Văn hóa nghệ thuật Tết Ất Mùi:

Không như kỳ vọng

Thứ Sáu, 13/03/2015, 08:00
Nếu tạm gọi "Gặp nhau cuối năm - Táo Quân 2015" là phần mở đầu - khai trương cho chuỗi chương trình nghệ thuật và giải trí trên VTV Xuân Ất Mùi thì có thể hình dung ngay toàn bộ các phần sau sẽ khó mà hấp dẫn bởi chỉ là rượu cũ mà bình thì không mới.

Ngay sau khi chương trình Táo Quân 2015 đêm 30 Tết vừa chấm dứt (với thời gian ngắn hơn thông thường), thì gần như những khán giả "ruột" suốt 12 năm qua của chương trình này cảm thấy tiếc nuối và thất vọng, bởi lại là một cuộc trình diễn kém nhiệt, thiếu gia vị và nhàm chán..

Nhưng đó chưa phải là một sự thất vọng duy nhất đối với công chúng khán giả của VTV trong các chương trình nghệ thuật giải trí mừng Xuân Ất Mùi.

"Hàng độc" đã không còn độc…

Chương trình nhạt, thiếu tình huống, chi tiết và lời thoại đắt, diễn xuất một màu ở các gương mặt diễn viên đã cũ suốt 12 năm nay… Đó là lời nhận xét gần như đồng loạt và đồng thuận của hầu hết công chúng khán giả chương trình "Gặp nhau cuối năm - Táo Quân 2015”, phát sóng trên VTV tối 30 Tết. Chưa kể không biết vô tình (khoe) hay hữu ý (quảng cáo) mà năm nay Táo Quân lặp đi lặp lại chi tiết cầm điện thoại (loại điện thoại thông minh - Smart phone), không alo gọi, thì nhắn tin, thậm chí còn vào Facebook, hoặc "tự sướng" các Táo chụp hình mình….

Chương trình Táo Quân kể từ năm phát sóng đầu tiên đã mang tới khán giả truyền hình Việt một món ăn tinh thần thú vị. Những vấn đề xã hội gai góc mà ngày thường "khó nói nên lời" đã được sân khấu hóa dưới góc nhìn hài hước, châm biếm, và ở một khía cạnh nào đó, không chỉ mua vui ngày Tết mà còn nói được nỗi niềm, hy vọng, ước vọng của cộng đồng đối với các vấn đề quốc kế dân sinh, văn hóa, giáo dục… Xem Táo Quân, là còn được xem diễn xuất của các gương mặt nghệ sĩ hài nổi tiếng từ Bắc vào Nam, xem họ trình diễn, tung hứng và thể hiện tài năng bằng cả trái tim và nhiệt tình với vai diễn của mình..

Chương trình “Gặp nhau cuối năm - Táo Quân 2015”.

12 năm qua, Táo Quân trở thành "thương hiệu" hàng độc của VTV, một năm chỉ có một lần để mọi người chờ đợi và cùng cười khóc với các Táo qua màn hình tivi vào đúng đêm giao thừa, để trút bỏ những tâm tư ở năm cũ, đặt nguyện vọng vào năm mới sẽ được tốt đẹp hơn. Nhưng Táo Quân năm thứ 12 đã làm cho sự hào hứng của mọi người chùng xuống. Trước đó thì những lùm xùm về việc có hay không có Táo Quân 2015 khi chương trình phải trình duyệt nội dung, thay đổi nội dung đến sát giờ thu hình… Và tới giờ phát sóng còn bị rút ngắn thời gian.

Cả chương trình Táo Quân, cho dù có vài đổi mới như cách gọi Táo theo chủ đề ngũ hành: Kim- Mộc- Thủy- Hỏa- Thổ, thì gần như là một phiên bản của mạng xã hội Facebook, gameshows truyền hình thực tế được "Táo hóa", các vấn đề xã hội nổi cộm trong năm cũ được nhắc tới một cách lớt chớt, mờ nhạt, tránh đụng chạm làm cho công chúng cảm thấy hụt hẫng. Đó là chưa kể cách diễn xuất của diễn viên quen mặt đến "chai", không có gì mới để hấp dẫn (không tính đến một vài trang phục phản cảm về giới tính, những kiều diễn chọc cười ngô nghê sống sượng…).

Với những chương trình mang tính hài, có thể lấy một kết luận của một nhà văn- đạo diễn- biên kịch sân khấu để minh họa: "Mấy chương trình hài Việt Nam thì (nói vầy không biết có bị ai giận không) mình ráng coi tới hết cũng không biết phải.... cười ở đâu". Ngoài những chương trình nghệ thuật mang tính chủ đề Xuân được làm dành riêng cho Tết Nguyên đán, thì những chương trình giải trí khác như các gameshow, truyền hình thực tế vẫn được diễn ra  như thường lệ với những tập cuối cùng…, nhưng gần như hết chiêu trò, cứ nhàn nhạt trôi đi.

Chương trình giải trí rượu cũ bình không mới

Phải ghi nhận trong Tết Ất Mùi này, VTV đã bỏ nhiều công sức để dựng các chương trình nghệ thuật giải trí tổng hợp mang các phong cách khác nhau, dành cho các đối tượng khán giả khác nhau, đều có chung chủ đề mừng Xuân, mừng đất nước bước vào một năm mới, vận hội mới, và cũng là năm có nhiều ngày kỷ niệm đặc biệt  của Việt Nam.

Ngoài chương trình “Gặp nhau cuối năm- Táo Quân 2015”, thì VTV còn có những chương trình khá ấn tượng như: Hương Tết Việt với chủ đề về Tết truyền thống, Ngày trở về với chủ đề "Tiếng gọi quê hương", 12 con giáp 2015, Gala cười 2015, Ăn Tết Việt, Quà Tết, Tết Đồ Rê Mí với chủ đề "Cỗ máy thời gian", Gala Giai điệu tự hào…

Công bằng đánh giá thì nhìn chung tất cả các chương trình đều "sạch", dễ xem, vui vẻ, màu sắc tráng lệ, dàn dựng công phu, nhấn mạnh được chủ đề của chương trình, đặc biệt vào những nét văn hóa truyền thống dân tộc như một di sản có sự tiếp nối để không đứt đoạn. Một "Hương Tết Việt" kéo dài tới 180 phút cùng 120 nghệ sĩ nổi tiếng và hàng chục vũ công, hay "Ăn Tết Việt", "Quà Tết"… được quay và dựng, biên tập khá kỹ cả hình ảnh và thuyết minh với những phong tục tập quán truyền thống trong Tết Nguyên đán khắp ba miền Nam- Trung- Bắc và các dân tộc anh em trong đại gia đình Việt Nam, như một "bảo tàng Tết" sống động.

Các Táo Quân chụp ảnh cùng Đạo diễn Thanh Hải.

Một "Tiếng gọi quê hương" trong chương trình Ngày trở về mang đến khán giả của VTV những hình ảnh kiều bào Việt Nam khắp bốn phương, cho dù xuất thân như thế nào, đều hướng về Tổ quốc Việt Nam bằng trái tim Việt Nam. "12 con giáp 2015" là một cuộc tổng kết thành công của hầu hết những gương mặt văn nghệ sĩ, giới showbiz Việt, vận động viên…, những gương mặt của VTV trong năm 2014, cho thấy một phác họa tổng thể ngành văn hóa nghệ thuật, ngành giải trí của Việt Nam trong năm cũ.

"Gala cười 2015" như một tiếp nối, phiên bản tổng hợp những chương trình hài kịch trong năm qua sự diễn xuất của các gương mặt hài quen thuộc như: Vân Dung, Quang Thắng, Tự Long, Thành Trung... và MC Thảo Vân. "Tết Đồ Rê Mí" như một chương trình tạp kỹ, dàn dựng rất nhiều màu sắc, đưa những giọng ca "chiến" của các giải "Đồ Rê Mí", "The Voice Kid"…  biểu diễn cũng là một chương trình khá đặc sắc và hiếm hoi cho thiếu nhi trong Tết ở truyền hình VTV. Đặc biệt nhất là chương trình "Gala Giai điệu tự hào", với sự dàn dựng như một vở nhạc kịch hoành tráng về lịch sử cách mạng Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến những ngày Việt Nam thống nhất, xây dựng kiến thiết đất nước trong hòa bình đổi mới…,  tổng kết những ca khúc cách mạng- dòng nhạc "Đỏ", được khán giả bình chọn nhiếu nhất qua các tập của chương trình này trong năm 2014, một chương trình phát sóng trong ngày Xuân đầu năm mang rất nhiều cảm xúc đến nhiều thế hệ người Việt từ già đến trẻ, và mang tính cộng đồng rất cao. Đó là những nét được trong chương trình nghệ thuật chào mừng Xuân Ất Mùi.

Song bên cạnh đó khán giả có thể vẫn nhặt ra được những hạt sạn như kịch bản "12 con Giáp 2015" không vượt qua được dư âm của năm cũ, kịch bản bị nhạt, hời hợt. Hay trong "Hương Tết Việt" khi xem phảng phất như sao chép những chương trình khám phá du lịch trong năm. Một chương trình dành cho thiếu nhi: "Tết Đồ Rê Mí" tưởng chừng chỉ thuộc về thiếu nhi, thì lại có một dàn ca gần như chủ đạo toàn người lớn, và ngay cả MC cũng là người lớn "cưa sừng làm nghé" đôi khi không "chuẩn" trong phát ngôn phù hợp với trẻ em.

Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng cho dù các chương trình đều rất cố gắng để mang tới công chúng khán giả truyền hình những "bữa tiệc tinh thần", thêm hương vị phong phú trong ngày Xuân, song dân trí ngày càng cao, khán giả truyền hình mỗi khi tết đến xuân về đều kỳ vọng được thưởng thức những món ăn tinh thần, văn hóa nghệ thuật đặc sắc hơn, cao cấp hơn, tinh túy hơn. Bởi vậy mà họ khắt khe hơn, có quyền đòi hỏi bữa tiệc tinh thần của năm nay phải ngon hơn năm trước.

Lý do để "bữa tiệc tinh thần" vừa qua bị soi xét kỹ là do chưa thật sự có một đột phá lớn, mới mẻ và sáng tạo, để tạo ấn tượng lớn trong lòng khán giả Việt ngày càng khó tính. Khán giả không chỉ đòi hỏi một chương trình vừa mang lại tiếng cười vui xuân sảng khoái mà họ còn được mãn nhãn với các tiết mục mang đậm tính nghệ thuật cao.

Từ lâu, như một "luật bất thành văn", cứ chương trình Tết là chỉ nghĩ đến màu sắc, hoành tráng, lộng lẫy, số lượng nhiều, vui ba ngày Tết là chính… nên tính giá trị nghệ thuật gần như bị bỏ lơi. Và có lẽ thế việc đầu tư tư duy mang tính nghệ thuật chuyên nghiệp cho các tiết mục cũng như cho cả chương trình đều gần như ít được quan tâm. Cho dù chương trình có vẻ rất công phu nhưng chỉ đạt tầm "quần chúng", nên cũng chính vì thế mà các chương trình nghệ thuật giải trí của VTV Tết luôn bị chê nhạt, chán, ít giá trị mang tính nghệ thuật… Và chỉ là rượu cũ đựng trong bình không mới.

Hoài Hương
.
.