Nét đẹp Hoa Từ Bi

Thứ Sáu, 18/09/2015, 08:00
Cách đây chừng 7 năm, một nhóm thanh niên 8x tập hợp lại, thầm lặng làm từ thiện trên địa bàn quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh. Công việc của họ khi đó là phát thức ăn miễn phí cho người vô gia cư, đồng thời thông qua hoạt động từ thiện, giác ngộ và kéo những thanh niên lầm lỡ, nghiện hút, những cậu ấm cô chiêu vì ham chơi, nghiện game online mà trở thành "nghịch tử" trong gia đình.

Năm 2012, hoạt động thiện nguyện của nhóm trở nên chuyên nghiệp hơn, bằng sự ra đời của quán cơm chay đầu tiên giá 5.000đ, mang tên Hoa Từ Bi. Năm 2014, quán cơm chay giá 5.000đ Hoa Từ Bi thứ 2 ra đời trên địa bàn quận 6, đánh dấu một quá trình thiện nguyện không mệt mỏi, không ngừng nghỉ…

Mới 10h sáng, ông Khoăn Văn Ngắc, 68 tuổi đã dựng chiếc xe lôi trước cửa quán cơm Hoa Từ Bi 2 tại số nhà 22, đường Lê Mậu Tuấn, phường 13, quận 6. Bữa trưa của ông hôm nay đến sớm hơn mọi lần, vì hôm nay tiện đường chạy qua, rồi phải xuống dưới tận quận 5 để đón mối khách quen.

Với cái giá 5.000đ, Hoa Từ Bi 2 là địa điểm quen thuộc hàng ngày của ông Ngắc. 68 tuổi, sức đã yếu, lại thêm cái chân gãy vì tai nạn giao thông, khiến cho thu nhập của người đàn ông quê Long An này trở nên không hề ổn định. Ngày nào nhiều thì được chừng 200.000đ, hôm nào ít chỉ được 30.000 - 40.000đ, nếu không có những địa chỉ như Hoa Từ Bi 2, những bữa cơm Sài thành trở nên quá sức đối với ông Ngắc.

Sư thầy Thích Trí Bửu và tập thể tình nguyện viên của quán cơm chay từ thiện Hoa Từ Bi 2.

"Quán dễ thương lắm chú ơi. Đồ ăn chay nhưng nấu ngon, sạch sẽ và kỳ công, cơm thêm thoải mái, trà đá miễn phí. Tụi nhỏ phục vụ hiền lành, thương người, lễ phép, nên vào ăn không có ngại gì cả, tui vô hoài à!", ông cười khà khà chia sẻ.

Chừng nửa tiếng sau, chị Nguyễn Thị Thà, 42 tuổi, quê tận ngoài Bắc Ninh cẩn thận dựng chiếc xe đạp thu gom phế liệu xa xa bên ngoài để tránh làm vướng người khác, rồi cởi nón bước vào quán. Hoa Từ Bi 2 cũng là "quán ruột" của chị Thà. Với mức giá 5.000đ "bao no bụng", phần chi tiêu cho ăn uống trong ngày không trở thành gánh nặng đối với mức thu nhập bấp bênh của nghề thu gom phế liệu.

Cũng mới 10h sáng, không trực tiếp ăn tại quán, nhưng bác Nhi, chạy xe ôm ở Bình Phú lại thường ghé qua Hoa Từ Bi để mua đem về. Người đàn ông 57 tuổi cười cho biết, hôm nay ông qua mua cơm sớm, treo sẵn trên xe, rồi đi đón mối khách quen. "Không có suất cơm này treo sẵn trên xe, tôi phải mất tới 20.000đ để ăn cơm ngoài đường mà không có no".

Để chuẩn bị trung bình 1.000 suất cơm mỗi ngày cho những người lao động như ông Ngắc, như chị Thà, như bác Nhi, những tình nguyện viên của quán Hoa Từ Bi 2 đã phải thức dậy từ 4h30' sáng. Lịch làm việc đều đặn hàng ngày của họ tuân thủ một thời gian biểu nghiêm ngặt: 4h30 bắt đầu nấu cơm, 5h30 làm đồ ăn sáng, 6h30 bắt đầu bán đồ ăn sáng, song song với việc bán đồ ăn sáng là làm cơm cho bữa trưa.

Ngày rằm và mùng 1 hàng tháng, cường độ làm việc còn cao hơn, vì ngoài phần cơm bán cho khách, họ còn phải chuẩn bị chừng 1.000-2.000 suất cơm từ thiện để phát trong các bệnh viện, phục vụ bệnh nhân và gia đình bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Quán cơm từ thiện Hoa Từ Bi 2 có khoảng 10 nhân viên phục vụ. Họ đều là những phật tử, tình nguyện viên, hoặc sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tình nguyện theo sư thầy Thích Trí Bửu làm việc thiện nguyện. Luôn chân luôn tay, họ luân phiên nhau chuẩn bị thực phẩm, nấu, bê xuống gác trút vào các khay, chuẩn bị suất ăn cho khách, dọn dẹp khi khách ăn xong, rửa chén bát nồi niêu, cọ rửa bếp, cọ rửa sàn nhà…

Đằng sau hậu viện chùa Pháp Giới (quận Tân Phú), bên cạnh khu nhà cao tầng đang được xây mới, nằm lọt thỏm phía góc vườn giáp khu dân cư, là một căn phòng kỳ lạ. Đúng nghĩa hơn, đó là một căn phòng tạm, dựng lên bằng những hàng gạch đơn, mái lợp tấm xi măng. Trong quần thể đồ sộ và trang nghiêm của chùa Pháp Giới, căn phòng tạm bợ khuất nẻo này chẳng khác gì một thảo am.

Sư thầy Thích Trí Bửu cười giải thích với khách, đây là sự ưu ái của Hoà thượng trụ trì chùa Pháp Giới dành cho mình. Với công việc điều hành bề bộn quản lý 2 quán cơm chay Hoa Từ Bi 1 và 2, với việc bận rộn tiếp xúc bao bạn bè đồng hành, đệ tử thị giả, những người có thiện tâm công đức cho quán cơm chay… Hoà thượng trụ trì dành riêng cho thầy Trí Bửu một góc riêng biệt.

Căn phòng này vừa giúp thầy Trí Bửu tu tập hoằng pháp, vừa tránh được những bề bộn phàm trần ảnh hưởng đến không gian chung của chùa. Cái ý cái tứ sâu xa của Hoà thượng trụ trì, vừa tạo cho đồ đệ một không gian "tu trong cõi tục", vừa tạo điều kiện thuận lợi cho đồ đệ hoằng pháp thông qua công việc thiện nguyện… là công đức vô lượng, không phải nhiều người có thể làm được.

Năm 2004, Tăng sỹ Thích Trí Bửu từ Long An đặt chân tới thành phố Hồ Chí Minh, được gửi vào chùa Pháp Giới để tu tập. Trong quá trình học tập khoá trung học Phật giáo, vị tăng sỹ trẻ sinh năm 1985 này tỏ ra mặn mà với cái nghiệp từ thiện. Thầy Thích Trí Bửu, cùng với những bạn bè là phật tử cùng trang lứa, thường tự tích cóp, hoặc hoá duyên, rồi mua cháo, bánh, sữa… mang đi tặng người nghèo.

Trung bình mỗi ngày, nhóm từ thiện sơ khai ấy đi phát chừng 50 đến 70 phần cơm cho người nghèo, người vô gia cư… trên địa bàn quận Tân Phú. Với khả năng nhập thế, sự năng động, và trên hết là tấm lòng chân thành, thầy Trí Bửu đã cảm hoá được nhiều bạn trẻ cùng lứa tuổi tích cực tham gia nhóm từ thiện.

Điều đáng ngạc nhiên, nhiều người trong số họ là những thanh thiếu niên quậy phá, nghiện xì ke ma tuý, nghiện game online, là những "gánh nặng" trong gia đình, sau khi được bạn bè giới thiệu, về sống chung với thầy, cùng sinh hoạt với nhóm… đã trở thành những tình nguyện viên nhiệt thành.

"Thoạt đầu, nhiều người đến với thầy chỉ để xem như thế nào, còn nhiều hoài nghi lắm. Nhưng dần dà, mình dùng tình thương, sự sẻ chia, thậm chí cả nước mắt, đã cảm hoá được họ", thầy Trí Bửu tâm sự. Thầy không thể nào quên được câu chuyện, một cậu bé, vì nghiện game online, được gia đình gửi cho thầy để bảo ban. Khi cậu nói dối thầy, vẫn lấy tiền lén đi chơi game trở lại, thầy đã bất lực ngồi khóc. Chứng kiến cảnh đó, cậu đã xin lỗi thầy, và không tái phạm nữa.

Vào ngày rằm và mùng 1, Hoa Từ Bi phải chuẩn bị thêm từ 1000 - 2000 suất cơm từ thiện để phân phát tại các bệnh viện cho bệnh nhân nghèo.

Không chỉ theo học Trung học Phật giáo, thầy Trí Bửu còn theo học song song văn bằng 2 tại trường Đại học Ngoại ngữ và Du lịch. Thấy đệ tử bề bộn trong đường trần, Hoà thượng trụ trì đã gọi Trí Bửu lại khuyên nhủ. Nhìn thấy rõ hướng đi, vị tăng sỹ trẻ đã quyết định sắp xếp lại công việc của mình: thôi học văn bằng 2, và quyết định mở một quán cơm chay từ thiện, thay cho việc đi phát đồ ăn hàng ngày.

Năm 2012, với 40 triệu đồng tiền vốn để dành được, cùng với 7 người bạn, thầy Trí Bửu đã khai trương quán cơm Hoa Từ Bi đầu tiên, trên đường Tô Hiệu, quận Tân Phú. 40 triệu vốn liếng ban đầu, chỉ đủ để đặt cọc thuê nhà, mua những dụng cụ nấu bếp, chén đũa, bàn ghế… nhưng ai cũng háo hức.

Thoạt đầu, Hoa Từ Bi chỉ định bán mỗi suất cơm chay là 3.000đ/suất, nhưng nhiều Phật tử đã khuyên thầy, là với giá đó, quán cơm sẽ nhanh chóng phải đóng cửa vì không đủ chi phí, không thể đi chặng đường dài được. Và những suất cơm đầu tiên của Hoa Từ Bi đã được quyết định bán với giá 5.000đ, cho đến tận hôm nay.

Không chỉ nghe lời khuyên của mọi người, thầy Thích Trí Bửu còn trực tiếp đi hỏi những "khách hàng tiềm năng". Họ nói với thầy rằng, mức giá 5.000đ thực sự sẽ khiến họ đến ăn mà không có cảm giác ngại ngần, rằng đó là đồ ăn bố thí, là làm phiền lòng tốt của người khác. Thầy Trí Bửu vững tin hơn trong quyết định của mình.

Ngay trong ngày đầu tiên, 4 tủ cơm 50kg, 2 nồi bún riêu chay, 10-20 món chay đã được khách tiêu thụ sạch. Ngay sau khi kết thúc ngày đầu tiên, cô Năm, bếp trưởng của Hoa Từ Bi khi đó đã… lăn ra ngất vì kiệt sức. 7 người còn lại, sau khi dọn dẹp xong, cũng gần như không thể lết nổi chân.

Khi Hoa Từ Bi 1 đã đi vào ổn định, trở thành một địa chỉ không thể thiếu của những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận Tân Phú, thì quán lại chuyển địa điểm. May mắn thay, khi phải trả mặt bằng trên đường Tô Hiệu, Hoa Từ Bi 1 đã thuê được một căn nhà trong hẻm, nằm sát ngay khuôn viên chùa Pháp Giới. Khi quán đã ổn định với lượng khách chừng 700-1000 suất ăn mỗi ngày, ý tưởng về sự ra đời của Hoa Từ Bi 2 đã xuất hiện.

Với 700 triệu đồng tiền vốn, quán cơm Hoa Từ Bi 2 nằm trên đường Lê Mậu Tuấn, quận 6 khang trang hơn quán 1 rất nhiều. Hoa Từ Bi 2 được đầu tư một hệ thống bếp hiện đại, với đồ nấu, bàn chế biến thức ăn bằng inox, sạch sẽ và tiện dụng. Căn nhà 1 triệt 2 lầu, 2 mặt tiền cũng đủ rộng để đón nhiều khách hơn, mát mẻ hơn. Lầu 1 và Lầu 2, buổi tối trở thành nơi ở, sinh hoạt và học tập an toàn và tiện nghi của các bạn tình nguyện viên.

Không những thế, buổi tối, toàn bộ tầng trệt của quán trở thành lớp học ngoại ngữ miễn phí cho các thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn.

Việt Đông
.
.