Làm nhạc cho phim còn thiếu tính chuyên nghiệp

Thứ Ba, 02/12/2008, 14:00
Điện ảnh là môn nghệ thuật tổng hợp, để gây ấn tượng hoàn hảo với công chúng cần tới sự hoàn hảo trong rất nhiều khâu như kịch bản, đạo diễn, diễn viên... trong đó không thể thiếu vai trò của âm nhạc. Trên thế giới, rất nhiều tác phẩm âm nhạc đã bước ra từ các bộ phim và có một đời sống riêng trong lòng công chúng như các ca khúc trong phim "Love Story", "Titanic"...

Riêng ở Việt Nam, những ca khúc cho phim sau này trở thành những bài hát hay, ngân vang trong lòng khán giả có thể kể tới như : "Hoa sữa", "Lênh đênh" (Hồng Đăng), "Bài ca không quên" (Phạm Minh Tuấn), "Chị tôi", "Hà Nội đêm trở gió" (Trọng Đài), "Mong ước kỷ niệm xưa" (Xuân Phương)...

Giống như một món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ điện ảnh, âm nhạc chiếm một vị trí đặc biệt cần thiết để tạo nên ấn tượng về thính giác, xúc cảm cho một bộ phim.

Các đạo diễn điện ảnh giỏi bao giờ cũng dành công sức và tiền bạc thích đáng cho việc tìm kiếm một người làm nhạc phù hợp cho phim của mình vì họ hiểu rằng một bộ phim dù kịch bản hay tới đâu, diễn viên diễn xuất giỏi tới đâu mà thiếu đi phần âm nhạc hoàn chỉnh thì có nghĩa là "đứa con tinh thần" của họ vẫn bị khuyết thiếu.

Trên thế giới, các nhà làm nhạc cho phim chuyên nghiệp được gọi là các sound designer. Tuy nhiên ở Việt Nam vấn đề nhạc phim vẫn chưa được quan tâm ở mức thích đáng và đội ngũ các sound designer vẫn chưa có được mấy người.

Rất nhiều bộ phim, đặc biệt là phim truyền hình, phần âm nhạc vẫn chỉ làm quấy quá cho xong, không gây được ấn tượng với khán giả. Thù lao cho người làm nhạc phim vẫn còn rất rẻ mạt. Với phim truyện nhựa thì nhiều lắm là khoảng 30 triệu cho nhạc sĩ để họ làm tất cả các khâu từ sáng tác đến dàn dựng, thu thanh, thuê ban nhạc...

 Phim truyền hình còn tệ hơn nữa, chỉ khoảng trên dưới 1 triệu đồng cho mỗi tập phim. Nên mới có hiện tượng nhiều ca khúc trong phim chỉ là sự nhặt nhạnh, chắp vá, không có ý đồ và không rõ ý đồ của người đạo diễn.

Công bằng mà nói thì lý do không chỉ nằm ở chuyện hạn chế về tiền, mà là do trình độ chuyên nghiệp của đội ngũ những người làm nhạc cho phim còn yếu. Sáng tác một tác phẩm âm nhạc không bao giờ là câu chuyện dễ dàng, nhất là khi tác phẩm đó lại bị gò bó trong một khuôn khổ nhất định về thời gian, không gian (cho phù hợp với nội dung, tinh thần của bộ phim), lại phải chịu ít nhiều ảnh hưởng từ ý đồ của người đạo diễn...

Cho nên người viết nhạc cho phim, ngoài tâm huyết và tài năng còn phải thẩm thấu nội dung tác phẩm điện ảnh cũng như tâm trạng của nhân vật. Người ta cho rằng, người làm nhạc cho phim, bất luận ở thể loại phim nào cũng đều phải biết tạo ra một ấn tượng đặc biệt từ phần nhạc của mình, và chắc chắn người nhạc sĩ đó phải hướng tới hiệu quả cuối cùng của bộ phim chứ không phải danh tiếng của riêng cá nhân mình.

Người làm nhạc phải đi sau đạo diễn, chứ không được đi ngang hay đi trước. Bởi vì anh ta là một phần của bộ phim và anh ta phải tuân thủ ý đồ của đạo diễn. Nói như vậy có nghĩa là người làm nhạc cho phim không thể tự do như khi anh ta sáng tác theo cảm hứng của chính mình.

Song, với một người làm nhạc phim giỏi, anh ta thật sự sẽ biết cách tìm thấy tự do của chính mình trong sự gò bó không thể chối cãi ấy, để tạo dấu ấn riêng nên từng nét nhạc trong mỗi cảnh phim.

Mỗi ngày chúng ta xem rất nhiều bộ phim phát sóng trên các kênh truyền hình, nhưng những giai điệu gây xúc động và ám ảnh chúng ta thì không nhiều. Vậy nên, làm nhạc cho phim chính xác là một công việc đặc biệt, rất khó khăn đối với các nhạc sĩ.

Trong số rất nhiều người cầm bút sáng tác nhạc, chỉ có một số rất ít người làm nhạc cho phim thành công mà thôi

Hội Quân
.
.