Nghệ sĩ và trách nhiệm công dân

Không thể biện minh

Thứ Hai, 20/08/2012, 08:00
Nói về trách nhiệm công dân và đạo đức nghề nghiệp của người nghệ sĩ, tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Tp HCM vừa qua, nhạc sĩ Ca Lê Thuần đã thẳng thắn nhận định, hiện nay có một số nghệ sĩ của ta đang "cố học cách kiếm sống chứ không học cách sống, lại có một số ít người sống bằng sự khôn ngoan hơn là tài năng…".

Vị nhạc sĩ cao tuổi này cũng cho rằng, bất kỳ ai làm nghệ thuật không thể được mang danh nghệ sĩ nếu họ không biết hài hòa lợi ích cá nhân với lợi ích của nhân dân, dân tộc. Vì trong rất nhiều trường hợp, người nghệ sĩ chính là gương mặt đại diện cho dân tộc mình, đồng bào mình.

Bàn về tinh thần công dân của người nghệ sĩ, nhìn lại câu chuyện mới đây nhất gây nhiều bức xúc trong công chúng yêu âm nhạc, là những ứng xử của hai nghệ sĩ nổi tiếng của dòng "nhạc đỏ" Anh Thơ và Trọng Tấn. Họ đã tự ý bỏ về trong chương trình giao lưu nghệ thuật tại Thủ đô Viêng-Chăn (Lào), nhân kỷ niệm Năm đoàn kết Hữu nghị Việt - Lào. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã buộc phải gửi công điện đến Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cơ quan quản lý của hai ca sĩ, yêu cầu kiểm điểm sai phạm của Trọng Tấn và Anh Thơ, cùng với đó tạm buộc nghỉ việc và cấm các ca sĩ này tham gia các chương trình biểu diễn trong một thời gian.

Diễn biến mới nhất của vụ việc này, là hai ca sĩ đã nhận hình thức kỷ luật ở mức cảnh cáo của Ban lãnh đạo Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và vẫn đang chờ một quyết định chính thức từ phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là một bài học sâu sắc cho những nghệ sĩ trẻ về trách nhiệm xã hội mà họ có nghĩa vụ phải thực hiện khi làm nghề và nhất là khi đã được quần chúng vinh danh, yêu mến. Người phát ngôn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: "Muốn trở thành một nghệ sĩ giỏi thì trước tiên anh phải là một công dân tốt, biết chấp hành kỷ cương pháp luật. Người nghệ sĩ không thể đặt uy tín cá nhân lên trên lợi ích quốc gia được".

Trở lại đời sống biểu diễn những năm qua, có thể thấy không ít trường hợp tương tự như trường hợp của hai nghệ sĩ Anh Thơ, Trọng Tấn. Chuyện ca sĩ tìm mọi lý do để từ chối các chương trình biểu diễn có mục đích từ thiện, hay những chương trình phục vụ các ngày lễ của địa phương, đất nước, vì cát-xê thấp hay đường sá xa xôi là chuyện xảy ra như cơm bữa. Trong lễ kỷ niệm trọng đại 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Hoa hậu Việt Nam Ngọc Hân còn bỏ show vì lý do lãng xẹt: tắc đường. Không ít người mẫu, diễn viên, nghệ sĩ khi ra nước ngoài tham dự các cuộc thi đại diện cho Việt Nam lại phát ngôn bừa bãi, không có ý thức giữ gìn hình ảnh con người và văn hóa Việt Nam trước bạn bè quốc tế… Những hành xử thiếu văn hóa ấy bộc lộ ý thức công dân của các nghệ sĩ trẻ ở ta còn kém. Điều này có nguyên do đầu tiên là họ không được giáo dục kỹ càng từ trong nhà trường. Họ được dạy về nghề nhưng lại không được dạy về tinh thần và trách nhiệm phụng sự lợi ích Tổ quốc và nhân dân khi cần. Trong môi trường nghệ thuật nặng về tính giải trí và thực dụng hiện nay, rất nhiều nghệ sĩ trẻ chỉ nhăm nhăm kiếm tiền, coi tiền là thước đo quan trọng hơn mọi ứng xử cần thiết khác.

Việc được một bộ phận truyền thông, công chúng vuốt ve, yêu chiều cũng khiến cho nhiều nghệ sĩ mắc bệnh "sao", xem cái tôi của mình quá lớn mà quên đi những chuẩn mực nghề nghiệp.

Người viết bài này trong một lần trò chuyện với NSND Trần Hiếu về những đóng góp xã hội của người nghệ sĩ, được ông chia sẻ: "Các bạn trẻ làm nghệ thuật hôm nay dường như ngày càng thiếu đi cái tinh thần vì cộng đồng. Thời của chúng tôi, những người nghệ sĩ đứng trước công chúng là chỉ biết hết lòng phục vụ, không ai nghĩ đến lợi ích của cá nhân mình. Tôi nhớ nghệ sĩ Kim Ngọc từng hát trên các chiến hào, trong hầm tối, nơi các bác sĩ đang thực hiện phẫu thuật cho anh em thương, bệnh binh. Hát để làm vơi nỗi đau thể xác mà các anh đang phải chịu đựng. Nghệ sĩ Tô Lan Phương đi biểu diễn khắp các chiến trường miền Đông Nam Bộ phục vụ bộ đội trước cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968. Cả một đại đội thuộc Sư đoàn 9, vì yêu tiếng hát của người nghệ sĩ mà đổi tên thành Đại đội Tô Lan Phương. Còn rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác, họ sẵn sàng cống hiến không chỉ tài năng mà cả tính mạng của mình để phục vụ chiến sĩ đồng bào. Tôi rất tự hào về thế hệ của mình, thế hệ đã luôn đề cao tinh thần công dân của người nghệ sĩ. Được nhân dân yêu mến là phần thưởng lớn nhất chúng tôi có, nó quý giá hơn cả tiền bạc".

Tối 26/7 vừa qua, tại Hà Nội, Hội từ thiện "Những trái tim Việt" đã tổ chức một chương trình ca nhạc thu hút nhiều ca sĩ, nghệ sĩ như NSƯT Hồng Liên, ca sĩ Trúc Phương, các ca sĩ của Nhà hát Nhạc nhẹ Việt Nam... nhằm quyên góp tiền sửa chữa lại ngôi nhà cho gia đình thương binh Nguyễn Văn Lâm ở xã Kim Thư, Thanh Oai, Hà Nội. Nhiều khán giả đã rơi nước mắt xúc động vì những nghĩa cử đẹp của các nghệ sĩ. Mới hay, người làm nghệ thuật khi biết cống hiến cho lợi ích của nhân dân thì tình yêu mà họ nhận lại được là vô cùng to lớn. Nhà phê bình người Nga Belinsky từng nói đại ý, rằng công chúng chỉ khâm phục những nghệ sĩ nào mà cuộc sống là sự giải thích tốt nhất cho sự nghiệp sáng tạo của mình, và sự nghiệp sáng tạo cũng chính là sự biện minh tốt nhất cho cuộc sống của họ…

Thành Duy
.
.