Ký ức chiến tranh

Chủ Nhật, 22/07/2007, 17:22
Một thống kê đã từng được công bố rộng rãi cho biết, trong số 2,5 triệu lính Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam có tới 500.000 người mắc “hội chứng Việt Nam” (trong đó có 55.000 người chết do tự tử, nghiện ngập và tai nạn chiến tranh).

Chiến tranh đã kết thúc hơn 3 thập kỷ. Trên khắp dải dất hình chữ S, cây đã phủ xanh trên những hố bom. Bao công trình, nhà máy mọc lên xóa dần những dấu vết quá khứ đau thương,. Nhưng, dường như trong tiềm thức mỗi người Việt Nam, chiến tranh vẫn còn hiện diện.

Những ngày vừa qua, trên khắp các trang báo Việt Nam và cả ở nước ngoài đều đưa tin về việc các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam kiện một công ty hóa chất của Mỹ.

Hàng triệu người Việt Nam, và cả những cựu binh Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam đang phải chịu hậu quả nặng nề của loại chất độc mà nhà cầm quyền của họ đã rải xuống khắp các chiến trường trong chiến tranh Việt Nam.

Ngoài những thương tổn về thể xác, chiến tranh còn để lại những thương tổn tinh thần sâu sắc đối với những người lính hậu chiến. Điều này đã được thể hiện trong nhiều tác phẩm văn học về đề tài chiến tranh.

Và khi chính những người trực tiếp tham gia cuộc chiến từ hai phía cầm bút viết về tâm trạng của mình, bạn đọc sẽ có cơ hội  hiểu thêm về mảng đời sống tinh thần không đơn giản của những người lính hậu chiến. Vì thế mà hiểu sâu sắc hơn về bản chất của chiến tranh...

"Hội chứng Việt Nam" trong cựu binh Mỹ

Kết thúc đã hơn 30 năm nhưng cho đến nay, cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn tiếp tục là đề tài thời sự trong thị trường sách báo nước Mỹ.

Các đại biểu tham dự Trại sáng tác văn học năm 2006 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Cục chính trị Quân khu V tổ chức.

Ngoài hàng loạt hồi ký, hồi tưởng, tổng kết của các tướng lĩnh, chính khách vừa là tác giả, vừa là những người trực tiếp điều hành cuộc chiến, ngày càng xuất hiện nhiều hơn tác phẩm của những sĩ quan cấp thấp và binh lính trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh với nhiều vị trí khác nhau.

Điều đáng nói là, thời điểm nở rộ của loạt sách này chính là lúc quan hệ bình thường giữa hai nước đã được thiết lập. Nếu như ở Mỹ, nhiều cuốn sách giai đoạn trước chỉ đơn thuần là “sám hối”, thì với mối quan hệ mới, các tác phẩm mới đã tạo một “hy vọng hồi sinh” cho nhân vật.

Sau cuộc chiến, một bộ phận không nhỏ những binh sĩ Mỹ tham gia chiến đấu ở Việt Nam trở về trong bế tắc, day dứt, bất mãn, muốn đập phá, tự hủy hoại cuộc sống của mình vì không thể quay về đời sống bình thường.

Trở lại Việt Nam, gặp một đất nước bình yên, những người dân thân thiện, họ đã tìm được ý nghĩa cuộc sống khi thấy có những việc đáng làm, đáng vì nó mà sống. Đó là thái độ nhìn thẳng vào cuộc chiến đã qua, góp sức hàn gắn vết thương đã gây ra cho Việt Nam, tạo mối hòa hiếu giữa hai đất nước, hai dân tộc.

Sau sự kiện người cựu binh Mỹ F. Whitehurst gìn giữ cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm (nhờ thế mà cả nước dấy lên phong trào đọc sách về chiến tranh sôi nổi, và nơi người nữ bác sĩ anh hùng công tác và hy sinh giờ đã có một bệnh viện mang tên chị, chiến trường xưa giờ đã là một điểm du lịch), chúng ta lại có dịp tiếp cận và hiểu rõ hơn đời sống nội tâm không đơn giản của những người lính Mỹ tham chiến tại Việt Nam.

Hai cuốn sách vừa được dịch và xuất bản ở Việt Nam được bạn đọc chú ý là “Không thể chuộc lỗi” của Allen Hassan, một bác sĩ tình nguyện từng ở Bệnh viện Quảng Trị năm 1968 (NXB Trẻ) và “36 năm một sự tỉnh thức” của Carey J Spearman (NXB Đà Nẵng), cũng là một nhân viên y tế từng ở Bệnh xá 91 Tuy Hòa thời điểm 1967-1968 giúp chúng ta hiểu thêm về cuộc chiến, nhìn từ phía Mỹ.

Bằng những hình thức diễn đạt khác nhau, mỗi cuốn sách ghi lại hành trình nội tâm, nhân vật đi tìm kiếm sự minh bạch, xưng tội để có một “hóa đơn” (như cách nói của Carey J Spearman) thanh toán rạch ròi với quá khứ tội lỗi trong chiến tranh.

Thời gian ở chiến trường Việt Nam của từng người lính Mỹ không dài, thậm chí với một số người còn là rất ngắn ngủi. Nhưng hầu như họ đều phải trả giá bằng cả phần đời còn lại của mình.

Spearman kể về quãng đời sau chiến tranh nặng nề, bi thảm, cô đơn và bất lực của mình. Và điều này chỉ được giải thoát sau 36 năm, khi anh có dịp quay trở lại Việt Nam.

Chính đời sống thanh bình nơi đây, không ai nhắc lại chuyện đau thương cũ, con người của mảnh đất bom đạn khi xưa nay đang cố gắng xóa bỏ hận thù, hướng tới tương lai thực sự đã là “liều thuốc hồi sinh” cho người lính đã từng gây tội ác trong cuộc chiến.--PageBreak--

Còn bác sĩ A. Hassan, tác giả cuốn “Không thể chuộc lỗi” thì cho biết, những ám ảnh không ngừng về cuộc chiến đã thôi thúc ông cầm bút, sau khi đã đọc 200 cuốn sách về Việt Nam.

Mỗi tác giả, bằng cách của riêng mình, đã trung thực cung cấp cho bạn đọc nhiều sự thật về chiến tranh chưa từng được biết đến. Đó là “phạm vi rộng lớn của các hành động tàn ác, điên rồ diễn ra ở khắp nơi, trong một cuộc chiến vô nghĩa và nhục nhã”.

Vượt nửa vòng trái đất để đến Việt Nam, một xứ sở nhiệt đới để tham chiến, khi trở về, rất nhiều trong số binh lính Mỹ chợt nhận ra rằng phần, đời còn lại của họ đã hoàn toàn thay đổi. Họ sống trong mặc cảm tội lỗi: “Tôi đã biến nhà tôi thành một cỗ quan tài, hơn 30 năm chết dần chết mòn vì không thấy mình thuộc về quê hương” (Spearman).

Một thống kê đã từng được công bố rộng rãi cho biết, trong số 2,5 triệu lính Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam có tới 500.000 người mắc “hội chứng Việt Nam” (trong đó có 55.000 người chết do tự tử, nghiện ngập và tai nạn chiến tranh).

Chất độc da cam không chỉ gây hậu quả khủng khiếp, lâu dài cho con người và đất nước Việt Nam mà còn làm tan nát nhiều cuộc đời, nhiều gia đình cựu binh Mỹ.

Lời kêu gọi chung của các nhân vật qua những cuốn sách là, hãy dũng cảm trở lại Việt Nam, đối diện sự thật để tìm thấy lẽ sống mới trong sự khoan dung của dân tộc mà chính họ đã tới gieo rắc bao nhiêu đau thương, chết chóc.

Những cựu binh Mỹ, trong cuốn sách của mình đều chung một ý nghĩ, Việt Nam là một phần đời của họ, là quê hương, là nơi sinh, nơi có sức mạnh làm thay đổi tính cách, nếp sống và lẽ sống của họ. “Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được Việt Nam. Tôi chỉ hy vọng sao cho tôi đủ trưởng thành để ký ức về Việt Nam không tác động đến tôi quá nhiều” (Spearman).

Sau hơn 30 năm kết thúc cuộc chiến, lớp người trực tiếp tham gia từ hai phía còn tồn tại và đang cùng góp sức giải quyết hậu quả cuộc chiến một cách tốt đẹp nhất.

Vậy mà một số kẻ nhân danh trí thức đã tìm cách xuyên tạc cuộc chiến tranh chống thế lực xâm lược mạnh nhất thế giới của dân tộc ta thành một cuộc nội chiến.

Việc những người lính Mỹ, với nhu cầu tự thân, không một ai bắt buộc, muốn tự giải cứu lương tâm mình trước những tội ác họ đã gây ra trong quá khứ chiến tranh Việt Nam đã là một câu trả lời xác đáng, một sự thật không thể chối bỏ.

“Chúng tôi từ Việt Nam trở về trong tan nát, vỡ vụn, trong khao khát tìm kiếm sự nguyên vẹn. Chúng tôi đã đi theo nhiều nẻo đường. Một số người đã trở thành phế nhân, một số nghiện rượu, ma túy và thậm chí rơi vào bạo lực. Một số trải qua lần hôn nhân thứ nhì, thứ ba, thứ tư. Một số biến mất, ra đi tìm nơi núi non sống cô đơn. Thậm chí một số quyết từ giã cuộc sống” (Trích lời của Spearman trong cuốn “36 năm một sự tỉnh thức”).--PageBreak--

Ai cũng có ký ức trận mạc của riêng mình

(Phỏng vấn Đại tá, nhà văn Nguyễn Bảo, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội)

- Thưa Đại tá, nhà văn Nguyễn Bảo, 30 năm sau chiến tranh, thế giới vẫn nói nhiều về “Hội chứng Việt Nam” trong binh lính Mỹ. Là một nhà văn quân đội, từ góc nhìn của cá nhân ông, ông có thể lý giải về hiện tượng tâm lý này?

+ Tôi cho rằng, với những người đã tham gia vào cuộc chiến, kể cả phía bên này hay phía bên kia, thì dù hơn 30 năm đã trôi qua, chiến tranh vẫn chưa hề chấm dứt. Những ký ức chiến tranh vẫn ám ảnh mỗi số phận con người. Nhưng, nói như nhà văn Nga I. Bônđarep thì: “Có những người ký ức là sự trừng phạt, có những người ký ức là trách nhiệm”.

Với phần nhiều binh lính Mỹ, ký ức chiến tranh đã “trừng phạt” họ, khiến cho họ sống trong mặc cảm tội lỗi, day dứt, bi quan tưởng như không thể nào thoát ra được. Điều này chúng ta đã được đọc trong những cuốn sách của cựu binh Mỹ xuất bản tại Việt Nam thời gian vừa qua.

- Vậy còn đời sống tinh thần của người lính Việt Nam sau chiến tranh, ông đánh giá ra sao?

Nhà văn Nguyễn Bảo (ngoài cùng bên phải) cùng các nhà văn Vũ Thị Hồng, Lê Tất Cứ, Nguyễn Bá Thân tại Cục Chính trị Quân khu II (1972).

+ Tôi cũng từng là một người lính cầm súng chiến đấu và trở về từ chiến trường ác liệt. Nói về đời sống tinh thần của những người lính Việt Nam sau cuộc chiến cũng là nói về chính đời sống tinh thần của mình. Phải nói rằng, những người thanh niên trẻ khi tham gia vào chiến tranh họ đầy nhiệt huyết, hầu hết là có lý tưởng, ra đi chiến đấu giành độc lập cho Tổ Quốc và kỳ vọng vào một sự thay đổi sẽ mang lại hạnh phúc, ấm no cho quê hương, gia đình và chính bản thân mình.

Sau khi chiến tranh kết thúc, họ trở về trong sự hẫng hụt vì đời sống quá khó khăn. Gia đình, nhà cửa, vợ con, đất nước nghèo khó. Có những người vì khoảng trống hẫng hụt ấy mà sinh ra chán nản, thậm chí không vượt qua được. Nhưng phần lớn trong số họ vẫn tiếp tục tham gia vào đời sống sản xuất, xây dựng đất nước.

- Về những “khoảng trống” hụt hẫng trong tâm hồn người lính, hay nói khác đi là những vết thương tinh thần của họ, văn học Việt Nam đã phản ánh như thế nào, thưa ông?

+ Đã có rất nhiều tác phẩm văn học phản ánh đề tài này. Giai đoạn trong chiến tranh chúng ta có một số thành tựu, gồm các tác phẩm âm hưởng anh hùng ca là chủ đạo. Sau chiến tranh các nhà văn viết chân thực hơn. Thời gian càng lùi xa thì nhà văn càng có dịp nhìn lại kỹ hơn, sâu hơn về cuộc chiến. Và cách viết của họ cũng đa chiều hơn, toàn diện hơn. Những tổn thương, mất mát của người lính được phản ánh trên tinh thần trung thành tuyệt đối với lịch sử, “không bỏ sót một ai và không bỏ quên một điều gì”.

- Nhiều người cho rằng, với hiện thực lớn là cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc chống ngoại xâm, văn học Việt Nam vẫn chưa có được một gương mặt “tương xứng” với hiện thực ấy. Ông nghĩ sao về điều này?

+ Một cách khách quan phải thừa nhận rằng, văn học Việt Nam hiện nay chưa có tác phẩm tầm cỡ, tương xứng với cuộc chiến tranh, đúng như nhận định vừa nêu. Tất nhiên là có một số tác phẩm có dư luận, nhưng một tác phẩm mang tính toàn diện, quy mô thì chưa.

Về thành tựu thì thơ có vẻ nổi bật hơn văn xuôi. Một số tiểu thuyết ăn khách và được bạn đọc chú ý trong một thời gian, nhưng công bằng mà nói vẫn chỉ là thoảng qua, lướt qua, chưa thực sự đi đến cùng bản chất của cuộc chiến, chưa dựng lên được một bức tranh đời sống tinh thần của từng số phận nhân vật.

Mỗi tác phẩm mới chỉ được ghi nhận ở “một góc” nào đó thôi, giống như một người lính ngoài chiến trường, họ mới chỉ nhìn thấy trận địa của mình, một góc trận đánh mà mình tham gia thôi, chứ chưa phải là toàn bộ cuộc chiến đấu có quy mô lớn.

- Lớp nhà văn trực tiếp tham gia vào cuộc chiến ngày càng vơi đi, mà tác phẩm lớn về đề tài chiến tranh vẫn chưa có để đáp ứng lòng tin yêu và sự chờ đợi của độc giả. Vậy, theo ông các nhà văn trẻ sẽ tiếp tục quan tâm đến đề tài này như thế nào? Ông kỳ vọng gì ở họ?

+ Thời chúng tôi, mỗi nhà văn đều là một người lính. Ai cũng có ký ức trận mạc của riêng mình. Sau khi chiến tranh kết thúc, lực lượng nhà văn quân đội, như các bạn thấy, rất hùng hậu, có chuyên môn, có thực tế và có thành tựu. Thực tế là trong văn học Việt Nam không có nhiều người không tham gia chiến tranh viết về chiến tranh. Phần lớn các tác phẩm về đề tài này đều được viết bởi những nhà văn - chiến sĩ.

Nhưng tôi tin rằng chiến tranh sẽ còn là một đề tài được viết lâu dài. Nhiều tác phẩm văn học lớn về chiến tranh trên thế giới được viết bởi những nhà văn chưa từng cầm súng, nếm mùi bom đạn và có độ lùi thời gian sau cuộc chiến hàng nửa thế kỷ hoặc lâu hơn nữa. Các nhà văn trẻ sẽ đảm nhận trách nhiệm tiếp tục khai thác đề tài chiến tranh để có thể có được tác phẩm lớn trong tương lai.

Không trải qua cuộc chiến nhưng họ có lợi thế là có độ lùi về thời gian, được tiếp cận với nhiều nguồn tư liệu, gặp gỡ các tướng lĩnh, các nhân chứng lịch sử. Trong lăng kính tuổi trẻ, với những kiến thức, tư liệu, ký ức chiến tranh được tạo ra bằng sức tưởng tượng mang đậm dấu ấn cá nhân họ, tôi tin rằng chúng ta có quyền hy vọng các tác phẩm hay sẽ ra đời.

- Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Bảo.--PageBreak--

Nhà văn không nên làm thay công việc nhà viết sử

(Phỏng vấn nhà văn Sương Nguyệt Minh)

- Thưa anh, nói một cách chính xác thì chiến tranh không thể không gây ra những tổn thương tinh thần cho những người lính. Theo anh, đâu là khoảng cách trong tâm lý của những người lính khi trở về làm một người công dân bình thường trong xã hội?

+ Con người vốn dĩ không phải sinh ra để cầm súng, tham gia vào những cuộc chiến để chịu những hy sinh, mất mát. Vì thế những người lính trở về sau chiến tranh thường phải chịu những chấn thương nặng nề trong tâm lý, đấy là chưa kể những thương tật, bệnh tật, đau ốm của thể xác. Nhiều người mắc chứng mộng du, bị ám ảnh bởi ký ức súng đạn đè nặng. Trở về với cuộc đời họ thường “lơ ngơ”, khó hòa nhập.

Chúng ta đã đọc nhiều tác phẩm văn học, báo chí, nhiều tư liệu đề cập đến những thương tổn tinh thần của người lính hậu chiến. Tôi nghĩ rằng, đó là một trong những vấn đề quan trọng nhất mà xã hội và văn học cần phải quan tâm đến, khi nhắc về hình tượng người lính trong cuộc chiến tranh mà dân tộc ta đã trải qua.

- Ngoài những tổn thương tâm lý, là những thiệt thòi được xem như  hậu quả tất yếu mà chiến tranh để lại đối với những người lính đã cầm súng ra chiến trường, như chất độc da cam, tuổi tác quá lứa lỡ thì (đối với những người lính thanh niên xung phong là nữ), thương tật, tai nạn... Trong các tác phẩm văn học viết về chiến tranh, phần lớn mới chỉ đề cập đến những trận đánh ngoài chiến trường, chứ chưa đề cập quyết liệt đến những mất mát thầm lặng phía sau cuộc chiến. Là nhà văn quân đội, anh nghĩ sao về nhận định này?

Nhà văn Sương Nguyệt Minh.

+ Hàng triệu người bị chết và bị thương trong chiến tranh, hàng vạn phụ nữ bị ế chồng, quá lứa lỡ thì. ở đây tôi nghĩ chúng ta không chỉ đề cập đến những người nữ thanh niên xung phong quá lứa lỡ thì mà cả những người phụ nữ ở hậu phương, chính là những người yêu, người vợ của người lính ngoài mặt trận. Chiến tranh, đàn ông đi hết ra mặt trận, những ngôi làng chỉ còn lại phụ nữ và người già.

Những người lính ra đi cống hiến tuổi xuân cho đất nước nơi bom đạn ác liệt còn những người phụ nữ hậu phương đã hy sinh cả tuổi xuân của mình để chờ đợi. Nỗi đợi chờ ấy có khi là suốt đời, là mãi mãi. Hòa bình lập lại, những người lính trở về sống trong cảnh đất nước khó khăn về kinh tế, cộng với những tổn thương tinh thần, thể xác, họ gặp phải nhiều bi kịch đời sống hơn ai hết.

Đã có nhiều tác phẩm văn học đề cập đến mảng đề tài này, nhưng tôi đồng ý với nhận định rằng, chưa có tác phẩm nào viết một cách thấu đáo, quyết liệt, gây “chấn động” cảm xúc của người đọc. Vì một rào cản nào đó trong chính tâm lý của người cầm bút mà đôi khi họ đã không đi đến tận cùng những giằng co tâm lý của nhân vật trong những câu chuyện hậu chiến.

Tôi cho rằng văn học chiến tranh của chúng ta vẫn nặng về kể và tả chứ chưa đi vào thân phận con người, chưa đạt tới chiều sâu của tư tưởng.

- Theo anh đâu là nguyên nhân của thực tế này, nhìn từ phía các nhà văn?

+ Tôi cho rằng, câu trả lời nằm ở hai chữ Tài năng của nhà văn. Nhiều nhà văn bị luẩn quẩn trong hiện thực chiến tranh mà họ có trong ký ức, họ không thoát ra khỏi hiện thực khi sáng tạo tác phẩm.

Theo tôi, nhà văn phải viết về chiến tranh bằng con mắt khác, con mắt của cả người trong cuộc lẫn người ngoài cuộc. Nhà văn không nên làm thay công việc của nhà viết sử. Từ sự thật trần trụi, khốc liệt ban đầu nhà văn phải tái tạo ra hiện thực thứ  hai, xây dựng một không gian khác trong trường liên tưởng của chính mình. Tâm thế thời đại đang cần những sáng tạo nghệ thuật sát thực với chiến tranh hơn.

- Là người cầm bút không trực tiếp cầm súng chiến đấu ngoài chiến trường như  nhiều nhà văn lớp trước, anh sẽ viết về chiến tranh như thế nào?

+ Sáng tạo một tác phẩm văn học cần nhất là sự say mê, tâm huyết của nhà văn. Tôi có tuổi thơ sống trong không khí của chiến tranh nhưng lớn lên thì đất nước đã hòa bình. Tôi không có hiện thực chiến tranh theo cái cách là trực tiếp tham gia vào nó.

Nhưng tôi nghĩ, nhà văn hoàn toàn có thể đi tìm hiện thực nếu anh ta muốn, mà không nhất thiết phải từng sống qua nó. Có nhiều cách để tôi và các nhà văn đồng lứa với mình hiểu về cuộc chiến, và viết theo trí tưởng tượng và cảm nhận của chính mình.

- Xin cảm ơn anh

Hội Quân - Thy Đoan (thực hiện)
.
.