Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân

Một không gian nghệ thuật đáng kỳ vọng

Thứ Năm, 13/08/2015, 08:00
Sự kết hợp giữa tính anh hùng và tính đời thường trong một hình tượng người chiến sĩ Công an ở nhiều vở diễn đã làm nên tính chất phong phú, phức tạp, đa dạng hình và nhiều màu sắc tinh tế của trạng thái tâm hồn nhân vật. Điều đó đã tạo cơ sở, hay như ta thường nói là tạo "đất" cho diễn viên trong việc thể hiện diễn xuất của mình...

Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân lần thứ III (2015) đã thu hút nhiều đoàn kịch, nhà hát suốt từ Nam chí Bắc với số lượng lớn các vở diễn (27 vở) thuộc tất cả các kịch chủng của nền sân khấu Việt Nam, chỉ vắng mặt duy nhất  Tuồng - Hát Bội.

Hiện tượng đó nói lên quy mô toàn quốc và tầm cỡ quốc gia của Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân...

Một đặc điểm nổi bật của Liên hoan sân khấu lần này là sự kết hợp giữa tính tập trung và tính mở rộng.

Tất cả các vở diễn đều tập trung mọi tinh lực sáng tạo vào việc xây dựng, diễn tả hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân; thu hút sự theo dõi của khán giả và tạo được ở họ những ấn tượng mạnh mẽ. Mặt khác, sự mở rộng việc xây dựng, diễn tả hình tượng người Công an trên nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau đã khiến cho hiện thực cuộc sống được phản ánh trong các vở diễn trở nên phong phú, đa dạng, tạo được giá trị nhận thức và hiệu quả thẩm mĩ trong tiếp nhận của khán giả.

“Phía sau tội ác” - vở diễn tham gia Liên hoan của Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ.

Sự mở rộng đề tài và quan trọng hơn là sự mở rộng trong bản thân hình tượng người chiến sĩ Công an là nét mới ở Liên hoan lần này. Nhìn lại các vở diễn dự Liên hoan, ta thấy rất ít, hoặc hầu như không có vở nào chỉ đơn thuần thu hẹp phạm vi diễn tả hình tượng người Công an trong công việc của mình, mà nổi bật nhất là công việc phá án.

Tất nhiên, cái phương diện nghiệp vụ ấy của người Công an vẫn được các vở diễn quan tâm. Nhưng bên cạnh nó, có khi bao trùm lên lại thêm một phương diện đời thường của người chiến sĩ Công an thể hiện ở những mối quan hệ gia đình, xã hội, những ràng buộc, liên quan hằng ngày giữa phụ tử và phu thê, huynh đệ và bằng hữu.

Tóm lại là cái đời thường được thể hiện trong văn hóa ứng xử của người công an nhân dân. Việc kết hợp một cách hài hòa, có khi đến nhuần nhuyễn hai phương diện trong một hình tượng người công an nhân dân đã khiến cho hình tượng ấy trở nên gần gũi hơn mà cũng cao đẹp hơn, bình dị hơn mà cũng anh hùng hơn. Hơn nữa, phương diện văn hóa ứng xử được chú trọng tô đậm đã khiến cho hình tượng người Công an trên sân khấu có được bộ mặt và thể chất hiện đại.

Cái văn hóa ứng xử ấy của người chiến sĩ Công an nhân dân còn được thể hiện trong hành động âm thầm đến bí mật, cứng rắn đến quyết liệt, trong tâm trạng băn khoăn đến dằn vặt nhưng cuối cùng vẫn đi đến sự quả quyết, khi anh phải đương đầu với âm mưu và tội ác của chính những người ruột thịt, máu mủ, những bạn bè, chiến hữu, thậm chí cả những ân nhân cùng chiến tuyến xưa.

Sự kết hợp giữa tính anh hùng và tính đời thường trong một hình tượng người chiến sĩ Công an ở nhiều vở diễn đã làm nên tính chất phong phú, phức tạp, đa dạng hình và nhiều màu sắc tinh tế của trạng thái tâm hồn nhân vật. Điều đó đã tạo cơ sở, hay như ta thường nói là tạo "đất" cho diễn viên trong việc thể hiện diễn xuất của mình.

Thật đáng mừng khi trên sân khấu không ít diễn viên, nhất là những diễn viên trẻ, những người chưa có quá trình trải nghiệm trực tiếp cái đời sống bên ngoài cũng như nội tâm của các nhân vật mà kịch bản xây dựng, nhưng đã có rất nhiều cố gắng để có thể lột tả qua vai diễn trên sân khấu. Cách diễn thể nghiệm vẫn là cách diễn phổ biến của nhiều diễn viên trong các vở diễn. Nó vừa diễn tả được hành động bên ngoài vừa lột tả được hành động bên trong, nhất là việc làm nổi bật những sắc thái tinh tế trong tình cảm và nội tâm nhân vật.

Trên khía cạnh thi pháp kịch mà nói thì cần ghi nhận tính phong phú, đa dạng sự mở rộng hình thái xung đột cho kịch. Ngoài hình thái đối kháng một mất một còn giữa những đối thủ không đội trời chung với nhau trong xã hội, bây giờ kịch về hình tượng người chiến sĩ Công an lại mở rộng xung đột ra hình thái giữa những người cùng huyết thống trong gia đình - hình thái xung đột mà xưa kia Aristốt đã nêu lên qua các vở bi kịch cổ đại Hy Lạp - thì bây giờ lại được hiện đại hóa ở kịch về người Công an nhân dân ở thời đại chúng ta.

Góp phần vào nghệ thuật kịch, cụ thể hơn vào phương diện thi pháp, mở rộng hình thái xung đột của kịch trên sân khấu Liên hoan lần này, phải kể đến hai vở "Những người lính trận", "Người đàn bà uống rượu". Đó là hình thái xung đột giữa con người và tình huống, giữa tính cách và hoàn cảnh. Riêng ở vở "Người đàn bà uống rượu" thì mối xung đột giữa tính cách và hoàn cảnh ấy lại phân nhánh thành một tuyến về thực chất thì cổ điển, nhưng về hình thái thì hiện đại. Đó là tuyến xung đột giữa các tính cách trong hoàn cảnh mới diễn ra trong số phận cuộc đời nhân vật, làm nảy sinh những thái độ và hành động khác nhau, thậm chí trái ngược nhau va chạm đụng độ nhau một cách vô cùng quyết liệt.

Một điểm nữa đáng ghi nhận là việc thể hiện chỗ ẩn nấp cuối cùng của nhân tính trong con người ở một vài nhân vật phản diện trên sân khấu Liên hoan lần này đã làm nên chiều sâu của hình tượng nhân vật, khiến người xem phải suy nghĩ đau đầu về thực trạng cái xấu, cái ác đang được bình thường hóa trong cuộc sống hiện nay.

Liên hoan sân khấu về hình tượng người Công an nhân dân đã ghi một dấu son bởi vì hình tượng ấy đã được khắc họa trong thể chất nhân bản và diện mạo nhân đạo, mà rất đời thường gần gũi khiến người xem yêu mến hơn, ngưỡng mộ hơn, cảm phục hơn. Tuy nhiên ở đây tôi xin phép nói đôi điều khi bàn về nhược điểm của một số vở diễn, vì nó rất hệ trọng trong cả thi pháp kịch và trong cả hiệu quả sân khấu - Sân khấu thế giới cũng như sân khấu Việt Nam không sợ diễn tả cái chết của người anh hùng, nhân vật trung tâm của kịch, với điều kiện tiên quyết, cái chết ấy phải là kết cục tất yếu của sự phát triển nội tại của bản thân nhân vật, và gây được hiệu quả tẩy rửa cho người xem. Cái chết ấy quyết không do bàn tay can thiệp của tác giả trước hết, rồi đến đạo diễn tiếp theo và diễn viên sau cùng, cũng như sự can thiệp ngẫu nhiên của các hiện tượng xã hội, như dịch bệnh, đói kém, các hiện tượng thiên nhiên như mưa bão, lũ lụt, sạt lở, động đất.

Nếu việc xây dựng hình tượng nhân vật và triển khai hành động kịch thực sự cần sự hỗ trợ của cái ngẫu nhiên thì nó, cái ngẫu nhiên ấy cũng phải có nguồn gốc từ một sự tất nhiên nào đó. Nghệ thuật sân khấu và hiện thực cuộc sống cũng vậy. Sân khấu là sự diễn tả thu hẹp tinh lọc cuộc sống. Tiếc rằng trên sân khấu Liên hoan lần này, một số vở diễn đã khá tùy tiện trong việc diễn tả cái chết của người chiến sĩ Công an với sự can thiệp lộ liễu của bàn tay đạo diễn, sự lăn xả một cách không cần thiết của diễn viên nó gây nên phản cảm cho khán giả, băn khoăn cho người xem về tính chất thiếu cảnh giác, thậm chí khờ khạo của người chiến sĩ Công an, nhất là sự lao mình vào cái chết, lợi bất cập hại.

Ngoài ra, sân khấu liên hoan lần này còn để lộ một vài nhược điểm khác cũng không kém phần đáng kể. Việc diễn tả sự chuyển biến của nhân vật từ xấu sang tốt, hoặc ngược lại, từ tốt sang xấu - là cần thiết cho việc khắc họa hình tượng người chiến sĩ Công an trong quá trình phát triển của nó dưới sức ép của hoàn cảnh và cao hơn của tình huống xã hội nhằm đạt tới tính phức tạp, đa dạng, chiều sâu trong hình tượng nhân vật, và gây hiệu quả bất ngờ trong sự tiếp nhận của khán giả.

Mặt khác và đôi khi là sự tháo gỡ cái nút thắt các mối xung đột, các tuyến hành động đổ về cao trào của dòng kịch. Nhưng chính vì có vai trò quan trọng như thế trong nghệ thuật kịch và sân khấu, mà yếu tố thi pháp trình bày lý do cho sự biến chuyển 180độ của nhân vật là khó, rất khó đối với nhà viết kịch, nhà đạo diễn và cả nghệ sĩ diễn viên. Nhưng khó, thậm chí cực khó mà vượt được thì mới gọi là tài.

Một cảnh trong vở “Trong mưa giông thấy nắng” của đoàn Nhà hát kịch Việt Nam.

Qua các vở diễn tham dự Liên hoan lần này, nhất là qua yếu tố kịch bản cho các vở diễn ấy, ta thấy rõ sự hình thành thực sự đội ngũ các nhà viết kịch về đề tài Công an. Nếu trước kia ta chỉ thấy thưa thớt một vài người, thì bây giờ ta đã thấy một lực lượng - có thể nói như vậy - các nhà văn, nhà viết kịch trong đó có những tên tuổi nổi danh trên kịch trường cả nước.

Về các nghệ sĩ sân khấu mặc dù đây là Liên hoan của các nghệ sĩ chuyên nghiệp - thế mà chúng ta lại mắc một số lỗi nghiệp dư trong vở diễn của mình. Ra vai, có em quên không bật micro, vào diễn có em buông thả diễn xuất theo cảm hứng thái quá của mình, để cho một số chi tiết, tình tiết mà mình trình diễn trở nên quá "đô-dơ", tức là quá cái liều lượng cần thiết.

Chẳng hạn, không ít em đã xử lý đài từ, yếu tố vô cùng quan trọng của diễn xuất sân khấu một cách tùy tiện: lúc thì thì thầm, hổn hển khiến người nghe câu được, câu chăng, khi lại gân cổ hò hét đến lạc nhòe cả tiếng, khiến khán giả đinh tai nhức óc. Có diễn viên đã để cho tiếng cười từ phòng khán giả dội ngược lên sàn diễn át cả những đối thoại dẫn truyện, tức những đối thoại giúp người xem nắm bắt được diễn biến của cốt truyện kịch, những đối thoại thắt nút, hoặc mở nút toàn bộ hệ thống tuyến kịch có khi chồng chéo, xoắn bện vào nhau.

Ta biết rằng sáng tạo nghệ sĩ nói chung, sáng tạo diễn xuất sân khấu nói riêng - rất cần sự cảm hứng, thậm chí hưng phấn một mặt. Mặt khác, công việc sáng tạo ấy cũng đòi hỏi sự kiềm chế nhất định. Đặc biệt, nếu trình diễn những “sen sếch”, cụ thể là những cảnh trai gái làm tình, mà nhiều cảm hứng, mà lắm hưng phấn đến mức thích thú thì sẽ dễ đi đến chỗ mô phỏng những động tác, những tư thế của hành vi ăn nằm, nó kéo diễn xuất lập tức vượt ra khỏi cái đường biên mong manh giữa tính huyền thoại hư ảo và sự tự nhiên chủ nghĩa, gây phản cảm cho khán giả.

Chủ nghĩa tự nhiên còn thể hiện bằng việc đưa lên sàn diễn những sự vật trần trụi. Có vở diễn đã treo tấm biển đề hai chữ W.C trên sân khấu ở vị trí trực diện với người xem, để người xem hiểu rằng sau tấm biển đó là nhà toa-let, nơi mà một số nhân vật chui vào đó vừa "đi" vừa nói chuyện với các nhân vật đứng ngoài chỗ đến lượt mình. Cảnh diễn đó tuy có gây cười cho khán giả, nhưng đó là tiếng cười thiếu tính thẩm mỹ.

Một trường hợp khác: sự diễn tả cái ác cùng với những hành động tàn bạo của nó. Chưa chừng mực, đúng liều lượng, thiếu sự nhạy cảm có tính nhân bản và nhân đạo. Trên sân khấu Liên hoan lần này, chúng ta đã phải chứng kiến cảnh một tên tội phạm gian ác, điên cuồng động nói là chửi tục, động làm là chém giết, thậm chí còn giết cả bố đẻ ra nó mặc dù đó là một tai nạn. Ở một vở khác, kẻ sát nhân cuồng điên để trả thù, sau khi giết người còn tẩm xăng đốt xác khiến cho cái thi thể con người ấy cong queo, co giật trong ngọn lửa, khiến người xem ghê rợn.

Ở một vở khác nữa, tên giết người bệnh hoạn đã được diễn tả trong những hành động dã man đến cùng cực chưa từng thấy trên sân khấu chúng ta từ xưa đến nay, đó là cảnh giết người bằng dao mổ lợn rồi chặt ra từng mảnh, cắt đầu bêu thủ cấp... Những cảnh tượng tự nhiên chủ nghĩa như thế đã kéo sân khấu nghệ thuật sang sân khấu bạo lực. Một số khán giả đã bỏ về khi chứng kiến cảnh tên tội phạm trong trụ sở cảnh sát, nơi đại diện cho pháp luật, đã ngang nhiên bước lên bàn làm việc rồi đá rơi chiếc mũ của đồng chí Công an. Đó là những lỗi rất đáng chê trách.

Quy cho cùng thì những thiếu sót mà tôi vừa nêu khá tỷ mỷ và riết róng ở trên cũng là do bàn tay của đạo diễn. Phải thừa nhận rằng các nhà đạo diễn, nhất là một vài nhà gọi là trẻ bằng một vài vở diễn của mình đã chứng tỏ những khả năng, những tiềm năng của người được mệnh danh là tác giả của vở diễn. Họ, những đạo diễn trẻ ấy đã chịu khó mầy mò, tìm kiếm cho mình cái chìa khóa mở cửa đi vào thế giới huyền thoại của vở kịch, đã miệt mài sáng tạo sử dụng nhiều thủ pháp, nhiều cảnh dàn (midăng xen) để không mô phỏng cuộc sống, mà trình bày nó ở một dạng khác lạ nhằm đưa sự tiếp nhận của người xem vượt cao xa hơn những điều mà họ nhìn thấy, nghe thấy tại sàn diễn - Song vì quá say mê đến đắm đuối trong những midăng xen, những mảng miếng, những trò diễn mà đạo diễn đã quên mất cái chủ yếu: sự hoàn chỉnh mang tính tổng thể của tác phẩm nghệ thuật.

Ở đây là của vở diễn sân khấu, nó là một đời sống, một thế giới, một vũ trụ thu hẹp trong không gian mấy chục mét vuông và thời gian không quá 180 phút. Cũng chính vì chạy theo các mảng miếng, sa đà vào những thủ pháp mà các họa sĩ trong sự chỉ dẫn ăn ý hiệp đồng sáng tạo với các đạo diễn đã sử dụng nhiều phông màn, bục bệ với sự chuyển động xoay vần đến chóng cả mặt người xem, và choán cả đất diễn của diễn viên.

Âm nhạc cho sân khấu liên hoan lần này dường như vì điều kiện nào đó, có vẻ là về kinh phí, về thời gian, mà đa số các vở sử dụng nhạc chọn - vì là nhạc chọn, nên có vẻ như nhạc sĩ khá thoái mái... trong khâu chọn nhạc, nó dẫn đến tình trạng bão hòa - hoặc thiếu hài hòa với tình huống kịch và tâm trạng nhân vật... Riêng các vở "Cơn lốc đời người" và "Không phải là vụ án"... tiếng là kịch hát Bài chòi và Kịch hát Huế, nhưng lại ít, rất ít các bài bản "xịn" đậm đà bản sắc của ca Bài chòi và ca Huế, mà đa phần là các bài hát mới sáng tác với giai điệu, nhịp điệu lạ tai và ít sức truyền cảm. Tuy nhiên, khép lại một Liên hoan sân khấu lần này, chúng ta có thể ăn mừng với những thành công đáng khích lệ, mở ra một diện mạo mới của sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân.

Biên đạo múa Tuyết Minh: "Sự gắn kết và thấu hiểu sâu sắc là nguồn cảm xúc để sáng tạo những tác phẩm có giá trị nghệ thuật"

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân và 10 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ, ngày 24/7, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an đã tổ chức gặp mặt các văn nghệ sĩ, nhà báo tiêu biểu, có nhiều công hiến cho sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân.

Dự buổi lễ có Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an; đại diện các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các hội chuyên ngành VHNT Trung ương.

Nhân dịp này, biên đạo múa Tuyết Minh - một nghệ sĩ đã nhiều năm gắn bó với lực lượng Công an qua nhiều tiết mục nghệ thuật từng giành các giải thưởng trong nước và quốc tế, đã có bài phát biểu tâm huyết.

 Báo VNCA xin trích đăng bài phát biểu của chị:

Là nghệ sĩ trẻ, trước nhiều mảng đề tài sáng tác vô cùng rộng lớn, nhưng hình tượng người chiến sĩ Công an luôn là trăn trở và thách thức trong đam mê nghệ thuật của riêng tôi. Được cộng tác với Đoàn ca múa nhạc Công an nhân dân từ năm 2009 cho tới nay, chúng tôi đã liên tiếp đạt được nhiều huy chương Vàng, Bạc, cho các chương trình, tác phẩm trong các liên hoan, cuộc thi trong nước và quốc tế.

Theo dõi trên các phương tiện thông tin, báo chí trong những ngày vừa qua, chúng tôi thấy Bộ trưởng, Thứ trưởng, các vị lãnh đạo Bộ Công an vào Nam, ra Bắc. Trong chuỗi sự kiện trọng đại kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân và 10 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc mà các chiến sĩ vẫn ngày đêm mưu lược, tác chiến với tội phạm giấu mặt, tạo nên những chiến công lừng lẫy, mang lại sự công bằng, mang lại niềm tin cho nhân dân.

Trăm công, nghìn việc là thế, mà ngày hôm nay, các lãnh đạo, các chiến sĩ, vẫn không quên tổ chức buổi gặp mặt các văn nghệ sĩ, các nhà báo, để tôi có vinh dự được nói lên những tình cảm của mình… Đây cũng là lần thứ hai tôi vinh dự được Bộ trưởng trao tặng tấm Bằng khen danh dự này. Sự quan tâm sâu sắc của các vị lãnh đạo Bộ Công an khiến tôi, một nghệ sĩ trẻ vô cùng xúc động. Tôi càng thấy mình cần phải lao động nghệ thuật nhiều hơn nữa, sáng tạo táo bạo hơn nữa, quảng bá hình tượng người chiến sĩ sâu và rộng hơn nữa mới có thể góp phần cùng đông đảo các văn nghệ sĩ tạo thành làn sóng lớn, tiếp tục tôn vinh những hi sinh thầm lặng, những chiến công hiển hách của các anh, các chị.

Sự gắn kết và thấu hiểu sâu sắc này sẽ là nguồn cảm xúc để chúng tôi sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị nghệ thuật ngày càng cao hơn nữa mới đủ sức tương xứng với tầm vóc những chiến công 70 năm qua, nhiều thế hệ chiến sĩ Công an nhân dân Việt Nam đã dày công vun đắp. 

Để những tác phẩm thực sự thuyết phục được công chúng, tô đậm hình ảnh người chiến sĩ Công an trong đời thường, trong nghiệp vụ… đột phá bằng những góc nhìn sắc sảo, có chiều sâu, tôi mong rằng Bộ trưởng, các vị lãnh đạo sẽ tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa để giới văn nghệ sĩ chúng tôi được tham gia nhiều đợt thực tế trong khuôn khổ cho phép để mang đến những nét chấm phá chân thực và sinh động nhất.

Trong 7 năm cộng tác với Đoàn Ca múa nhạc Công an nhân dân, không ít lần tôi đã rơi nước mắt khi những diễn viên, đồng thời là chiến sĩ Công an của Bộ luyện tập những kỹ thuật, kỹ xảo khó, đã bị chấn thương, trầy xước khi ngã xuống mặt sàn đá hoa. Có nhiều hôm trời đổ mưa to, điện mất, ống máng sập, phòng tập ngập nước, chỉ còn nơi cao nhất là sàn tập để gần 30 diễn viên và biên đạo chờ mưa ngớt. Đoàn Kịch và Đoàn Ca múa nhạc phải tranh thủ chia nhau thời gian để tập chung sàn và chương trình nào cô trò cũng phải quần nhau tới 22, 23h đêm. Có lẽ… tôi cũng rèn cho mình được sự kiên trì bởi thiết nghĩ so với các anh, các chị đang thực thi công vụ, chắc còn gian truân gấp trăm… gấp nghìn lần như vậy. Tôi cùng tập thể anh, chị, em chiến sĩ, nghệ sĩ Đoàn Ca múa nhạc Công an nhiều vẫn vượt qua khó khăn và gặt hái liên tiếp những thành công trong các cuộc thi, liên hoan toàn quốc và quốc tế.

Nhân dịp 70 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân, có lẽ cũng là tâm huyết của toàn thể lãnh đạo, chiến sĩ, nghệ sĩ của Đoàn, tôi kính mong Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Công an, các vị lãnh đạo các cấp sẽ dành sự quan tâm mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa cả về đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng nhân lực, thu hút tài năng, chiêu mộ nhân tài, để Đoàn Ca múa nhạc Công an nhân dân chuyển mình lớn mạnh thành một Nhà hát nghệ thuật Công an nhân dân Việt Nam đủ tầm vóc, xứng đáng với niềm kiêu hãnh của Bộ Công an. Đó sẽ là bảo tàng sống lưu giữ những tác phẩm nghệ thuật cao, không chỉ dừng lại ở các chương trình ca múa nhạc tổng hợp, không chỉ dừng lại ở các vở múa, vở kịch, mà còn hướng tới đi đầu về những vở nhạc kịch lớn, kết nối thành quả mà Tổng cục Chính trị Công an nhân dân đã xây dựng qua các đợt vận động sáng tác. Một nhà hát xứng tầm của lực lượng Công an nhân dân sẽ là cầu nối quảng bá, tôn vinh hình tượng, nâng cao uy tín của người chiến sĩ Công an nhân dân, là gương mặt tô điểm thêm cho sức mạnh của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam vươn ra tầm khu vực và quốc tế…

Tất Thắng
.
.