Nàng Kiều "tự diễn biến" như thế nào?

Thứ Sáu, 17/05/2013, 09:05
Ta không nói cả cuộc đời lưu lạc của nàng Kiều mà chỉ nói ở một giai đoạn quan trọng: Đó là khi Hồ Tôn Hiến "... vâng chỉ đặc sai/Tiện nghi bát tiễu, việc ngoài đổng nhung", được tùy tiện làm những việc cần thiết để dẹp loạn, dẹp Từ Hải...

Khi nghiên cứu kỹ đối phương, Hồ Tôn Hiến "Biết Từ là đấng anh hùng/ Biết nàng cũng dự quân trung luận bàn" nên Hồ Tôn Hiến đã không động binh vội mà dùng cách "Đóng quân tìm chước chiêu an/ Ngọc vàng gấm vóc sai quan thuyết hàng". "Chiêu an" nghĩa là tuyên bố ân xá cho người chống đối, những người nổi loạn. Sau khi tuyên bố ân xá thì "thuyết hàng" (tức thuyết phục đầu hàng), tức là dùng lý lẽ để Từ Hải, Thuý Kiều tin theo mà chịu theo điều kiện của triều đình (thực chất là chịu đầu hàng). Không chỉ lời nói suông mà kèm theo là những lễ vật rất có giá trị. Ngoài lễ vật cho Từ Hải, Hồ Tôn Hiến "Lại riêng một lễ" với nàng Kiều gồm "Hai tên thể nữ (người hầu hạ trong cung), ngọc vàng nghìn cân". Dùng "chước chiêu an", lễ vật và thuyết hàng đã tác động đến Từ Hải và nàng Kiều thế nào? Trước tiên ta xem thái độ của Từ Hải ra sao? Người anh hùng đã rất tự hào: "Một tay gây dựng cơ đồ/ Bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành". Từ Hải cũng nghĩ đến nỗi nhục nhã, sự bỡ ngỡ và lạc lõng... khi "Bó thân về với triều đình/ Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu". Từ Hải đã khẳng định: "Sao bằng riêng một biên thùy/ Sức này đã dễ làm gì được nhau" và tỏ rõ ý chí không chịu khuất phục: "Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai". Tóm lại: Dù mưu kế "chiêu an", dù lễ vật hậu hĩnh, dù lời thuyết hàng ngon ngọt đã không có tác dụng gì, đã không lay chuyển được người anh hùng chống bất công, ưa tự do, không chịu khuất phục về với triều đình. Đấy là Từ Hải, còn với nàng Kiều thì sao? Nàng đã bị tác động rõ rệt "Lễ nhiều, nói ngọt, nghe lời dễ xiêu". Ở đây ta thấy có hai thứ: "Lễ nhiều" và "nói ngọt", thứ nào có ý nghĩa quyết định? "Nói ngọt" mà nói suông thì chẳng giá trị, chẳng tác động gì. Vấn đề quyết định là "lễ nhiều". "Lễ" là "lễ vật". "Lễ vật" nhiều đưa đến kết quả: "dễ xiêu". "Xiêu" là xiêu lòng, là ngả theo ý người khác, không còn giữ được ý ban đầu của mình nữa. Nói như bây giờ là nàng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" theo chiều hướng tiêu cực.

Vậy "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" mang những đặc trưng gì? Nó là cá biệt hay phổ biến ở mỗi con người vì những mục đích, những lợi ích riêng tư nào đó? Trước khi nói về nàng Kiều, ta nói đến một câu chuyện dân gian để ngõ hầu làm rõ những câu hỏi nêu trên. Chuyện rằng: Một anh chàng đi làm ăn xa, nhớ vợ con, anh ta về thăm nhà. Anh ta vào quán chén no nê và mua một xâu bánh về làm quà. Đường về nhà phải qua một con sông. Anh ta ngồi nghỉ chờ đò ở bên kia sang. Sông rộng, chờ lâu quá, lại vừa đi bộ một đoạn dài, anh ta thấy đói. Muốn ăn nhưng nghĩ mua quà cho vợ con nên ghìm cơn thèm lại. Bụng đói, tay cầm xâu bánh, cơn thèm lại dâng lên, anh ta nghĩ: "Tại sao tự nhiên lại phải mua quà cho vợ con nhỉ? Vợ mình là gì? - À, thế mà ta không nghĩ ra. Vợ mình là con người ta. Tự nhiên lại mua quà cho con người ta ăn, thật vô lý! Anh ta lấy cái bánh mua phần vợ định ăn nhưng lại nghĩ: "Thế con mình là thế nào? - À, rõ rồi, là do vợ đẻ ra… Vợ là con gái người ta, con lại do vợ mình sinh ra… Thật là xa lắc xa lơ, mua quà cho người xa lắc xa lơ ăn… thật vô duyên". Thế là anh ta chẳng bận tâm nghĩ ngợi gì cả, chén mấy cái bánh một cách ngon lành.

Đặc trưng của "tự diễn biến"…  là do chính  mình cố tìm xem cái lý, cái cớ phù hợp với lợi ích của chính mình, bất kể nó đúng ở thời quá khứ nhưng lại sai ở thời hiện tại, nó không cần quan tâm đến chuẩn mực lý lẽ và đạo lý mà cộng đồng xã hội thừa nhận, cốt sao đạt được mục đích riêng của họ.

Nàng Kiều cũng không nằm ngoài những đặc trưng vừa nêu. Nàng đã xiêu lòng vì sự tác đồng của "chiêu an", của thuyết hàng ngon ngọt và đặc biệt là mờ mắt trước lễ vật nhiều. Ta xem nàng tự thuyết phục mình như thế nào? "Nghĩ mình mặt nước cánh bèo/ Đã nhiều lưu lạc lại nhiều gian truân". Cái cớ này xem ra đúng nhưng tiếc rằng lại đúng với quá khứ (kiểu "vợ mình là con người ta") chứ không phải đúng với hiện tại khi nàng đang là phu nhân của Từ Công.

Cớ thứ hai mà nàng nghĩ rằng hợp lý cho sự đầu hàng là "Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương". Xem ra điều mong ước này của kẻ tha hương muốn trở về quê quán của mình là một mong ước đúng, nhưng lấy gì bảo đảm rằng về với triều đình thì thực hiện được điều này? Không có gì bảo đảm cả. Đó chỉ là điều tự mệ hoặc mình, cố bám vào cớ viển vông phù hợp với ý đồ có sẵn. Xin mở một cái ngoặc: Nàng đã quên (hoặc cố tình quên) điều mà Từ Hải đã nói với nàng: "Xót nàng còn chút song thân/ Bấy lâu kẻ Việt người Tần cách xa/ Sao cho muôn dặm một nhà/ Cho người thấy mặt là ta cam lòng". Rõ ràng lời từ Hải, lời của một người anh hùng đáng tin cậy chứ!

Cớ thứ ba để nàng tự thuyết phục mình về với triều đình, đó là danh vọng: cũng chỗ ngồi của vợ quan được vua phong tước, thật là oai nghi ("Cũng ngôi mệnh phụ đường đường/ nở nang mày mặt, rỡ ràng mẹ cha". Nàng cố tình không nhớ rằng nàng đã từng ở ngôi vị rất cao: khi Từ Hải cho người đến đón nàng "Cung nga thể nữ nối sau/ Rằng vâng lệnh chỉ rước chầu vu quy" ("Lệnh chỉ" lệnh của vua chúa, Từ Hải khác gì vua chúa!).

Cớ thứ tư mà nàng biện minh khi muốn về với triều đình là "Trên vì nước/ dưới vì nhà/ Một là đắc hiếu, hai là đắc trung". Chỉ cần đầu hàng là đạt được cả hai điều quan trọng: trọn đạo hiếu với cha mẹ; trọn đạo trung với vua! Nàng đã quên mất (hoặc cố tình quên mất) một điều cực kỳ quan trọng là đạo phu thê. Từ Hải không những là người chồng mà là ân nhân của nàng, đã cứu nàng ra khỏi Lầu xanh ("Ngỏ lời nói với băng nhân/ Tiền trăm lại cứ nguyên ngân phát hoàn), đã đem đến vinh hoa phú quý cho nàng ("Vinh hoa bỏ lúc phong trần/ Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày", đã tạo điều kiện cho nàng "báo ân báo oán" Chính nàng cũng hiểu ơn đó nên "Tạ ơn lạy trước Từ Công" (…) "Trộm nhờ sấm sét ra tay/ Tấc riêng như cất gánh đầy đổ đi" và nàng quyết "Khắc xương ghi dạ xiết chi/ Dễ đem tim óc đền nghì trời mây". Nàng quên nhanh quá! Nàng chuyển biến nhanh quá! Ôi lễ vật nhiều! Ôi đạo phu thê còn đâu nữa! Ôi, con người ta "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" theo hướng tiêu cực thật nguy hiểm biết bao!

Kiều khôn ngoan ở chỗ không khuyên Từ Hải về với triều đình mà đánh vào điều cơ bản của người anh hùng là ưa sự công bằng (vì triều đình bất công nên phải nổi dậy) và danh tiếng của một con người. Nàng nói đến ơn của nhà vua thật sâu rộng trong nhân dân "Rằng trong Thánh trạch dồi dào/ Tưới ra đã khắp, thấm vào đã sâu/ Bình Thành công đức bấy lâu/ Ai ai cũng đội trên đầu xiết bao". "Ai ai" là số đông, là mọi người. Mọi người cung kính nhớ đến công ơn to lớn của nhà vua. Điều đó nói lên sự công bằng mà triều đình đem lại cho họ. Thế mà lại có người nổi dậy chống lại nhà vua đem đến bao chết chóc cho người dân "Ngẫm từ dấy việc binh đao/ Đống xương Vô Định đã cao bằng đầu". Nàng đã gián tiếp lên án cuộc nổi dậy của Từ Hải và nhắc khéo cái gương Hoàng Sào nổi dậy chống nhà Đường "Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào" làm cho Từ Hải phải nghĩ đến danh tiếng để lại chẳng hay ho gì mà chọn con đường về với triều đình, như vậy vừa đúng lẽ công bằng, vừa không gây cảnh chết chóc lại không bị đời sau chê cười, lại được "lộc trọng quyền cao", được "công danh" sung sướng.

Nàng Kiều đã đánh trúng vào tâm lý của người anh hùng "Nghe lời nàng nói mặn mà" (chân thành đằm thắm) nên phút chốc "Thế công Từ mới trở ra thế hàng". Kết quả thế nào như ta đã biết. Vấn đề đặt ra là: tại sao người anh hùng không bị gục ngã trước mưu kế chiêu an, trước lễ vật và lời thuyết hàng của triều đình mà lại dễ dàng bị thuyết phúc bởi người vợ "đầu gối tay ấp"? Từ Hải (cũng như những người đàn ông khác) rất cảnh giác với kẻ thù nên khó mắc mưu kẻ thù nhưng thử hỏi có bao người cảnh giác với "nửa yêu thương của mình?! Đó chính là bi kịch của kẻ "tu mi nam tử"! Ta thấy cái chết của Từ Hải là một cái chết không bình thường: "Chết đứng", cái chết mang nặng sự uất hận của người anh hùng trót nghe lời "nửa yêu thương" để đến nỗi tan tành sự nghiệp. Chính Hồ Tôn Hiến cũng đã ghi nhận "Giúp công cũng có lời nàng mới nên" và chính Kiều đã thú nhận "Tin tôi nên quá nghe lời/ Đem thân bách chiến làm tôi triều đình/ Ngỡ là phu quý phụ vinh/ Ai ngờ một phút tan tành thịt xương". Kiều nhận ra sự thật thì đã muộn. Bi kịch này đã bắt đầu từ khi "Lễ nhiều, nói ngọt, nghe lời dễ xiêu" và quá trình này Kiều "tự diễn biến, "tự chuyển hóa" như đã phân tích, chứng minh ở trên.

Truyện Kiều ra đời đã hơn hai trăm năm, biết bao thế hệ người đọc đã từng rơi nước mắt thương cảm cho số phận nàng Kiều tài sắc vẹn toàn mà phải lưu lạc giang hồ mười lăm năm. Vì lòng thương cảm đó mà người ta phần nào đã xem nhẹ cái "tội" của nàng gây ra bi kịch cho Từ Hải, cho ân nhân, cho người chồng của nàng. Soi vào nhân vật Thúy Kiều, ta có thể rút ra những bài học bổ ích, nhất là những điều mà ta đang bàn đến, đó là "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" theo hướng tiêu cực đã đưa đến kết quả bi đát ra sao! Hiện nay, thử hỏi các "phu nhân" của những "đấng" những "bậc" (kể cả những "đấng", những "bậc") quyền cao chức trọng có còn "tự diễn biến"… theo chữ "dục" nữa không?

Đến đây lại nhớ lời Đức Phật dạy: "Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình". Có phải vậy không? Hỡi các vị (và phu nhân của các vị)"… lộc trọng quyền cao! Công danh ai dứt lối nào cho qua?". Hãy tự mình trả lời? Hãy tự mình trả lời…?

N.D.H.
.
.