Liệu có đòi hỏi quá đáng?

Thứ Sáu, 28/12/2012, 08:00
Từ trước đến nay, chuyện ca sĩ hát sai ca từ (có thể do vô ý hoặc có thể do mức độ cảm nhận tác phẩm còn hạn chế), đã được nói đến khá nhiều. Nếu kể ra sẽ làm mất thời gian của bạn đọc. Điều tôi muốn góp ý là những nghệ sĩ, ca sĩ đã có tên tuổi lại biểu diễn những tác phẩm, những ca khúc nổi tiếng, được nhiều người yêu thích có lẽ không nên phạm vào những sai sót không đáng có đó.

Lấy vài ví dụ: Nghệ sĩ, ca sĩ có giọng nữ cao thuộc dạng quý hiếm B.L, hát ca khúc "Tự nguyện" của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh, có câu "Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương". Bỏ chữ "nếu" đi mới đúng ca từ của bài hát. Mình đang là "người" cơ mà! Ở Tp HCM, ca sĩ nổi tiếng N.A khi hát bài "Hương thầm" (nhạc Vũ Hoàng, thơ Phan Thị thanh Nhàn), hồn nhiên mở đầu bằng câu "Khung cửa sổ hai nhà cuối phố/ Chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ". Cũng phải bỏ chữ "khung" đi thì mới đúng. Bởi chỉ có cánh cửa sổ mới đóng mở, còn khung cửa thì lúc nào mà chẳng đứng yên?

Có thể, khi phổ nhạc một bài thơ thành một ca khúc, do yêu cầu của giai điệu, tiết tấu…nhạc sĩ không thể giữ nguyên lời của bài thơ, dù biết sẽ  làm  kém chất thơ đi. Như bài "Thơ viết ở biển" của nhà thơ Hữu Thỉnh, khi nhạc sĩ Phú Quang phổ thành bài hát "Biển nỗi nhớ và em", những câu thơ "Trăng cũng lẻ, mặt trời cũng lẻ" phải thay bằng "Trăng cũng chợt lẻ loi thẫn thờ'. Hoặc câu "Gió không phải là roi mà vách núi phải mòn" thành "Gió âm thầm không nói mà sao núi phải mòn", thì đó là quyền của người nhạc sĩ khi phổ thơ. Và điều quan trọng là công chúng chấp nhận. Còn nếu ca sĩ biểu diễn tự ý thêm bớt hoặc thay đổi ca từ trong bài hát thì rất gây phản cảm cho người thưởng thức. NSND T.H khi hát bài "Quê hương" (nhạc Giáp Văn Thạch, thơ Đỗ Trung Quân), đã biến những câu rất thơ "Quê hương là đêm trăng tỏ/ Hoa cau rụng trắng ngoài thềm" thành những câu nói nhạt nhẽo "Quê hương ơi những đêm trăng tỏ, kìa hoa cau đã rụng trắng ngoài thềm"! Hay thời gian gần đây, hai giọng ca nổi tiếng V.H và A.T khi hát bài "Tình ta biển bạc đồng xanh", một sáng tác cũng rất nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương, đã hát một câu hát rất lạc lõng, chẳng ăn nhập gì với cả đoạn ca từ của bài hát. Khi người nữ hát "Em hỏi rằng vì sao anh ra khơi bám biển ngày đêm để màu da anh nắng sạm", người nam phải trả lời là "Vì mùa xuân tương lai thắm tươi hồng" thì mới đúng ca từ của Hoàng Sông Hương. Vậy mà ca sĩ lại hát "Hỏi mà chi sao em cứ bông đùa". Ô hay, có ai đùa ở đây? Thật đúng là bà hỏi gà, ông lại nói vịt !

Mới đây thôi, giọng hát đoạt giải Nhất dòng nhạc dân gian của "Sao Mai" 2011 khi thể hiện bài "Làng Quan họ quê tôi" (nhạc Nguyễn Trọng Tạo, thơ Nguyễn Phan Hách), cứ say sưa "Làng Quan họ quê tôi, giữa đình hồ bán nguyệt, loan phượng vẫn ăn xoài…". Phải hát là "Những năm bom Mỹ dội, loan phượng vẫn ăn xoài" thì nhà thơ và nhạc sĩ mới không cảm thấy bực mình!

 Như trên đã nói, những chuyện nhầm lẫn sai sót này là rất nhiều và khó tránh khỏi. Vì thế tôi mới "khoanh vùng đối tượng" cho các ca sĩ, nghệ sĩ đã nổi tiếng và hơn nữa lại thể hiện những ca khúc của những nhạc sĩ, nhà thơ quá nổi tiếng thì càng phải có sự cẩn trọng hơn. Những đòi hỏi này xuất phát từ lòng yêu mến đối với những nghệ sĩ, ca sĩ mình yêu thích và mong muốn họ ngày càng hoàn thiện về chuyên môn hơn trong sự nghiệp và trước công chúng. Liệu đòi hỏi đó của tôi có gì quá đáng không?

Thái Bình, tháng 12/2012

Đặng Toán
.
.