Kiện tụng trong giới văn nghệ: Đa phần là vì danh dự

Thứ Ba, 02/06/2009, 10:00
- Thưa luật sư Cù Huy Hà Vũ, theo quan sát của ông, việc khiếu kiện trong giới văn nghệ sĩ thường tập trung vào những vấn đề gì?

+ Chúng ta đều thấy rằng, những năm gần đây, văn nghệ sĩ khiếu nại, khởi kiện ra tòa án diễn ra khá nhiều. Hành vi bị khiếu kiện chủ yếu là xâm phạm quyền tác giả, xâm phạm danh dự cá nhân, đời tư.... "Bị đơn" về hành vi xâm phạm tác quyền không chỉ là các nhà xuất bản mà còn cả văn nghệ sĩ. Còn hành vi xúc phạm danh dự cá nhân thì trong xã hội nào, đời nào và tầng lớp nào cũng có. Sở dĩ những vụ xúc phạm nhau trong giới văn nghệ sĩ dễ trở thành các "scandale" (bê bối) hay "xì-căng-đan", gây sự chú ý của dư luận là vì đương sự là những người được công chúng biết đến.

- Trên thực tế có rất nhiều sự việc "bé xé ra to" do người trong cuộc muốn thế hoặc chủ động gây xì-căng-đan để đánh bóng tên tuổi của mình. Theo luật sư, vấn đề này có phổ biến trong đời sống văn nghệ không?

+ Nếu nghệ sĩ đánh bóng tên tuổi mình bằng các tác phẩm mới, bằng diễn xuất mới thì đáng làm lắm chứ, và đó là thượng sách! Còn PR, đánh bóng hình ảnh của mình bằng các xì-căng-đan là hạ sách. Đáng tiếc là "hạ sách" này đang trở thành "mốt", nhất là trong giới nghệ sĩ biểu diễn và để triển khai ý đồ này, pháp luật, cụ thể là việc khởi kiện ra tòa án, đã được một số người sử dụng như một phương tiện hữu hiệu.

- Là người đã tham gia bảo vệ quyền lợi cho nhiều thân chủ trong nhiều vụ kiện liên quan đến giới văn nghệ, ông có thể cho biết hiểu biết pháp luật của cả bên nguyên lẫn bên bị đang ở mức độ nào?

+ Các nhà xuất bản nắm rất vững pháp luật về quyền tác giả, đơn giản là vì  thanh toán nhuận bút là dựa trên cơ sở này. Do đó việc họ không trả nhuận bút, thù lao quyền tác giả chỉ có thể là hành vi cố tình vi phạm pháp luật. Về phía các văn nghệ sĩ, có thể nói không ít người còn mù mờ về pháp luật. Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì có những văn nghệ sĩ chân chính hầu như chỉ tập trung toàn bộ chất xám và thời gian vào sáng tác, có thể nói họ gần như tách rời các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội, trong đó có luật pháp. Một lý do rất quan trọng nữa là thu nhập của tuyệt đại đa số văn nghệ sĩ rất khiêm tốn, nên "đáo tụng đình" đồng nghĩa với chi phí các kiểu rất tốn kém. Chính vì vậy khi bị xâm phạm về quyền lợi, danh dự… văn nghệ sĩ thường rất ngần ngại khi tính chuyện nhờ pháp luật can thiệp.

- Nhìn lại một số vụ văn nghệ sĩ dẫn nhau ra tòa, mặc dù đã có phán quyết cuối cùng, cứ cho là công bằng đi, nhưng việc thi hành án để bảo đảm quyền lợi cho bên thắng kiện, cụ thể là buộc bên thua kiện bồi thường bằng vật chất mà thường là bằng tiền, không phải lúc nào cũng được thực hiện đến nơi đến chốn. Ông nghĩ sao khi nhiều người đã đúc kết rằng văn nghệ sĩ một khi đưa nhau đến pháp đình thì cả bên nguyên lẫn bên bị không ai là không bị thiệt hại?

+ Tôi hoàn toàn ủng hộ việc các nghệ sĩ cậy đến tòa án để giải quyết tranh chấp nếu như giữa họ với nhau không thể thương lượng được. Vấn đề còn lại là phán quyết của tòa có công bằng hay cứ "nén bạc đâm toạc tờ giấy". Nhưng ngay cả trong trường hợp phán quyết của tòa đúng pháp luật thì việc thi hành án trong những vụ kiện tụng như vậy cũng không dễ dàng chút nào. Nguyên nhân thì nhiều, bên cạnh việc người có trách nhiệm thi hành án "cửa quyền", để người được thi hành án lo lót thế nào đấy, còn có việc người thi hành án quan niệm xâm phạm tác quyền hay xâm phạm danh dự không nghiêm trọng như xâm phạm tài sản, vật chất thông thường. Ngay cả báo chí dù rất quan tâm đến văn nghệ sĩ cũng thường dừng lại ở việc ai kiện ai, ai thắng ai thua, chứ ít khi quan tâm đến kết cục cuối cùng là người thắng có đòi được bồi thường hay không. Việc thi hành án theo đúng pháp luật là nhằm cụ thể hóa quyền lợi cho bên thắng kiện, nhưng phải nói rằng không hiếm khi "đòi được vạ thì má đã sưng", có nghĩa là lấy được tiền bồi thường thì số tiền chi ra để lấy được nó còn lớn hơn. Bởi vậy, một khi văn nghệ sĩ đưa nhau ra tòa, cho dù không thể nói họ không nghĩ đến thắng thua vật chất, nhưng dường như lấy lại danh dự của bản thân vẫn là mục đích chính..."Con gà tức nhau tiếng gáy" mà!

- Thông thường về mặt vật chất, việc đòi bồi thường thiệt hại trong những vụ án liên quan đến giới văn nghệ sĩ là không lớn lắm. Nhưng cũng có những vụ mà số tiền đòi bồi thường được đưa ra rất "trên trời", ví dụ như trong vụ tác quyền phim "Biệt động Sài Gòn" xảy ra gần đây, nguyên đơn đòi một khoản bồi thường thiệt hại tới 74 tỉ đồng. Có vẻ như văn nghệ sĩ ngay cả khi đi kiện cũng rất... khác người?

+ Đòi bồi thường bao nhiêu là quyền của người bị thiệt hại, nhưng được bồi thường bao nhiêu là do tòa án quyết định dựa trên các quy định pháp luật có liên quan. Trong vụ chanh chấp bản quyền phim "Biệt động Sài Gòn" ầm ĩ trên báo chí gần đây, theo tôi khi đòi bồi thường một số tiền "khủng" đến như vậy, dường như bên nguyên nhắm tới thỏa mãn sự bực bội, phẫn uất của mình chứ không ảo tưởng đến mức yêu cầu của họ sẽ được tòa đáp ứng và cũng là cách để gây sự chú của công luận nhằm tạo áp lực với tòa án để có phán quyết công bằng....

- Theo ông, những vụ việc ở mức độ như thế nào thì đôi bên nên tự giải quyết với nhau và những vụ việc như thế nào thì cần phải đưa nhau đến tòa án? Và trước khi ra tòa, các văn nghệ sĩ cần được trang bị về pháp luật luật như thế nào?

+ Văn nghệ sĩ cũng là công dân như mọi công dân khác trong xã hội. Khi bị xâm phạm về quyền lợi, họ cần đến pháp luật, tòa án để được bảo vệ là chuyện hết sức bình thường. Có điều văn nghệ sĩ xưa nay vẫn được coi là tinh hoa của xã hội, cho nên cần phải biết kiềm chế, bình tĩnh, kiên trì để bên xâm phạm quyền lợi của mình nhận thức được hành vi sai trái của họ để từ đó có cách giải quyết thiệt hại của mình một cách hợp lý nhất. Tất nhiên mọi thứ đều có ngưỡng của nó. Khi nào mọi nỗ lực nhằm dàn xếp nội bộ không có kết quả thì cậy đến pháp luật. Khởi kiện ra tòa là con đường duy nhất đúng nếu không muốn tranh chấp vượt khỏi mọi sự kiểm soát với những hậu quả khôn lường. Tất nhiên một khi tranh chấp đã được đưa ra tòa để giải quyết thì cả nguyên đơn lẫn bị đơn không thể không tìm hiểu một cách tương đối các quy định pháp luật có liên quan và trong trường hợp này, theo tôi, cách tốt nhất là tìm đến các luật gia, luật sư để được tư vấn, hộ trợ pháp luật chính xác và kịp thời.

- Xin cảm ơn Tiến sĩ, luật sư Cù Huy Hà Vũ

Vũ Quỳnh (thực hiện)
.
.