Một lối kể chuyện dung dị

Thứ Năm, 14/08/2014, 08:01
Đọc "Cúc muộn", tập truyện ngắn của Vũ Thảo Ngọc, NXB Hội Nhà văn, 2014.

18 truyện ngắn với gần 300 trang in, khổ 13x 20,5cm, "Cúc muộn", tập truyện ngắn của nhà văn Vũ Thảo Ngọc không nói điều gì to tát, không đưa ra một triết luận hay đúc kết một kinh nghiệm từ cuộc sống, như hay gặp trong tác phẩm của một số người, mà chị chỉ tưng tửng kể câu chuyện đời thường về một quãng đời, có khi là một mẩu đời, với những số phận mới đọc cũng không có gì "khúc khuỷu", đôi khi còn tưởng "thông đồng bén giọt" là khác; nhưng càng đọc, càng nghĩ mới thấy đời người quả lắm truân chuyên, và vượt lên được nỗi truân chuyên ấy để sống cho thật là mình mới là điều mà tự mỗi người phải hướng tới, với những bứt phá quyết liệt. "Đêm nhớ" là một dạng như thế.

Chỉ khoảng bốn nghìn chữ, truyện ngắn như một cuốn phim lúc cận cảnh đặc tả chân dung, lúc lại lia ống kính ra thật xa, đến cả hàng chục năm, để ngoắt một cái lại đưa người đọc trở về thực tại. Truyện viết nhiều tầng, nhiều lớp đan cài với những chi tiết, tình huống thoáng đọc tưởng vô lý, nhưng đọc tới phần sau lại bỗng nhận ra sự tài hoa của nhà văn khi "ém nhẹm" chi tiết như đặt "mìn hẹn giờ" chờ thời gian phát nổ, tạo bất ngờ cho người đọc, nhất là ở phần cuối với một cái kết mở khá hay. Vì thế, "Đêm nhớ" tuy hơi dài vẫn có sức cuốn hút người đọc.

Một ký ức thời chiến nhưng lại được triển khai trong không khí hiện tại, truyện ngắn "Cúc muộn" được xây dựng theo lối đa tầng, từ thực đến ảo, lại từ ảo trở về thực, như một lời nhắc nhở con người dẫu có cuộc sống nhà cao cửa rộng hôm nay cũng nên dành thời gian nghĩ suy về chính cái nhà mình đang ở, cái chỗ mình đang đứng, để từ đó biết giữ gìn, tôn trọng những kỷ niệm, những ý thích, dù là rất nhỏ, một thời đam mê, theo đuổi. Vận dụng tối đa ưu thế của cách kể chuyện ở ngôi thứ nhất (tôi), "Cúc muộn" dựng nên một khung cảnh đô thị mới với san sát nhà tầng và những căn "biệt thự" liền kề; hàng xóm liền nhà nhau mà không mấy khi gặp mặt nhau, thậm chí có lúc muốn nói chuyện với nhau cũng phải "qua khe song sắt cửa bảo hiểm". Con người thời hiện đại với nhà tầng, tiện nghi đầy đủ, nhưng nhiều lúc lại thấy mình như bị "cách ly" với thế giới bên ngoài. Đến nỗi "tôi" (nhân vật chính) nhiều khi thèm nhìn về cái làng êm đềm bên sông Tô và đi giữa cánh đồng làng chân lúa chen dầy, thơm mùi no ấm…

Tôi cũng muốn nói tới những truyện khác trong tập "Cúc muộn" mà đọc xong cứ ám ảnh mãi, chẳng hạn như "Bay trong bấn loạn", "Gã thầu khoán nghiệp dư", "Biển đêm", "Nàng dâu thời @"…  Nhưng để bạn đọc hiểu kỹ hơn về một lối kể chuyện dung dị, có duyên và thoáng đãng của Vũ Thảo Ngọc, tôi muốn dừng lại ở truyện"Trong ngõ ngoài làng" viết về vấn đề "nóng" ở nông thôn hiện nay, đó là việc người đi lao động nước ngoài. Qua truyện ngắn này, một lần nữa thấy rõ trách nhiệm công dân của nhà văn. Bởi chị dám đi vào vấn đề mang tính thời sự gắn chặt với số phận mỗi người, mỗi gia đình nông dân, để từ đó giúp người đọc, và cả các cấp lãnh đạo, tìm ra giải pháp làm sao vừa đưa được nhiều nông dân, nhất là ở vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, đi lao động nước ngoài, vừa bảo đảm hài hòa cuộc sống và hạnh phúc những gia đình có người đi lao động xa. Truyện như hồi chuông cảnh tỉnh những người ôm giấc mộng làm giàu mà quên tập quán, lối sống chan chứa nghĩa tình làng xóm.

So với tập truyện ngắn "Búp bê gỗ" ra đời cách đây 5 năm, "Cúc muộn" là một bước tiến khá rõ trong cách dựng truyện, dẫn truyện của Vũ Thảo Ngọc. Với lối kể chuyện dung dị, có duyên và thoáng hoạt, Vũ Thảo Ngọc đã tạo được phong cách truyện ngắn riêng cho mình. Đọc truyện của chị, ta luôn tìm thấy sự mới mẻ trong ý tứ và không khí truyện, cách dẫn truyện lại đa tầng, nhiều lớp và giàu chi tiết sống động. Nhưng Vũ Thảo Ngọc cũng nên chú trọng hơn trong việc xây dựng nhân vật sao cho có hình hài, tính cách, số phận rõ nét và một cách ứng xử phù hợp hơn với đời sống nội tâm nhân vật

Cao Năm
.
.