MV nhạc Việt – tràn ngập bạo lực

Thứ Hai, 04/03/2019, 09:01
Bị phản bội trong tình yêu, thậm chí chỉ là chút hờn giận, hiểu lầm vu vơ cũng khiến cặp uyên ương trở thành kẻ thù truyền kiếp. Những pha trả đũa, gào thét, đập phá đồ đạc và đỉnh điểm là kết liễu đời nhau trở thành motif quen thuộc để ca sĩ thu hút người xem MV.


Âm nhạc là một trong những loại hình nghệ thuật được đông đảo giới trẻ tiếp cận và ưa chuộng nhất. Nhưng thử dạo một vòng các MV nổi tiếng của làng nhạc Việt trên YouTube, ta sẽ không khỏi giật mình khi cảnh bạo lực có độ phủ sóng dày đặc.

Hình ảnh dao rựa, súng ống… xuất hiện nhan nhản. Nổi đình nổi đám nhất thời gian qua có thể kể đến các MV như  “Chạy ngay đi”, “Tình nhân ơi”, “Em muốn anh đưa em về”, “Nào đâu phải anh”, “Mời anh vào tim em”, “Talk to me”, “Những kẻ mộng mơ”… Trong “Chạy ngay đi”, Sơn Tùng M-TP hiện lên với vẻ mặt lạnh lùng đằng đằng sát khí, tay lăm lăm cái bật lửa và con dao chuẩn bị “xử” cô người yêu xinh đẹp. Như lời bài hát “Chạy ngay đi trước khi mọi điều dần tồi tệ hơn/ Chạy ngay đi trước khi lòng hận thù cuộn từng cơn…”, MV thể hiện cơn thịnh nộ của chàng ca sĩ khi biết người mình yêu tráo trở.

Anh chàng trói nàng trên chiếc ghế và rưới xăng xung quanh hoặc chĩa những chiếc dao về phía nàng. Hình ảnh cuối cùng là cảnh Sơn Tùng nằm chết trên chiếc ghế với ngọn lửa bao trùm xung quanh.

Ngoài hình ảnh hở hang gợi dục, MV “Mời anh vào tim em” của Chi Pu còn bị lên án vì cốt truyện man rợ, kinh dị.

Có cách khai thác na ná “Chạy ngay đi” từ lời hát đến trang phục, hình ảnh, JayKii trong MV “Nào đâu phải anh” không khiến người ta sởn gai ốc vì vẻ sắc lạnh của kẻ muốn trả thù người yêu mà là sự điên loạn, xô xát, đập phá đồ đạc trong phòng kín. “Tình nhân ơi” lúc đầu khiến người ta nghĩ đến những phút nóng bỏng của cặp diễn viên chính.

Càng về sau, người xem hiểu cô gái bị phản bội nên tự tìm đến cái chết bằng cách phóng hỏa chiếc xe ôtô. Nhưng cảnh cuối lại mở ra một cái kết bất ngờ khi cô gái tự tử với chính gã bạn trai đã bị trói chặt trong cốp xe. Kiểu giết chết hoặc tự tử với người mình yêu khi bị phản bội cũng được ekip của ca sĩ Bảo Anh dàn dựng trong MV “Như lời đồn”.

Trước đây, các MV mang màu sắc thảm khốc thường được dàn dựng cho bài hát có ca từ bi thiết, gào khóc vì tình yêu tan vỡ. Nhưng nay, ngay cả những ca khúc vui vẻ, tình tứ cũng tự dưng lồng cảnh giết chóc không mấy liên quan.

MV “Em muốn anh đưa em về” mà ca sĩ Hồ Ngọc Hà thể hiện là một ví dụ. Nếu MV “Em muốn anh đưa em về” của Hồ Ngọc Hà khiến người xem chưng hửng không hiểu vì chuyện gì mà cô lại chĩa súng bắn Kim Lý trong khi trước đó hai người vô cùng tình tứ thì MV “Mời anh vào tim em” (cũng có lời ca khá khêu gợi, vui vẻ) của Chi Pu lại bị lên án vì quá man rợ.

Chi Pu hóa thành cô gái nông trại đầy quyến rũ và ma mị. Một tên cướp đẹp trai xộc đến nông trại với con dao và thân hình đầy máu. Chi Pu và các cô gái thay nhau chăm sóc và quyến rũ anh chàng. Nhưng kết cục, lúc anh chàng “cắn câu” cũng là lúc cô biến anh ta thành con lợn và chế biến thành món ăn để đãi chàng trai khác.

Mức độ dã man của “Mời anh vào tim em” lớn hơn rất nhiều so với MV “Talk to me - Có nên dừng lại” trước đó của cô nàng. Ở MV “Talk to me”, trò trả thù của Chi Pu không khiến anh chàng Sở Khanh chết mà chỉ khiến anh chàng sợ xanh mặt khi bị đem làm bia phóng dao trong rạp xiếc. Nhưng nhiều người cho cách trả thù như thế cũng rất quá đáng.

Không chỉ bị phụ tình, bị qua mặt thì ca sĩ mới hành xử ớn lạnh mà họ còn sẵn sàng hành hạ đối phương khi… thích người đó (!). Miu Lê làm đủ mọi trò từ sập bẫy, tạt nước, chích điện, thậm chí là dùng dao mổ xẻ anh chàng mà mình thích một cách bệnh hoạn trong MV “Muốn”. Đông Nhi cũng không kém cạnh khi làm nam chính của “Giả vờ say” điên loạn bởi vô số pha hù dọa khiếp vía.

Phải thừa nhận rằng bạo lực vẫn là một chất liệu hấp dẫn của nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng. Tuy nhiên nó thường được khai thác để cảnh tỉnh, hướng thiện con người. Nếu mô tả về cái ác quá trần trụi, cố tình tô đậm mà không mang đến cho công chúng niềm tin hy vọng và niềm tin về lòng thương yêu thì sẽ phản tác dụng. Lúc đó, tác phẩm nhanh chóng tiếp tay, cổ súy cho cái ác.

Thông qua những MV nhạc Việt trên, người xem chợt nhận thấy giới trẻ hiện nay rất dễ bị kích động, bị tổn thương. Họ sẵn sàng trả thù và gây đau đớn cho mình hoặc đối phương mà không cần tìm hiểu nguyên cớ. Sự tha thứ, bao dung và tinh thần nhân văn trong các MV này gần như không có mà chỉ họa nên một cuộc sống u ám, tiêu cực khi cái ác mạnh hơn cái thiện, nỗi đau nhiều hơn niềm vui. Và giải quyết nó không còn con đường nào khác ngoài bạo lực.

Điều đáng nói là những MV kể trên đều có lượt xem “khủng”, không ít trong số đó cán mốc trăm triệu view. Người xem đa phần là những bạn trẻ. Kênh phát hành online với quá trình kiểm duyệt gần như bỏ ngỏ và kiểu phạt như muối bỏ biển của cơ quan chức năng đã tạo môi trường màu mỡ để những MV có yếu tố nhạy cảm, phản giáo dục này tha hồ tung hoành.

Nghệ thuật có vai trò quan trọng trong việc định hình và nuôi dưỡng nhân cách con người. Thế nhưng, dường như lĩnh vực này vẫn bị xem nhẹ, chỉ coi như món đồ trang sức của xã hội. Kéo theo đó, chức năng giải trí của nó được đề cao và khai thác tối đa mà bỏ qua chức năng giáo dục tư tưởng, định hướng thẩm mỹ. Nhiều ca sĩ quan niệm đó chỉ là MV giải trí thì nó thuần giải trí.

Và họ cũng quan niệm những yếu tố bạo lực hay cảnh nóng trong MV chỉ cốt để MV câu khách, hấp dẫn hơn. Chứ nếu thất tình mà chỉ khóc lóc ỉ ôi, giày vò lăn lộn thì quá “xưa rồi Diễm”. Phải có cái ác mới tạo nên kịch tính. Suy nghĩ này cho thấy sự bế tắc sáng tạo của nhiều đạo diễn MV.

MV “Nào đâu phải anh” của JayKii thể hiện một tình yêu đầy hận thù, chết chóc.

Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn phân tích, kinh nghiệm và kỹ năng sống của giới trẻ còn non nớt, họ không dễ gì chọn lọc được cái đúng cái sai. Với người trẻ, ca sĩ chính là thần tượng của họ. Mọi thứ thuộc về thần tượng từ cách ăn mặc, hình ảnh, lối sống, phát ngôn, cách hành xử… đều được chúng bắt chước, học hỏi một cách sùng bái. Do đó, sản phẩm âm nhạc bạo lực của thần tượng dần tiêm nhiễm vào đầu giới trẻ thứ tình yêu bệnh hoạn, thù hằn, chết chóc.

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn cho rằng MV bạo lực cũng không khác gì những thước phim kinh dị, bạo lực. Thậm chí, MV còn nguy hiểm hơn vì nó có dung lượng ngắn, dễ xem dễ nghe nên mức độ lan tỏa của nó mạnh hơn cả phim ảnh. “Những người biện hộ cho phim kinh dị và bạo lực thường chỉ lập luận trên bình diện ý thức, rằng bạo lực là thủ pháp để xây dựng hình tượng ấn tượng, là một phương tiện để chuyển tải thông điệp nhân văn...

Theo cách lập luận này thì bạo lực chỉ là đoạn đường lầy lội và gai góc phải vượt qua để đi tới đích Chân – Thiện – Mỹ. Điều đó có thể đúng với từng phim cụ thể nhưng những hình ảnh bạo lực tràn ngập triền miên trong nhiều tác phẩm thì hiệu ứng ám thị bạo lực không còn chịu sự chi phối của ý đồ nghệ thuật nhân văn của đạo diễn từng tác phẩm nữa.

Các phim tình dục, bạo lực xuất hiện liên tục trong một thời gian dài tạo nên trường hình ảnh ám thị. Nó tạo nên những thôi miên liên tục và dai dẳng tác động vào quá trình hình thành nhân cách con người” – ông phân tích.

Các vụ án mạng do cuồng ghen, trả thù tình hoặc thảm sát cả gia đình người yêu ngày càng dày dặc với mức độ dã man và tinh vi khó lường. Gương mặt kẻ thủ ác ấy đều rất non trẻ. Rõ ràng những sản phẩm văn hóa chọn đề tài bạo lực để khai thác là một trong những tác nhân gây nên vấn nạn đau lòng này.

Người nghệ sĩ không thể vỗ ngực bảo mình vô can khi đạo đức xã hội và nhân cách con người tha hóa xuống tận đáy. Khi nghe những bài hát dạng này, ca sĩ Tùng Dương thẳng thắn chỉ trích. Là một người làm nghệ thuật, anh không thể chấp nhận những sản phẩm âm nhạc cổ súy lối sống bất cần, vô cảm, thiếu nhân văn.

Nếu là một tác phẩm giải trí, nó cũng phải là kiểu giải trí lành mạnh, tử tế, không thể bất chấp thủ đoạn để câu view. Bởi nó không chỉ giúp ích cho khán giả mà còn là cách để người nghệ sĩ gìn giữ, nâng tầm chính mình.

Mai Quỳnh Nga
.
.