Không phải cứ hát là vui

Thứ Sáu, 02/10/2015, 08:00
Khi nào thì người ta thích hát? Có thể khi buồn, có thể khi vui bởi tùy tâm trạng người ta sẽ chọn một ca khúc phù hợp và cất tiếng hát, như một giải toả. Nhưng dù có buồn hay vui đi nữa, nếu một cộng đồng mà còn cất lên được tiếng hát, chứng tỏ cộng đồng ấy vẫn còn có niềm vui, còn có hi vọng, còn có niềm hạnh phúc. Song, điều đó chỉ là lý thuyết so với những gì đang diễn ra ở Việt Nam hôm nay. Xứ mình cái việc hát nó khác hẳn. Vui: hát, buồn; hát, không vui không buồn: cũng hát. Hát ở đám hỉ, đám vui, nhưng đám hiếu tang ma cũng hát.

Ngoài đời đã thế, trên các phương tiện thông tin đại chúng, khán giả còn bội thực hơn bởi các chương trình hát hò. Hãy thử mở truyền hình lên, chúng ta sẽ nhận thấy mình lúc nào cũng có thể nghe thấy tiếng hát cả. Mới vừa "Idol" xong lại là "The Voice", hết "Voice lớn" đến "Voice nhí"; hôm trước vừa "Bài Hát Yêu Thích" xong, hôm sau đã là "Bài Hát Việt" rồi; "Giai điệu tự hào" chấm dứt hôm qua, "Học viện ngôi sao" hôm nay lên sóng… Đủ thứ cả.

Hát để bình luận với nhau, hát để thi thố ngõ hầu kiếm đường lập nghiệp, làm giàu và nổi danh sớm, không thi đậu bên này thì ghé qua bên kia thi, chương trình có mà đầy, chỉ có người thi dường như mỗi ngày mỗi hiếm.

Nhiều người đã nói mãi về việc giới trẻ dường như không biết cách lập nghiệp nào khác ngoài việc đi thi hát trong các game show. Nhưng tại sao chúng ta lại trách giới trẻ khi chính người lớn lại tổ chức ra những sân chơi ấy cho chúng, tổ chức miệt mài, tổ chức không ngừng nghỉ, tổ chức một cách hăng say với đầy chiêu trò của nó, làm cho khán giả bị bội thực, mệt mỏi, chương trình giải trí nghèo nàn, nhà đài chỉ chạy theo lợi nhuận quảng cáo mà không quan tâm tới việc phân bố các chương trình giải trí da dạng, phong phú, không quan tâm đến khán giả muốn gì. Chưa bao giờ công chúng khán giả Việt Nam bị bội thực các chương trình giải trí và bị tổn thương tinh thần như giai đoạn này.

Hoá ra, không phải giới trẻ ham mê làm giàu nhờ nghề hát mà chính người lớn đang lợi dụng cái đam mê của chúng để làm giàu cho mình, một cách công khai, hợp pháp. Họ lợi dụng cái gọi là nhu cầu để vẽ ra một viễn tưởng hão huyền cho lũ trẻ, thậm chí là cho cả những đứa mới lên mười.

Chẳng lẽ, người Việt hôm nay không còn gì ngoài ca hát hay sao? Và tiếng hát mà họ cất lên đó, dường như chỉ còn là những âm thanh đồng dạng được cất lên từ một cộng đồng công nghệ, không còn biết nghĩ đến cách làm giàu sáng tạo nào khác ngoài cách sử dụng tình yêu âm nhạc của khán giả đến mức bào mòn.

Vẫn biết là nhiều đến nhàm như thế rồi sẽ đến lúc bão hòa, và người ta không còn muốn đi hát nữa. Nhưng đợi được đến lúc đó, bao nhiêu thế hệ đã đánh mất tuổi trẻ cho một thứ cơ hội phù phiếm, bao nhiêu thế hệ đã phải gò mình ra cày cho một số cá nhân cụ thể nào đó làm giàu trong vai trò nhà sản xuất, đơn vị tổ chức, người mua format bản quyền, người làm đạo diễn âm nhạc… Họ đã và đang nhận được rất nhiều, nhưng họ trả lại cho những người trẻ kia những gì? Tất cả chỉ là con số không, đôi khi kèm theo đó là tiếng cười nhạo phía sau, khi chứng kiến người ta thất bại hoặc đang biến mình thành một trò tiêu khiển lố bịch.

Đan Anh
.
.