Sân khấu kịch TP HCM:

‘Lột xác’ bằng đội ngũ trẻ

Thứ Tư, 15/04/2015, 08:57
Không chỉ diễn viên mà đội ngũ đạo diễn, biên kịch của các sân khấu kịch TP HCM đang dần "thay máu" bằng những gương mặt trẻ. Mang sự trẻ trung, nhiệt tình, họ thổi làn gió tươi mát vào đời sống sân khấu, tạo nên diện mạo mới mẻ, sôi động với nhiều thể nghiệm thu hút khán giả. 

Trao cơ hội cho người trẻ

Vài năm trở lại đây, làng kịch nói TP HCM xuất hiện hàng loạt sân khấu, tụ điểm mới. Bên cạnh các sân khấu gạo cội như Sân khấu kịch Phú Nhuận, Hoàng Thái Thanh, kịch 5B Võ Văn Tần..., những thương hiệu mới như Tâm Ngọc, Sao Minh Béo, Thế giới Trẻ, Sân khấu kịch cà phê VM... liên tiếp ra mắt. Ngoài ra còn có vô số tụ điểm cà phê kịch nghiệp dư.

Sân khấu, tụ điểm thì nhiều nhưng số lượng nghệ sĩ ngôi sao thì có hạn. Do vậy góp mặt ở các sân khấu mới nổi chủ yếu là gương mặt trẻ. Ngoài một vài ngôi sao để đảm bảo cho việc bán vé như Minh Béo, Cindy Thái Tài, Thùy Dương... thì những gương mặt còn lại của sân khấu Sao Minh Béo đều lạ.

Nói về sự mạo hiểm này, nghệ sĩ Minh Béo cho biết: "Từng được thế hệ đàn anh tạo cơ hội khi mới chập chững vào nghề nên tôi rất ưu tiên đội ngũ trẻ. Mặc dù mới thành lập hơn hai năm, lại hơn 70% là diễn viên trẻ nhưng sân khấu chấp nhận bù lỗ. Các ngôi sao bây giờ đã ít mà kẹt sô liên tục, mời họ không dễ vì cát xê cao trong khi diễn viên trẻ thì lại không có đất diễn, vậy sao không tạo cơ hội cho họ? Rất nhiều người trong số họ có tài năng, sống chết với nghề".

Nhạc kịch được coi là sở trường của các nhóm kịch trẻ. (Ảnh: Cảnh trong vở nhạc kịch "Tuyết Sài Gòn" của đạo diễn Nguyễn Khắc Duy).

Thất bại khi chạy theo dòng kịch kinh dị lúc mới thành lập, đến nay cả hai sân khấu Thế giới Trẻ và Tâm Ngọc đều tìm được hướng đi riêng của mình dù rằng đội ngũ của hai bên đều "trẻ hóa". Dưới sự giúp đỡ của các nghệ sĩ tên tuổi như NSƯT Bảo Quốc, NSƯT Đàm Loan, Tiểu Bảo Quốc..., năm 2010, đạo diễn trẻ Ngọc Hùng xốc lại đội hình sân khấu Thế giới Trẻ bằng cách đưa những sinh viên sân khấu có tài năng vào các vai phù hợp. Anh đặt ra phương châm: kịch vẫn bán được vé dù không có ngôi sao. 

Nhiều cái tên lạ ngày ấy như Khương Ngọc, Quang Tuấn, Hoàng Phi, Thu Trang, La Thành... đều trở thành tên tuổi nổi tiếng với các vai diễn "đóng đinh". Cao Tấn Lộc, Ngọc Hùng, Bùi Quốc Bảo là ba đạo diễn, tác giả trẻ tràn đầy khát khao, cá tính, tạo ra  những tác phẩm gần gũi đời sống, tư duy hiện đại. Nếu "Chuyện hai chàng", "Kỳ nghỉ kinh hoàng" của Ngọc Hùng có phong cách nghiêm ngắn, trẻ trung thì Cao Tấn Lộc lại có duyên với hài kịch khi dựng các vở mà nghe tựa đã phì cười: "Thần tiên cũng nổi điên", "Tình yêu nổi loạn".

Riêng sân khấu Tâm Ngọc thì đây mới thực sự là sân khấu 100%  người trẻ. Từ ông chủ cho đến đạo diễn, biên kịch, kịch bản, diễn viên đều do những gương mặt đôi mươi đảm đương. "Ông bầu" trẻ Phạm Vũ Kiên cho hay: "Tôi vốn là sinh viên kinh tế và có một việc làm ổn định tại một công ty. Mê sân khấu nên khi tham dự buổi tốt nghiệp của sinh viên trường Sân khấu Điện ảnh, nghe các bạn tâm sự có lẽ phải bỏ nghề vì không có đất "dụng võ", tôi trăn trở mãi. Mong muốn cho các bạn có một nơi để giữ đam mê, tôi cùng vài người bạn hùn vốn, liều mình lập nên sân khấu này".

Sân khấu của Kiên tập trung sinh viên mới ra trường hoặc bạn trẻ có năng khiếu kịch mà không hề có gương mặt ngôi sao nào. Nhưng bù lại, sự nhiệt tình, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của tuổi trẻ khiến họ cho ra đời những vở kịch mang thương hiệu Tâm Ngọc: vừa ma mị, rùng rợn nhưng vừa hài hước với ngôn từ, hoạt cảnh tuổi teen nhưng không kém phần sâu sắc như: "Lâu đài ngọn nến", "Tiếng khóc oan", "Hồn về từ đáy mộ"... Mô hình "xem kịch trước, trả tiền sau" để khắc phục khó khăn cũng do ông bầu Vũ Kiên nghĩ ra.

Sự đầu tư nào cũng dễ gặp rủi ro, đầu tư vào nghệ sĩ trẻ cũng không ngoại lệ, nhất là khi sân khấu kịch hiện nay vắng khách. Thế nhưng, khi gương mặt ngôi sao bắt đầu bão hòa, cách diễn cũ không thể níu chân khán giả thì nhất thiết phải có sự đổi mới. Nhận thấy các sân khấu trẻ bắt đầu hút khách, không ít sân khấu lão làng dần mở rộng cửa với thế hệ măng non. Tết vừa qua, nhiều vở của sân khấu kịch IDECAF như "Cướp dâu", "Ai là tỉ phú", "Sơn ca không hát"...  tung ra dàn diễn viên trẻ hùng hậu. Trên sân khấu, các nghệ sĩ dày dạn kinh nghiệm như Thành Lộc, Hữu Châu trở thành bệ đỡ để người trẻ học nghề và tỏa sáng.

Sân khấu Hoàng Thái Thanh của nghệ sĩ Ái Như cũng dành nhiều đất diễn cho đội ngũ trẻ. Liều lĩnh hơn, sân khấu này còn giao hầu hết vai chính, phụ trong vở tâm lý xã hội "Buồn ơi, chào mi" cho những cái tên mới toanh: Ngọc Tưởng, Hoàng Vân Anh, Thế Hải, Thái Trang, Cao Tiến... Cách diễn tươi tắn, tự nhiên, chưa lụy quá nhiều kỹ thuật của họ đã để lại cảm xúc khó quên với khán giả.

Mới đây, bà bầu Hồng Vân và nghệ sĩ Minh Nhí ra mắt Sân khấu kịch cà phê VM. Ban ngày đây là nơi để các bạn trẻ tập diễn xuất, ban đêm nó biến thành nơi để họ thỏa sức sáng tạo phục vụ khán giả. Họ mang đến những vở kịch vui nhộn, phản ánh đời sống giới trẻ như: "Bánh mì", "Tao thích mi", "Mượn đồ" ... Không chỉ vậy, hơn hai năm nay, Sân khấu kịch Phú Nhuận còn mở lớp đào tạo diễn viên trẻ. Từ 17 diễn viên tốt nghiệp khóa 1, bà bầu Hồng Vân chọn lựa bổ sung cho Sân khấu kịch Phú Nhuận và VM.

Nhạc kịch, "đặc sản" của người trẻ

Đi cùng với đội ngũ trẻ là sự nhiệt huyết, "máu" liều tìm tòi, thể nghiệm. Nhạc kịch được coi là thể loại mới mẻ mà người trẻ đang thể nghiệm, khẳng định sở trường của mình. Đoạt giải tại Cuộc thi tìm kiếm tài năng đạo diễn sân khấu trẻ toàn quốc năm 2013 với nhạc kịch "Chicago", đạo diễn Nguyễn Khắc Duy liên tục gây ấn tượng với giới chuyên môn lẫn công chúng khi đều đặn cho ra mắt các vở nhạc kịch: "High School Musical", "Vũ nữ", "Tuyết đỏ", "Tuyết Sài Gòn"... Đó là những vở vừa hấp dẫn về nội dung vừa bắt mắt về hình thức.

Đội ngũ diễn viên trẻ tạo sự tươi mới, sôi động cho đời sống sân khấu kịch TP HCM.

Có thể coi Nguyễn Khắc Duy là người tiên phong khai phá thể loại nhạc kịch broadway tại Việt Nam. Nhóm kịch Buffalo của anh bao gồm những diễn viên trẻ có thân hình cuốn hút, ca hát tốt và vũ đạo bốc lửa mê hoặc khán giả như: Diễm Phương, Hoàng Quân, Khả Như... Tất nhiên, đây là những ngón nghề mà thế hệ diễn viên trẻ hơn đứt thế hệ đàn anh, đàn chị. Buffalo đang cộng tác với sân khấu 5B để đưa nhạc kịch đến gần khán giả.

Các sân khấu của người trẻ đương nhiên không thể làm ngơ trước thể loại hấp dẫn, sôi động này. "Khát khao của chàng" được coi là một vở nhạc kịch hay của sân khấu Thế giới trẻ. Cũng không ngoại lệ, Sao Minh Béo tận dụng khả năng ca hát, nhảy múa của dàn diễn viên trẻ và ca sĩ để dựng vở "Giai điệu tình yêu". Sân khấu IDECAF ưu tiên cho người trẻ mang đến món ăn lạ trong vở nhạc kịch "Tình yêu không thiên đường". Nhóm Red Stage gồm những gương mặt như: Tùng Phi, Tiến Đạt, Lân Nhã Idol… hứa hẹn sẽ trở thành đối thủ của Buffalo khi trình làng "Tình ca phố" ở sân khấu 5B. Họ mang cả ban nhạc lên sân khấu và thỏa sức thăng hoa trong tràng vỗ tay của khán giả. 

Với nhạc kịch, đội ngũ trẻ thể hiện được ưu thế trẻ trung, đầy sức sống của mình.  Thế nhưng, với những vở tâm lý xã hội, cần khai thác nội tâm nhân vật thì hiếm người vượt mặt các tên tuổi lão làng. Non kinh nghiệm, chưa trải đời nên diễn viên trẻ không thể hiện được cái sâu sắc của nhân vật, đặt biệt khi tâm lý nhân vật phức tạp.

Trong vở "Sông chờ" của Sân khấu Sao Minh Béo, mặc dù vào vai Lành thời trẻ rất tốt nhưng đến đoạn mẹ chồng nghĩ Lành là người hại chết con trai mình và đuổi cô đi khỏi nhà vì nghi ngờ cái thai trong bụng cô là thai hoang thì Hoàng Yến My đã không thể diễn tả hết nỗi oan khiên, đau đớn cùng cực của nhân vật.

Hoàng Yến My đóng nhân vật Lành về già cũng hời hợt, thậm chí hơi gượng. Diễn bên cạnh đàn anh như Minh Béo, nhân vật chính của cô lu mờ bởi khán giả chỉ còn khóc cười với chàng Ba Năng hóm hỉnh, hy sinh cả đời mình vì một chữ tình. Do vậy, "Sông chờ" vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng về một vở kịch mang phong cách kịch Kim Cương nặng chiều sâu nỗi buồn thân phận.

Thực tế, nhiều đạo diễn và tác giả trẻ vẫn tập trung khai thác mảng miếng giật gân, câu khách như kinh dị, cảnh nóng, kịch giới tính, hài ... với nội dung dễ dãi, đậm tính giải trí. Họ rất ngại bắt tay vào các vở tâm lý xã hội nên số lượng các vở này vô cùng khiêm tốn. Tuy còn nhiều hạn chế, thế nhưng không thể phủ nhận lực lượng trẻ có lối diễn xuất mới mẻ, lạ lẫm so với các bậc tiền bối và gần gũi đời sống là "điểm cộng" trong mắt khán giả. Họ hứa hẹn sẽ có nhiều bứt phá và cống hiến trong tương lai.

Phan Thi Uyên
.
.