Một tín hiệu vui, nhiều tiếng thở dài

Thứ Năm, 13/06/2013, 08:00
Nhân sự kiện tác phẩm "Ký ức thở dài" của Đoàn múa khiếm thị "Nơi đến" được Nhà hát Pfalzbau (Đức) mời trình diễn tại Tp Ludwigshafen ngày 17/5 vừa qua.

Cách đây ít lâu, dư luận xôn xao về thông tin tác phẩm múa "Ký ức thở dài" do đoàn múa khiếm thính "Nơi đến" của nghệ sĩ Lê Vũ Long được Nhà hát Pfalzbau (Đức) mời để trình diễn vào ngày 17/5 tại thành phố Ludwigshafen, với số lượng chỗ ngồi lên tới 1.400 người. Điều đáng quan tâm là lời mời này không nằm trong một fesival hay đợt biểu diễn nào. Đây là tin vui cho Lê Vũ Long và người vợ của mình - những người sáng lập ra đoàn múa khiếm thính "Nơi đến" cũng như những diễn viên mà phần lớn là không chuyên nghiệp. Được biết, đây không phải là lần đầu tiên tác phẩm của đoàn múa "Nơi đến" được nước ngoài mời. Năm 2007 đoàn múa đã có chuyến lưu diễn dài ngày trên đất Mỹ với 12 buổi biểu diễn trên 4 bang. Tác phẩm múa "Chuyện của chúng mình" - dựa trên kịch bản đoạt giải thưởng tại Mỹ của biên đạo Lê Vũ Long đã được đón nhận nhiệt thành. Biên đạo Lê Vũ Long cho biết, rất ít các đoàn múa trong khu vực châu Á có được những thành tích tương tự.

Một cảnh trong vở múa "Ký ức thở dài" của Đoàn múa khiếm thính "Nơi đến" được Nhà hát Pfalzbau (Đức) mời trình diễn tại thành phố Ludwigshafen ngày 17/5 vừa qua.

Tôi luôn băn khoăn tự hỏi: Múa đương đại Việt Nam đang đứng ở đâu trên bản đồ múa thế giới? Nhiều người nói rằng, Việt Nam là "góc khuất" trên thế giới về nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật múa. Sự thật, múa đương đại ở Việt Nam chưa được đầu tư và quan tâm đúng mức. Những tác phẩm múa đương đại dài hơi được sáng tác, dàn dựng trên sân khấu múa chuyên nghiệp chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Công tác quảng bá, giới thiệu múa còn nhiều hạn chế. Chính vì lẽ đó, với khán giả thì múa đương đại chỉ được hiểu vỏn vẹn trong mấy cụm từ "độc, lạ và shock". Nếu không có sự kiện các nhà hát nước ngoài mua tác phẩm và mời biểu diễn như lần này, thì rất ít người biết đến đoàn múa "Nơi đến", mặc dù đoàn múa này cũng đã ra đời khá lâu.

Thật buồn khi biết rằng, sau hơn 10 năm thành lập, đoàn múa đương đại "Nơi đến" vẫn chưa có được chỗ tập cố định. Họ di chuyển từ một nhà kho khu bãi sông Hồng đến việc thuê phòng theo dự án tại Trường Cao đẳng Múa ở Mai Dịch. Không ít người trong đoàn đã phải bỏ cuộc giữa chừng vì tình yêu và niềm đam mê không giúp họ có được một cuộc sống đảm bảo các nhu cầu tối thiểu. Đoàn múa không trả lương theo tháng mà theo dự án. Việc đầu tư xây dựng một tác phẩm múa, đạo cụ, phục trang tốn vài trăm triệu đồng, trong khi số lượng buổi biểu diễn lại hạn chế và múa luôn là sân khấu vô cùng kén người xem. Nghệ sĩ Lê Vũ Long chia sẻ, rất nhiều diễn viên trong đoàn đã làm đủ thứ nghề để xoay xở với cuộc sống mưu sinh. Từ bán mũ bảo hiểm vỉa hè, bán túi thêu thùa đan lát, pha café ở quán bar, nhuộm tóc cắt tóc gội đầu, làm chuyên gia máy tính, đến giặt là cho khách sạn, làm nến, chở bia... Đằng sau sự lung linh của ánh đèn sân khấu là những câu chuyện mưu sinh đến rơi nước mắt...

Sự kiện đoàn múa đương đại "Nơi đến" được mời biểu diễn tại Đức là một tín hiệu vui, rất vui của làng múa, bởi đã lâu lắm rồi làng múa mới có một sự kiện đáng quan tâm như thế. Không ít người kỳ vọng, "Ký ức thở dài" sẽ đem đến cho bạn bè thế giới cái nhìn gần gũi hơn về múa đương đại Việt Nam. Đôi khi, tôi trộm nghĩ, có thể "Nơi đến" được các nhà hát trên thế giới "để ý" xuất phát từ "tính đặc biệt" của chính những diễn viên tham gia biểu diễn. Có thể họ tò mò, khâm phục, ngưỡng mộ các diễn viên khiếm thính lại có thể đứng trên sân khấu biểu diễn những động tác múa một cách chuẩn xác với âm nhạc đến vậy. Nếu dừng ở đó, thì lại bắt đầu một câu chuyện khác…

Phạm Mạnh Tường
.
.