Loay hoay chuyện dạy, học và thi

Thứ Bảy, 25/06/2016, 08:04
Một khi thi cử vẫn là mối quan tâm hàng đầu, gây tranh cãi nhiều nhất thì rõ ràng quá trình, hình thức giáo dục của chúng ta chưa thể coi là tiên tiến, hiện đại và thật sự hữu ích với cả học sinh lẫn toàn xã hội. Và lúc đó, sự trăn trở, mối lo sẽ vẫn còn nguyên vẹn...


Khi thi cử vẫn là mục tiêu của việc học

Mùa thi tốt nghiệp trung học và tuyển sinh đại học 2016 đã cận kề. Năm nay, hình thức thi “2 trong 1” vẫn được Bộ Giáo dục – Đào tạo giữ nguyên, nhưng sự lo lắng, tranh cãi của dư luận xã hội thì đã lắng xuống. Điều đó không đồng nghĩa với việc xã hội, các bậc phụ huynh hoàn toàn yên tâm và đồng thuận với hình thức thi cử này, cũng không có nghĩa biện pháp “tích hợp thi cử” đã được thừa nhận là tối ưu. Sự yên ắng năm nay chỉ có ý nghĩa chứng minh rằng xã hội ta thường quá nóng vội trong việc phản ứng với sự thay đổi mà dư luận ồn ào của năm trước là minh chứng. Ít tranh cãi, nhưng rõ ràng là những lo lắng thì vẫn còn nguyên.

Kỳ thi “2 trong 1” tuy có giảm tải được phần nào áp lực thi cử, tiền bạc cho học sinh và phụ huynh, nhưng chưa thể hiện được rõ tính ưu việt của nó so với hình thức thi cử kiểu cũ đã tồn tại hàng chục năm trong việc lựa chọn đầu vào cho quá trình đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai ở bậc đại học.

Áp lực được giảm xuống ở phần đi thi, nhưng dường như lại tăng lên tỉ lệ thuận ở phần xét tuyển. Cơ cấu đề thi dung hòa yêu cầu của cả hai kỳ thi (tốt nghiệp và tuyển sinh đại học) đã “pha loãng” mức độ khu biệt, phân loại năng lực học sinh. Việc xét tuyển vào đại học cũng trở nên khó khăn và phức tạp hơn bởi sự chồng chéo nguyện vọng, mức độ đạt với điểm sàn, chỉ tiêu của các trường…

Về kỹ thuật, nó kéo dài thời gian lo âu, hồi hộp của cả phụ huynh và học sinh, đồng thời khiến sự phân loại, thỏa hiệp và lựa chọn của các trường và giữa các trường, ngành cùng khối thi trở nên phức tạp hơn nhiều.

Cho dù thi kiểu “truyền thống” hay thi “2 trong 1”, áp lực học hành theo hướng nhắm tới việc đạt kết quả cao trong kỳ thi quyết định vẫn không đổi. Việc học tủ, học lệch, học để thi (chứ không phải để tích lũy kiến thức và rèn luyện toàn diện mọi mặt) vẫn cứ diễn ra. Sự lệch lạc vẫn khiến xã hội thiếu yên tâm về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai. Trong khi đó, tính độc lập, tự chủ của các trường đại học trong việc tuyển sinh đầu vào vẫn chưa được phát huy.

Suy rộng ra, dù đã có nhiều đổi mới, việc học và thi của các cấp phổ thông ở nước ta hiện nay vẫn là điều khiến phụ huynh và học sinh lo lắng. Ở bậc tiểu học, loại trừ việc chấm điểm thông qua kiểm tra, bài tập… phần nào đã giảm áp lực điểm số cho học sinh, nhưng chính vì thế, việc theo dõi, đánh giá quá trình học tập của các cháu lại trở nên phiến diện, khó chính xác.

Từ cấp II đến hết chương trình phổ thông, hình thức “học để thi” vẫn cứ lấn át mục tiêu học văn hóa là một phần của quá trình giáo dục toàn diện đối với học sinh. Việc học sinh phổ thông làm bài thi rất tốt nhưng không nghe, nói được ngoại ngữ một cách thành thạo sau cả một quá trình học tập dài dằng dặc 12 năm là một ví dụ chứng minh tính khả dụng của giáo dục Việt Nam còn rất thấp. Tương tự, phần hướng nghiệp dạy nghề trong chương trình phổ thông trung học cũng không đem lại ý nghĩa thiết thực, ngoại trừ một giấy chứng chỉ được cấp cho học sinh cho có.

Một khi thi cử vẫn là mối quan tâm hàng đầu, gây tranh cãi nhiều nhất thì rõ ràng quá trình, hình thức giáo dục của chúng ta chưa thể coi là tiên tiến, hiện đại và thật sự hữu ích với cả học sinh lẫn toàn xã hội. Và lúc đó, sự trăn trở, mối lo sẽ vẫn còn nguyên vẹn.

TS Mai Mỹ Duyên, giảng viên Trường Đại học Trà Vinh: Lý tưởng của sự học còn mơ hồ

Phan Thi Uyên (ghi)

Trong quá trình dạy học, tôi thường hỏi sinh viên những kiến thức khoa học xã hội như văn hóa, lịch sử, văn học nghệ thuật mà các em học hồi phổ thông. Chẳng hạn quân Pháp xâm lược nước ta vào năm nào, lịch sử hình thành của Đảng Cộng sản Việt Nam, các bài văn, thơ… Đa phần các em không nắm hoặc hiểu biết rất sơ sài. Đáng buồn hơn là các em học sinh cấp 3 mới trải qua kỳ thi căng thẳng thì những kiến thức đó đáng lẽ phải nắm rất chắc nhưng nhiều em lại quên sạch khi bước chân vào cánh cổng đại học. Kiến thức khoa học xã hội yếu như vậy thì thử hỏi các em sẽ học như thế nào ở bậc đại học?

Có thể ví sự học như một ngôi nhà tầng. Kiến thức thời học phổ thông là nền tảng vững chắc để xây tiếp “tầng” đại học, “tầng” cao học… một cách vững vàng. Bây giờ, sự học với nhiều học sinh, sinh viên mơ hồ và lý tưởng lập thân rất kém. Một người sống không có lý tưởng, không có mục đích hoặc lý tưởng mơ hồ, mục đích kém cỏi thì họ định hướng chuyện học như thế nào? Có nhiều học sinh thi vào trường đại học có phải vì họ thích đâu. Mà vì ba má họ thích, vì bạn bè rủ, vì chính họ hoang mang không biết thi vào đâu. Mang một tâm thế bị động như thế thì các em làm sao mà hào hứng với sự học.

Ngày xưa, học để ra làm quan phụng sự đất nước, không thì cũng để rèn mình thành người quân tử mà giúp đời. Lý tưởng, mục đích ngày đó rõ ràng. Xã hội trọng người có học là vậy. Ngày nay, người ta coi học để kiếm tiền. Ngành nào ra trường mà có khả năng kiếm được việc làm và nhiều tiền thì đổ xô vào đó. Nhưng bây giờ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đầy rẫy khiến học sinh hoang mang với mục đích học của mình. Họ không biết cầm tấm bằng để làm gì. Các em học và thi như một kiểu đối phó.

Tôi tình cờ xem clip của một tổ chức dạy về cách nhìn nhận cuộc sống, chiêm nghiệm về lẽ đời, rèn luyện kỹ năng mềm. Đáng ngạc nhiên là rất đông lớp trẻ đi học. Nó khiến tôi suy nghĩ nhiều. Phải chăng lớp trẻ mơ hồ về tương lai của họ nên đành gửi gắm niềm tin vào một nơi nào đó trong khi ở trường phổ thông các em không hề được tiếp cận những bài học tương tự như thế mà chỉ toàn lý thuyết suông.

Tôi rất buồn khi nhìn sinh viên học với một tinh thần uể oải, thái độ học tập không tích cực và càng không có lý tưởng đem học tập phụng sự xã hội. Bởi dù khó khăn như thế nào, mục đích và lý tưởng sống cao đẹp sẽ giúp ta vượt qua mọi trở ngại mà thành người có ích. 20 năm đứng bục giảng, tôi thường khuyên tân sinh viên rằng: Bước vào môi trường này thì trước hết các em đã có mục đích để học tập hay chưa? Các em có mong muốn gì với môn học này? Các em có lý tưởng đem tất cả sở học của mình để phục vụ xã hội không? Nếu câu trả lời là không hoặc còn đang hoang mang với những câu hỏi đó thì các em nên dừng lại và chọn việc khác đúng với ý nguyện của mình.

Theo tôi, giáo dục là gốc rễ của con người. Để cái gốc ấy bền vững là cả một quá trình rèn luyện được định chuẩn một cách khoa học và phù hợp với từng đối tượng.

Ông Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh: Chúng ta quá xem trọng chuyện thi cử mà bỏ qua nhiều mục tiêu khác

Mai Quỳnh Nga (thực hiện)

- Có một thực tế là học sinh ngày nay học rất nhiều. Nhưng khi xong kỳ thi cử, bước vào môi trường đại học, nhiều em gần như quên sạch những kiến thức mình từng học thời phổ thông và hoang mang trước kiến thức của môi trường đại học. Quan điểm của ông về vấn đề này?

+ Theo tôi nghĩ, giáo dục Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi tư duy “học để thi, học vì bằng cấp”. Tư duy ấy đã in sâu vào nhiều thế hệ và tác động trực tiếp đến phương pháp giảng dạy, cách thức kiểm tra đánh giá, nội dung chương trình… Bản thân tôi không cho rằng điều này là hoàn toàn sai, vấn đề ở đây chỉ là hiện nay chúng ta vẫn quá xem trọng nó mà bỏ qua nhiều mục tiêu khác. Do vậy việc học sinh chỉ tập trung vào học để hoàn thành việc thi cử, dẫn đến mục đích học để tiếp thu kiến thức, nâng cao năng lực về tư duy đã bị xem nhẹ ít nhiều. Đây là việc không dễ khắc phục, để lại những hệ quả không tốt, chẳng hạn như việc học sinh gần như quên rất nhiều kiến thức khi bước vào đại học.

- Có phải việc học ở phổ thông như thế nên bước vào đại học – môi trường tự học là chủ yếu - rất nhiều tân sinh viên vỡ mộng hoặc gặp khó khăn?

+ Như tôi đã trình bày ở trên, phần lớn việc học ở phổ thông tập trung vào kết quả thi cử nên tất yếu nhiều tân sinh viên sẽ bị thiếu cả về kiến thức lẫn phương pháp học tập, dẫn đến việc gặp nhiều khó khăn ở bậc đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), nếu không muốn dùng từ “vỡ mộng” như câu hỏi đã nêu. Hơn thế, chúng ta cũng cần nhận thức sâu sắc được một vấn đề là việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông chưa tốt. 

Cẩm nang chọn nghề và việc làm của Trung ương Đoàn đã chỉ rõ: bên cạnh công tác hướng nghiệp của nhà trường, chính học sinh nên chủ động tham khảo thêm ý kiến của những người thân, hỏi kinh nghiệm của những người đã đi làm, căn cứ vào xu hướng phát triển của thị trường lao động để chọn nghề. Nhiều học sinh đến tuổi trưởng thành vẫn còn mù mờ về tương lai, lúng túng trong chọn ngành nghề, thậm chí chọn trường ĐH để thi vào theo phong trào, sở thích hoặc theo bạn bè. Điều đó thật đáng buồn, nhưng cũng không thể trách các em hoàn toàn vì hậu quả này có trách nhiệm của nhiều bên liên quan.

- Năm nay, số lượng học sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp mà không có nhu cầu xét tuyển vào CĐ, ĐH tăng vọt ở nhiều địa phương. Đây là dấu hiệu đáng mừng hay đáng lo, thưa ông?

+ Tôi xin phép nhìn sự việc này với hai cách đánh giá. Cũng có thể xem đây là dấu hiệu đáng mừng khi nhiều học sinh đã không xem ĐH, CĐ là con đường duy nhất để tiến thân. Tùy thuộc vào năng lực cá nhân, các em đã chọn cho mình một hướng đi khác, như học nghề ở các trường trung cấp, để có thể học việc và ra nghề nhanh, khả năng kiếm việc cũng có nhiều lựa chọn, thậm chí tính chất cạnh tranh cũng đỡ khốc liệt hơn các tân cử nhân ĐH, khắc phục tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” đã được cảnh báo nhiều năm nay.

Tuy nhiên, ở cái nhìn tiêu cực hơn, tôi nghĩ đến ba vấn đề sau: Thứ nhất, phải chăng có một số học sinh đã không tin tưởng vào chất lượng của giáo dục ĐH, CĐ Việt Nam nên chọn con đường du học? Thứ hai, phải chăng số đông các học sinh này chưa tự tin để xét tuyển vào ĐH, CĐ trong năm nay cho nên các em đã lựa chọn hình thức gap year (năm ngắt quãng, bỏ trống) để có nhiều trải nghiệm, để tìm hiểu thêm về định hướng nghề nghiệp, chuẩn bị kĩ hơn cho kì thi vào năm tới?

Thứ ba, liệu rằng hệ thống các trường trung cấp nghề của Việt Nam đã được kiểm định chất lượng đầy đủ nhằm đảm bảo năng lực đào tạo một cách tốt nhất cho học viên? Do đó, lựa chọn này của học sinh khiến tôi thấy vừa đáng mừng lại cũng rất đáng lo.

- Theo ông, làm thế nào để khắc phục những bất cập trong việc dạy và học ở phổ thông để các em có hành trang kiến thức vững chắc bước lên ĐH chứ không phải biến ĐH là nơi bổ túc lại kiến thức như một kiểu trường học cấp 4?

+ Thực ra, học sinh cần bỏ ngay quan niệm học ĐH là “học đại” hoặc là học cấp 4. Các em cần xác định được ĐH là học phương pháp tự học và học để làm việc, để thành nghề. Muốn vậy, điều đầu tiên là bậc ĐH, CĐ cần biến quá trình đào tạo dần chuyển thành tự đào tạo, bắt buộc sinh viên phải tăng cường làm việc nhóm, thuyết trình, thảo luận. Hình thức đánh giá kết quả ở bậc ĐH, CĐ cũng nên được đa dạng hóa.

Hơn nữa, quá trình đào tạo ở bậc học này cũng cần gắn với thực tế đời sống nhằm chuẩn bị tốt cho sinh viên. Từ đó, ở bậc phổ thông, giáo viên bộ môn cũng nên sử dụng các hình thức dạy học hợp tác để thực sự biến học sinh thành trung tâm của việc dạy học, chuẩn bị tốt nền tảng kiến thức lẫn kĩ năng, phương pháp học cho những bậc học cao hơn. Vì vậy mà cách đánh giá học sinh cũng sẽ thay đổi, không còn gói gọn trong bài kiểm tra giấy mà bao quát cả quá trình học tập và làm việc của các em.

Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã đưa ra đề xuất cho học sinh khối chuyên được học và lấy trước những tín chỉ tương đương với nội dung chương trình ở ĐH, CĐ. Xuất phát từ chương trình AP (Advanced placement) của Hoa Kỳ, hình thức này rất đáng để nghiên cứu và tiến hành. Như tôi đã có lần phát biểu trước đây, hình thức này giúp học sinh giỏi có điều kiện rút ngắn thời gian đào tạo ở trường ĐH, CĐ để dành thời gian cho các môn cơ sở, chuyên ngành nhằm phát huy hơn nữa năng lực (năng khiếu) đặc biệt của các em. Nhưng khi thực hiện điều này, cán bộ quản lí giáo dục cần cân nhắc: liệu sự giảm tải ở ĐH, CĐ có trở thành quá tải ở bậc THPT đối với học sinh? Muốn vậy, các trường chuyên bậc THPT nên có sự liên kết chặt chẽ hơn với các trường ĐH, CĐ để sớm hoàn thiện qui chế, nội dung đào tạo cho các lớp cử nhân tài năng nhằm đón đầu cho việc làm trên.

- Xin cảm ơn ông!

Thầy Nguyễn Đức Thạch (THPT Lê Quý Đôn - Ninh Thuận): Bỏ thi đại học là chưa phù hợp thực tiễn

Nếu vẫn giữ nguyên kỳ thi đại học kiểu cũ, mỗi năm chúng ta có khoảng 1 triệu thí sinh đi thi. Ở mức thấp nhất, chi phí cho mỗi thí sinh là 1 triệu đồng thì toàn xã hội đã phải tiêu tốn đến 1.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể những hệ quả kéo theo khác như vấn đề giao thông, sinh hoạt, việc làm của người thân... những vấn đề không thể định lượng một cách đầy đủ và chính xác.

Bên cạnh đó, tâm lý chung của toàn xã hội là ai cũng muốn con em mình được vào đại học bằng mọi giá, áp lực tâm lý sẽ đè nặng lên vai hàng triệu sĩ tử suốt một thời gian dài. Để tập trung cho việc luyện thi đại học sẽ có nhiều học sinh chủ trương học lệch, đi ngược lại với chủ trương giáo dục toàn diện của bậc phổ thông. Bỏ kỳ thi đại học, vì thế sẽ mang lại những lợi ích chung rất dễ nhìn thấy.

Tuy nhiên, nếu bỏ hẳn kỳ thi đại học e rằng chúng ta sẽ phải đối mặt với những bất lợi rất lớn trong tương lai.

Nếu xét tuyển đại học thông qua kết quả tốt nghiệp phổ thông, các trường sẽ có quyền tự chủ để lựa chọn tiêu chuẩn ưu tiên cho từng khối ngành cụ thể. Nếu kết quả thi tốt nghiệp bằng nhau, chúng ta sẽ phải xét đến điểm tổng kết từng môn trong các năm học. Theo đó, học sinh nào có điểm số trong học bạ "đẹp" hơn sẽ được chọn trước.

Cách lựa chọn như vậy liệu có công bằng và chính xác không khi sự đánh giá kết quả học tập của học sinh bao giờ cũng mang tính “tương đối”, luôn có sự chênh lệch không nhỏ từ mỗi giáo viên, đặc biệt là các môn xã hội. Từ trước tới nay, ngoại trừ những trường thuộc khối Công an và Quân đội có tổ chức sơ tuyển, kết quả học tập và rèn luyện được ghi trong học bạ hầu như không ảnh hưởng gì tới việc thi tuyển vào đại học của thí sinh. Vậy nhưng, với bệnh thành tích cố hữu không chỉ của ngành giáo dục, chúng ta cũng đã cho ra đời những kết quả cao “ngất ngưởng” không đúng với thực lực của các em. Nếu tổ chức xét tuyển đại học, ai dám chắc bệnh thành tích sẽ không tái phát mạnh mẽ hơn?

Để học sinh của mình bị thiệt thòi, các thầy cô sẽ dễ dàng "nương tay" hơn khi đánh giá học sinh bằng điểm số trong quá trình giảng dạy. Tác động tiêu cực từ bên ngoài, phụ huynh học sinh có thể sẽ “chăm sóc” giáo viên từ khi con mình bước vào bậc THPT để các em có thêm “ưu thế “ trong cuộc đua vào đại học.

Mặt khác, yêu cầu về kiến thức của kỳ thi tuyển sinh cao hơn hẳn kỳ thi tốt nghiệp. Việc lấy kết quả thi tốt nghiệp làm tiêu chí xét tuyển đại học sẽ rất khó phân loại đối tượng đầu vào để lựa chọn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo từng có chủ trương “Đề thi sẽ có khoảng 60% số điểm, ứng với nội dung cơ bản trong chương trình THPT chuẩn đảm bảo cho thí sinh có học lực trung bình, nắm được kiến thức cơ bản có thể tốt nghiệp. Phần còn lại ứng với khoảng 40% số điểm” nhưng ý tưởng này vẫn có vẻ “định tính” hơn là “định lượng”, không thực sự khả thi. Điều này có thể khiến chúng ta phải trả giá bằng chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai không xa.

Nếu lấy tiêu chí “tiết kiệm thời gian và tiền bạc” thì chủ trương kỳ thi “2 trong 1” phần nào đạt được mục đích, còn xét tới tiêu chí giảm áp lực cho học sinh và tuyển chọn nhân tài thì e rằng kết quả sẽ khó đạt.

Những nước châu Á gần gũi với ta như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc dẫu có chất lượng giáo dục cao hơn và điều kiện kinh tế kỹ thuật tốt hơn vẫn chưa thể xem xét việc bỏ thi đại học, dù biết là tốn kém.

Theo tôi, chúng ta vẫn nên giữ lại kì thi đại học, nên chăng là có chút ít thay đổi về khối thi cho phù hợp với mục đích tuyển lựa nhân lực của các ngành đào tạo và tạo ra không khí học tập tích cực cho tất cả các môn, tránh học lệch như thực tế đáng buồn ở phổ thông hiện nay. 

PV
.
.