Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" lần thứ III-2015:

Lửa thử vàng, gian nan thử sức

Thứ Hai, 20/07/2015, 08:03
Từ ngày 10 đến 24/7/2015, Liên hoan nghệ thuật sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" lần thứ III-2015 sẽ diễn ra tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ (số 8 Huỳnh Thúc Kháng - Hà Nội). Đây là một trong những hoạt động văn hóa tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của lực lượng CAND.

Sẽ có 27 vở diễn (23 vở mới, 4 vở phục dựng) của 20 đoàn nghệ thuật bao gồm các loại hình nghệ thuật như kịch nói, chèo, cải lương, kịch hát, kịch hình thể. Trong bối cảnh sân khấu nước nhà còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay, Liên hoan nghệ thuật sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" thực sự là "lửa thử vàng, gian nan thử sức".

Để đảm bảo cho kỳ Liên hoan đạt chất lượng nghệ thuật cao, từ trước đến nay, Ban tổ chức các kỳ Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" đã đề ra các tiêu chí cụ thể như: mỗi nhà hát không tham gia quá 2 vở diễn, mỗi tác giả có không quá 3 kịch bản được dàn dựng, mỗi đạo diễn tham gia sáng tạo không quá 3 vở diễn.

Điều đặc biệt ở kỳ Liên hoan này là, lần đầu tiên xuất hiện vở kịch hình thể "Người trong biển lửa" của đạo diễn - NSND Lan Hương (Nhà hát Tuổi trẻ). Kịch hình thể - một loại hình nghệ thuật đã có trên thế giới từ lâu nhưng ở Việt Nam vẫn còn mới mẻ và việc có một vở kịch hình thể tham gia Liên hoan nghệ thuật sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" lần này được xem như một điểm nhấn, khơi gợi sự tò mò, hứng thú cho khán giả cũng như các đồng nghiệp sân khấu nói chung.

Đề tài về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân xưa nay vẫn được đánh giá là có sức hấp dẫn đối với các nhà biên kịch, bởi nó thường tiềm ẩn những nút thắt - mở, cao trào, kịch tính... mà trong một kịch bản sân khấu những yếu tố này là đặc biệt quan trọng. Thế nhưng, cụ thể hóa những điều này trong một kịch bản sân khấu lại là điều không hề dễ dàng. Nó không chỉ đòi hỏi ở người biên kịch tài năng, vốn sống phong phú mà còn có cả sự am tường về nghiệp vụ Công an. Chính vì vậy, đã có rất nhiều nhà biên kịch thử sức với loại đề tài này, nhưng những kịch tác gia có những thành công vang dội thì quả là cũng không nhiều.

Một cảnh trong vở ''Cho một ngày bình yên'' (Nhà hát Tuổi trẻ).

Bởi thế, mặc dù Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" được Ban tổ chức đánh giá là có sự phong phú về kịch bản và kịch tác gia, song những nhà biên kịch dày dặn kinh nghiệm, có "thâm niên" với ngành Công an và kịch Công an vẫn là các tác giả được nhiều nhà hát chọn lựa kịch bản để dàn dựng nhất như Trung tướng - nhà văn Hữu Ước, Thượng tá - nhà biên kịch Vũ Xuân Cải và nhà biên kịch  Phạm Chí Trung. Hai kịch bản từng gây tiếng vang của Trung tướng - nhà văn Hữu Ước là "Người đàn bà uống rượu" và "Khoảnh khắc mong manh" một lần nữa được Công ty cổ phần Sân khấu và điện ảnh Vân Tuấn và Đoàn cải lương Thái Bình lựa chọn dàn dựng.

Gần đây, tác giả Phạm Chí Trung cũng trở thành một "hiện tượng" khi anh liên tục cho ra đời những kịch bản sân khấu có  gắn bó mật thiết với đề tài về hình tượng người chiến sĩ Công an và đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để nghiên cứu, tìm hiểu sâu về lĩnh vực này. Với "Cho một ngày bình yên" (Đạo diễn: Bùi Như Lai - Nhà hát Tuổi trẻ), "Nơi lấp lánh mặt trời" (Đạo diễn: NSƯT Anh Tú - Nhà hát Kịch Việt Nam), "Phía sau tội ác" (đồng tác giả: Vương Huyền Cơ - Đạo diễn: Nguyễn Thành Chánh Trực - Nhà hát kịch Sân khấu kịch TP Hồ Chí Minh), tác giả Phạm Chí Trung trở thành tác giả ngoài ngành Công an có nhiều tác phẩm được dàn dựng nhất tại một kỳ Liên hoan từ trước đến nay.

Thật đáng tiếc là nhà viết chèo Trần Đình Văn - người đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để viết kịch bản cho một số đoàn nghệ thuật tham dự Liên hoan lần này đã đột ngột qua đời, nhưng 2 kịch bản của anh để lại đã kịp góp mặt với 2 vở diễn, đó là "Gió đại ngàn" (Đạo diễn: Lê Thanh Tùng - Đoàn nghệ thuật Thái Nguyên) và phần chuyển thể chèo của vở "Phút giây định mệnh" của Nhà hát Chèo Hưng Yên.

Bên cạnh các đạo diễn danh tiếng và nhiều kinh nghiệm như NSND Lê Hùng, NSND Doãn Hoàng Giang, Liên hoan nghệ thuật sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" năm nay có một điểm mới mẻ và cũng hết sức đáng mừng khi đánh dấu sự trưởng thành của nhiều đạo diễn trẻ như NSƯT Hoàng Quỳnh Mai, Bùi Như Lai, Lê Thanh Tùng, Minh Béo... Đây là các đạo diễn đã có ít nhiều thành công trong vai trò đạo diễn nhưng là lần đầu thử sức với loại đề tài về hình tượng người chiến sĩ Công an vốn được coi là khá gai góc này. Sự thử sức và dấn thân của các đạo diễn trẻ được kỳ vọng là sẽ đem đến cho Liên hoan lần này một "làn gió mới" và trở thành những đạo diễn thế hệ kế cận đầy triển vọng.

Với 27 vở diễn của 20 đoàn nghệ thuật trong Nam ngoài Bắc, Ban tổ chức dự kiến sẽ có trên 500 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công tham dự Liên hoan lần này. Bộ Công an và Ban tổ chức cuộc liên hoan đã nỗ lực hết mức để hỗ trợ cho các đoàn nghệ thuật có vở diễn tham dự Liên hoan nghệ thuật sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" với số tiền là 150 triệu đồng/vở diễn mới và 100 triệu đồng/vở diễn phục dựng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, thực tế để có được một vở diễn đi dự liên hoan, các đoàn nghệ thuật phải bỏ ra số tiền gấp đôi mức hỗ trợ trên. Và mặc dù các đoàn phải khắc phục một số khó khăn, trở ngại trong việc đi lại, lo chỗ ăn, nghỉ cho anh em trong thời gian đi diễn ở Hà Nội, nhưng các đoàn đều rất hào hứng và coi đây là một cơ hội để làm nghề trong điều kiện khó khăn chung và là dịp đặc biệt để tri ân những người chiến sĩ trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Hội đồng Giám khảo của Liên hoan nghệ thuật sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" năm nay đã có nhiều thay đổi so với các kỳ liên hoan trước. Chủ tịch Hội đồng giám khảo là Giáo sư Tất Thắng - Nhà lý luận phê bình Sân khấu. Các ủy viên bao gồm các nghệ sĩ có uy tín trong giới sân khấu như Đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu, nhà văn Xuân Đức, Đạo diễn - NSND Lê Hùng, NSND Hoàng Cúc, Đạo diễn - NSƯT Trần Nhượng, Đại tá, NSƯT Quốc Trượng. Lễ bế mạc, tổng kết và trao giải sẽ diễn ra tối 24-7.

Giải thưởng của Liên hoan nghệ thuật sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" lần thứ III-2015 sẽ bao gồm:

Giải thưởng tập thể: 1 Huy chương Vàng trị giá 60 triệu đồng; 3 Huy chương Bạc trị giá 40 triệu đồng/giải; 5 Huy chương Đồng trị giá 30 triệu đồng/giải và các giải Khuyến khích trị giá 15 triệu đồng/giải.

Giải thưởng cá nhân: 20 Huy chương Vàng trị giá 10 triệu đồng/Huy chương; 30 Huy chương Bạc trị giá 8 triệu đồng/ Huy chương;  30 Huy chương Đồng trị giá 5 triệu đồng/ Huy chương. Liên hoan nghệ thuật sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" là cuộc tranh tài của các nhà hát chuyên nghiệp trên quy mô toàn quốc nên các giải thưỡng sẽ được tính điểm trong việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.

Thượng tá, NSƯT Công Bảy - Trưởng đoàn kịch nói CAND:

"Kỳ liên hoan này, đoàn kịch nói CAND sẽ tham gia với 2 vở diễn là "Không phải là vụ án" và "Quyết đấu giữa sương mù". Anh em trong nghề vẫn đùa tôi là "đá tại sân nhà" thì lợi quá còn gì, nhưng bản thân tôi với tư cách là trưởng đoàn và là đạo diễn vở "Không phải là vụ án" vẫn luôn động viên anh em phải nỗ lực hơn nữa trong việc làm rõ dấu ấn "màu cờ sắc áo" của kịch nói CAND. Ngoài ra, chúng tôi cũng tranh thủ hỗ trợ về mặt nghiệp vụ cho các vở diễn của các đơn vị bạn. Nói gì thì nói, dựng một vở diễn về đề tài hình tượng người chiến sĩ CAND vẫn có những kỹ thuật đặc biệt, ngôn ngữ đặc biệt, nhất là những đoạn thoại có chứa nội dung nghiệp vụ Công an thì phải đảm bảo chính xác nhưng lại phải chân thật, không được khiên cưỡng. Với các đạo diễn trẻ thì lại phải càng chú ý điều này".

Đạo diễn Bùi Như Lai - Trưởng đoàn kịch 1 Nhà hát Tuổi trẻ:

"Tôi đã dàn dựng một số vở kịch tâm lý, song đây là lần đầu tiên dàn dựng một vở kịch về đề tài hình tượng người chiến sĩ Công an, tôi thấy nó có sự hấp dẫn đặc biệt với kịch tính cao. Là đạo diễn trẻ nên tôi cũng mong muốn đưa vở kịch đến gần hơn với ước mơ, khát vọng của giới trẻ và thông điệp của tôi cũng là cảnh báo họ trước những nguy cơ, những "hố đen" mà họ phải đối mặt nếu không tỉnh táo và sáng suốt lựa chọn. Qua vở kịch "Cho một ngày bình yên", tôi cũng muốn nói với các bạn trẻ rằng, trong cuộc đời, cái thiện - cái ác sẽ luôn song hành. Cái ác luôn rình rập khi cái thiện yếu đi để trồi lên, lấn át. Bởi vậy, các bạn trẻ hãy trang bị cho mình những tri thức, kỹ năng, bản lĩnh để vượt qua và trấn áp cái ác, cái xấu luôn rình rập quanh mình...".

Nguyệt Hà
.
.