Ý kiến ngắn

Một cách kinh doanh thơ

Thứ Tư, 24/09/2014, 08:00
Những người ham đọc sách văn học hẳn còn nhớ, cách nay 28 năm, vào tháng 10 năm 1988, Nhà xuất bản TP HCM cho ấn hành cuốn "B. Pasternak - con người và tác phẩm". Sách dày 1100 trang, nội dung gồm 3 phần. Phần 1: "B. Pasternak - con người và tác phẩm". Phần 2: "16 bài thơ chọn lọc". Phần 3: Tiểu thuyết "Bác sĩ Zhivago".

Như thế có nghĩa: Nếu ai muốn mua riêng phần thơ, mua riêng phần tiểu thuyết, mua riêng phần giới thiệu về tác giả, tác phẩm về B. Pasternak đều không được đáp ứng hoặc đều không có quyền lựa chọn.

Tuy nhiên, vì quá yêu quý B. Parternak - nhà văn Nga từng đoạt giải Nobel về văn học, nên dẫu Nhà xuất bản TP HCM có "bán kèm" như thế, độc giả vẫn thấy chấp nhận được.

Loại trừ từ điển và đại từ điển, "B. Pasternak - con người và tác phẩm" được coi là cuốn sách về văn học dày kỷ lục vào thời điểm ấy.

Trước đó, vào những năm 70, đặc biệt là vào những năm 60 của thế kỷ trước, có nhiều bộ tiểu thuyết cổ, thường có xu hướng in xé lẻ thành nhiều tập. Đơn cử như bộ "Tam quốc diễn nghĩa" xuất bản qua Nhà xuất bản Phổ thông, được chia thành 13 tập.

Sách in mỏng như thế, ít nhất có hai ưu thế. Thứ nhất, giá rẻ. Thứ hai, dễ cầm theo người và có thể đọc ở bất kỳ tư thế nào. Trong đó, giá rẻ khiến nhiều người dễ mua. Nên nhớ vào những năm tháng ấy, không phải ai cũng dễ dàng có đủ tiền mua liền một lúc 13 tập "Tam quốc diễn nghĩa".

Cho đến nay thì cuốn sách trên không được coi là dày kỷ lục nữa. Trong số những cuốn sách dày trên 1000 trang, thậm chí gần 2000 trang, vẫn chủ yếu là thơ.

Tất nhiên, thơ ở đây là "thơ tuyển" hoặc "thơ tuyển chọn" theo chủ ý của người làm sách. Nói "theo chủ ý của người làm sách" cũng có thể hiểu: Đây là những tập thơ tập trung chọn thơ theo kiểu "thượng vàng hạ cám", bất kỳ ai dù chuyên nghiệp hoặc không chuyên nghiệp, dù có danh tiếng hay không có danh tiếng, dù ở miền xuôi hay ở miền ngược, dù trẻ hay già, dù là đàn bà hay đàn ông…đều được chui vào cái "rọ" mỗi người một bài.

Người làm sách làm thế để làm gì? Thưa rằng: Để bán sách và kinh doanh sách. Và những cuốn sách loại này thường không có nhuận bút, không có sách biếu và thường có giá không rẻ: Từ 5 - 7 trăm nghìn đến gần 1 triệu đồng.

Không ít người, nhất là đối với những người mới "chân ướt chân ráo" vào làng thơ hoặc làm thơ mãi mà không ai biết đến, khi thấy mình có tên trong những tập thơ trên đều vui mừng ra mặt. Họ không ngại bỏ tiền ra mua, ít thì 1 cuốn, nhiều thi dăm bảy cuốn. Không ít người tự hào: Vậy là cuối cùng, tôi cũng được đứng bên những người nổi tiếng hoặc những tên tuổi lớn.

Có người bảo: Như vậy là "cơn khát văn chương", "cơn khát danh tiếng" của đối tượng này đã ít nhiều được thỏa mãn.

Còn đối với những người không để ý đến việc này thì sao?

Năm ngoái, có một người đã mang hai tuyển thơ kiểu trên (8 quyển cả thảy) đến gặp tôi. Một để tặng tôi và một nhờ tôi gửi tặng nhà thơ Trương Nam Hương. Tôi gọi điện cho nhà thơ Trương Nam Hương báo tin và tôi nhận được câu trả lời: "Bay từ Hà Nội vào Sài Gòn mà mang nặng thêm 5 - 7kg sách nữa thì phiền toái quá. Anh có thể gửi tặng ai đó giúp em".

"Bỏ thì vương, thương thì tội", tôi nghĩ mãi mới tìm ra cách "tẩu tán" chúng. Đầu tiên, tôi gửi tặng 2 tác giả có thơ in trong hai tập thơ. Còn 2 quyển nữa, tôi gửi tặng một người yêu thơ cao tuổi.

Cách nay một tuần, có một nhà thơ từ Hải Phòng về Hà Nội. Nhà thơ này mua 2 cuốn "tuyển thơ" nọ, một để dùng và một để tặng nhà thơ Trần Quang Quý. Sách dày gần 2000 trang và có giá gần 1 triệu đồng/ 1 cuốn. Sau khi tặng nhà thơ Trần Quang Quý, nhà thơ này quay ra hỏi tôi: "Tiếc không có thơ của ông trong tuyển thơ này. Nếu có, tôi cũng không tiếc gì mà mua thêm một cuốn nữa để tặng ông, cho vui. Hay là ông không đi bộ đội?".

Tôi cười cười: "Không phải tôi không đi bộ đội. Cái chính là cách nay hai năm, một lần gặp người chuyên làm cái việc tuyển, tuyển gì đó, tôi đã nói thẳng: Từ nay, tôi yêu cầu ông đừng chọn thơ tôi in vào những tuyển tập đó. Còn cứ làm như mọi khi, tôi sẽ kiện về bản quyền đấy. Vả lại, với những tuyển thơ kiểu này, tôi không biết dùng chúng vào việc gì".

- Sao ông cực đoan thế? - Người này hỏi.

- Vì đã in có một bài, vậy mà còn in sai câu, sai chữ thì khó chịu lắm.

- Nhưng tuyển thơ này, mỗi người có đến dăm tác phẩm cơ!

- Thì ông cứ mở sách ra mà đọc thử xem!

Cả nhà thơ này và nhà thơ Trần Quang Quý cùng mở sách ra đọc và cùng ồ lên: "Ông nói đúng thật! Mấy bài thơ của chúng tôi in trong này đều có sai sót, có khá nhiều chữ tác bị đánh thành chữ tộ. Đọc xong, cũng thấy khó chịu thật!"

PV
.
.