Kiện tụng trong giới văn nghệ: Sự thiếu tôn trọng đồng nghiệp cũng gây nhiều hệ lụy

Thứ Ba, 02/06/2009, 10:15
Theo quan sát của tôi, có hai nguyên nhân dẫn đến kiện tụng trong giới văn nghệ, đó là sự thiếu hiểu biết pháp luật và ít tôn trọng đồng nghiệp. Văn nghệ sĩ vốn thường phiêu lãng nên chẳng mấy chú ý đến những điều khoản hay qui định nào một cách cụ thể.

Hơn nữa, lúc cao hứng thì bắt tay thực hiện một dự án hay một công việc gì đó, mà không kịp rạch ròi về quyền lợi và trách nhiệm của mình, cũng như của đối phương. Đến khi nảy sinh rắc rối, thì không ít văn nghệ sĩ lại tự ái và cố chấp khiến mọi chuyện càng trở nên khó thương thảo và thỏa hiệp.

Do vậy, những người ngoài cuộc tỉnh táo rất dễ dàng nhận ra phần lớn tranh chấp văn nghệ mà một phiên tòa phải mở ra, đều xuất phát từ vướng mắc khá ngây ngô! Qua những lần trò chuyện thân mật, hai nhân vật nổi tiếng từng lý giải thiệt hơn cho bản thân trước thẩm phán là nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn và nhạc sĩ Trần Tiến đều khẳng định với tôi rằng: "Chẳng đặng đừng thôi, chứ mỗi lần nghĩ lại cứ tức cười thế nào ấy!".

Không những văn nghệ sĩ chỉ sáng tối lo sáng tạo, mà ngay cả văn nghệ sĩ nhón chân qua lĩnh vực kinh doanh cũng hơi mơ hồ về luật pháp. Mới đây, học giả Hoàng Xuân Việt ủy quyền cho một văn phòng luật sư thu thập chứng cứ để khởi kiện những đơn vị làm sách vi phạm bản quyền của ông. Do vị luật sư được ủy quyền có mối quan hệ quen biết, nên tôi được liếc mắt qua danh sách các đơn vị vi phạm, và tá hỏa phát hiện có cả công ty sách của một bạn văn.

Tôi gọi điện hỏi, anh bạn ngơ ngác: "Tớ tưởng ông Hoàng Xuân Việt qua đời lâu rồi chớ!". Quá ngạc nhiên, tôi kêu lên: "Ôi trời ơi, học giả Hoàng Xuân Việt vẫn còn sống khỏe mạnh và minh mẫn ở ngay TP Hồ Chí Minh. Mà nếu cụ không may khuất núi, thì con cháu vẫn có quyền thừa kế chứ!".

Bên cạnh sự lơ mơ về luật pháp, ý thức kém tôn trọng đồng nghiệp cũng gây nhiều hệ lụy. Có người vẫn thừa hiểu mình sai mười mươi đấy, nhưng sợ… mất thể diện, không chịu lên tiếng xin lỗi và khắc phục hậu quả, buộc lòng người thiệt thòi phải cậy nhờ đến tòa án.

Tuy nhiên ở đây cần phê phán một quan niệm lệch lạc là có người đã gây ảnh hưởng xấu cho đồng nghiệp mà vẫn khăng khăng rằng, nếu bị tòa xử thua kiện chỉ mất một ít tiền bồi thường nhưng được… dư luận quan tâm. Tôi nghĩ, thái độ muốn dùng sự liêm chính (và đôi khi nương nhẹ) của pháp luật để PR bản thân phải bị loại bỏ khỏi môi trường văn hóa càng sớm càng tốt!

Người xưa dạy "vô phúc đáo tụng đình". Chẳng hay ho gì việc lôi nhau ra tòa. Làm sao dám dự đoán, sau phán quyết cuối cùng, không có tổn thương, không có đổ vỡ tình cảm đồng nghiệp? Để tránh những phiên tòa kiện tụng tạo sự ngao ngán và thất vọng cho công chúng, có lẽ văn nghệ sĩ nên lấy trang giấy trắng trước mặt mình làm vị chánh án nghiêm khắc nhất. Trang giấy màu trắng, còn tấm lòng chúng ta màu gì?

Thành Duy (ghi)
.
.