Ngành Giáo dục với việc xây dựng tri thức và nhân cách

Thứ Ba, 13/12/2016, 08:00
Nhìn rộng ra thực trạng dạy và học hiện tại, tôi nghĩ, điều đáng lo ngại, không phải là khi trí thức tương lai không tìm được câu trả lời chính xác, mà là khi rất nhiều em không đặt ra nổi một câu hỏi cho phù hợp. Mặt đáng lo nhất thật ra không phải là chuyện kiến thức...


Quan trọng là phương pháp giáo dục

Nguyễn Hồng Lam

Một cô kỹ sư mới ra trường dự thi gameshows trên truyền hình đã không tài nào trả lời nổi câu hỏi đơn giản là canh cua thường nấu với rau gì, không biết El Nino là một hiện tượng thời tiết… Một bài viết chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi trên đất Mỹ có đề cập đến chuyện mua lều, dùng xong trả lại trước hạn cho phép để khỏi tốn tiền. Sốc hơn  cả là câu hỏi của một cô sinh viên dành cho nhà tuyển  dụng: “Em phải học như thế nào để đạt được mức lương khởi điểm 2.000 USD/tháng?”. Những câu chuyện vụn vặt đã đẩy vấn đề lên thành một cuộc tranh cãi khá dữ dội.

Khen hay chê, các ý kiến trái chiều thật ra cũng đang giúp soi vào một vấn đề có tính  triết lý của ngành Giáo dục. Hàng loạt câu hỏi khiến người ta nhớ lại câu chuyện so tài thông minh giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên Do Thái  tại Liên Xô (cũ) nhiều thập niên trước. Mỗi bên thi 3 người, trên chuyến đi và về giữa Moskva - Kiev bằng  tàu hỏa.

Vòng đi, 3 sinh viên Do Thái mua 3 vé, 3 sinh viên Việt Nam chỉ mua một vé. Khi nhân viên soát vé xuất hiện, họ trốn vào buồng vệ sinh, thò vé ra để lấy dấu kiểm tra. Chờ nhân viên kiểm tra đi khuất, ba người ung dung mở cửa bước ra tìm ghế ngồi, tiết kiệm được 2 vé.

Vòng về, đề phòng phía Việt Nam láu cá, 3 sinh viên Do Thái chỉ mua 1 vé và nhanh chân cùng nhau chiếm lĩnh buồng vệ sinh trước. Trong khi đó 3 sinh viên Việt Nam chỉ mua 2 vé. Người không vé giả làm nhân viên tàu gõ cửa toilet và… đút túi chiếc vé do 3 sinh viên Do Thái thò ra, sau đó  báo cho nhân viên soát vé biết chuyện trên tàu có  ba sinh viên Do Thái đi lậu vé, đẩy họ vào tình thế bị phạt...

Gạt bỏ tính hoạt  kê, câu chuyện lại thể hiện nhiều khía cạnh đáng buồn, được coi là hệ lụy của cả một  quy trình giáo dục. Trốn vé không phải là thông minh, chỉ là trò khôn vặt, phần nào kém tự trọng. Người đàng hoàng, đúng luật pháp thì có thể ung dung ngồi trên chính chiếc ghế xứng đáng của họ. Kẻ láu cá thì luôn phải chen chúc, trốn chui trốn nhủi nơi ô uế. 

Thi thố thì phải minh bạch, giành chiến thắng bằng năng lực chứ không chơi gian lận thi cử. Trong câu chuyện trên, 3 sinh viên  Việt Nam lừa đối thủ, chơi xấu, ăn cắp vé, đáng bị truất quyền thi đấu. Nên nhớ tiểu xảo chỉ giúp vượt qua người khác nhưng không giành được sự tôn trọng, không thắng được chính bản thân. Nếu có luật, 3 sinh viên Việt Nam đáng bị xử thua 0-3.

Thiện Nhân chụp cùng đạo diễn Đặng Hồng Giang.

Từ phía phẩm cách con người, việc bày một cuộc chơi không trung thực, tự mình đặt luật, lợi dụng sự vô tư của người khác thì có thắng cũng chỉ là gà què ăn quẩn cối xay, quẫy đục ao nhà chứ không hy vọng khiến sông hồ dậy sóng, nói chi chuyện đường đường vươn ra biển lớn. Trong khi đó, những trò khôn vặt có thể giúp thắng trong một trò đua chen cụ thể, nhưng đó là phép thắng lợi của mưu chước, không có cơ hội tái áp dụng, không thành tư tưởng hay học thuật. Và do đó, nó không có giá trị giáo hóa, cải tạo hay giúp ích cho xã hội.

Nhìn rộng hơn,  bản chất của sự tiến bộ là vượt qua chính mình, không phải thi thố thắng người bằng mọi giá. Thắng thua ăn sâu trong tâm trí người Việt. Đó không phải là chỉ dấu của sự thông minh hay phát triển. Ngược lại, tham thắng thua trong mọi sự là chỉ dấu của sự chậm phát triển, biến xã hội chúng ta thành tập hợp của một đám trẻ con nhiều tuổi.

Đa số người đọc Việt Nam, khi đọc câu chuyện này đều có khoái cảm tự trào rằng Việt Nam thông minh. Điều này chứng tỏ đa số chúng ta đang có xu hướng vô ý cổ súy cho sự lọc lõi, giả dối, phỉ báng tri thức thật sự. Nó cũng giống như hàng nhiều đời này chúng ta khen ngợi, say mê, cổ súy cho kiểu trí khôn Trạng Quỳnh, Thủ Thiệm: dối trá, manh mún, nhỏ nhen, tiểu xảo, thiếu trung thực và bậy bạ…, vốn dĩ là những phẩm chất phi học thuật, phản trí tuệ, phản giáo dục.

Không thể coi đó là thông minh, là sự ưu việt tri thức, mà phải coi đó là một thảm trạng đáng xấu hổ. Lỗi, trước hết thuộc về truyền thông và phương pháp giáo dục của một xã hội không biết cách dạy lập trí, chỉ nhỏ nhen dạy cách lập mưu.

Với tâm thế đó, bạn đi du lịch làm gì, mang theo gì và nhặt được những gì, hay chỉ cốt đi ra cho thế giới chê cười vì những vết thẹo xấu trên lưng mà ta đã dốt nát phô ra?

Thầy Nguyễn Đức Thạch (Trường PTHT Lê Quý Đôn,  Ninh Thuận): Cần giúp học sinh biết đặt câu hỏi hơn là cố tìm câu trả lời đúng mẫu

Tôi có một học sinh rất “cá biệt” về mọi lẽ. Dương Anh Vũ năm nay 28 tuổi. Vũ có khả năng nhớ 108 hệ thống dữ liệu thống kê toàn cầu với 22.248 mục, trong đó chứa 41.725 con số, 18.725 mục dữ liệu chữ. Vũ đã được ba tổ chức kỷ lục thế giới gồm: Quỹ Nghiên cứu Hỗ trợ Kỷ lục Thế giới (Research Fundation Assist World Record – Mỹ), Sách Kỷ lục Thế giới High Range (High Range Book of World Records – Hồng Kông) và gần nhất là Sách Kỷ lục Incredible (Incredible Book of Records - Ấn Độ) ngày 6.11 công nhận đã lập 4 kỷ lục về trí nhớ học thuật.

Vậy nhưng, hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng 9 lớp phổ thông cơ sở em đã phải học mất 10 năm, năm nào cũng phải thi lại nhiều môn, có một năm phải lưu ban. Vì học yếu nên lên cấp 3, Vũ chỉ có thể học hệ bổ túc, và do đó không được thi học sinh giỏi khi học lực đã trở nên vượt trội ở hai năm lóp 11 và 12. Lúc đó tôi đã khuyên em rằng đừng quan trọng chuyện lập kỳ tích, hãy cố gắng để thi đậu vào một trường đại học lớn, lấy đó làm cơ hội để tiếp cận tri thức khoa học và chứng tỏ mình. Sau 4 năm đại học, cậu học trò “chuyên gia thi lại” ấy đã  đàng hoàng lấy được học bổng du học Thạc sĩ tại New Zealand.

Bây giờ thì em đã được xem như một thiên tài, được cả thế giới công nhận. Vũ bảo, em chỉ nhận ra mình không hề dốt mà thực sự có khả năng khi trong em khai mở được nhu cầu được học tập. Vũ bảo em thấy mình không phải là đói, mà là siêu đói tri thức, càng học càng ham thích, học đến đâu nhớ đến đó. Em không còn nghĩ  gì chuyện điểm số, thứ hạng, chỉ nghĩ đến chuyện học và học.

Theo tôi, bước ngoặt của kỷ lục thế giới Dương Anh Vũ là đã tự tìm được cho mình câu hỏi học để làm gì, vì cái gì. Từ đó, những ước mơ về chân trời khoa học lớn dần, dẫn em đến thành công.

Nhìn rộng ra thực trạng dạy và học hiện tại, tôi nghĩ, điều đáng lo ngại, không phải là khi trí thức tương lai không tìm được câu trả lời chính xác, mà là khi rất nhiều em không đặt ra nổi một câu hỏi cho phù hợp. Mặt đáng lo nhất thật ra không phải là chuyện kiến thức...

Nền giáo dục của chúng ta đang đào tạo ra một thế hệ tương lai đầy ham muốn định vị bản thân trong đời sống xã hội nhưng lại không định vị được công việc mình sẽ muốn làm, và làm được gì. Nó chỉ tạo ra nhiều tham vọng nhưng không giúp nhiều cho việc hình thành những ước mơ.

Trong nhiều năm qua, chúng ta đang duy trì và lao theo một khuôn mẫu giáo dục thực dụng, đánh đồng giáo dục với đào tạo, bỏ rất  xa phần trọng tâm là triết lý khai mở con người cả về tri thức lẫn nhân cách. Cách dạy và học đó không đem lại kết quả giúp các em nắm vững phương pháp và có khả năng tự  đặt vấn vấn đề để tư duy. Nó cũng chưa giúp  học sinh đạt kỹ năng cần thiết để giải quyết các vấn đề của công việc đời sống. Nó chỉ trang bị cho các em kỹ xảo để đối phó, chủ yếu là nhằm vượt qua các kỳ thi cử thuần máy móc và công thức.

Xã hội đang tồn tại một nền giáo dục thiếu triết lý giáo dục đúng đắn, từ đó dẫn đến sai phương pháp. Nền giáo dục đó đang loay hoay và dường như chưa thoát nổi tầm mức tư duy chỉ trỏ, mà chúng ta vẫn quen mô tả khá mĩ miều bằng cụm từ "trực quan sinh động"...

Thay vì bày cho sinh viên học sinh những câu trả lời, tôi nghĩ đã đến lúc cần thay đổi để giúp các em biết cách tự tìm cho mình những câu hỏi.

TS Lê Thị Thanh Tâm- Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội: Tư duy “ban thưởng” trong giáo dục

Việc giáo dục một con người rất cần sự động viên, khuyến khích. Tuy nhiên, tư duy “ban thưởng” của nó trong tiếp cận và xử lí tri thức lại tiềm ẩn mối nguy về khả năng làm chủ tri thức.

Ban thưởng ở đây được hiểu là “nếu học trò học theo đúng ý của người dạy thì mới được khen (thậm chí được thưởng)”. Quan điểm này nói chung không hẳn sai. Nhưng “ý người dạy” là gì?

Nếu một người thầy nghĩ rằng mình xoá mù kiến thức cho học trò thì người thầy đó có phần đúng. Nhưng sẽ đúng hơn nữa, nếu người thầy nghĩ rằng mình giúp học trò biết nghĩ ngợi và biết đối thoại với thầy. Và sẽ đúng hơn nữa nếu người thầy nghĩ rằng khả năng tự suy nghĩ của học trò là điều luôn tươi mới, gây bất ngờ, biết đâu ta cũng sẽ lây cái tươi mới đó.

Và sẽ còn đúng đắn vô cùng nếu người thầy nghĩ rằng, hình như học trò đã biết cách tự khơi nguồn rồi, tự nghĩ và tự phân tích điều mình nghĩ. Khi đó, “ý người dạy” không làm chúng ta lo lắng. Vì cái “ý” đó đã cộng thông với tinh thần khai phóng của giáo dục.

Cách đây khoảng 10 năm, một cậu học trò trung học cơ sở đã chia sẻ với tôi về một bài thơ trong chương trình Ngữ văn 9. Cậu bé nói: “Cô ơi, cô giáo con nói, câu thơ “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên – giữa một vầng trăng sáng dịu hiền” là nói về cái đèn cao áp ở lăng Bác đó cô”. “Sao lại thế?” - Tôi hỏi. Cậu bé trả lời: “Thôi, cứ theo cô giáo con đi, nếu không là không qua nổi điểm 7 đâu cô”.

Khi “ý” cô giáo thấp đến thế thì không nên khen học trò nếu học trò làm đúng cái ý ấy. Trò làm đúng cái kém, cái sai, cái lệch lạc mà được khen thì rõ là cô hại trò. Hại ra trò!

Cho nên, mệnh đề “làm đúng ý người dạy thì được khen” là mối nguy hại không đỡ nổi. Tôi ngờ rằng cái mệnh đề đó đang tồn tại rất mạnh mẽ và bền bỉ trong nền giáo dục của chúng ta. Được khen khi làm đúng ý một ai đó, một đại diện mơ hồ nào đó, một quy chuẩn xa xôi nào đó cũng khiến học trò sung sướng rạng ngời, và sau này, khi lớn lên, hẳn anh học trò ấy cũng sẽ luôn cố gắng làm “con ngoan trò giỏi” mọi lúc.

Rõ ràng, chân lý, sự thật, và hàng ngàn sự thật khác sẽ khó có mặt trong lối tư duy ban thưởng đó. Học để có điểm tốt, học để thi thật giỏi, học để bố mẹ vui lòng, học để thầy cô tự hào, học để vì… ai ai nữa, rốt cuộc, học để được… khen. Khen là đến đích. Khen là hoàn thành sứ mệnh.

Có cái gì đó rất lệch trong “định hướng” ngầm như vậy trong tư duy ngành sư phạm. Tôi dùng từ “định hướng” vì nếu không có định hướng thì không thể phổ biến và dai dẳng đến thế.

Giáo dục, suy cho cùng, không phải để được khen, mà để cho cơ chế đòi hỏi nhận thức của mỗi người được mở toang và vận động liên hồi. Nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam có kiến thức mà không có nhận thức. Vì kiến thức thì ai cũng có thể cho họ. Còn muốn có nhận thức thì họ phải tự tạo dựng tri thức cho bản thân họ. Mà chừng nào còn thích làm “con ngoan trò giỏi” thì họ còn bế tắc trong tạo dựng.

Họ sẽ lo lắng: Tạo dựng cho ai, để làm gì? Rồi, có được khen không?

Đạo diễn Đặng Hồng Giang: Đầu tiên phải học sự tử tế

Mai Quỳnh Nga (thực hiện)

Năm 2014, Đặng Hồng Giang gây chú ý khi trình làng bộ phim “Lửa Thiện Nhân”, kể lại hành trình giành giật cuộc sống cho cậu bé bất hạnh – chú “lính chì dũng cảm” Phùng Thiện Nhân. Bộ phim đã được chọn chiếu khai mạc tại Liên hoan phim độc lập New York 2014 và là phim đại diện cho Việt Nam trong chùm phim “Panorama - điện ảnh thế giới chọn lọc” tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội vào cùng năm.

Năm 2016, anh tiếp tục gây tiếng vang với chùm ba phim tài liệu: “Mầm sống”, là câu chuyện một bà mẹ sinh con từ tinh trùng của người chồng quá cố; “Đáng sống” kể về nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu, người chống chọi căn bệnh ung thư bằng đôi chân bôn ba khắp rừng sâu, núi thẳm, chụp hình muôn loài chim chóc; “Một con đường” khắc họa nên hình hài một người nông dân nhỏ thó, gương mặt lam lũ hớn hở như trẻ con nếu ngày nào rà trúng trái bom, quả mìn còn nguyên (vì bán được nhiều tiền gửi cho con ăn học).

Kiên trì và chấp nhận thách thức, chọn thể loại phim tài liệu kén khán giả để làm phim nhựa. Nhưng theo đánh giá của cả giới chuyên môn lẫn  khán giả đã xem phim, Đặng Hồng Giang đang “thắng lớn”, đang khẳng định tên tuổi như một đạo diễn tài năng. Những mảnh ghép của Đặng Hồng Giang đã thật sự chạm sâu vào cõi người…

- Nghe nói anh từng cầm sổ đỏ nhà mình để lấy tiền làm phim “Lửa Thiện Nhân”. Bây giờ anh lại mạo hiểm đến vùng bom đạn để quay người chuyên rà bom, đạn kiếm sống.  Anh có sợ mình mạo hiểm đánh đổi và dành nhiều tâm sức như vậy nhưng phim làm ra lại bị xếp xó, ít người quan tâm không bởi thực tế đã có những phim chất lượng nghệ thuật rất tốt nhưng không đến được với khán giả?

+ Ý bạn là tôi mạo hiểm với tài sản, tiền bạc, mạo hiểm cả với tính mạng đó ư? Bạn có nghe là giá vé phim “Lửa Thiện Nhân” của tôi đắt hơn phim truyện (2D) ở những rạp lớn, mà còn cháy vé không? Tất nhiên là… cháy cục bộ ở một cái rạp Ngọc Khánh 90 chỗ (cười lớn…).

Tuy nhiên, qua đó tôi đã chứng minh cho mình và cho các đồng nghiệp của tôi rằng, rõ ràng khán giả của chúng ta không quay lưng, ngoảnh mặt với phim tài liệu. Vấn đề đặt ra thật nghiêm túc là chính các nhà làm phim đã thực sự mặn mà với khán giả chưa? Ờ, từ nhiệt huyết, kiến thức chuyên môn, đến kinh phí đầu tư rõ ràng là chưa. Vậy thì sao đòi khán giả mặn mà với mình được!?

Tôi làm phim, làm nghề, mà nói bay bổng một tí thì đó là “nghệ thuật vị nhân sinh”, chứ tôi chẳng dư dả tiền bạc để làm nghệ thuật bay bổng, nên sẽ chẳng lo phim bị xếp xó đâu!

- Nhắc tới phim tài liệu, nhiều người nghĩ rằng nó nặng tính tuyên truyền và minh họa, rất hiếm phim có cách thể hiện đột phá cuốn hút người xem, nhất là chạm vào cảm xúc. Vậy mà thời gian gần đây liên tục xuất hiện những bộ phim được chiếu ở các rạp và bán vé hẳn hoi, sức nóng không kém cạnh gì phim “bom tấn” điện ảnh như “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” (đạo diễn Nguyễn Thị Thắm), “Lửa Thiện Nhân” và  bây giờ là “Đáng sống”... Dưới góc nhìn của người trong nghề, anh nhận xét thế nào về phim tài liệu ngày nay?

+ Bạn nên xem các kênh Discovery, National Geographic vv… chuyên về phim tài liệu để so sánh phim của họ với phim tài liệu của mình để tự rút ra câu trả lời. Điều đó tốt hơn là tôi nói vì tôi chẳng muốn làm ai buồn cả. Đây là những kênh truyền hình “ruột” của tôi. Tôi xem, học họ và sáng tạo để làm theo cách của tôi.

Tuy nhiên, tôi phải nói một câu chuyện có thật là ở ta có người đang đi dạy về phim tài liệu còn chưa hiểu hết khái niệm và các thể loại trong phim tài liệu. Thấy nguy hiểm quá, tôi lục tài liệu của UNESCO, dịch ra đưa anh ấy xem. Vì nếu không thì nhiều thế hệ những nhà làm phim tài liệu tương lai của chúng ta đã và sẽ mù mờ như thầy họ vậy, làm sao mà làm!?

 - Các nhà làm phim trẻ nếu họ muốn dấn thân theo dòng phim tài liệu, lăn lộn với những đề tài “khó nhằn” và kén chọn công chúng thì theo anh họ nên làm gì?

+ Tôi luôn nói với các đồng nghiệp trẻ, các học trò của mình là dấn thân vào đây thì phải tập “nghiến răng”, tức là phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ, nhất là những quyền lợi vật chất trước mắt. Và cũng đừng bao giờ mơ làm giàu bằng phim tài liệu. Có chăng thành công nào để cho ta được sống sạch sẽ, để làm nghề đàng hoàng, sống có mục đích, với tôi thế là đáng sống. Tuy nhiên, nếu… “chẳng may”, gần ta nhất như ông Jin Mo-Yung Hàn Quốc làm phim tài liệu hiện thực “My love, dont cross that river” doanh thu phòng vé nội địa đạt 6,3 triệu đô, được đề cử Oscar thì… đành phải giàu to vậy (cười lớn…).

- Sắp tới anh vẫn tiếp tục gắn bó với đề tài về sự tử tế nữa chứ?

+ Tất nhiên vẫn. Làm những đề tài về sự tử tế là để trước hết cho mình cũng học và hướng đến những điều tử tế. Còn dự định à? Ước mơ và dự định lớn nhất trong thời gian tới của tôi là làm phim tài liệu hiện thực cho…thiếu nhi!

- Cỏ vẻ như anh lại tự chọn cho mình một “chuyến” mạo hiểm mới?

+ Có lẽ thế. Tin hay không tùy bạn (Cười).

- Xin cảm ơn anh! 

PV
.
.