Hài trẻ online:

Lằn ranh mong manh giữa nghệ thuật và sự nhảm nhí

Thứ Sáu, 30/05/2014, 07:45

Xu hướng làm video clip hài rồi đưa lên mạng đang là một trào lưu được nhiều bạn trẻ yêu thích. Mỗi clip do những nhóm hài "ảo" như "Thích ăn phở", DAMtv hay BB &BG thực hiện khi "trình làng" đã thu hút hàng triệu lượt xem trên Youtube, trở thành hiện tượng xã hội trong cộng đồng mạng. Đây có lẽ là con số đáng mơ ước của các nhóm hài, ngay cả nhóm hài hoạt động trên sân khấu chuyên nghiệp. Sự bùng nổ của Internet, sự "vô thưởng, vô phạt" của những video clip khi đưa lên mạng cũng đang đặt ra nhiều câu hỏi chưa dễ giải đáp...

1. Những ngày cuối tháng 4 vừa qua, nhóm hài trẻ "Thích ăn phở" đã cho ra mắt sản phẩm thứ 10 với tên gọi "Tuổi thơ tôi" nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người xem. Đúng như tên gọi của clip, "Tuổi thơ tôi" đã tái hiện lại gần như đầy đủ tất cả những trò chơi con trẻ mà ai cũng đã một lần trải qua. Những trò chơi như ô ăn quan, trồng nụ, trồng hoa, bắn bi, nhảy ô, ném lon, bịt mắt bắt dê, dọa ma, nhổ răng bằng chỉ, gọi điện thoại bằng ống bơ, hét vào quạt… khiến người xem thích thú khi được tìm lại những ký ức con trẻ dường như đã bị "vùi lấp" trong bộn bề cuộc sống hiện đại. Nhóm hài đã khéo léo lồng ghép những bài hát như "Thà rằng một lần đau", "Khi người đàn ông khóc", "Biết khi nào", "Những bàn chân lặng lẽ"… phù hợp với tình huống càng làm tăng thêm tính hấp dẫn của clip.

Với góc nhìn hài hước và cách thể hiện rất "teen" cùng thông điệp "công nghệ đã mang lại nhiều điểm tích cực và tiêu cực trong cuộc sống", nhóm hài BB&BG đã rất thông minh khi tái hiện những tình huống trớ trêu, vui nhộn gắn liền với công nghệ bằng ví dụ điển hình rất thực với giới trẻ. Nếu trước đây, để có được bức hình đẹp, những cô gái phải bỏ ra nhiều thời gian để trang điểm và tạo dáng trước ống kính thì bây giờ, công nghệ camera 360 độ là "thầy phù thủy" có thể "biến" bất kỳ dung nhan nào thành "hot girl".

Nếu trước đây, các chàng trai thường viết thư tỏ tình sướt mướt với bạn gái kiểu "Romeo và Juliet" thì bây giờ, chỉ cần một tin nhắn với thông điệp "hay là mình bất chấp hết để yêu nhau đi"… Cách thể hiện trẻ trung, tươi mới và sinh động cùng với dàn diễn viên "hot" về cả nhan sắc và diễn xuất của BB&BG đã mang lại thành công cho clip "Cuộc sống và công nghệ". Chỉ hai ngày xuất hiện trên Internet, "Cuộc sống và công nghệ" đã có gần 400 nghìn lượt người xem, chứng tỏ clip đã đánh trúng mối quan tâm của giới trẻ.

2. Ba nhóm hài "ảo" đang "làm mưa, làm gió" trên mạng Internet hiện nay là Damtv, BB&BG và "Thích ăn phở". Cả ba nhóm này mới xuất hiện trong 2,3 năm trở lại đây và thành viên đều là những bạn trẻ thế hệ 9x tài năng. Qua thời gian và từ chính những sản phẩm "độc", "chất" của mình, số lượng fan của các nhóm hài không ngừng tăng lên theo cấp số nhân. Sản phẩm đầu tiên của "Thích ăn phở" chỉ đạt 200 nghìn người xem trong một tuần thì không lâu sau đó, số lượng người xem đã tăng gấp rất nhiều lần.

Clip hài "Tình yêu tuổi học trò" của BB&BG kết hợp cùng giảng viên Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu thực hiện thu hút hơn 6,4 triệu lượt người xem.

"Phở Tết" số 8 đã đạt được kỷ lục 1 triệu lượt người xem ngay ngày đầu tiên ra mắt. Trong khi đó, sản phẩm đầu tay của DAMtv mới chỉ có 10 nghìn người xem thì đến "Kính vạn bông", số người xem đã đạt đến trên 10 triệu người.

Sở dĩ những video clip hài của các bạn trẻ nhận được sự quan tâm, theo dõi của đông đảo công chúng là vì họ đã biết khai thác những vấn đề nóng mà xã hội đang quan tâm. Những video clip có dung lượng ngắn, phù hợp với thị hiếu khán giả và không gây nhàm chán cho người xem. Điều này được thể hiện rất rõ trong những sản phẩm của DAMtv.

Với khẩu hiệu "Dám nghĩ - dám làm - dám chịu", DAMtv luôn "lấy tiếng cười từ đề tài xã hội" để làm chất liệu sáng tạo trong video clip. Nếu trong "Thần tượng", DAMtv muốn phê phán nạn "fan cuồng" thì "Giọng hát thiệt" (xây dựng dựa trên chương trình Giọng hát Việt) lại mang đến tiếng cười sảng khoái từ những thí sinh tham gia cuộc thi.

Clip "Chầu hoan công chúa" đề cập đến hàng loạt vấn đề xã hội nổi cộm như: chặt tay cướp vàng và xe SH, thẩm mỹ viện Cát Tường; "Bỗng dưng nổi loạn, hot boy muốn khóc" (được chế vui nhộn từ hai bộ phim của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng là "Bỗng dưng muốn khóc" và "Hot boy nổi loạn") lại gửi gắm nhiều thông điệp sâu sắc về cuộc sống thông qua tiếng cười…

Khác với DAMtv, vấn đề mà BB&BG khai thác liên quan đến giới trẻ và được giới trẻ quan tâm như cộng đồng mạng, công nghệ, tình yêu giới tính… Có người còn nhận xét rằng, "muốn biết giới trẻ sốt sắng vấn đề gì, chỉ cần xem những video clip của BB&BG trên Youtube". "Tình yêu tuổi học trò" - một sản phẩm hợp tác giữa BB&BG với thầy giáo "hot boy", Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đề cập đến vấn đề giáo dục giới tính có đến 6,4 triệu lượt người xem trên Youtube. Những sản phẩm khác của BB&BG như "Văn phòng vui vẻ", "Anh không đòi quà", "Mình yêu nhau đi", "Nghiện Game", "Hát nhép", "Đừng như chị"… luôn hấp dẫn người xem.

Trần Bảo Bảo, trưởng nhóm hài BB&BG từng chia sẻ, "thành công của BB&BG là có đặc trưng riêng và đặc trưng đó là sự tự nhiên trong nội dung và cả lối diễn, kịch bản luôn gần gũi và thực tế". Nét đặc trưng của "Thích ăn phở" lại là khai thác những đề tài xã hội mà giới trẻ quan tâm, được thể hiện qua góc nhìn độc đáo, sáng tạo. Một số clip của nhóm được yêu thích như "Sự khác biệt giữa phim ảnh và thực tế", "15 sự khác nhau giữa Sài Gòn và Hà Nội", "15 sự khác nhau giữa con trai và con gái", "15 đặc trưng của sinh viên"…

Một điểm nữa khiến các sản phẩm của các nhóm "hài online" được yêu thích là sự đầu tư công phu và chuẩn bị kỹ lưỡng về kịch bản. Những cảnh quay khá đẹp mắt và sắc nét không thua kém bất kỳ một tác phẩm điện ảnh nào cùng dàn diễn viên trẻ trung, diễn xuất khá đạt góp phần tạo nên sức hút của các clip hài.

3. Phải thừa nhận một điều rằng, những video clip hài đã mang đến tiếng cười giải trí, góp phần làm phong phú thêm thị trường sân khấu hài ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, do sự bùng nổ của Internet, những video clip khi tung lên mạng, được nhiều bạn trẻ xem, theo dõi và comment nhưng nội dung lại hời hợt, thậm chí là "nhảm nhí" và vô bổ.

"Phở Ngọc Thảo" - một thành viên của nhóm "Tôi thích phở" đột ngột tuyên bố tách nhóm vào đầu năm 2014. Mới đây, diễn viên nữ chính trong nhiều clip hài của nhóm "Tôi thích phở" đã tung clip đơn đầu tiên khiến nhiều người ngạc nhiên. Khác hẳn với vẻ đẹp trong sáng, dễ thương thường thấy, Ngọc Thảo ăn mặc gợi cảm và nói câu chuyện cũng rất "nhạy cảm". Mặc dù không có bất kỳ từ ngữ tục nào trong clip nhưng những gì mà Ngọc Thảo đề cập thì ai cũng có thể nhận ra nội dung phản cảm của clip. Nhiều người bày tỏ sự thất vọng về "Phở Ngọc Thảo", thậm chí còn so sánh Ngọc Thảo với "Bà Tưng" - một nhân vật luôn tìm cách nổi tiếng bằng hình ảnh phản cảm và phát ngôn gây "sốc".

Bằng những video clip đề cập đến vấn đề rất nhạy cảm, nhóm hài 102 gồm các thành viên là rapper Phong Lê, Phillip Đặng và Tấn Phúc bị gắn mác hài "siêu bẩn". Với khoảng 20 video clip được tung lên mạng Internet, không khó để thấy những từ ngữ tục tĩu, phản cảm được sử dụng để "luận" về chuyện ngoại tình, tình dục, cưa cẩm bạn gái… Người xem có thể bắt gặp những từ ngữ tục tĩu không thể chấp nhận được trong clip kể về người đàn ông có ý định tự tử khi phát hiện vợ ngoại tình nhưng thay đổi ý định vào phút chót khi tưởng tượng ra vợ và người tình sẽ "ân ái" trong chiếc xe hơi và ngôi nhà của mình. Điều quan trọng là, những video clip của nhóm hài 102 được đưa đầy rẫy trên mạng Internet và số lượng khán giả xem các clip cũng không phải là nhỏ.

Việc thành lập những nhóm hài trẻ, tự sản xuất video clip hài tung lên mạng Internet (xin được tạm gọi với cái tên "Hài trẻ online") đang trở thành một trào lưu được yêu thích của các bạn trẻ. Lằn ranh giữa hài chân chính mang lại tiếng cười và hài nhảm nhí để câu "view", câu "like" cũng rất mong manh. Điều này đang đặt ra những câu hỏi về việc kiểm soát các sản phẩm văn hóa, nhất là những sản phẩm văn hóa được đưa lên mạng Internet có tác động trực tiếp đến hàng triệu khán giả

P.M.T.
.
.