Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17: Vừa hy vọng vừa... lo lắng

Thứ Hai, 28/11/2011, 09:00
Để giải tỏa nỗi lo liệu Liên hoan phim lần thứ 17 có được tổ chức đúng như thông lệ không?, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan khẳng định: "LHP Việt Nam lần thứ 17 sẽ mang đến một bầu không khí đậm chất điện ảnh chuyên nghiệp. Ban tổ chức đang cố gắng hạn chế sự không chuyên nghiệp trong khâu tổ chức. Hay nói cách khác là hạn chế tối đa sự pha tạp quá khiến các sự kiện trở nên tạp nham".

Đến hẹn lại lên, Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 17 sẽ diễn ra từ ngày 14 đến ngày 17/12 tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên với tiêu chí "Vì một nền điện ảnh Việt Nam đổi mới và hội nhập". Đây được coi là một LHP bản lề, đánh dấu kỷ niệm 40 năm ra đời và phát triển của LHP Việt Nam, tính từ LHP Việt Nam lần thứ nhất vào năm 1970. Diễn ra trong bối cảnh nền điện ảnh nước nhà đang gặp khó khăn, thế nên khán giả vừa hy vọng vừa... lo lắng trước thềm sự kiện văn hóa quan trọng này.

Phim tư nhân "áp đảo" phim nhà nước

Tính đến thời điểm này, Ban tổ chức LHP Việt Nam lần thứ 17 đã nhận được 108 tác phẩm ở 5 thể loại tham dự LHP, trong đó 17 phim truyện nhựa, 5 phim truyện video, 10 phim tài liệu nhựa, 52 phim tài liệu video, 8 phim khoa học, và 16 phim hoạt hình. Cơ cấu giải thưởng không thay đổi nhiều, bao gồm: 1 bông sen vàng, 2 bông sen bạc, 2 giải thưởng của Ban giám khảo cho các thể loại phim truyện nhựa, video, tài liệu, khoa học, hoạt hình. Ngoài ra, Ban tổ chức sẽ trao giải cho đạo diễn xuất sắc, tác giả kịch bản xuất sắc, nam, nữ diễn viên chính xuất sắc.

Bao giờ cũng vậy, thể loại phim truyện nhựa luôn được đánh giá là linh hồn và nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận tại mỗi kỳ LHP. Theo thông tin từ Cục Điện ảnh, cho đến thời điểm này đã có 17 bộ phim truyện nhựa đăng ký tham gia tranh giải. Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Điện ảnh thì nhận định: "LHP 17 có 17 phim dự thi. Đó quả thực là một con số đẹp và dễ nhớ". Các phim truyện tham dự LHP lần này cũng được giới chuyên môn đánh giá là khá đa dạng, phong phú. Từ phim có đề tài cổ trang đến phim hiện đại với đủ thể loại từ phim tâm lý, hành động, kinh dị đến hài hước... Điều này cho thấy sự phát triển đa dạng của các dòng phim trong nước cũng như sự tìm tòi sáng tạo của các đạo diễn trong việc chinh phục khán giả. Các hãng phim nhà nước mạnh dạn tìm đến những thể loại phim có tính chất giải trí. Ngược lại, các hãng phim tư nhân cũng sẵn sàng đầu tư vào dòng phim tạm gọi là nghệ thuật, kén khán giả. Đã dần mất quan niệm xưa cũ rằng, cứ phim nghệ thuật là của các hãng quốc doanh còn phim giải trí chỉ tìm thấy ở các hãng phim tư nhân.

Một điều đặc biệt là so với các LHP trước, LHP lần này có sự góp mặt vượt trội của các hãng phim tư nhân. Nếu như trước đây, số phim thuộc các đơn vị tư nhân chỉ chiếm 2 đến 3 phim trong số hơn chục phim tham gia liên hoan, và tham gia với tinh thần "gọi là có" cho vui thì tại LHP lần này, trong số 17 phim tranh giải có tới 10 phim của các hãng phim tư nhân. Riêng hãng phim BHD gửi  tham dự 4 phim. Tiếp theo là hãng Phước Sang với 2 phim. Các hãng còn lại mỗi hãng đều có một phim. Bảy bộ phim thuộc các đơn vị quốc doanh có: "Hoa đào" (Hãng phim truyện 1); "Mùi cỏ cháy", "Tâm hồn mẹ", "Vũ điệu đam mê" (Hãng phim truyện Việt Nam); "Long thành cầm giả ca" (Hãng phim Giải phóng); "Vượt qua bến Thượng Hải" (Hãng phim Hội Nhà văn) và "Nhìn ra biển cả" (Hãng phim Hội Điện ảnh). Trong số này,  bộ phim "Mùi cỏ cháy" là trường hợp đặc cách: Dù đang ở giai đoạn hậu kỳ, chưa được cấp phép phổ biến nhưng vẫn được phép tham gia.

Bộ phim "Cánh đồng bất tận" của hãng BHD - một ứng cử viên sáng giá tại LHP Việt Nam 17.

Việc số lượng phim tư nhân áp đảo tại LHP đã bộc lộ rõ khuôn mặt điện ảnh Việt Nam thời gian vừa qua. Có thể thấy, đó là sự nhập cuộc nhiệt tình của các đơn vị tư nhân. Lâu nay, các hãng phim tư nhân vốn được đánh giá là chỉ quan tâm tới lợi nhuận, không mặn mà với các giải thưởng, các liên hoan trong nước có tính chất giao lưu, hội hè nên trước thềm LHP, không ít người lo ngại về sự "lạnh nhạt" của các hãng phim tư nhân với LHP. Tuy nhiên đến phút chót thì tình thế đã đảo ngược. Đây là sự cố gắng lớn của Cục Điện ảnh bởi ngay tại buổi họp báo về LHP, Cục Điện ảnh đã nhiệt tình mời đại diện tất cả các hãng phim tư nhân tham dự. Điều này thể hiện sự quan tâm đúng mức của Cục Điện ảnh tới vị thế của các hãng tư nhân trong ngành điện ảnh hiện nay. Ngược lại, sự hưởng ứng nhiệt tình của các hãng tư nhân với các hoạt động của ngành cho thấy sự thay đổi tư duy của họ.

Thực ra, nếu phim của họ đoạt giải cũng là một cơ hội để khẳng định thương hiệu của mình. Sự tham gia mạnh mẽ của khu vực điện ảnh tư nhân vào thị trường điện ảnh ở mọi khâu: nhập phim - phát hành - chiếu bóng - sản xuất đã mang lại không khí cạnh tranh sôi động hơn cho ngành điện ảnh.

Nhiều phim tham dự với nhiều thể loại nên sự lựa chọn chắc chắn không dễ dàng. Có phim tạo được hiệu ứng khán giả tốt như "Cô dâu đại chiến", "Hotboy nổi loạn và câu chuyện về cô gái điếm, thằng Cười và con vịt"... Có những phim được giới chuyên môn đánh giá cao về sự tìm tòi trong nghệ thuật thể hiện như "Long Thành cầm giả ca", "Cánh đồng bất tận"... Có phim từng đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Chỉ riêng đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có tới 2 bộ phim là "Nhìn ra biển cả" và "Vượt qua bến Thượng Hải". Sự phong phú này cũng sẽ chứa đựng nhiều bất ngờ và kịch tính vì đôi khi sự quyết định của Ban giám khảo lại khác với những suy nghĩ của số đông công chúng. Trong khi Ban tổ chức đưa ra tiêu chí phim vinh danh phải đáp ứng 2 tiêu chí: "Đậm đà bản sắc dân tộc" và "Đề cao sự tìm tòi sáng tạo" thì thực tế lại không dễ để chúng ta tìm được phim đáp ứng được đồng thời 2 yếu tố trên. Và không phải tác phẩm đoạt giải quốc tế hoặc trong nước nào cũng lọt vào mắt xanh Ban giám khảo.

Những băn khoăn, lo lắng

LHP Việt Nam lần thứ 17 diễn ra vào đúng giai đoạn hết sức khó khăn của nền điện ảnh nước nhà. Sự thất thoát hàng chục tỉ đồng tại cơ quan quản lý đầu ngành Điện ảnh khiến không ít người trước đó quan ngại liệu LHP có được tổ chức đúng như thông lệ không? Tuy nhiên, nỗi lo này đã được giải tỏa bằng khẳng định của Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan: "LHP Việt Nam lần thứ 17 sẽ mang đến một bầu không khí đậm chất điện ảnh chuyên nghiệp. Ban tổ chức đang cố gắng hạn chế sự không chuyên nghiệp trong khâu tổ chức. Hay nói cách khác là hạn chế tối đa sự pha tạp quá khiến các sự kiện trở nên tạp nham".

Về nội dung chương trình của LHP sẽ có các buổi chiếu tất cả các phim dự thi tại LHP. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng LHP Việt Nam lần thứ 17 diễn ra tại TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên sẽ lại gặp vấn đề về cơ sở hạ tầng và sự đón nhận của khán giả như đã từng tổ chức ở các tỉnh Nam Định, Nghệ An, Đắc Lắc... Những phòng chiếu phim không đủ tiêu chuẩn vì đa số là những khán phòng được gấp rút cải tạo để phục vụ LHP, những suất chiếu vắng hoe vì khán giả không có thói quen đến rạp... là điều đã xảy ra trước đây. Hy vọng rằng, ngay bây giờ, Ban tổ chức LHP tích cực thúc đẩy công tác quảng bá để LHP có được sự quan tâm hơn nữa của người dân địa phương cũng như khán giả yêu điện ảnh cả nước.

Đặc biệt, việc tôn vinh các nghệ sĩ trong ngày hội của mình cần được chú trọng hơn nữa để những người làm nghề đích thực cảm thấy được tôn trọng. Không ít kỳ liên hoan trước, tại các buổi khai mạc, bế mạc, thay vì những nghệ sĩ có đóng góp tích cực với điện ảnh lại chủ yếu là sự xuất hiện của các người mẫu, ca sĩ. Những chân dài với lóng lánh áo váy trên thảm đỏ đã che lấp nhiều người làm nghề đích thực: diễn viên, đạo diễn, quay phim. Và cũng chính những chân dài đó đã để lại không ít hạt sạn, sự sai sót ngô nghê khiến công chúng phì cười.

Một nỗi ám ảnh với nhiều người khi chứng kiến LHP là "cơn mưa" giải thưởng. Lâu nay, chúng ta chưa dám bứt ra khỏi quan niệm cứ tham gia là sẽ cho giải để "động viên tinh thần". Không giải lớn thì giải nhỏ, không giải thưởng thì bằng khen. Tràn lan giải thưởng khiến không khí ngày hội lê thê và tẻ nhạt. Giải thưởng vì thế cũng trở nên bớt thiêng ngay cả với người được giải.

Bà Ngô Phương Lan cho rằng, lần này, Ban tổ chức sẽ quyết tâm mời tối đa những nghệ sĩ trực tiếp sáng tác, trực tiếp tham gia và làm ra những tác phẩm điện ảnh. Và LHP lần này, trong giấy mời tham dự, Ban tổ chức cũng nhắc nhở các đại biểu để tránh những trường hợp ăn mặc phản cảm tới dự các sự kiện của LHP như chuyện đã từng xảy ra tại một vài LHP trước đây

.
.