Ý kiến ngắn

Lại nói về sự "không đọc nhau"

Thứ Hai, 15/07/2013, 08:00

Trong khi các tờ báo, tạp chí chuyên về văn học ngày một khó bán vì ít độc giả thì số lượng người làm văn chương ngày một gia tăng đến mức chóng mặt. Riêng về thơ, hiện cả nước có cả vạn người tham gia vào các câu lạc bộ và tính trung bình, mỗi ngày có từ 3 đến 5 tập thơ "ra lò". Như vậy, chí ít mỗi năm cũng có cả nghìn tập thơ "ra lò". Không biết đây là "hiện tượng" đáng mừng hay đáng lo?

Trên thực tế, số lượng người làm thơ dường như không liên quan đến số lượng người đọc thơ. Hay nói một cách khác: Người làm thơ cứ làm thơ, còn người không đọc thơ cứ không đọc thơ.

Cho nên, để có được một cái tên được người ta nhớ trong làng thơ bây giờ, thật không đơn giản và dễ dàng gì.

Mà chẳng riêng gì thơ, đến cả văn xuôi bây giờ, cũng rất ít người đọc. Nhiều người thường chỉ đọc theo "mác" và theo "mốt". Hãn hữu, có người mua sách chỉ để trưng lên giá sách cho vui. Vì thế mà có nhiều nhà văn (kể cả nhiều nhà thơ nữa), mỗi khi tặng sách một ai đó, thường nhắc nhở nhẹ nhàng: Liệu ông (hay bà) có đọc không? Có đọc thì tôi mới ký tặng sách. Hoặc: Này, tôi đã tặng thì ông phải đọc đấy nhé. Tôi cũng biết có nhiều người nhận sách tặng xong là xếp xó, chẳng bao giờ nhòm ngó đến nữa.

Sự không đọc tác phẩm của nhau lây lan sang cả những người cùng giới. Tôi biết "Thơ tình viết ở biển" của nhà thơ Hữu Thỉnh viết cách nay ít nhất đã trên hai mươi năm. Sau đó, nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc cũng đã lâu lắm rồi. Vậy mà có lần, có  một người cùng trang lứa với nhà thơ Hữu Thỉnh, hỏi tôi: "Bài thơ này được lắm. Thế nó mới được anh Hữu Thỉnh viết à?". Khi tôi hỏi: "Thường ngày, ông đọc thơ của ai?, rất thành thực và có phần cực đoan, nhà thơ này nói: "Tôi chỉ đọc thơ của tôi và thơ dịch của những nhà thơ nước ngoài thôi".

Tôi biết, có không ít người làm thơ, làm văn có quan hệ thân thiết với nhau, thỉnh thoảng rủ nhau đi đây đi đó xem chừng ăn ý với nhau lắm, vậy mà có khi cũng không nhớ nổi (hoặc kể nổi) mấy đứa con tinh thần đáng nhớ của bạn bè mình. Họ chỉ nhớ bạn mình có làm thơ, viết văn chung chung, thế thôi.

Vì không đọc của nhau, nên cũng có một số người còn nhầm danh xưng của người viết và có khi còn không xác định nổi ông này (hoặc bà này) là nhà thơ, nhà văn, kịch tác gia hay nhà lý luận, phê bình…

Nhà văn Lê Minh Khuê (ủy viên Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn) từng nhận được sách biếu của một người đang muốn trở thành hội viên Hội Nhà văn qua con đường văn xuôi với dòng chữ: "Bản dành tặng nhà thơ Lê Minh Khuê". Nhà văn Y Ban cũng từng nhận sách biếu với dòng chữ tương tự. Bỗng dưng, hai nữ nhà văn được chuyển thành hai nữ nhà thơ tự lúc nào không hay.

Mới đây, tại một Hội nghị lý luận, phê bình văn học do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức  ở Tam Đảo lại xảy ra một chuyện lạ. Chị Hoàng Tuyên (Văn phòng Hội Nhà văn) kể: Khi nhà phê bình văn học nọ đọc tham luận xong, có khá nhiều người xôn xao. Không ít người cho rằng bản tham luận có nhiều cái mới, đáng chú ý. Đơn giản vì nhiều người do không đọc nên không biết bản tham luận này được trích ra từ một cuốn sách ra đời cách đây mấy năm và đã nhận được giải thưởng của một hội chuyên ngành. Thực chất, việc đọc tham luận nọ tại diễn đàn này chỉ là một sự tái bản. Ngoài chị Hoàng Tuyên, một số nhà lý luận, phê bình văn học cũng đã nhận ra điều này.

Đây cũng là hậu quả của cái việc… không đọc của nhau

Ngọc Trản
.
.