Manh nha trào lưu kêu gọi vốn từ cộng đồng làm âm nhạc

Thứ Sáu, 09/02/2018, 08:30
Việc kêu gọi vốn từ cộng đồng (Crowdfunding) để ra mắt sách, làm phim... đã trở thành trào lưu khá phổ biến trong giới trẻ Việt thời gian gầy đây. Tuy nhiên, gọi vốn để sản xuất âm nhạc chưa được nhiều nghệ sỹ trẻ Việt Nam thực hiện. Chính vì vậy, việc Nguyễn Thanh Minh, chàng trai trẻ bước ra từ cuộc thi "Bài hát hay nhất - Sing My Song" kêu gọi vốn cộng đồng để ra mắt album "Cổ tích" nhận được sự chú ý của cộng đồng.


Thử nghiệm âm nhạc mới mẻ

Album "Cổ tích" được kỳ vọng sẽ tạo ra một làn gió mới trong thị trường âm nhạc. Làn gió mới này bắt nguồn từ hai lý do: thứ nhất, album là tập hợp 10 ca khúc do chính Nguyễn Thanh Minh thể hiện, được lấy ý tưởng từ những câu chuyện cổ tích Việt Nam, có sự thử nghiệm mới mẻ về âm nhạc khi kết hợp giữa nhạc dân gian Việt Nam với các dòng nhạc phương Tây như rock, electronic và jazz; thứ hai, album được sản xuất theo phương án khá mới mẻ tại thị trường Việt Nam hiện nay là gọi vốn cộng đồng.

"Cổ tích" được giới thiệu là sản phẩm âm nhạc chất lượng, không kén người nghe như âm nhạc của Tùng Dương hay nhạc sĩ Quốc Trung và có phần âm nhạc hiện đại, gần gũi với sở thích của giới trẻ nói chung. Những ca khúc trong album đưa người ta trở về trong vòng tay ấm áp của mẹ, nghe lại những câu chuyện cổ tích vốn không bao giờ xưa cũ…

Thanh Minh và đơn vị sản xuất Katana Records cho biết, mục đích của việc gọi vốn cộng đồng nhằm sản xuất album nhạc thực sự chất lượng. Những người tham gia góp vốn chính là đối tượng thưởng thức âm nhạc tiềm năng. Ê kip sản xuất kỳ vọng sẽ có được 1000 đơn đặt hàng album trước khi hoàn tất các khâu cuối cùng để ra mắt sản phẩm.

"Chúng tôi hiểu rằng, những người yêu âm nhạc hiện nay ngày một muốn đóng góp cho nền âm nhạc hết sức trong khả năng của mình. Tuy nhiên, đó không phải là điều dễ dàng, đặc biệt đối với những khán giả chỉ nghe nhạc nói chung. Với dự án sản xuất album "Cổ tích" lần này, Katana Records hy vọng có thể giúp đỡ khán giả đến gần hơn với nghệ sĩ và hiểu hơn về quy trình sản xuất một album ca nhạc", dòng giới thiệu viết trên facebook của Katana Records.

Thanh Minh và đơn vị sản xuất Katana Records hy vọng sẽ có 1000 đơn đặt hàng album "Cổ tích" trước khi hoàn tất các khâu cuối cùng để ra mắt sản phẩm.

Đồng thời, Katana cũng khẳng định, album "Cổ tích" mở ra một lối đi mới cho việc sản xuất, phát hành âm nhạc của những nghệ sỹ trẻ chưa có tên tuổi dựa trên nền tảng Pre-order, mang lại cơ hội phát triển cho các nghệ sỹ trẻ trong tương lai, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam.

Để giới thiệu về dự án và kêu gọi vốn cộng đồng, Thanh Minh đã có một đêm diễn vào ngày 2/2 vừa qua tại Hà Nội. Đêm nhạc với sự góp mặt của nhiều gương mặt trẻ tài năng như Dũng Joon, Hoàng Dũng The Voice, Sweepy… Được biết, điểm đặc biệt là album "Cổ tích" không in, sao như bình thường mà được đưa vào định dạng chiếc USB nhỏ gọn, được mã hóa nhằm bảo vệ bản quyền tác phẩm. Đây là công nghệ tiên tiến chưa được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam hiện nay. Âm nhạc trên album USB bản quyền có chất lượng âm thanh cao gấp ba lần so với trên đĩa CD thông thường.

Nhiều người đánh giá, cách kêu gọi góp vốn của Thanh Minh và Katana Records được thực hiện khá bài bản, công khai, minh bạch. Thanh Minh đang nỗ lực để tìm hướng đi riêng, phong cách âm nhạc cho riêng mình. Điều đó chứng tỏ tâm huyết, sự nghiêm túc của những người trẻ trên con đường âm nhạc.

Không phải con đường dễ dàng để khởi nghiệp

Trước Thanh Minh, nhóm nhạc độc lập được coi là "The Beatles của Việt Nam" - "Ngọt" là những người tiên phong và thành công với hình thức gọi vốn cộng đồng khi sản xuất album đầu tay. "Ngọt" thành lập năm 2013 với 4 thành viên thuộc thế hệ 9X, gồm Vũ Đinh Trọng Thắng, Nguyễn Hùng Nam Anh, Phan Việt Hoàng, Trần Bình Tuấn, được biết đến với những ca khúc như "Quan điểm", "Xanh", "Cho tôi đi theo", "Em dạo này", "Cá hồi", "Không làm gì"…. Để có tiền cho album "Ngọt", nhóm nhạc đã kêu gọi vốn và nhận được 60 triệu đồng từ người hâm mộ.

Với số tiền có được từ việc gây quỹ, "Ngọt" đã tiến hành thu âm album đầu tay với hình thức thu âm trực tiếp, tức thu đồng bộ tất cả các nhạc cụ và giọng cùng lúc để hạn chế tối đa việc sử dụng công nghệ. 10 ca khúc được đánh giá là quan trọng nhất của nhóm từ khi mới thành lập đã được chọn lọc, gọt giũa kỹ lưỡng trong album "Ngọt". Album được đánh giá cao vì chất lượng âm thanh cũng như tinh thần âm nhạc đậm chất "Ngọt".

Trên trang Funstart.vn, tổng số tiền mà "Cổ tích" kêu gọi góp vốn là 200 triệu đồng. Thời gian bắt đầu nhận vốn từ ngày 5/12/2017 và thời gian giao sản phẩm cho khách là tháng 3/2018. Khách hàng tham gia góp vốn chia làm nhiều mức khác nhau tương ứng với những sản phẩm khách hàng sẽ nhận được. Ví dụ, với mức góp vốn thấp nhất là 200 nghìn đồng, khách hàng sẽ nhận được phần thưởng gói "Chử Đồng Tử", bao gồm: lời cảm ơn từ Katana Records, 1 set album "Cổ tích", 1 vé mời tham dự sự kiện ra mắt album; mức đóng góp 500 ngàn đồng, khách hàng sẽ nhận được phần thưởng gói "Thạch Sanh", mức đóng góp 1 triệu đồng, khách hàng nhận được phần thưởng gói "Phù Đổng Thiên Vương", mức đóng góp cao nhất 2 triệu đồng, khách hàng nhận được phần thưởng gói "Cậu Ông Giời". Mức tham gia góp vốn càng cao thì phần thưởng mà khách hàng nhận được càng nhiều.

Với khán giả, cái tên Thanh Minh chưa để lại nhiều dấu ấn. Anh từng tham gia chương trình "Sing My Song" nhưng không được tiến sâu vào vòng trong. Tuy nhiên, một số sáng tác của chàng trai trẻ 9X này gây được sự chú ý như "Thở than", "Nợ". Gần đây nhất, ca khúc "Ông ba bị" do Thanh Minh sáng tác cuối năm 2017 được ban nhạc Bọ Hung lựa chọn tham gia cuộc thi "The Band - Ban Nhạc Việt". Vì chưa được nhiều khán giả biết đến nên việc kêu gọi vốn chắc chắn sẽ gặp những khó khăn nhất định.

"Ông ba bị" là một trong 10 ca khúc trong album "Cổ tích" dự kiến ra mắt trong tháng 3/2018.

Tính đến thời điểm này, album "Cổ tích" mới kêu gọi được 2% vốn, tương đương 4,4 triệu/tổng số vốn kêu gọi là 200 triệu đồng. Nếu việc kêu gọi vốn không thành công thì "Cổ tích" với những hứa hẹn về thử nghiệm mới trong âm nhạc sẽ khó có thể triển khai thực hiện. Đây sẽ là điều hết sức đáng tiếc với đơn vị sản xuất cũng nhưng những khán giả trẻ yêu thích và kỳ vọng vào dự án mới mẻ như 'Cổ tích".

Kêu gọi vốn cộng đồng được hiểu là hình thức mà cá nhân hoặc tổ chức "rao bán trước" sản phẩm, dịch vụ để huy động vốn, ứng tiền trước để sản xuất sản phẩm, dịch vụ. Thời gian qua, ở Việt Nam, lĩnh vực kêu gọi vốn cộng đồng thành công nhất là xuất bản và phim ngắn. Nhiều tác phẩm truyện tranh Việt Nam đã kêu gọi vốn thành công ngoài mong đợi như "Long thần tướng", "Mật ngọt chết mèo", "Art Book" (sách tranh của Tuyệt Đỉnh Sinh Vật), "Project Icon", "Nhóm máu O"… Tuy nhiên, cũng có dự án đành bỏ dở giữa chừng vì kêu gọi vốn không thành công hoặc kêu gọi vốn thành công nhưng khi sản phẩm ra mắt lại khiến công chúng thất vọng vì nhiều lỗi không thể chấp nhận.

Kêu gọi vốn để phát hành album, CD, làm liveshow… đã xuất hiện trên thế giới từ lâu nhưng chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam. Nhiều người dự đoán, xu hướng này sẽ được các bạn trẻ triển khai thực hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc kêu gọi vốn không dễ dàng, nhất là với các bạn trẻ có tài năng, đam mê nhưng chưa được nhiều công chúng biết tới. Thực tiễn cho thấy, những người nổi tiếng, có sản phẩm uy tín đã được công chúng đón nhận có cơ hội gây quỹ thành công nhiều hơn.

Họa sĩ Nguyễn Khánh Dương, người sáng lập trang Comicola - chuyên kêu gọi gây quỹ cộng đồng lĩnh vực truyện tranh chia sẻ rằng, "quá khó để đem một tác phẩm đầu tay ra gây quỹ cộng đồng. Thông thường, muốn gây quỹ thành công, bạn phải có uy tín cá nhân nhất định. Đây không phải là con đường dễ dàng để khởi nghiệp". Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, dù gây quỹ thành công hay thất bại thì nghệ sỹ vẫn có thể "đo lường" được sự quan tâm, hứng thú của khán giả với các sản phẩm của mình, thiết lập được mạng lưới khách hàng thân thiết. Từ mạng lưới này có thể tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới.

Phạm Thiên Giang
.
.