Miền gió, miền cây, miền thương nhớ...

Thứ Năm, 25/09/2014, 08:00
Đọc "Miền gió, miền cây", thơ Phạm Hiển, NXB Hội Nhà văn, 2013.

Nhiều người chỉ biết Phạm Hiển là Trưởng Công an huyện Việt Yên rồi làm Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ - Công an Tỉnh Bắc Giang. Còn làm thơ, mãi đến năm 2005, khi Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh tổ chức cuộc thi "Sáng tác Văn học - Nghệ thuật", chùm thơ 5 bài của anh mới được gửi tham dự và sau đó, tác giả đoạt giải nhì.

Đến hôm nhận giải, Ban Tổ chức và tác giả Phạm Hiển mới biết mặt nhau. Thì ra bản thảo gửi đến dự thi là do một người bạn cùng ngành Công an, cùng về hưu và cùng làm thơ đã đọc thơ Phạm Hiển rồi chọn lựa và gửi dự thi.

Từ đó đến nay, Phạm Hiển đã trở thành một tác giả quen biết của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và năm 2013 anh đã cho xuất bản tập thơ đầu tay. Có thể nói, "Miền gió, miền cây" - tập thơ đã đánh dấu một giai đoạn thơ, một quãng đời quan trọng trong cuộc đời tác giả.

"Miền gió, miền cây" đã đưa ta về miền thương nhớ. Miền thương nhớ không chỉ là phạm trù địa lý mà mở rộng ra nhiều vùng và cả trong tâm tưởng của tác giả.

Đó là một làng quê ở giữa hai dòng sông luôn nổi sóng và thao thức trong lòng tác giả:

Buồn vui vẫn một làng tôi
Giữa hai sông ấy ngàn đời thiết tha

(Làng tôi)

Một làng quê mà người nông dân dù chịu nhiều thua thiệt nhưng vẫn trồng cấy, vẫn bán mặt cho đất, bán lưng cho trời như một lẽ sinh tồn cao cả:

Biết là sướng khổ kề nhau
Lại về trồng cấy kẻo đau cánh đồng

(Nỗi làng)

Niềm thương nhớ trào dâng khi tác giả đứng trước nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn:

Ở đây tôi thấy lại tôi
Nhỏ nhoi hạt cát giữa trời bao la
Ở đây ta lại thấy ta
Phổng phao từ hạt phù sa sông gầy

(Ở đây)

Miền thương nhớ còn dẫn bạn đọc về quá khứ khi qua thành Luy Lâu:

Thiên triều mộng
Khói tàn bay
Biết bao máu đổ đất này bể dâu!

Một cảm giác sử thi, cảm giác tinh tế qua chắt lọc của cuộc sống: "Hoang hoảng nắng/ Thuận Thành trưa/ Mỗi lần qua/ Lại ngàn xưa hiện về" (Qua thành Luy Lâu).

Một nhận xét ngỡ bâng quơ mà triết lý sâu sa: "Nước ứ thừa mà người vẫn khát/ Đường dưới chân mà phải lòng vòng" (Cầu không bắc qua sông).

Một niềm vui tìm thấy sau nhiều đổi thay, mất mát: "May còn Tràng Tiền/ Nối hai bờ Huế tím/ May còn ngọt lịm/ Lời người "dạ, thưa"/ May còn mưa/ Rất Huế" (Huế trầm tư).

Cảm giác về lịch sử, suy ngẫm về quá khứ, tái hiện lại không khí của quá khứ là một mặt mạnh, nhiều ấn tượng trong thơ Phạm Hiển. Những vị vua nhà Trần đã được tác giả tìm ra những nét đặc trưng đáng kính trọng:

Tu - không xa trần thế
Tục - không lụy vàng son
Giặc đến thì đánh giặc
Hết giặc lại về non

                       (Vĩ nhân)

Liên tưởng từ lịch sử với nhiều trải nghiệm của đời sống, của thực tế, tác giả nói với lòng mình cũng là nói với bạn đọc, với lịch sử: "Ờ! Thế kỷ hai mươi mốt rồi đấy nhỉ/ Mảnh đất này đã lắm bể dâu/ Xin đừng ai thêm một lần lầm lỡ/ Để cháu con phải đắp tượng không đầu!" (Viết ở Cổ Loa thành).

"Miền gió - miền cây" - Tập thơ đã đề cập đến nhiều lĩnh vực: Động và tĩnh; mộng và thực; hiện tại và tương lai; nỗi buồn và niềm vui; yêu thương và căm giận. Dù ở nơi nào, tâm thế nào thì tác giả vẫn luôn nhắc nhở, tâm sự với chúng ta, với bạn đọc là cái chất, cái đặc trưng không hề thay đổi như muối thì phải mặn, ớt thì phải cay và đường thì phải ngọt vậy.

Bắc Ninh, tháng 7/2014

Trần Anh Trang
.
.