MC truyền hình Việt thiếu chuyên nghiệp

Thứ Ba, 24/02/2015, 08:00
Việt Nam mấy năm gần đây bùng nổ công nghệ truyền hình kỹ thuật số dẫn đến hàng trăm kênh với hàng trăm gameshow trong tuần, và người dẫn chương trình - MC cũng từ đó mà "cầu" nhiều hơn "cung", tạo cơ hội cho việc đơn giản hóa với "nghề" MC.

8 chữ vàng của nghề MC 

Ở Việt Nam vẫn chưa có văn bản nào trong phạm quy hành chính chính thức công nhận "Nghề" MC. Các MC Việt Nam phần lớn là vừa học vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, làm nhiều, làm lâu thành thói quen, có vài kỹ năng xử lý tình huống… và được gọi là MC chuyên nghiệp. Nhưng ngay cả chính những MC nổi tiếng nhất của truyền hình Việt Nam hay truyền hình TP HCM cũng vẫn cảm thấy mình chưa thực sự là MC chuyên nghiệp bởi thiếu hụt nhiều chuẩn của "nghề" này theo tiêu chí "nghề" quốc tế.

MC - từ nguyên gốc là Master of Ceremonies - Sometimes spelledemcee. Từ điển Bách khoa toàn thư Encyclopedia định nghĩa: MC là người có tính hoạt bát, tự tin trước công chúng, có kiến thức rộng, khôi hài, thanh lịch, duyên dáng, có uy tín với công chúng. MC có khả năng dẫn dắt chương trình như một cầu nối với khán giả, làm cho khán giả không chỉ say mê thích thú mà MC còn là một bộ phận không thể thiếu trong kết cấu chương trình. Chương trình có thành công hay không, hơn nửa là do tài năng của MC.

Theo giáo trình môn học ở Khoa Báo chí Đại học Lile - Pháp, những kỹ năng cần có của một MC gồm 6 điểm cơ bản: 1 - Đài từ - tiếng nói, âm vực sân khấu phải tròn, rõ, vang, chính xác. 2 - Nghệ thuật diễn cảm - biết diễn đạt cảm xúc theo vấn đề, có năng khiếu của một đạo diễn. 3 - Phong cách sân khấu - duyên dáng, thanh lịch, có cá tính riêng biệt. 4 - Nghệ thuật biên soạn lời dẫn - có kiến thức sâu rộng, có năng khiếu của nhà biên kịch. 5 - Phương pháp phối hợp - kết hợp một cách thống nhất để tạo thành một sự nhất quán trước sau, có mở đóng. 6 - 8 chữ vàng cho nghề MC: Chính xác, linh hoạt, truyền cảm, nhiệt tình. Chính xác trong thông tin, linh hoạt trong ứng xử tình huống, truyền cảm trong diễn đạt, nhiệt tình với trách nhiệm cao.

MC Thành Nhân có biệt hiệu là MC “ngông cuồng”.

Chưa nói đến 5 kỹ năng cần có, chỉ riêng kỹ năng thứ 6, thì ở Việt Nam nói chung, trong ngành truyền hình nói riêng, có được mấy MC nắm rõ những nguyên tắc vàng để thật sự là một MC chuyên nghiệp, có đẳng cấp?

Trong các Khoa Báo chí của các trường Đại học ở Việt Nam, không có ngành học hay một giáo trình riêng cho "nghề" MC, lại càng không có sự phân loại từng thể loại MC như MC về các chương trình nghệ thuật (âm nhạc, múa…), MC về các gameshow có tính chuyên biệt học thuật (khoa học kỹ thuật, du lịch khám phá, ẩm thực, công nghệ, kiến thức tri thức nhân loại tổng hợp….).

Và ở một khía cạnh nào đó, ở Việt Nam quan niệm MC như một loại hình - "nghề" biểu diễn, nên rất hài hước là ở một số trường nghệ thuật Sân khấu - Điện ảnh hay Câu lạc bộ mở những khóa đào tạo ngắn hạn cho những ai muốn theo "nghề" MC, mà giáo trình phần lớn chỉ là cóp nhặt, manh mún ở nhiều nguồn khác nhau (trong đó có cả kinh nghiệm của các MC lâu năm), và người đứng lớp thường là các nghệ sĩ - diễn viên sân khấu, hay các giáo viên dạy các môn về hình thể, đài từ, hóa trang… Còn kiến thức mang tính nâng cao tri thức và kiến văn văn hóa thì gần như số "O".

Ngoài sự thiếu hụt kiến thức "nghề" vì không được học bài bản, MC Việt Nam còn có những hạn chế về sự chủ động xây dựng chương trình, chưa được hoàn toàn có một chương trình riêng mang dấu ấn cá nhân như một thương hiệu của MC và của đài truyền hình, mà tất cả MC phải phụ thuộc vào kịch bản của người chủ chương trình, hay của đạo diễn chương trình...

MC Việt Nam nói nôm na thì đôi khi chỉ là cái máy nói, hay một người giới thiệu tiết mục của chương trình mà tri thức và kiến thức văn hóa gần như rỗng. Chính vì thế mà ở Việt Nam khó có thể có những MC đẳng cấp như: Opral Winfrey, Larry King, Simon Cowell, Ellen DeGeneres, Whoopi Goldberg, Michael Symon…, những gương mặt MC, nhà sản xuất truyền hình nổi tiếng của Hollywood.

Ai cũng có thể làm MC

Đó có thể là một "ưu việt" của nghề MC ở Việt Nam. Khi các kênh truyền hình đang "nở" với số lượng ngày càng tăng, và để thu hút khán giả đến với kênh của mình, nên cũng ngày càng tăng các gameshow, các chương trình giải trí tạp kỹ… Và nhu cầu MC cũng theo đó mà tăng không hạn định. Hàng năm đài truyền hình TP HCM đều có thi tuyển "Người dẫn chương trình truyền hình" thu hút đông đảo số lượng các bạn trẻ tham gia, thậm chí năm sau thí sinh tăng gấp đôi, gấp ba năm trước.

Ở VTV6 cũng có chương trình thi tuyển MC dành cho bạn trẻ đam mê "nghề" này, nhưng số lượng những bạn trẻ đã qua cọ xát trong thi cử vẫn không là bao so với nhu cầu thực tế của nghề này. Số lượng MC được chọn ra từ các cuộc thi có nhiều bao nhiêu thì "mốt" lấy MC từ giới nghệ sĩ nổi tiếng vẫn luôn được các đơn vị tổ chức chương trình đặt lên hàng đầu, bất chấp rủi ro từ các đối tượng không chuyên này mang đến. MC của nhà đài chỉ là con số khiêm tốn so với MC lấy từ bên ngoài vào.

Chỉ cần có chút tiếng tăm ở bất cứ lĩnh vực nghệ thuật nào, hay là "người của công chúng", chỉ cần một chút thanh, sắc, một chút mạnh dạn lanh lợi... thì  đều có thể trở  thành MC những chương trình lớn và trên sóng truyền hình. Các hoa hậu, á hậu trở thành MC là ưu tiên hàng đầu và khá dễ dàng bởi có sắc và khả năng "câu" rating cho nhà đài cao. Sau hoa hậu, đối tượng được "ngắm" làm MC nhiều nhất là ca sĩ, nhất là các ca sĩ đang "hot" trên thị trường âm nhạc, gần cả trăm chương trình truyền hình, game show có nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên làm MC. Tiếp đến là các diễn viên sân khấu - điện ảnh, và việc họ làm MC dần trở thành "nghề" chính chứ không phải nghề diễn xuất nữa. Ngoài ra, MC ở Việt Nam còn thu nhận cả nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia, người mẫu, sinh viên… khi họ đang được công chúng quan tâm kiểu "hotboy", "hotgirl"…

Bởi vì MC phần lớn nằm trong giới showbiz, nên họ cũng mang những phong cách của giới này vào "nghề" MC của họ với nhiều thiếu hụt tri thức, nên những "tai nạn nghề nghiệp" luôn xảy ra. Việc có những ứng xử kém văn hóa trong khi dẫn chương trình gần như thường xảy ra như: cướp lời nhân vật, giành nói với bạn dẫn, tạo những tình huống quá lố khi "diễn" trong quá trình làm MC chương trình, trang phục phản cảm thiếu lịch lãm trang trọng…

MC Jennifer Phạm.

Việc thiếu kiến thức tri thức thì không chỉ nói các MC "tay trái", mà rơi cả vào những MC lâu năm trong nghề… Chưa kể việc chạy show, có MC một tuần dẫn không dưới 20 chương trình, có MC đa năng dẫn nhiều chương trình khác nhau mà chúng không có gì liên hệ với nhau, kết quả là luôn gặp sai sót nhầm lẫn…

Cần một điều chỉnh cho "nghề" MC ở Việt Nam

Truyền hình là một ngành truyền thông công nghệ cao, ngày một phát triển không ngừng. Các chương trình mới luôn được đổi mới, xây dựng phong phú, đa dạng cả số lượng, chất lượng. Các kênh phát sóng cũng ngày một tăng… Nhu cầu MC càng tăng, nhưng không phải vì thế mà chạy theo số lượng. Đã đến lúc cần đặt vấn đề đào tạo MC một cách chuyên nghiệp, có hệ thống. MC là thành phần không thể thiếu để tạo nên uy tín, chất lượng như một thương hiệu của Đài Truyền hình.

Khi số lượng các chương trình cần có MC tăng cao, thiết nghĩ đã tới lúc cần có một sự chuyên nghiệp "chuẩn" cho "nghề" MC, chứ không thể để phát triển tự do với rất nhiều thiếu hụt trong kiến thức "nghề", trong văn hóa "nghề"  như hiện tại. "Nghề" MC không bao giờ là một công việc đơn giản. Đặc biệt, làm MC truyền hình, nhất là các kênh quốc gia, tỉnh thành lớn đòi hỏi phải hết sức cẩn thận vì lượng người xem đông và mang tính chính thống. Ngay cả với các chương trình gameshow, cũng không thể xem đó là chương trình giải trí mà xem nhẹ việc "chuẩn" chuyên nghiệp của "nghề" MC.

Cần có một ngành học chuyên môn về "nghề" MC ở Việt Nam. Ngoài việc thi tuyển đầu vào như một kiểu thi năng khiếu, cần phải có một quá trình đào tạo bài bản, chuyên nghiệp những kiến thức cần thiết trang bị cho những MC tương lai.

Hoài Hương
.
.