Liên hoan Tiếng hát truyền hình - Sao Mai 2013:

Không quyết liệt, khó cạnh tranh

Thứ Sáu, 16/08/2013, 09:00

Ngày 10/8 tới đây, vòng chung kết toàn quốc Liên hoan Tiếng hát truyền hình - Sao Mai 2013 chính thức khởi tranh tại thành phố Hoa phượng đỏ - Hải Phòng. Vốn được coi là nơi kiếm tìm những gương mặt mới cho làng âm nhạc Việt Nam, là "bệ phóng" cho những tài năng âm nhạc trên con đường ca hát, Ban Tổ chức Sao Mai 2013 cũng đang dốc sức để khẳng định thương hiệu, cạnh tranh với những sân chơi âm nhạc khác có "tần suất" phủ sóng dày đặc trên truyền hình.

1. Sao Mai 2013 chính thức khởi tranh từ tháng 6/2013 và so với những năm trước, mùa giải năm nay có nhiều đổi mới hơn. Trước hết, ngoài việc tổ chức chung khảo tại ba khu vực là phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và phía Nam, sẽ có thêm khu vực châu Âu. Việc "mở rộng" địa bàn sang khu vực châu Âu là nỗ lực đáng ghi nhận của Ban Tổ chức bởi đây là cách có thể quy tụ được nhiều giọng ca tài năng của người Việt trên khắp thế giới. Ngoài ý nghĩa kết nối cộng đồng người Việt trong và ngoài nước thì Sao Mai 2013 có thể tìm ra những gương mặt mới, những "hạt giống lạ" cho nền âm nhạc Việt Nam vốn đang rất "khan hiếm" ngôi sao. Ngoài ra, đây cũng là cách để Sao Mai 2013 tạo điểm nhấn, sự khác biệt so với những chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc khác đang diễn ra cùng thời điểm. Một sự thay đổi nữa của Sao Mai 2013 là công bố điểm trực tiếp của từng thí sinh. Hình thức chấm điểm trực tiếp thay vì công bố kết quả sau đêm thi giúp thí sinh cũng như khán giả có thể biết ngay kết quả phần thi của mình, làm tăng tính hấp dẫn của chương trình.

Tính đến thời điểm này, việc tìm kiếm tài năng âm nhạc ở cả 4 khu vực đã hoàn tất và 34 gương mặt xuất sắc nhất (khu vực phía Bắc: 10 thí sinh; miền Trung - Tây Nguyên: 9 thí sinh; phía Nam: 8 thí sinh; khu vực châu Âu: 7 thí sinh), thuộc ba dòng nhạc thính phòng, dân gian, nhạc nhẹ sẽ cùng tranh tài tại bốn đêm chung kết toàn quốc vào tháng 8 tới đây. Theo đánh giá sơ bộ từ Ban Tổ chức thì chất lượng thí sinh lọt vào chung kết toàn quốc khá đồng đều và có nhiều nhân tố mới, có thể tạo nên những bất ngờ lớn cho cuộc thi. Theo thông lệ thì khu vực phía Bắc luôn được kỳ vọng là nơi sẽ xuất hiện nhiều tài năng dòng nhạc thính phòng; khu vực miền Trung - Tây Nguyên có nhiều giọng hát dòng nhạc dân gian xuất sắc và miền Nam luôn có ưu thế về nhạc trẻ. Tuy nhiên, thí sinh Sao Mai 2013 đã "phá vỡ" quan niệm đó. Ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, ngoài những thí sinh xuất sắc ở dòng nhạc dân gian là Trần Thụy Miên, Trần Thị Huyền Trang, Trần Thị Bạch Trà thì những giọng ca dòng nhạc nhẹ của khu vực này là Y Cel Niê, Nguyễn Hoàng Tịnh Uyên, Ngô Thị Thanh Huyền cũng được Ban Giám khảo đánh giá là có nhiều triển vọng. Trong khi đó, ở khu vực phía Nam, dòng nhạc dân gian "thất thu" khi chỉ có 4 hồ sơ đăng ký tham dự và một chiếc vé chung kết toàn quốc của khu vực này phải "nhường" lại cho giọng ca Ngô Thị Phương Thúy (Bắc Ninh) ở khu vực phía Bắc. Chất lượng thí sinh ở dòng nhạc thính phòng (khu vực phía Nam) năm nay được đánh giá là có phần nổi trội, hội tụ nhiều giọng ca ấn tượng. Phần lớn thí sinh dòng nhạc này đều là những học sinh giỏi của các trường âm nhạc trên địa bàn. Tuy nhiên, chất lượng thí sinh dòng nhạc nhẹ vốn được coi là thế mạnh của khu vực phía Nam lại không xuất sắc như kỳ vọng.

2. Sự "chuyển dịch" thí sinh ở khu vực phía Nam - thị trường âm nhạc sôi động nhất cả nước phần nào cho thấy "sức hút" của Sao Mai 2013 đã giảm. Điều này không chỉ thể hiện ở số lượng thí sinh tham gia dự thi, nhất là dòng nhạc dân gian xuống thấp đến mức "thảm hại" mà ngay cả dòng nhạc nhẹ cũng không có nhiều thí sinh tiềm năng đăng ký dự thi. Theo đánh giá của giới chuyên môn thì đây là lần đầu tiên trong suốt 16 mùa giải, trước sức hấp dẫn của các chương trình truyền hình thực tế, Sao Mai gặp phải trở ngại trong việc tìm kiếm thí sinh theo phong cách nhạc nhẹ. Bà Huyền Thanh, Phó Trưởng ban Văn nghệ - Đài truyền hình Việt Nam cũng thừa nhận: "Có rất nhiều sân chơi âm nhạc đang tổ chức song song với cuộc thi Sao Mai nên thí sinh nhạc nhẹ có phần tản mát''.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì Sao Mai 2013 đã không còn sức hút như thời còn "một mình một sân", độc quyền trên sóng truyền hình quốc gia những năm về trước. Sự xuất hiện của hàng loạt chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng âm nhạc như Việt Nam Idol, Theo Voice, Việt Nam got talent, Ngôi nhà âm nhạc… với giải thưởng lên đến vài trăm triệu đồng cùng hợp đồng thu âm của những nhà sản xuất hàng đầu thế giới có sức hút mạnh mẽ với bạn trẻ ôm giấc mơ nổi tiếng sau một đêm thi. Mặc dù đã khởi động hơn hai tháng và vòng chung kết tại 4 khu vực cũng đã kết thúc nhưng dường như Sao Mai 2013 vẫn rất "lặng lẽ". Dù là "con đẻ" của nhà Đài nhưng những đêm thi chung kết khu vực, Sao Mai không có sóng trên VTV3 - kênh thể thao giải trí và thông tin kinh tế có lượng người xem đông nhất cả nước vì khi đó, kênh truyền hình này "bận" phát sóng "Chúng tôi là chiến sĩ" và "The Voice Kid". Sao Mai điểm hẹn năm 2012 - "người anh em" của Sao Mai cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Một thực tế đang diễn ra không biết nên vui hay nên buồn là một số ngôi sao trưởng thành từ cuộc thi Sao Mai hay Sao Mai điểm hẹn đã ghi danh tại các cuộc thi âm nhạc khác để tìm kiếm cơ hội tỏa sáng. Hà Linh, cô sinh viên trường Ngoại thương ngày nào từng giành giải nhất dòng nhạc nhẹ Sao Mai năm 2007, được vào thẳng chung kết Sao Mai điểm hẹn 2008, trở thành thí sinh của cuộc thi The Voice 2013. Cô "đầu quân" cho đội "Mr Đàm", bị loại trong vòng đối đầu và được huấn luyện viên Hồng Nhung "giải cứu". Hà Linh có đi đến tận cùng cuộc thi hay không, có trở thành giọng hát Việt hay không chưa thể trả lời vì The Voice 2013 mới đi được một nửa chặng đường. Nhưng câu hỏi đặt ra là, tại sao Hà Linh lại tìm đến The Voice, vì sức hút của The Voice hay Sao Mai và cả Sao Mai điểm hẹn chưa thể là "bệ phóng" cho những tài năng âm nhạc?

3. Không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của Sao Mai với nền âm nhạc nước nhà. Trải qua 16 mùa giải, Liên hoan Tiếng hát truyền hình toàn quốc (đổi tên thành giải Sao Mai từ năm 2003) đã phát hiện, bổ sung cho nền âm nhạc nhiều tài năng âm nhạc, nhiều giọng ca như: Trọng Tấn, Anh Thơ, Tùng Dương, Kasim Hoàng Vũ, Hồ Quỳnh Hương, Phương Nga, Ngọc Khuê, Khánh Linh, Tân Nhàn, Quang Hào, Ngọc Anh, Phương Linh, Bùi Lê Mận… Với tiêu chí tạo ra một sân chơi âm nhạc chính thống, chuyên nghiệp, nghiêm túc, có tính chuyên môn cao, Sao Mai đã và đang có những bước đi vững chắc trong việc tạo ra một sân chơi âm nhạc uy tín. Tuy nhiên, trong cuộc "chạm trán" với nhiều chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc có format trẻ trung, hấp dẫn, tính tương tác cao, Sao Mai đang bộc lộ những điểm yếu. Điểm yếu của format Sao Mai nằm ở chỗ thiếu sự thay đổi mang tính đột phá. Kết cấu, thể lệ chương trình theo lối "cổ". Sự cạnh tranh của các thí sinh không có sự quyết liệt và kịch tính. Việc tổ chức vòng thi tại các khu vực là cách tổ chức khoa học nhưng do phân bổ chỉ tiêu thí sinh được lựa chọn vào chung kết ở mỗi khu vực nên đôi khi, mặt bằng thí sinh ở các khu vực không đồng đều (các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc trên truyền hình thực tế đã khắc phục được tình trạng này). Bên cạnh đó, sự tương tác giữa khán giả với thí sinh tham gia dự thi còn ít. Sự đánh giá, lựa chọn thí sinh đoạt giải trong các cuộc thi Sao Mai chủ yếu do Ban Giám khảo quyết định, vai trò của khán giả rất hạn chế, trong khi xu hướng hiện nay là "tăng" quyền lực cho khán giả.

Sao Mai là một cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc nhưng trước hết, nó là một chương trình truyền hình và đã là một chương trình truyền hình thì cần phải có sức hấp dẫn. Đây có lẽ là điều mà Sao Mai hay Sao Mai điểm hẹn đang thiếu. Theo những nhà tổ chức thì Sao Mai là giải thưởng âm nhạc đơn thuần về mặt chuyên môn, không có chiêu trò thu hút khán giả nhưng thiết nghĩ, Sao Mai - bản thân nó không thể chỉ là một cuộc thi mà còn phải là cầu nối để thí sinh - những người nghệ sĩ tương lai đến gần hơn với công chúng. Khán giả sẽ là những người đồng hành cùng thí sinh trên suốt con đường ca hát. Và như vậy thì Sao Mai không thể không nghiêm túc và cũng không thể thiếu hấp dẫn…

P.M.T.
.
.