Kiện tụng trong giới văn nghệ: Nếu biết đặt chữ "tình" lên trước...

Thứ Ba, 02/06/2009, 09:45
"Với điện ảnh, người nghệ sĩ phải hướng tới cái đích cuối cùng là khán giả, người xem. Tên tuổi và tiền nong cần được xếp sau. Tôi nghĩ là, nếu biết đặt chữ "tình" lên trước thì các nghệ sĩ sẽ tránh được những rắc rối đáng tiếc ấy...", đạo diễn Long Vân trải lòng.

- Thưa đạo diễn Long Vân, phiên tòa xử sơ thẩm vụ án tranh chấp bản quyền kịch bản phim "Biệt động Sài Gòn" vừa được mở sáng 11/5 tại Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội sau 2 lần hoãn. Với tư cách là đạo diễn của phim, khi chứng kiến vụ việc này, cảm giác của ông thế nào?

+ Khi biết tin phiên tòa được mở tôi rất buồn. Tôi tưởng rằng, sự việc rắc rối này đã dừng lại cách đây đã lâu. Năm 2007 tôi đã làm công tác tư tưởng với ông Thanh và ông Phương, thấy ông Thanh xuôi xuôi rồi, tưởng mọi việc đã êm, ai ngờ... Phim "Biệt động Sài Gòn" ra đời đã được gần 25 năm, được khán giả cả nước đón nhận và yêu mến. Dịp 30 - 4 vừa rồi, nhiều đài truyền hình phát lại, khán giả vẫn háo hức xem, thế mà lại xảy ra vụ này, tôi thực sự thấy rất đáng tiếc... Rồi khán giả sẽ nghĩ thế nào đây về mấy ông nghệ sĩ già?

Tôi phải nói rằng, phim "Biệt động Sài Gòn" là công lao của nhiều người. Nếu không có công lao của họ thì lấy đâu ra bộ phim để các ông lôi nhau ra tòa? Ông Thanh đã gần 80 tuổi, ông Phương bị bệnh tim, tôi thì cũng già cả, chân đi tập tễnh thế này... Tôi nghĩ rằng hai ông nên lấy sự đóng góp của mình vào thành công của bộ phim làm niềm vui tuổi già. Thời gian để yêu quý nhau còn chả đủ, mang nhau ra tòa làm chi cho mệt?

- Là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực điện ảnh, theo ông, từ trước đến nay, những vụ rắc rối kiểu này có thường xuyên xảy ra không?

+ Những năm trước thì hầu như không có nhưng thời gian gần đây thì những vụ việc này có chiều hướng gia tăng. Tôi cho rằng đó là do mặt trái của cơ chế thị trường. Ngày xưa chúng tôi làm phim vất vả mà tiền ít, được làm phim đã là hạnh phúc rồi, chả nghĩ đến cái gì khác...

- Tác phẩm điện ảnh bao giờ cũng là sản phẩm của một tập thể, vậy đó có phải là một trong những nguyên nhân để phát sinh những mâu thuẫn?

+ Đúng như vậy! Một bộ phim là sự đóng góp mồ hôi công sức của rất nhiều người nên nếu quyền lợi không thỏa đáng rất dễ tạo nên tranh chấp. Nhất là với nghệ sĩ, cái tôi của họ rất cao. Nhiều khi mâu thuẫn nảy sinh không phải vì tiền mà vì những điều nhỏ nhặt khác. Khi làm đạo diễn, tôi thường hết sức cẩn trọng. Ngay như phim "Giải phóng Sài Gòn" tôi làm gần đây, có tới 5 người cùng đứng tên trong kịch bản. Tôi phải cân nhắc rất kỹ trong việc đề tên ai trên, ai dưới để ai cũng vui vẻ, hòa thuận. Có thể nhiều người, tiền không quan trọng nhưng họ lại quan trọng chuyện tên tuổi, trên dưới thế nào.

- Vậy theo ông, làm thế nào để hạn chế những rắc rối cũng như tình trạng các nghệ sĩ phải đưa nhau ra tòa?

+ Tôi cho rằng, các nghệ sĩ phải tôn trọng một nguyên tắc là sòng phẳng và rõ ràng ngay từ đầu. Bây giờ, chúng ta đã có luật bản quyền nên việc thực hiện điều này không khó. Anh đóng góp đến đâu, sẽ được hưởng đến đó. Và khi đã bắt tay vào làm việc thì phải tin bạn và tin mình nữa. Với điện ảnh, người nghệ sĩ phải hướng tới cái đích cuối cùng là khán giả, người xem. Tên tuổi và tiền nong cần được xếp sau. Vì một lý do nào đó mà sự việc xảy ra thì các bên cần ngồi lại với nhau giải quyết, nên suy nghĩa kỹ rằng, tiền bạc, tên tuổi, nhân cách người nghệ sĩ, cái gì quan trọng hơn? Tôi nghĩ là, nếu biết đặt chữ "tình" lên trước thì các nghệ sĩ sẽ tránh được những rắc rối đáng tiếc ấy.

- Xin cảm ơn đạo diễn Long Vân

Khánh Thảo (thực hiện)
.
.