Mạng xã hội và tàn dư bầy đàn

Thứ Hai, 22/06/2015, 08:00
Chê bai, dè bỉu, chửi bới... việc này tất tật chỉ là sự "tỏa sáng" đầy cơ hội của một đám có chung mục đích: được chửi, có cớ mà chửi. Chửi loạn cào cào. Chửi bất chấp thời tiết. Nhân danh trí tuệ, sự uyên bác, họ đòi được nói điều ngu xuẩn. Nhân danh dân chủ, họ mơ thiết lập trình trạng vô chính phủ. Nhân danh bảo vệ quyền lợi một cá nhân, họ triệt để khai thác cơ hội gào thét bầy đàn.

1.Tháng trước, không biết bắt đầu từ  đâu, đột nhiên một phát ngôn xuyên tạc bậy bạ, mang tính nhu nhược, sợ hãi trước họa bành trướng, vô cảm, vô trách nhiệm với dân tộc và lịch sử được lôi ra, được gán "quyền phát ngôn" cho một vị giáo sư, tiến sĩ nọ. Lập tức, các trang mạng xã hội sôi sục.

Nhiều người trong giới khoa học và báo chí đã lên tiếng, chứng minh và khẳng định vị giáo sư, tiến sĩ nọ là một nhà khoa học "có tư cách, phẩm chất lẫn năng lực làm nghề, là người có nhiều cống hiến và tiếng nói  mạnh mẽ trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Nhưng bất chấp điều đó, đám đông cư dân mạng vẫn sôi lên trong một cơn "tổng sỉ vả" vô trách nhiệm. "Tác giả" của những câu chửi ngoa ngoắt và thậm chí là tục tĩu ấy, chiếm đa phần vẫn là những người vô danh… nổi tiếng trên mạng xã hội. Họ nổi tiếng vì thường xuyên chửi bới, thường xuyên mạt sát người khác, chứ không hẳn vì họ đã từng làm được điều gì đó có ý nghĩa cho xã hội. Dường như chỉ có chửi bới họ mới khẳng định được sự tồn tại. Tự họ cảm thấy "sướng" khi được chửi và chửi rất to. Khi mạt sát người khác, đạp lên tư cách của người khác và của chuẩn mực xã hội, họ thấy mình cấp tiến và dân chủ.

Tất nhiên, đó là thứ dân chủ chết yểu. Cho dù nhà khoa học - nạn nhân không tự lên tiếng thì cũng chỉ sau vài ngày, sự dối trá, vô đạo đã bị chính cộng đồng mạng bóc trần. Những bài viết miệt thị, lên án vô căn đột ngột biến mất như thể chúng chưa từng tồn tại. Không ai xin lỗi, không ai chịu trách nhiệm!

Chị ve chai lam lũ Huỳnh Thị Ánh Hồng đang là tâm điểm mạng xã hội.

2. Tháng sau, dù phải chờ đợi, chị ve chai lam lũ Huỳnh Thị Ánh Hồng (quê Quảng Ngãi, tạm trú quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) cũng đã được nhận 5 triệu yen. Quyền sở hữu của chị đối với số tiền đó được luật pháp công nhận. Báo chí, nhiều người quen và không quen đều mừng cho chị.

Nhưng... Hàng loạt bình luận, núp dưới việc chia sẻ, hoặc xót xa cho chị ve chai cũng đã liên tiếp xuất hiện.

Một loạt nhà đạo đức, dân chủ ưa soi mói cũng nhảy chồm chồm lên với phát hiện giật gân: chị Hồng mất 200 triệu đồng sau một năm vì sự tụt tỷ giá đồng yen. Không ngần ngại, họ cột trách nhiệm cho Công an Tân Bình và chế độ: vô cảm, gây thiệt thòi cho dân. Thông minh, uyên bác và cao cả hơn, một loạt comment còn cho rằng, chẳng qua vì báo chí lên tiếng, ém không nổi nên chính quyền mới bắt buộc phải để cho chị ve chai được nhận số tiền này. Đem số tiền tạm gửi vào nhà băng, trước khi trao nó cho người được quyền sở hữu hợp pháp thì bị họ cho là "kinh doanh tiền" để hưởng lợi, từ đó mỉa mai mấy chữ "do dân, vì dân" đứng sau chữ "chính quyền".

Người tử tế hẳn phải than trời: Bình luận kiểu gì vậy? Chính chị Hồng đã trình báo, nộp Công an ngay khi mới phát hiện được tiền, cũng chỉ với hy vọng nó sẽ về lại với người chủ đã thật sự đánh mất nó. Và nếu tốt, chị mong được họ cảm ơn bằng một phần nhỏ trong số đó. Việc giữ tiền, đăng tin tìm người mất, xác minh bằng chứng và sau đó trả lại, thừa nhận quyền sở hữu nó cho chị Hồng sau khi đã loại trừ mọi nguy cơ tranh chấp là việc làm đúng, cẩn trọng và cần thiết. Nó tránh được cho cả Công an, chính quyền, tòa án và cả chính chị Hồng nữa tránh khỏi những hệ lụy. Nó cũng bảo đảm quyền lợi cho người mất tiền thật sự một cách đúng luật.

Chê bai, dè bỉu, chửi bới... việc này tất tật chỉ là sự "tỏa sáng" đầy cơ hội của một đám có chung mục đích: được chửi, có cớ mà chửi. Chửi loạn cào cào. Chửi bất chấp thời tiết. Nhân danh trí tuệ, sự uyên bác, họ đòi được nói điều ngu xuẩn. Nhân danh dân chủ, họ mơ thiết lập trình trạng vô chính phủ. Nhân danh bảo vệ quyền lợi một cá nhân, họ triệt để khai thác cơ hội gào thét bầy đàn.

Vui chửi, buồn chửi không vui, không buồn, không liên quan cũng chửi. Người chửi sau cố gào thét to hơn người chửi trước. Một giọng.

Điều khác biệt duy nhất giữa báo chí chân chính và mạng xã hội, đó là chế tài cần thiết và khả năng tự kiểm soát. Nói cách khác, cái thiếu của hội chứng đám đông không phải là tri thức, thông tin, mà là lòng tự trọng. Câu view, ve vuốt hay thỏa mãn sự hiếu kỳ của đám đông chỉ là cách đưa xã hội văn minh quay trở lại thời bầy đàn nguyên thủy. Đáng tiếc, xã hội càng văn minh, càng dân chủ thì lại xuất hiện ngày càng nhiều những nhận xét không bằng lý trí, hoàn toàn vô cảm, chỉ dựa trên duy nhất một thứ cảm tính đầy hằn học với chính quyền, với Công an. Xin lỗi, chẳng lẽ đó không phải là sự hồ đồ sao, thưa các nhà "đạo đức học", các nhà "dân chủ nửa mùa"?

Nguyễn Đức
.
.