Đề án "Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với nghệ sĩ, diễn viên":

Không thể muộn hơn!

Thứ Tư, 06/08/2014, 08:00
Theo thông tin từ ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn, trưởng ban soạn thảo đề án cung cấp cho báo chí thì "Đề án tập trung vào bốn vấn đề mang tính cấp bách: Chế độ lương của nghệ sĩ diễn viên; chế độ bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn và phụ cấp ưu đãi nghề đối với nghệ sĩ, diễn viên; việc xét nâng ngạch không qua thi đối với nghệ sĩ, diễn viên đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; chế độ nghỉ hưu của nghệ sĩ, diễn viên"...

Thời gian vừa qua, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đã triển khai việc lấy ý kiến của các Bộ, ban ngành có liên quan về Đề án "Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với nghệ sĩ, diễn viên". Đây là thông tin được nhiều người quan tâm, bởi lẽ đã nhiều năm nay, các nghệ sĩ, diễn viên của nhiều đơn vị nghệ thuật, nhất là các đơn vị nghệ thuật truyền thống gặp nhiều khó khăn trong việc mưu sinh. Ngoài khó khăn trong việc tiếp cận với khán giả thì đồng lương, phụ cấp tập luyện và biểu diễn đều quá thấp, không phù hợp với thực tế cuộc sống. Đề án này đang được kỳ vọng sẽ đem lại cho ngành nghệ thuật biểu diễn một luồng sinh khí mới.

Đề án "Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với nghệ sĩ, diễn viên" sau khi ra đời sẽ thay thế Quyết định 180/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề và bồi dưỡng đối với lao động biểu diễn nghệ thuật" được ban hành từ ngày 9-8-2006 đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập. Đồng thời, theo công văn số 3848/VPCP truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về Đề án "Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với nghệ sĩ, diễn viên", Phó Thủ tướng đã giao cho "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thành việc xây dựng bộ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, làm căn cứ để xếp ngạch bậc lương cho nghệ sĩ, diễn viên; xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn về xét nâng ngạch không qua thi đối với nghệ sĩ, diễn viên đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước để sớm triển khai thực hiện". Điều đó có nghĩa là, những thay đổi khá căn bản trong cơ chế, chính sách đối với nghệ sĩ, diễn viên sẽ được cụ thể hóa trong nay mai và cũng là điều nhiều nghệ sĩ, diễn viên trông chờ.

Theo thông tin từ ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn, trưởng ban soạn thảo đề án cung cấp cho báo chí thì "Đề án tập trung vào bốn vấn đề mang tính cấp bách: Chế độ lương của nghệ sĩ diễn viên; chế độ bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn và phụ cấp ưu đãi nghề đối với nghệ sĩ, diễn viên; việc xét nâng ngạch không qua thi đối với nghệ sĩ, diễn viên đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; chế độ nghỉ hưu của nghệ sĩ, diễn viên".

Thực tế có thể thấy, ngoài vấn đề chế độ tiền lương đã tồn tại nhiều bất cập hàng chục năm nay như: thang, bậc lương của ngạch diễn viên bậc khởi điểm không tương ứng với tiêu chuẩn chức danh; diễn viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng hay trung học chuyên nghiệp đều xếp cùng bảng lương viên chức loại B (diễn viên hạng III).

Hiện nay, lương khởi điểm đối với diễn viên trình độ đào tạo bậc đại học vào bậc 2, hệ số 2,06 trong khi các ngành khác là hệ số 2,34... thì vấn đề chế độ bồi dưỡng, luyện tập và phụ cấp ưu đãi theo nghề đang được rất nhiều nghệ sĩ, diễn viên quan tâm. Theo Đề án, mức bồi dưỡng luyện tập sẽ tăng gấp ba so với mức cũ. Thí dụ, một diễn viên đóng chính được hưởng 20 nghìn đồng/ngày tập theo Quyết định 180 của năm 2006 sẽ được nâng lên 65 nghìn đồng/ngày. Mức thù lao biểu diễn của diễn viên chính tăng từ 50 nghìn đồng lên 165 nghìn đồng. Với thời gian làm việc đêm, ngày nghỉ, ngày lễ, Tết cũng sẽ được tính riêng như diễn tập đêm vào ngày thường là 150%, tập luyện biểu diễn vào ngày nghỉ 200%, tập luyện biểu diễn vào ngày lễ 300%.

Trước đó, ngày 1/3/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Xây dựng và rà soát các chế độ đối với các hoạt động văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ; chế độ tài trợ, đặt hàng đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật; chính sách khuyến khích sáng tác trong các hoạt động văn học nghệ thuật" nhưng đối tượng đề cập của đề án này khá rộng. Việc triển khai đề án này đã được một số đơn vị, địa phương tiến hành bằng cách ra những quyết định áp dụng những "khung giá" mới thay cho mức vẫn áp dụng theo Quyết định 180, nhưng việc thực hiện còn "tùy nghi", chậm trễ, chưa đồng bộ. Một số tỉnh như Cà Mau, Đồng Nai, Bắc Giang... đã chủ động ra những quyết định nâng mức tiền bồi dưỡng cao gấp 3-5 lần mức cũ, được dư luận hoan nghênh, đặc biệt là nó như đem đến cho nghệ sĩ ở các đoàn nghệ thuật địa phương vốn đã gặp rất nhiều khó khăn một luồng sinh khí mới, một sự... an ủi đối với công việc mà các diễn viên, nghệ sĩ đã lựa chọn, gắn bó.

Không phải đến tận bây giờ, câu chuyện cơ chế, chính sách đặc thù đối với nghệ sĩ, diễn viên mới được đặt ra mà ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, vấn đề này đã từng được các nhà lãnh đạo đất nước và ngành văn hóa quan tâm. Theo lời kể của NSND Tâm Chính, khi còn là học viên Trường xiếc Việt Nam, có một lần Bác Hồ đến thăm và hỏi chuyện ăn học, sinh hoạt của các cháu học viên, Người được nghe phản ảnh rằng: "Chúng cháu tập luyện nhiều, động tác nặng nhọc nên đói lắm, cơm ăn không đủ no...". Một tuần sau đó, tiêu chuẩn gạo, thịt, đường... hàng tháng của học viên trường xiếc đã được tăng lên.

Ngày đó, không chỉ với xiếc mà học viên các trường nghệ thuật khác như múa, diễn viên đều có tiêu chuẩn lương thực - thực phẩm ổn định, có phần tươm tất hơn và ngoài lương lại có khoản phụ cấp gọi là tiền "thanh sắc" khiến một số ngành nghề khác phải... ghen tỵ. Trong những năm sau 1990, hàng loạt nghệ sĩ không thể trụ nổi với đồng lương ba cọc ba đồng ở các nhà hát, số buổi biểu diễn ít đã phải "bung" ra ngoài làm ăn: mở tiệm cắt tóc, cửa hàng quần áo thời trang, quán phở, tiệm ăn, đi buôn đường dài...

Việc nghệ sĩ, diễn viên có đời sống thấp, thu nhập bấp bênh, không có các chế độ ưu đãi đặc biệt khi hết tuổi biểu diễn... đã khiến nhiều môn nghệ thuật hiện nay khó có thể tìm kiếm được diễn viên thế hệ kế cận. Vì thế, những thay đổi theo đề án "Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với nghệ sĩ, diễn viên" dẫu vẫn là chậm, muộn và còn nhiều vấn đề phải cân đối với thực tế, song cũng là những tín hiệu thực sự đáng mừng đối với nhiều nghệ sĩ đang ngày đêm gắn bó với nghề nhưng lâu nay lại hầu như không thể sống được bằng nghề

Nếu không có cơ chế, chính sách đãi ngộ hợp lý với nghệ sĩ, diễn viên sẽ dẫn tới sự thiếu hụt đội ngũ khi giới trẻ không còn muốn lựa chọ dấn thân vào con đường nghệ thuật.

NSƯT Tạ Duy Ánh - Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam:

Có thể nói xiếc là một nghề đặc thù nhất trong các nghề đặc thù: tuổi nghề ngắn, thường gặp những chấn thương, tai nạn, bệnh nghề nghiệp... Vì thế nên có sự quan tâm hơn về mặt cơ chế chính sách sẽ là sự động viên, bù đắp cho những thiệt thòi mà nghệ sĩ xiếc Việt Nam đang gặp phải, đồng thời mới khích lệ được các thế hệ kế cận theo học ngành xiếc. Hiện nay, việc tuyển sinh học viên ngành xiếc đang là một vấn đề nan giải. Với xiếc, vấn đề bảo hiểm có lẽ là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu, đặc biệt là những diễn viên dạy thú, nhào lộn, biểu diễn các tiết mục trên cao mạo hiểm, những người trụ nặng... Mặt khác, nếu diễn viên không may xảy ra tai nạn, nghệ sĩ được bảo hiểm bồi thường theo mức thấp, rất thiệt thòi vì chưa có những chính sách đặc thù mà vẫn giải quyết theo luật Lao động. Như trường hợp của nghệ sĩ Tuyết Hoàn - Liên đoàn Xiếc Việt Nam khi mới bị tai nạn cũng được cơ quan, anh em thăm hỏi động viên, nhưng đến nay vẫn không có giải pháp nào thật sự hữu hiệu giúp đỡ cho nghệ sĩ này, dù chị đã có gần 20 năm gắn bó với nghề. Đây thực sự là nỗi trăn trở của chúng tôi. Vì thế, rất cần sự quan tâm một cách tích cực tới việc giải quyết chế độ chính sách cho các diễn viên gặp tai nạn trong quá trình tập luyện, biểu diễn để bớt đi những gánh nặng cho bản thân, gia đình những nghệ sĩ gặp hoàn cảnh không may...

Nghệ sĩ Lộc Huyền - Nhà hát Tuồng Việt Nam:

Hai vợ chồng Huyền đều là diễn viên Nhà hát Tuồng Việt Nam, nếu chỉ trông chờ vào đồng lương, phụ cấp được nhà nước trả thì không thể nào đủ trang trải cho bản thân chứ đừng nói là nuôi được con cái, lo cho gia đình. Đã nhiều năm qua, những diễn viên trẻ như Huyền phải bươn chải kiếm sống, vẫn là làm nghề thôi nhưng là nhận các sô diễn bên ngoài. Nhưng thực sự thì không phải diễn viên nào và lúc nào cũng có sô mà nhận đâu. Những thay đổi về cơ chế, chính sách đối với nghệ sĩ, diễn viên là điều cần thiết. Chúng tôi đã chờ đợi điều này quá lâu rồi và nhiều người khi không chờ đợi được đã phải bỏ nghề, kiếm sống bằng nghề khác. Theo tôi đó là điều rất đáng tiếc.

Tôi cho rằng, các diễn viên của các bộ môn nghệ thuật truyền thống chúng tôi có đời sống khá giản dị và họ không đòi hỏi gì nhiều lắm. Đào tạo được một nghệ sĩ, diễn viên theo nghệ thuật truyền thống đã khó khăn rồi, sao không có cách nào để giữ họ lại mà để họ phải dứt áo ra đi? Nếu cơ chế, chính sách không thay đổi, chắc chắn 10 năm nữa rất khó có thể kiếm được người tiếp nối những bộ môn nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, cải lương...

H.A.
.
.