Kiện tung trong giới văn nghệ: Khi văn nghệ sĩ đưa nhau ra tòa

Thứ Ba, 02/06/2009, 09:30
Những mâu thuẫn, chanh chấp không giải quyết được thì phải cần đến sự phân giải của tòa án - đó là chuyện thường tình trong xã hội, chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng riêng những vụ kiện tụng trong giới văn nghệ sĩ những năm gần đây lại có điều đáng để bàn.

Thời điểm này dư luận đang chú ý đến hai vụ kiện tụng có thể nói là rất đặc biệt, vụ "người đàn bà viết văn đưới chân đèo Ngang" Đậu Nữ Vệ đâm đơn ra tòa kiện những người làm phim ở Hãng phim Truyền hình Việt Nam vì cho rằng mình đã bị ăn bớt tiền tác quyền kịch bản phim "Miền quê thức tỉnh", và một vụ tương tự là ông Nguyễn Thanh, nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân kiện ông Lê Phương, nguyên biên kịch Hãng phim truyện Việt Nam xung quanh chuyện tác quyền kịch bản bộ phim nổi tiếng "Biệt động Sài Gòn", trong đó số tiền đòi bổi thường của nguyên đơn đưa ra đạt tới con số kỷ lục: hơn 74 tỉ đồng.

Đưa nhau đến tòa án, đúng là một việc "cực chẳng đã" của bất kỳ một công dân nào. Nhưng gần đây, giới nghệ sĩ của ta có xu hướng "thích" được ra hầu tòa, cho dù có những việc hoàn toàn có thể thương lượng với nhau. Việc này có nhiều lý do.

Trước tiên văn nghệ sĩ hiểu rằng họ đang hoạt động trong một môi trường rất dễ dàng được báo chí, công luận chú ý. Những vụ việc tranh chấp ra tòa trước tiên là để đòi quyền lợi hợp pháp cho bản thân, nhưng hình như ở nhiều vụ việc lại mang ý nghĩa tạo sự chú ý, đánh bóng tên tuổi, hơn là chuyện được đền bù như thế nào. Giới cầm bút sáng tác thì hay gặp rắc rối chuyện tác quyền. Giới nghệ sĩ biểu diễn lại thường "vướng" những vụ như xâm phạm đời tư, xúc phạm danh dự cá nhân...Trong một vài trường hợp, các ngôi sao nghệ thuật biểu diễn lại tận dụng việc kiện tụng như là phương tiện để "nổi đình nổi đám" nhanh hơn, gây tò mò cho khán giả hơn, đắt sô hơn...

Bên cạnh những nghệ sĩ rất "hăng hái" đi kiện, cho dù chanh chấp rất nhỏ, có thể hòa giải được, lại có những văn nghệ sĩ bị xâm phạm quyền lợi mười mươi vẫn "dĩ hòa vi quý",  không muốn làm to chuyện.

Luật sư Cù Huy Hà Vũ lý giải: "Có thể là do tính cách của họ ngại va chạm, cũng có thể họ sợ ra tòa vì nhiêu khê, tốn kém. Nhưng có một nguyên do khác quan trọng hơn, là không ít văn nghệ sĩ do không hiểu nên chưa tin vào hiệu quả của pháp luật, cho rằng trước sau "phép vua thua lệ làng". Trong khi đó ở các nước văn minh, kiện ra tòa để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình là chuyện quá bình thường, như cơm bữa, và trên con đường đi tìm công lý thì luật sư chính là "khối óc, đôi chân" của mình. Văn nghệ sĩ ở ta cũng chưa thực sự hiểu rằng quyền khiếu nại, khởi kiện là một trong những quyền cơ bản nhất của công dân".

Xét trên hai mặt của vấn đề, việc có những hiểu biết cơ bản về luật pháp để bảo vệ mình nếu bị xâm hại là rất cần thiết đối với người làm nghệ thuật. Điều quan trọng là những hiểu biết ấy phải đủ thấu đáo, phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản về lý, về tình, để tránh những câu chuyện dở cười dở mếu. Thực tế quanh những vụ việc chanh chấp không đáng để ầm ĩ, đã có một số văn nghệ sĩ ít nhiều làm xấu đi hình ảnh của mình, thậm chí là của giới mình trong mắt công chúng. Không ít ví dụ cho thấy, nghệ sĩ là những người tạo ra cái đẹp nhưng lại cư xử với nhau chưa được... đẹp, lắm khi chỉ vì một chút quyền lợi cỏn con.

- Thưa luật sư Cù Huy Hà Vũ, theo quan sát của ông, việc khiếu kiện trong giới văn nghệ sĩ thường tập trung vào những vấn đề gì?

+ Chúng ta đều thấy rằng, những năm gần đây, văn nghệ sĩ khiếu nại, khởi kiện ra tòa án diễn ra khá nhiều. Hành vi bị khiếu kiện chủ yếu là xâm phạm quyền tác giả, xâm phạm danh dự cá nhân, đời tư.... "Bị đơn" về hành vi xâm phạm tác quyền không chỉ là các nhà xuất bản mà còn cả văn nghệ sĩ. Còn hành vi xúc phạm danh dự cá nhân thì trong xã hội nào, đời nào và tầng lớp nào cũng có. Sở dĩ những vụ xúc phạm nhau trong giới văn nghệ sĩ dễ trở thành các "scandale" (bê bối) hay "xì-căng-đan", gây sự chú ý của dư luận là vì đương sự là những người được công chúng biết đến.

- Trên thực tế có rất nhiều sự việc "bé xé ra to" do người trong cuộc muốn thế hoặc chủ động gây xì-căng-đan để đánh bóng tên tuổi của mình. Theo luật sư, vấn đề này có phổ biến trong đời sống văn nghệ không?

+ Nếu nghệ sĩ đánh bóng tên tuổi mình bằng các tác phẩm mới, bằng diễn xuất mới thì đáng làm lắm chứ, và đó là thượng sách! Còn PR, đánh bóng hình ảnh của mình bằng các xì-căng-đan là hạ sách. Đáng tiếc là "hạ sách" này đang trở thành "mốt", nhất là trong giới nghệ sĩ biểu diễn và để triển khai ý đồ này, pháp luật, cụ thể là việc khởi kiện ra tòa án, đã được một số người sử dụng như một phương tiện hữu hiệu.

- Là người đã tham gia bảo vệ quyền lợi cho nhiều thân chủ trong nhiều vụ kiện liên quan đến giới văn nghệ, ông có thể cho biết hiểu biết pháp luật của cả bên nguyên lẫn bên bị đang ở mức độ nào?

+ Các nhà xuất bản nắm rất vững pháp luật về quyền tác giả, đơn giản là vì  thanh toán nhuận bút là dựa trên cơ sở này. Do đó việc họ không trả nhuận bút, thù lao quyền tác giả chỉ có thể là hành vi cố tình vi phạm pháp luật. Về phía các văn nghệ sĩ, có thể nói không ít người còn mù mờ về pháp luật. Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì có những văn nghệ sĩ chân chính hầu như chỉ tập trung toàn bộ chất xám và thời gian vào sáng tác, có thể nói họ gần như tách rời các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội, trong đó có luật pháp. Một lý do rất quan trọng nữa là thu nhập của tuyệt đại đa số văn nghệ sĩ rất khiêm tốn, nên "đáo tụng đình" đồng nghĩa với chi phí các kiểu rất tốn kém. Chính vì vậy khi bị xâm phạm về quyền lợi, danh dự… văn nghệ sĩ thường rất ngần ngại khi tính chuyện nhờ pháp luật can thiệp.

- Nhìn lại một số vụ văn nghệ sĩ dẫn nhau ra tòa, mặc dù đã có phán quyết cuối cùng, cứ cho là công bằng đi, nhưng việc thi hành án để bảo đảm quyền lợi cho bên thắng kiện, cụ thể là buộc bên thua kiện bồi thường bằng vật chất mà thường là bằng tiền, không phải lúc nào cũng được thực hiện đến nơi đến chốn. Ông nghĩ sao khi nhiều người đã đúc kết rằng văn nghệ sĩ một khi đưa nhau đến pháp đình thì cả bên nguyên lẫn bên bị không ai là không bị thiệt hại?

+ Tôi hoàn toàn ủng hộ việc các nghệ sĩ cậy đến tòa án để giải quyết tranh chấp nếu như giữa họ với nhau không thể thương lượng được. Vấn đề còn lại là phán quyết của tòa có công bằng hay cứ "nén bạc đâm toạc tờ giấy". Nhưng ngay cả trong trường hợp phán quyết của tòa đúng pháp luật thì việc thi hành án trong những vụ kiện tụng như vậy cũng không dễ dàng chút nào. Nguyên nhân thì nhiều, bên cạnh việc người có trách nhiệm thi hành án "cửa quyền", để người được thi hành án lo lót thế nào đấy, còn có việc người thi hành án quan niệm xâm phạm tác quyền hay xâm phạm danh dự không nghiêm trọng như xâm phạm tài sản, vật chất thông thường. Ngay cả báo chí dù rất quan tâm đến văn nghệ sĩ cũng thường dừng lại ở việc ai kiện ai, ai thắng ai thua, chứ ít khi quan tâm đến kết cục cuối cùng là người thắng có đòi được bồi thường hay không. Việc thi hành án theo đúng pháp luật là nhằm cụ thể hóa quyền lợi cho bên thắng kiện, nhưng phải nói rằng không hiếm khi "đòi được vạ thì má đã sưng", có nghĩa là lấy được tiền bồi thường thì số tiền chi ra để lấy được nó còn lớn hơn. Bởi vậy, một khi văn nghệ sĩ đưa nhau ra tòa, cho dù không thể nói họ không nghĩ đến thắng thua vật chất, nhưng dường như lấy lại danh dự của bản thân vẫn là mục đích chính..."Con gà tức nhau tiếng gáy" mà!

- Thông thường về mặt vật chất, việc đòi bồi thường thiệt hại trong những vụ án liên quan đến giới văn nghệ sĩ là không lớn lắm. Nhưng cũng có những vụ mà số tiền đòi bồi thường được đưa ra rất "trên trời", ví dụ như trong vụ tác quyền phim "Biệt động Sài Gòn" xảy ra gần đây, nguyên đơn đòi một khoản bồi thường thiệt hại tới 74 tỉ đồng. Có vẻ như văn nghệ sĩ ngay cả khi đi kiện cũng rất... khác người?

+ Đòi bồi thường bao nhiêu là quyền của người bị thiệt hại, nhưng được bồi thường bao nhiêu là do tòa án quyết định dựa trên các quy định pháp luật có liên quan. Trong vụ chanh chấp bản quyền phim "Biệt động Sài Gòn" ầm ĩ trên báo chí gần đây, theo tôi khi đòi bồi thường một số tiền "khủng" đến như vậy, dường như bên nguyên nhắm tới thỏa mãn sự bực bội, phẫn uất của mình chứ không ảo tưởng đến mức yêu cầu của họ sẽ được tòa đáp ứng và cũng là cách để gây sự chú của công luận nhằm tạo áp lực với tòa án để có phán quyết công bằng....

- Theo ông, những vụ việc ở mức độ như thế nào thì đôi bên nên tự giải quyết với nhau và những vụ việc như thế nào thì cần phải đưa nhau đến tòa án? Và trước khi ra tòa, các văn nghệ sĩ cần được trang bị về pháp luật luật như thế nào?

+ Văn nghệ sĩ cũng là công dân như mọi công dân khác trong xã hội. Khi bị xâm phạm về quyền lợi, họ cần đến pháp luật, tòa án để được bảo vệ là chuyện hết sức bình thường. Có điều văn nghệ sĩ xưa nay vẫn được coi là tinh hoa của xã hội, cho nên cần phải biết kiềm chế, bình tĩnh, kiên trì để bên xâm phạm quyền lợi của mình nhận thức được hành vi sai trái của họ để từ đó có cách giải quyết thiệt hại của mình một cách hợp lý nhất. Tất nhiên mọi thứ đều có ngưỡng của nó. Khi nào mọi nỗ lực nhằm dàn xếp nội bộ không có kết quả thì cậy đến pháp luật. Khởi kiện ra tòa là con đường duy nhất đúng nếu không muốn tranh chấp vượt khỏi mọi sự kiểm soát với những hậu quả khôn lường. Tất nhiên một khi tranh chấp đã được đưa ra tòa để giải quyết thì cả nguyên đơn lẫn bị đơn không thể không tìm hiểu một cách tương đối các quy định pháp luật có liên quan và trong trường hợp này, theo tôi, cách tốt nhất là tìm đến các luật gia, luật sư để được tư vấn, hộ trợ pháp luật chính xác và kịp thời.

- Xin cảm ơn Tiến sĩ, luật sư Cù Huy Hà Vũ

Hội Quân
.
.