Lớn lên sau những giọt nước mắt

Thứ Tư, 09/06/2021, 13:07
Mỗi sáng thức dậy có đến “75% người Việt vớ lấy chiếc điện thoại thì quả thật, mạng xã hội đang trở thành một “hàn thử biểu” của tâm hồn.


Từ chỗ chỉ là một cuốn nhật kí mở, giúp mọi người giãi bày, kết nối, tương tác... face book đã tạo ra được một xu thế nhóm, kiểu như: Tư duy nhóm, dư luận nhóm, ngôn ngữ nhóm. Những chủ điểm trở thành xu thế (trend), thành bầu không khí của từng nhóm... thách thức những ai muốn kết nối. Vì thế có người từng phải thốt lên: Ôi giời! giờ lên phây (face) mà không bắt được trend thì coi như mù màu.

Bé gái khóc đòi mẹ bế khi nhìn thấy mẹ trên TV.

Nhưng suy cho cùng, diện mạo của bầu trời nào cũng xuất phát từ cái tâm của chính mỗi con người trong vòm trời ấy. Khi giá trị cao đẹp trở thành chủ âm, “hàn thử biểu” sẽ thể hiện rõ nhất sự thuần hậu của những con người trong xã hội. Nếu bạn để ý trong list bạn bè của mình sẽ thấy, dường như có không ít người lên phây chỉ để chia sẻ những điều tốt đẹp hoặc khơi dậy lòng trắc ẩn, tình người, sự nhân ái với loài vật, sự thân thiện với thiên nhiên... 

Nếu như những giá trị tốt đẹp trong xã hội luôn xuất hiện rải rác đâu đó thì họ chính là một lăng kính hội tụ những năng lượng đó lại, họ không hề thổi phồng, tô vẽ, không hề ngộ nhận để rồi một ngày chính bản thân chúng ta bỗng soi thấy mình trong ấy.

Trong những ngày gần đây, “nguồn năng lượng” mà khiến tôi thấy ám ảnh là từ sự hội tụ ấy là những giọt nước mắt. Những giọt nước mắt lặng lẽ ở những góc độ, từ những cách nhìn khác nhau. 

Đầu tiên phải nhắc đến là giọt nước mắt của cô bé 20 tháng tuổi khi thấy mẹ (chị Phùng Thị Hạnh - điều dưỡng khoa Chẩn đoán hình ảnh, BV Quân y 103 - hiện đang làm nhiệm vụ tại tổ xét nghiệm BV dã chiến số 2 -Bắc Giang) trên tivi. Chứng kiến cảnh tượng đó, ai cũng thấy ái ngại cho những người mẹ trẻ. Và, những giọt nước mắt âm thầm trong lương tâm chúng ta khi chứng kiến hình ảnh bé N.V.M (thôn Tân Trúc, xã Tiên Sơn) trong một khu cách ly ở Việt Yên, Bắc Giang…

Nhưng, còn có cả giọt nước mắt đoàn kết đồng lòng. Ông Phạm Giang Nam - Giám đốc Sở Y tế Điện Biên đã chia sẻ: “… nhìn hình ảnh cán bộ của mình kiệt sức, nằm nghỉ bên vệ đường mà tôi không cầm được nước mắt”. Giọt nước mắt ấy giúp chúng ta yên lòng với đội ngũ cán bộ nơi tuyến đầu. Họ mạnh mẽ kiên cường bằng tinh thần trách nhiệm và lòng yêu thương con người. 

Cũng với tình cảm đó, thầy giáo Triệu Quang Tùng (Trường THCS Mai Trung, Hiệp Hòa, Bắc Giang) đã biến thành một thông điệp gửi người vợ - Chị Nguyễn Thị Hồng (đang tham gia chống dịch tại Trạm Y tế xã Mai Trung, Hiệp Hòa, Bắc Giang): “Đừng khóc nhé! Nước mắt chỉ dành cho ngày chiến thắng. Bởi đất nước này chưa bao giờ có cuộc chia ly!".

Những giọt nước mắt ấy có làm chúng ta yếu đuối? Phải thừa nhận rằng đại dịch COVID-19 đã có những tác động đến nhân loại ở nhiều bình diện như: “thiệt hại sinh mạng con người, sự bất ổn về kinh tế và xã hội, tình trạng bài ngoại và phân biệt chủng tộc đối với người gốc Trung Quốc và Đông Á, việc truyền bá thông tin sai lệch trực tuyến và thuyết âm mưu về virus” (theo Sputnik). Mỗi sự tác động là một thử thách mà không chỉ mỗi quốc gia, cộng đồng mà từng gia đình, từng cá nhân phải đối mặt, dù đó chỉ là một đứa trẻ nhỏ bé, hồn nhiên nhất.


Nụ cười của Bác sĩ Đặng Minh Hiệu.

Nhưng một điều kì diệu, chính những giọt nước mắt ấy lại không hề khiến chúng ta suy sụp hay hoang mang. Có thể phải rất lâu nữa, những em bé đáng thương ấy sẽ lớn lên, bước ra cuộc sống bằng một bản lĩnh qua thử thách nhưng ngay từ hôm nay, đã có một khí thế mạnh mẽ. Nhan nhản trên các trang báo là tin về những tấm gương tình nguyện đến vùng dịch. 

Đó là những người như: Bác sỹ Nguyễn Văn Trang (78 tuổi, trú tại TT.Thanh Chương, Nghệ An) viết đơn tình nguyện tham gia phòng, chống dịch COVID-19 nơi tâm dịch Bắc Giang; cụ Khổng Duy Canh, 104 tuổi, đã mang ba triệu đồng tiền tiết kiệm của mình đến UBND xã Lũng Hòa (Vĩnh Phúc) để ủng hộ chống dịch COVID-19 và đặc biệt là nụ cười của bác sĩ Đặng Minh Hiệu đã cạo trọc đầu trước khi vào tâm dịch Bắc Giang.

Có lẽ không chỉ những em bé mà ngay bản thân từng con người chúng ta đã trưởng thành hơn sau những giọt nước mắt ấy. Bài học về phòng chống dịch được thế giới tổng kết, từng chính phủ đúc kết, từng tổ chức nghiên cứu, rút kinh ngiệm như một nhận định dưới đây: “Thực tế hiện nay giúp thế giới ngày càng nhận thức rõ, chúng ta luôn cùng trên một con thuyền và cách tiếp cận đơn lẻ không thể kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả. Khi đối diện với một cuộc khủng hoảng chưa từng có, thế giới cần có hành động đột phá tương xứng và tăng cường hợp tác để thực thi các giải pháp toàn cầu” (theo Báo Nhân dân).

Từ bản thân mỗi người còn có một tình cảm xã hội thật đặc biệt, có lẽ nó chỉ mới bắt đầu hình thành trong hoàn cảnh này. Hình ảnh những giọt nước mắt được chia sẻ để nhắc nhau hình thành một ý thức xã hội được xác lập trong mùa dịch. Không chỉ là 5K mà còn là cuộc cải cách trong ửng xử xã hội, không chỉ những thói xấu như ăn ở thiếu vệ sinh, chuyện tụ tập chơi bời lêu lổng, nói xấu, bài bác nhau bị đào thải khách quan mà cả ý nghĩ tốt được hình thành. Và có lẽ, khi dịch bệnh được dập tắt, điều đó còn tiếp tục lan tỏa trong cuộc sống bằng những cảm nhận thú vị:

1. Những giọt nước mắt trong những câu chuyện ý nghĩa là nguồn dinh dưỡng tâm hồn. Nói như Ovid: “Giọt nước mắt đôi khi có sức nặng hơn ngàn lời nói” nên có lẽ không cần nhắc lại những bài học từ truyện ngụ ngôn chúng ta đã có một bài học thấm thía về cuộc sống. Sự chu đáo của từng người sẽ lấp đi những lỗ hổng trong cuộc sống để dịch bệnh, tội ác, sự khủng hoảng văn hóa bị hạn chế. 

Khi nói về tệ nạn xã hội ở giới trẻ, cố Ths tâm lý học Nguyễn Thị Oanh từng chia sẻ: “Thật ra muốn các em tránh ma túy thì cơ bản hơn là tạo cho các em một cuộc sống gia đình hạnh phúc, an toàn. Làm sao cho các em được thỏa mãn các nhu cầu về tình thương, tình cảm, một đời sống văn hóa tinh thần phong phú, một nghị lực để nói “không” với cái xấu, những đam mê lành mạnh như nghệ thuật, thể thao” (Hạnh phúc phải lựa chọn, NXB Trẻ).

2.Xã hội và cộng đồng cần một sự trưởng thành cho riêng mình. Khi đặt bút viết bài này, tôi được đọc một dòng trạng thái trên diễn đàn văn học ở một tỉnh. Người làm công tác văn nghệ nêu ra cái khó của người viết khi vừa đảm bảo chất lượng, vừa mang tính thời sự. 

Nhà văn Nguyễn Thúy Quỳnh chia sẻ: “Phải nói là làm thơ đã khó, làm thơ về đề tài mà cả thế giới quan tâm hàng đầu còn khó hơn; lại còn phải hay nữa thì khó muôn phần hơn. Viết thành thực, thấy sao kể vậy thì đúng mà chưa đủ. Viết để thể hiện quyết tâm chống dịch thì rất dễ thành “hô khẩu hiệu”. Vừa bám nội dung vừa phải giữ vần điệu, không khéo chỉ ra văn vần chứ chưa thành thơ”. Tâm sự của một nhà văn vừa trực tiếp biên tập, vừa làm công tác quản lý văn nghệ còn nói về một bước tiến của nhận thức, một sự trưởng thành của văn nghệ trước hoàn cảnh mới.

Giọt nước mắt se qua đi bằng sự trưởng thành của mỗi chúng ta trong hoàn cảnh sống mới. Nhưng thật sự phải cảm ơn điều đó đã cho chúng ta một động lực để vươn lên, để khác đi ngày hôm qua. Không chiến thắng nào không phải đánh đổi, không sự trưởng thành nào không bắt đầu từ thử thách, khó nhọc. Mỗi giọt nước mắt tựa như một liều “vaccine” cho tâm hồn ta mạnh mẽ lên, thích ứng với bối cảnh mới và đạt đến những giá trị tốt đẹp. Những giọt nước mắt ấy sẽ còn mãi mãi đánh thức chúng ta trong cuộc sống mai sau…

Lâm Việt
.
.