Từ hiện tượng phim truyền hình “Phía trước là bầu trời” bất ngờ gây sốt trở lại:

Lỗ hổng lớn của phim dành cho giới trẻ

Thứ Sáu, 18/05/2018, 08:34
Vậy là đã gần 20 năm trôi qua, cùng với phim truyền hình “Xin hãy tin em” ra đời trước “Phía trước là bầu trời” vài năm, đã trở thành một phần ký ức không thể phai mờ trong trái tim những người trẻ tuổi thời đó.


Vừa qua, một số đoạn clip trích từ phim truyền hình “Phía trước là bầu trời” (Đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Hãng phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam) ra mắt cách đây 17 năm được chia sẻ với mức độ chóng mặt trên mạng xã hội Facebook. Rất nhiều cư dân mạng thế hệ 7X hay 8X đời đầu khi đó đang là sinh viên hoặc đã ra trường đi làm lại được dịp “thổn thức” nhớ lại thời sinh viên nghèo túng mà tươi đẹp của mình.

“Hữu xạ tự nhiên hương”

Không chỉ “gây thương nhớ” đối với thế hệ 7X, 8X nay đã trở thành những trung niên chững chạc, bộ phim còn chinh phục cả những khán giả trẻ thế hệ 9X sau này. Thì ra, khán giả trẻ thời nào cũng “thèm” được xem những phim phản ánh chân thực, chứa đựng tình cảm và lý tưởng, hoài bão của tuổi trẻ như vậy. Và nghệ thuật, một khi đã chạm đến trái tim khán giả thì thường ở lại rất lâu..

Hồi “Phía trước là bầu trời” lên sóng lần đầu tiên, tôi đang là sinh viên năm thứ 4 của Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Hồi đó chúng tôi ở ký túc xá nên không có tivi, cả khu chỉ xem nhờ được ở nhà ăn của trường mà thôi. Nhưng khi “Phía trước là bầu trời” trở nên “hot” và được chờ đợi mỗi dịp cuối tuần, ở khu nhà ở của các cán bộ đi học có anh chị nào đó có tivi đã đem xuống sân ký túc xá để phục vụ anh em.

Sau 17 năm, “Phía trước là bầu trời” vẫn là bộ phim truyền hình ấn tượng nhất về lứa tuổi sinh viên.

Thế là có những buổi chiều hè, lúc 4h chiều, nhiều khi ánh nắng vẫn còn khá gay gắt, chúng tôi lại tụ tập ở đó để xem phim tập thể, để cùng cười, cùng khóc với nhau. Những ngày tháng thanh xuân tươi đẹp ấy đã trở thành kỷ niệm không bao giờ quên trong trái tim những sinh viên tuổi đôi mươi đầy yêu thương và khát vọng như chúng tôi.

Có thể nói, chúng tôi đã cùng vào đời với hành trang là đạp xe đạp lọc cọc đi xin việc khắp nơi, là giả ốm trốn chủ nhà đòi tiền trọ, là những bữa cơm chiều chỉ có đậu phụ, lạc rang, rau luộc... y như những gì những thước phim “Phía trước là bầu trời” đã thể hiện. Và cả những vấp váp, rung động đầu đời nữa...

Những người trẻ thuộc về những năm tháng ấy sở dĩ thương nhớ một bộ phim lâu đến vậy, cũng là bởi họ thấy chính mình, bạn bè mình, tuổi trẻ của mình trong ấy. Mà đã trở thành ký ức, thành kỷ niệm thì bao giờ cũng đẹp, cũng khiến người ta xao xuyến, nao lòng...

17 năm sau, những gương mặt thân quen của lứa diễn viên trẻ đầy triển vọng trong “Phía trước là bầu trời” vẫn được khán giả yêu quý, săn tìm. Từ Hà Hương (vai Nguyệt), Thu Nga (vai Thương), Kiều Anh (vai Nhung) là 3 nhân vật chính trong phim đến những nhân vật khác như Kiều Thanh (vai Trà cave), Nguyễn Thành Vinh (vai Nam), Lê Văn Anh (vai Vinh)... vẫn luôn nhận được những tình cảm nồng nhiệt của khán giả và tên tuổi họ luôn gắn với bộ phim truyền hình “Phía trước là bầu trời” - dù họ có tiếp tục làm diễn viên hay đã chuyển nghề.

Những diễn viên trẻ trung ngày ấy, nay cũng đã trở thành những người vợ - người mẹ, người chồng - người cha trong những gia đình, nhưng khi được truyền thông hỏi về những kỷ niệm trong những ngày tháng xưa cũ đều có những kỷ niệm tươi đẹp, lắng đọng để sẻ chia.

Vậy là đã gần 20 năm trôi qua, cùng với phim truyền hình “Xin hãy tin em” ra đời trước “Phía trước là bầu trời” vài năm, đã trở thành một phần ký ức không thể phai mờ trong trái tim những người trẻ tuổi thời đó.

Quả thực, sự nổi như cồn của bộ phim “Phía trước là bầu trời” là một minh chứng rõ ràng cho câu nói “Hữu xạ tự nhiên hương” - một bông hoa có hương thơm thì tự khắc thứ hương thơm ấy sẽ lan tỏa. Và “Phía trước là bầu trời” cho đến nay vẫn là bộ phim dành cho sinh viên nổi tiếng bậc nhất, được khán giả trẻ và cả những người lớn tuối dành cho nhiều tình cảm yêu mến sâu đậm nhất mà không cần đến một công cụ hỗ trợ nào như quảng cáo, thậm chí là cả các chiêu trò, xì-căng-đan... để thu hút sự chú ý của dư luận như một số bộ phim truyền hình ra mắt trong những năm gần đây. Và điều đó thêm một lần khẳng định rằng, phim ảnh hay bất kỳ một bộ môn nghệ thuật nào, một khi đã chạm đến trái tim khán giả thì sẽ ở lại đó rất lâu, thậm chí là mãi mãi...

“Thiếu đói” phim dành cho giới trẻ, học sinh - sinh viên?

Có thể nói, việc “Phía trước là bầu trời” gây sốt trở lại trong những ngày đầu hè khiến một số người quan tâm có liên tưởng đến việc, hình như đã rất lâu rồi, những người trẻ đặc biệt là sinh viên không được xem một bộ phim sinh viên “chân thực - đậm đà - nguyên chất” như “Phía trước là bầu trời” đã làm được?

Thật không mấy vui khi chúng ta phải thừa với nhau rằng, câu trả lời là: “Đúng như vậy!”. Và thế là lại có một câu hỏi tiếp theo đặt ra: Tại sao trong thời đại công nghệ làm phim đã phát triển rực rỡ, mỗi năm có hàng ngàn tập phim truyền hình mới ra đời và hoạt động sản xuất phim truyền hình ngày càng được xã hội hóa mạnh mẽ bởi các công ty tư nhân và các nhãn hàng nổi tiếng, mà khán giả trẻ lại vẫn rơi vào tình trạng “đói phim” như thế này?

Công bằng mà nói, “Phía trước là bầu trời” là bộ phim có rất nhiều yếu tố cộng hưởng để thành công, đó là: một kịch bản tốt, một đề tài còn khá mới, một đạo diễn trẻ rất có nghề và nhiều năng lượng sáng tạo, một dàn diễn viên trẻ đẹp...

Tất cả những yếu tố đó cộng lại đã làm nên một bộ phim ấn tượng đặc sắc mà dù đã 17 năm trông qua, khi xem lại vẫn không có cảm giác phim bị “cũ mèm” hay “quê kiểng” như một số bộ phim chịu sự chi phối của thời gian mà chúng ta đã có. Thực ra, sau “Phía trước là bầu trời” vài năm, đã có lúc, sê-ri phim truyền hình “Nhật ký Vàng Anh” thu hút sự quan tâm của một thế hệ học sinh, nhưng sau “sự cố” của diễn viên chính Hoàng Thùy Linh, sê-ri phim này đã phải đóng máy sau một chương trình xin lỗi gây ồn ào. Và sau đó, có vẻ như người ta đã ít quan tâm, đầu tư vào mảng phim dành cho giới trẻ, cụ thể là lứa tuổi học sinh - sinh viên mà bắt đầu chuyển quan tâm sâu đối với những đề tài chính luận, hình sự, tâm lý xã hội.

Mối tình của Hoài “Thát-chơ” (diễn viên Lệ Hằng) và Phong (diễn viên Lê Vũ Long) tan vỡ đã khiến khán giả vô cùng tiếc nuối.

Đặc biệt, có những khi có tới vài bộ phim về đề tài hôn nhân - gia đình, trong đó đào sâu những vấn đề liên quan đến sự đổ vỡ của đời sống hôn nhân, chuyện ngoại tình, rồi chuyện mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu... cùng lúc lên sóng các kênh VTV. Nhưng phim về đề tài học sinh sinh viên thì lại hết sức thưa vắng tại ngay cả kênh chuyên biệt dành cho giới trẻ Việt là VTV6. Đây thực sự là một “lỗ hổng” lớn, bởi ở lứa tuổi này, việc tiếp nhận, ảnh hưởng từ thông tin, sách báo, phim ảnh là rất quan trọng.

Đã có những bộ phim mà phong cách, lý tưởng sống, nghị lực của các nhân vật trong phim trở thành “kim chỉ nam” cho giới trẻ như “Xin hãy tin em”, “Phía trước là bầu trời”, “Hoa cỏ may”... thì hà cớ gì các nhà làm phim lại không tiếp tục đi sâu, khai thác mảng đề tài này?

Như Văn nghệ Công an đã từng đề cập, việc có quá ít những bộ phim đề cập đến tâm lý lứa tuổi vị thành niên, học sinh sinh viên trong nhiều năm, là vấn đề thực sự đáng ngại màn các nhà quản lý, hoạch định về văn hóa phải lưu tâm. Nên chăng, với nguồn kinh phí được Nhà nước bỏ ra để làm phim (cả phim điện ảnh và phim truyền hình) hằng năm, cần phải có quy định rõ mỗi năm cần phải có một tỉ lệ nhất định các bộ phim được sản xuất dành riêng cho trẻ em, lứa tuổi vị thành niên hay học sinh - sinh viên.

Trước đây, cụ thể có thể gọi là ở “thời bao cấp”, tỉ lệ này vẫn được duy trì đều đặn nhưng từ khi chuyển sang cơ chế thị trường, người ta không còn quan tâm, hay mặn mà với tỉ lệ này nữa, mà chỉ nhăm nhăm dùng kinh phí Nhà nước vào làm những bộ phim mang tính... "cúng cụ", nhân dịp kỷ niệm này nọ. 

Bởi lẽ, thiếu đi những công cụ, phương tiện giải trí lành mạnh và đậm tính giáo dục như phim ảnh, cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến các bạn trẻ ngày càng trở nên thực dụng, sa đà vào các trò tiêu khiển như nghiện chơi game cờ bạc, game bạo lực, nghiện Facebook mà thiếu ý chí, nghị lực cũng như lý tưởng, mục đích sống... đang là thực trạng khá nhức nhối, đau lòng mà xã hội đang phải đối mặt. Có thể nói thẳng rằng, nếu một nền văn hóa không quan tâm đến giới trẻ thì những hậu quả mà xã hội phải gánh chịu là vô cùng to lớn, đau thương và rất khó... sửa chữa.

Nguyệt Hà
.
.