Một thế giới không bình yên

Thứ Tư, 10/08/2016, 08:02
Chúng ta hẳn sẽ cảm thấy run rẩy thực sự khi nhìn lại tất cả những sự kiện đã xảy ra trên toàn thế giới suốt hơn 1 năm qua. Và chúng ta sẽ còn hoảng sợ hơn khi xâu chuỗi những sự kiện ấy lại với nhau để cố gắng tìm ra một căn nguyên thực sự, một căn nguyên nền tảng. Sự run rẩy, hoảng sợ ấy đến từ điểm ta không thể phỏng đoán nổi một căn nguyên nền tảng nào, cho dù ta có thông thái và suy luận logic đến mấy. Tất cả những gì chúng ta có thể nói chỉ là một nhận xét đơn thuần "Một thế giới không bình yên, nếu không nói là có những chuyện điên cuồng".


Đúng là từ thẳm sâu đâu đó đã từng ẩn hiện một thế giới điên cuồng đang trải ra trên mặt đất này, với những hận thù, tội ác ở mọi cấp độ, từ tinh vi nhất cho tới man rợ và thô sơ nhất. Vụ hacker tấn công hai sân bay ở Việt Nam là một tội ác mà chúng ta chỉ có thể quy kết cho nó bằng đúng một thứ rất chung chung: sự dữ, cái ác đang nảy nở trong lòng con người. 

Và nếu hình dung đến viễn cảnh những hackers độc ác tấn công vào những hệ thống nhạy cảm hơn của xã hội, gây ra những hỗn loạn khó có thể giải tỏa một sớm một chiều, nó có thể là một chiều kích để những sự dữ man rợ có thể nảy sinh với những biến cố khôn lường.

Một trong những sự kiện lớn gần đây nhiều người trên thế giới rất quan tâm chính là sự kiện nước Anh hoàn tất cuộc trưng cầu dân ý với phần thắng thuộc về những người ủng hộ Anh rời khỏi EU (Brexit). Nhưng ít ai biết rằng, chỉ vài ngày sau khi có kết quả, giới tinh hoa Anh quốc đã ngồi họp bàn với nhau ở Bristish Academy để mổ xẻ căn nguyên của việc dân Anh ủng hộ Brexit. Và họ nhận ra rằng, đó là thắng lợi của báo chí lá cải và mạng xã hội trước báo chí chính thống.

Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị tin tặc tấn công hệ thống thông tin, chèn nội dung xuyên tạc, cùng với đó là một số sân bay khác gặp sự cố.

Những tờ báo chính thống, nghiêm túc như The Times, The Guardian, Telegraph… đều phân tích rất kỹ cái hại của Brexit trong một thời gian dài nhưng cuối cùng, họ đã thua trận trước những ra rả tuyên truyền mị dân của những tờ lá cải hàng đầu như The Sun, Mirror, Daily Mail, Daily Express…

Thất bại đó cho thấy sự thật đã không còn là một yếu tố cốt lõi của thời đại này nữa. Trong tiếng Anh, dữ kiện sự thật được dùng bởi từ "fact" và những "fact" mà cộng đồng nhận được hiện nay đều chỉ là những "fact" ảo, được chắt lọc từ thuật toán của mạng xã hội, dựa trên cơ sở mức độ quan tâm chiếm phần áp đảo hơn. Mà con người vốn dĩ có thói quen xấu thường hay thích tiếp nhận các "dữ kiện sự thật" ướm vừa với quan điểm của mình.

Như vậy, cái thật trong "fact" được thuật toán đưa ra đã không còn nữa mà yếu tố quyết định lại là cái đa số để tạo nên "fact" của thuật toán. Chính điều đó khiến con người ta nhìn nhận sự việc nhiều khi rất méo mó nhưng lại được sự cổ vũ của số đông và từ đó, nghiễm nhiên tự coi mình là chân lý. Và thế giới trở nên điên cuồng hơn cũng bởi những chân lý đầy phi lý ấy, những chân lý có khả năng làm sụp đổ những giá trị nền tảng của loài người.

Chúng ta hẳn đã có lần xem những bộ phim giải trí Mỹ về đề tài cương thi (zombie) và chắc rằng sẽ có không ít người coi chuyện cương thi ấy chỉ là những trò tưởng tượng nhảm nhí. Làm sao lại có những thứ hình người nhưng lại không mang tính người có thể rảo bước trên mặt đất này và lây lan sự dữ như thế được.

Nhưng nhìn vào thế giới ngày hôm nay, chúng ta hẳn sẽ giật mình nhận ra rằng hoá ra những tưởng tượng của nền công nghiệp điện ảnh giải trí Mỹ lại rất gần với thực tế. Trong khoảng 7,5 tỷ người trên trái đất này, có bao nhiêu phần trăm là những cương thi thực sự, với vẻ ngoài, hành động, hành vi, thói quen, sinh hoạt không khác gì người bình thường nhưng thực chất lại mang trong mình sự dữ và luôn cố gắng lan toả sự dữ ấy đến cộng đồng, nhờ vào những công cụ ảo mà thực được gọi là mạng xã hội?

Đó là một câu hỏi khó trả lời, bởi lẫn ngay trong những người ta gặp thường ngày, ai là người mang sự dữ trong tâm, ai là người mang tính thiện, chúng ta vô cùng khó khăn khi phân biệt. Nhưng chúng ta có thể nhìn thấy sự nảy nở đến bùng nổ của cái ác ở thời đại hôm nay, từ những hành động xả súng ở các nơi công cộng; đánh bom khủng bố; lao xe tải khủng bố đám đông cho tới chuyện tấn công an ninh mạng vào các lĩnh vực lẽ ra cần sự an toàn nhất. Việc sự kiện tiếp nối sự kiện diễn ra, ngay khi mối quan tâm đến sự kiện cũ còn chưa chấm dứt, đã làm cho những người mang tính thiện phải cảm thấy sợ hãi thực sự, run rẩy thực sự.

Điều duy nhất chúng ta có thể làm lúc này để chống lại những "cương thi" kia chỉ là giữ cho mình tính thiện, song song đó dung nạp thêm cho mình tri thức để có thể có đủ sức mạnh trí tuệ chống lại xu hướng điên cuồng hoá của thế giới hôm nay. Dường như đang tồn tại một quá trình chắt lọc lại con người thực sự và trong quá trình chắt lọc (nếu có) ấy, giữ mình thông tuệ và thiện tính sẽ chính là vũ khí quan trọng nhất để khẳng định sự tồn tại không hề phi lý của bản thân mình.

Hà Quang Minh
.
.