ngược lại, báo chí cũng cần câu khách, nên càng chú tâm vào scandal của nghệ sĩ.

Một số nghệ sĩ trẻ muốn nhanh chóng nổi tiếng nên trước khi ra album hay tổ chức liveshow... lại tạo một scandal nào đó. Là người trong nghề, những chiêu trò đó chúng tôi không lạ gì. Và tôi luôn đặt câu hỏi là tại sao lại phải làm như thế nhỉ? Vì nghệ sĩ muốn có những bước đi vững chắc trong sự nghiệp thì ngoài sự nỗ lực và học tập ra, không có cách nào khác.

- Để báo chí có được những đánh giá đúng nhất, khách quan nhất về nghệ sĩ, có lẽ báo chí và nghệ sĩ không nên... thân quá?

+ Đúng như vậy! Bởi ngay cả khi họ thân thiết, yêu quý nhau thật sự như chị em, bạn bè thì tôi e rằng những đánh giá sẽ không còn khách quan nữa. Giữa nghệ sĩ và nhà báo nên có một khoảng cách nhất định để mọi đánh giá được công tâm hơn. Bản thân tôi cũng vậy, mặc dù rất yêu quý một số nhà báo vì cái tài và cái tâm họ dành cho nghề nhưng không tìm mọi cách làm thân. Tôi cho rằng, quý mến nhau là dành thiện cảm cho nhau, tôn trọng công việc của nhau chứ không nhất thiết phải hàng tuần đi cafe, ăn trưa hay ủng hộ một cách thái quá...

- Dường như Tân Nhàn là một trong số những nghệ sĩ ngại lên báo. Nó trái ngược với xu hướng là muốn được lên báo bằng mọi giá như của một số bạn trẻ hiện nay?.

+ Vâng, bản thân tôi không thích xuất hiện trên báo cho vui hay bởi những lý do tào lao. Một số người phụ trách gameshow truyền hình mời tôi tham gia, hay một số anh chị nói mời Tân Nhàn tham gia những chủ đề như "Tân Nhàn với cách lựa chọn áo dài", "Tân Nhàn với việc làm đẹp"... nhưng tôi đều từ chối. Rất tôn trọng công việc của các nhà báo nhưng tôi chỉ muốn mình xuất hiện ở những chương trình có liên quan tới âm nhạc. Thực sự, tôi thấy ngại khi xuất hiện nhiều trên báo chí, truyền thông nếu như nội dung không đúng với sở thích, không phù hợp với tính cách của con người mình.

- Với tư cách là một nghệ sĩ, Nhàn có mong muốn gì với những người làm báo?

+ Tân Nhàn rất mong muốn những anh chị nhà báo sẽ quan tâm hơn và có cái nhìn chân thực, yêu thương với các nghệ sĩ làm nghề chân chính. Đặc biệt với các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn như múa rối, chèo, tuồng... báo chí sẽ giúp khán giả hiểu, yêu và ủng hộ những lao động nghệ thuật vất vả ấy.

- Cảm ơn Tân Nhàn!

NSND Hoàng Dũng: Nghệ sĩ rất cần khen đúng - chê đúng

Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay tôi có một kỷ niệm khá vui là các anh chị bên Hãng phim Truyền hình Việt Nam (VFC) sử dụng hình ảnh và câu nói của nhân vật Phan Quân (do tôi thủ vai trong phim "Người phán xử") trên tấm thiệp để chúc mừng các nhà báo trong tháng 6 ý nghĩa này.

Với tôi thì không chỉ riêng ngày 21 - 6, mà tôi luôn dành một tình cảm quý mến, trân trọng các nhà báo. Tôi luôn cho rằng, đối với văn học nghệ thuật nói chung và anh em nghệ sĩ biểu diễn như chúng tôi nói riêng, không thể nào thiếu báo chí. Không chỉ là cầu nối đưa chúng tôi đến với khán giả, báo chí còn giúp khán giả hiểu hơn những lao động nghệ thuật nhọc nhằn, vất vả mà nếu không có báo chí, chúng tôi không thể giãi bày cùng người hâm mộ.

Tôi khẳng định chắc chắn rằng, trong thành công của các nghệ sĩ, có đóng góp rất lớn của những người làm báo. Đơn cử một số bộ phim đang thu hút được nhiều sự quan tâm của khán giả hiện nay là "Người phán xử", "Sống chung với mẹ chồng"... thì sự đưa tin, bình luận của báo chí đã góp phần khiến khán giả quan tâm tới phim hơn.

Từ quan tâm đến bộ phim, khán giả dành sự quan tâm yêu mến tới những nghệ sĩ tham gia trong phim như chúng tôi. Trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình, tôi không nhớ đã trả lời phỏng vấn bao nhiêu lần, đã xuất hiện ở bao nhiêu bài báo. Đó là hạnh phúc của những người làm nghệ thuật như tôi. Ngoài những thông tin tôi chia sẻ với khán giả thì báo chí mang đến cho tôi những thông tin phản hồi sau mỗi vai diễn.

Trước mỗi thông tin trái chiều, tôi luôn bình tĩnh, nhìn lại những lời khen - chê đó. Nếu là "chê đúng" mình phải tiếp thu và rút kinh nghiệm. Nếu vì lý do nào đó mà nhà báo hay khán giả "chê sai", tôi sẽ tìm cách giải thích để các bạn hiểu rõ hơn. Cởi mở và thẳng thắn với báo chí cũng như khán giả là điều tôi luôn tâm niệm.

Gần đây, với sự lan tỏa của "Người phán xử", quả thật các bạn báo chí gọi điện liên hệ phỏng vấn tôi nhiều hơn. Tuy nhiên, tôi cũng phải từ chối một số người vì không muốn xuất hiện trên báo quá nhiều với những nội dung giống nhau. Khi bộ phim kết thúc, để có thể bàn luận hoặc có dự án phim mới, tôi sẵn sàng chia sẻ thông tin với báo chí.

Nhà báo Chu Thu Hằng, Phó Tổng biên tập Báo Văn hóa: Đừng mải câu khách mà quên rèn luyện bản lĩnh, đạo đức nghề báo

- Thưa nhà báo Chu Thu Hằng, là người công tác lâu năm trong lĩnh vực văn hóa - văn nghệ, chị thấy mối quan hệ giữa nghệ sĩ và báo chí hiện nay có những thay đổi nào so với trước đây?

+ Trước đây, Văn hóa - Văn nghệ là lĩnh vực bị coi nhẹ, “có cho vui”, một kiểu gia vị có tính chất “trang điểm”. Giờ thì khác, đặc biệt với báo mạng, văn hóa-văn nghệ, giới showbiz là đề tài thu hút sự quan tâm của bạn đọc, ở khía cạnh nào đó giới showbiz là đối tượng phục vụ cho mục đích câu like, câu view, từ đó đem lại doanh thu cho báo chí. Thực tế đó đã khiến giới làm báo thiết lập quan hệ thân thiết và chặt chẽ hơn với giới showbiz.

Các nghệ sĩ cần báo chí để quảng bá công việc và hình ảnh của mình. Nhà báo cần nghệ sĩ để có thông tin mới nhất, nhanh nhất và độc quyền. Không ít nhà báo quan hệ với nghệ sĩ như “người nhà”, nhất cử nhất động của nghệ sĩ được cập nhật hằng ngày. Điều này giúp công chúng hiểu hơn công việc và cuộc sống của những người trong giới showbiz. Mặt khác, đôi lúc sự thân thiết “người nhà” này cũng đưa tới công chúng những thông tin không thật khách quan, dẫn đến có độ vênh trong nhìn nhận, đánh giá cùng một sự kiện, một nhân vật ở các báo khác nhau, khiến dư luận đặt câu hỏi: Đâu mới là sự thật?

- Có ý kiến cho rằng, ở mảng báo chí văn hóa văn nghệ, ngày càng ít những cây bút sắc sảo, viết bài chê mà nghệ sĩ vẫn phục... Từ quan sát thực tế và công việc của chính mình, chị có thấy như vậy không?

+ Làm báo bây giờ thuận lợi hơn nhiều so với trước vì trước mỗi sự kiện, nhà báo được cung cấp tư liệu, thông tin, hay còn gọi là “thông cáo báo chí”, thậm chí có cả những bài phỏng vấn nghệ sĩ được ê kíp tổ chức sự kiện làm sẵn. Trong bối cảnh cạnh tranh thông tin, thay vì tìm tòi, khai thác thông tin độc quyền, đánh giá sự kiện, tác phẩm, hành vi của đối tượng căn cứ vào kiến thức, sự hiểu biết mang dấu ấn năng lực, chính kiến cá nhân, không ít nhà báo thể hiện cách làm khá lười nhác là cắt xén thông cáo báo chí; thậm chí sử dụng nguyên văn thông cáo báo chí, bài phỏng vấn có sẵn để đăng tải. Trên thực tế, có không ít sự kiện, cùng một nội dung nhưng hàng chục tờ báo đưa giống nhau đến từng dấu phẩy nhưng tít khác nhau và tên tác giả khác nhau.

Cách làm báo dễ dãi của một số nhà báo trẻ đã khiến họ không rèn luyện được bản lĩnh; không xây dựng được cá tính riêng cho ngòi bút của mình. Nói cách khác, ngòi bút của họ chưa kịp sắc đã mòn, nhạt.

- Chị có cho rằng, một bộ phận báo chí hiện nay đang quá dễ dãi khi viết về những chiêu trò của những nhân vật trẻ, góp phần đưa những tên tuổi này nổi tiếng trong khi chưa có đóng góp gì cho nghệ thuật?

+ Hầu hết các báo đều đang chịu áp lực về doanh thu, thu hút quảng cáo. Bài toán cơm áo luôn nghiệt ngã với nghề phu chữ.  Áp lực này đã, đang và sẽ tiếp tục đổ lên vai các nhà báo. Chạy đua thông tin; khai thác yếu tố giật gân câu khách, không ít nhà báo lạc trong hành trình tìm kiếm sự ăn khách mà quên mất việc rèn luyện bản lĩnh, trau dồi nghề nghiệp, đạo đức người cầm bút.

Các bài báo na ná nhau về nội dung, hời hợt, chạy theo mục đích câu khách, thỏa mãn chí tò mò của một bộ phận độc giả lại được các tòa soạn đăng tải. Thậm chí có báo quy định bài báo đạt được bao nhiêu view, bao nhiêu like mới được lĩnh nhuận bút. Sự ủng hộ có tính chất “tiếp tay” này đã khiến một số nhà báo trẻ nhầm tưởng, thậm chí tự huyễn hoặc, coi cách làm ấy, lối làm ấy là chuẩn và thời thượng.

- Gần đây, có tình trạng một số nhà báo kiêm luôn việc phụ trách truyền thông, hình ảnh cho nghệ sĩ... Theo chị, điều này có khiến bài viết, quan điểm của họ không thật sự công tâm?

+ Nếu đã phụ trách truyền thông cho nghệ sĩ thì không nên viết báo nữa. Bởi lúc đó, anh là người phát ngôn của nghệ sĩ chứ không phải là nhà báo với cái nhìn khách quan; đánh giá tác phẩm, sự việc, nghệ sĩ bằng năng lực, kiến thức trên cơ sở sự thật. Trong khi sức mạnh của báo chí là sự thật. Không tôn trọng sự thật, coi trọng sự thật, viết báo bằng cái tâm, cái tài của mình, nhà báo khó có được sự tôn trọng, yêu mến của độc giả và xã hội.

Cách đây một năm, bộ phim "Nguyệt thực" (45 tập) do tôi viết kịch bản được phát sóng (kênh VTV3). Phim khai thác mối quan hệ giữa nhà báo và giới showbiz. Nhiều chi tiết trong kịch bản liên quan đến việc bảo kê nghệ sĩ của nhà báo là những chuyện có thật mà chúng tôi khai thác từ thực tế qua các đồng nghiệp; qua các nghệ sĩ. Mối quan hệ mang màu sắc lợi nhuận này ở mức độ nào đó đã tạo ra một bức tranh chưa thật sự đúng về nghệ sĩ và hoạt động nghệ thuật vốn đa sắc, cần được nhìn nhận một cách khách quan và nhiều chiều.

- Theo chị, giữa nghệ sĩ và báo chí duy trì mối quan hệ ở mức như thế nào thì tốt đẹp?   

+ Chúng ta nên rành mạch giữa quan hệ và công việc. Nếu nói nhà báo không nên thân với nghệ sĩ, thì cũng không nên thân với những người làm ở các ngành nghề khác trong xã hội. Như thế thì nhà báo không thể thân được với bất cứ ai, vì nghề báo có chức năng phản ánh toàn diện xã hội. Vấn đề ở chỗ, khi làm việc, nhà báo phải coi trọng đạo đức nghề nghiệp, tách bạch quan hệ và công việc, coi trọng sự thật để có những bài báo khách quan.

Muốn trở thành một cây bút được xã hội tôn trọng, đồng nghiệp tôn trọng phải biết giá trị tạo nên ngòi bút của mình là… sự thật, là cái tâm, cái tầm của người cầm bút.

- Xin chân thành cảm ơn chị! 

Thảo Duyên - Tuấn Phong
.
.