Không để cái sảy nảy cái ung

Thứ Hai, 12/08/2013, 08:00
Những ai trước kia từng bức xúc về việc một ca sĩ - diễn viên có phát ngôn thể hiện lối sống bệnh hoạn, muốn "nổi tiếng" bằng mọi giá: "Từ ngày tôi cởi đồ, đóng phim khỏa thân, mọi người mới biết đến tôi" thì hẳn giờ đây, họ sẽ bức xúc bội phần trước những phát ngôn "gây sốc từng giờ" của một cô gái có nickname "bà Tưng" (tên thật là Lê Thị Huyền Anh)...

Làm sao không bức xúc cho được khi một cô gái mới 22 tuổi đã thẳng tưng thể hiện quan điểm sống thực dụng đến trắng trợn của mình: "Vì tôi bất tài nên mới phải cởi đồ để được nổi tiếng, được mọi người chú ý tới", "Tài năng không có gì để mà phục vụ. Thì đành phải phục vụ bằng mắt vậy". Đi kèm những lời này, "bà Tưng" cho đăng bức ảnh khoe vòng một hết sức trơ trẽn, phản cảm và hứa sẽ… thả rông bộ ngực nếu như facebook của mình có trên 20.000 lượt người like.

Poster quảng cáo đêm diễn của "bà Tưng" tại quán bar Max 3 đã bị lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Nội kiên quyết yêu cầu gỡ bỏ.

Có thể nói, hiện tượng "bà Tưng" là một hiện tượng rất xấu, bộc lộ lối sống xô bồ, lệch lạc của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Và, để một cô gái mới chừng ấy tuổi đời có thể dễ dàng đạt được mục đích không mấy hay ho của mình, rõ ràng có lỗi không nhỏ của giới truyền thông. Ở đây, tôi hoàn toàn đồng tình với cách đặt vấn đề của Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà, giảng viên Khoa Tâm lý - Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) khi ông trả lời phỏng vấn phóng viên báo điện tử vietnamnet. Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà cho rằng, sở dĩ một cô gái rất bình thường bỗng chốc trở nên nổi tiếng đến như vậy, là bởi trong xã hội này "có quá nhiều người rỗi việc, rách việc, quan tâm tới những thứ rất vớ vẩn để rồi tạo nên một xu hướng, một dư luận không hay". Theo Tiến sĩ Hà, chính vì biết rằng xã hội có quá nhiều người tò mò, "mỗi lần mình tung thông tin ra là có hàng nghìn, hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn, hàng triệu người theo dõi, cho nên cô ấy càng tìm mọi cách, tìm mọi thứ để gây sốc, để gây sự chú ý, chứ nếu không ai quan tâm, không ai vào facebook đó để ném đá, thì cô ấy khoe hàng với ai, cô ấy thể hiện với ai?".

Từ câu chuyện trên, tôi lại liên hệ tới câu chuyện mà bà Trần Thị Sen, vợ của cố nhà văn Nam Cao kể lại trước đây. Thì ra, trong việc dạy con, tác giả "Chí Phèo" có một cách thức rất độc đáo. Mỗi lần cậu con trai dỗi, khóc, ông không sán lại dỗ con như những người bố khác mà quay sang đùa với cô con gái lớn: "Làm thế này, nghe tiếng em khóc hay lắm", rồi quay sang phía cậu con, buông hờ một câu: "Con cứ khóc nữa đi nhé. Bao giờ không muốn khóc nữa thì bảo cậu". Quả nhiên, khóc mãi mà chẳng thấy bố "đoái hoài", biết việc khóc của mình chẳng "ăn thua", cậu con đành nín, thậm chí còn quay sang nói với bố: "Cậu ơi, con không khóc nữa". 

Giá như trong chuyện "bà Tưng", thay vì việc đưa tin cập nhật từng ngày, từng giờ, giới truyền thông cứ bỏ mặc đấy để "bà Tưng" "tự biên tự diễn" trên facebook của mình, hẳn sự việc sẽ không đến mức ồn ào một cách phi lý như thế. Nói như Tiến sĩ Hà thì "bà Tưng" chính là một "sản phẩm của xã hội" và cộng đồng mạng thật đáng chê trách khi "cuộc sống còn bao nhiêu những vấn đề về xã hội, bao nhiêu những vấn đề về chính trị cần được quan tâm thì lại không quan tâm, mà lại quan tâm về một cô gái nhỏ bé…".

Từ chuyện nổi tiếng "nhanh như điện" của "bà Tưng", đã có nhiều chuyên gia lo lắng sẽ có một hội chứng "cởi" trong giới trẻ nếu cô gái nói trên có được một chỗ đứng trong giới showbiz. Chính vì lẽ ấy mà những ngày vừa qua, đa phần dư luận đều đồng tình, hoan nghênh cách xử lý kiên quyết của lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội trong việc yêu cầu quán bar Max 3 (ở phố Trần Khánh Dư, Hà Nội) đình chỉ buổi diễn của "bà Tưng" tại quán này trong ngày 27/7 vừa qua, và trên thực tế, bằng các biện pháp "rắn", họ đã buộc một số nhân vật có ý định bất chấp lệnh cấm phải ngừng ngay các hành vi của mình. Trước đó, cũng theo yêu cầu của Sở này, quán bar Max 3 đã phải gỡ bỏ poster quảng cáo đêm diễn của "bà Tưng" vì vi phạm quy định (treo poster quảng cáo đêm diễn mà không xin phép). Đặc biệt, dư luận rất tán thành với quan điểm của ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội khi ông cho rằng, Hà Nội không thiếu các nghệ sĩ, ca sĩ tài năng mà phải mời một nhân vật phản cảm, bị dư luận "ném đá" như "bà Tưng" biểu diễn trên địa bàn thủ đô.

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin trích dẫn ra đây comment của một bạn đọc trên báo điện tử Người lao động: "Hoan hô cách xử lý của Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Nội… Các địa phương khác cũng nên học tập Hà Nội để không còn những "bà Tưng" hay bà Tửng" trong tương lai"

Tường Duy
.
.