Nghệ thuật chèo với đề tài hiện đại

Không đào tạo, không có tác giả chèo

Thứ Hai, 19/12/2011, 08:00
Phỏng vấn NSƯT Hà Quốc Minh - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam.

- Thưa anh, hầu hết các đoàn nghệ thuật đều kêu thiếu kịch bản về đề tài hiện đại, riêng Nhà hát Chèo Việt Nam vẫn đều đều công diễn vở mới về các vấn đề thời sự của đời sống hôm nay. Vậy đơn vị đã tìm kiếm kịch bản như thế nào?

+ Những năm qua, Nhà hát Chèo Việt Nam chúng tôi có nhiều vở diễn hiện đại được khán giả chú ý, như "Những vần thơ thép", "Mệnh lệnh thần kỳ", "Nước mắt tuổi thơ", "Khoảnh khắc đời người"…Không phải chúng tôi có nguồn kịch bản tốt hơn các đơn vị bạn đâu, cũng là khó khăn giống họ cả thôi. Vì tác giả chèo bây giờ quá ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chúng tôi cũng phải đôn đáo lắm thì mới lo được kịch bản mà dựng vở, với mong muốn đưa vào Chèo những hơi thở của đời sống hôm nay, gần với khán giả và hy vọng được khán giả quan tâm nhiều hơn. Tham gia Liên hoan sân khấu Chèo đương đại lần này chúng tôi đã phải tìm kịch bản từ đầu năm. Sau rất nhiều lựa chọn, chúng tôi quyết định dựng vở "Giếng thơi trong lòng phố" của tác giả Chu Thơm. Nhưng đây là một kịch bản kịch nói. Để chuyển thể sang chèo, chúng tôi phải mời tác giả Trần Đình Ngôn vào cuộc. Đấy, chèo khó ở chỗ là phải có tác giả riêng hiểu về ngôn ngữ biểu diễn đặc thù riêng của nó. Chứ còn kịch bản kịch nói thì đơn giản hơn nhiều.

- Theo anh, việc vận dụng những yếu tố chèo vào một vở diễn về đề tài đương đại thì thử thách lớn nhất là gì?

+ Tôi nghĩ rằng thử thách này lớn đến nỗi không ít nghệ sĩ không vượt qua được. Vì chèo nó đã trở thành "khuôn vàng thước ngọc" trong quá khứ rồi. Nó gắn với các tích cổ. Còn mang các nhân vật hiện đại hôm nay, với trang phục hiện đại, tư duy hiện đại và câu chuyện hiện đại lên sân khấu chèo thì ít nhiều nó cũng có những cái khó mà người làm nghệ thuật phải rất khéo trong việc thêm gì, bớt gì. Cho nên, có những vở được xem là "không chèo tí nào" thì lại được khán giả yêu thích, vì vấn đề mà nó đề cập, nhưng lại có những vở xem ra "rất chèo" mà khán giả lại không mặn mà. Vì vậy, vấn đề là làm sao phải vừa hiện đại lại vừa phải diễn cho ra Chèo thì khó, chứ không hề dễ.

- Quan điểm của anh có nên cách tân chèo hay không?

+ Chèo đã được khẳng định trong quá khứ rồi, đã trở thành một giá trị bất biến rồi. Đến lượt chúng ta, những con người của đời sống hôm nay phải làm cho nó phát triển trong đời sống, và cách tân là nên chứ. Chúng ta phải tạo ra những giá trị mới cho chèo, để chèo luôn gần gũi với khán giả. Vấn đề là dù cách tân như thế nào thì người nghệ sĩ phải tôn trọng cái cốt lõi của chèo, đừng đánh mất vẻ đẹp đặc biệt của chèo mà ông cha ta đã đúc kết bao đời rồi. 

- Theo anh vì sao chúng ta ngày càng vắng bóng tác giả Chèo như vậy?

+ Tôi nghĩ rằng chúng ta phải có một sự quan tâm, đầu tư thích đáng đến các tác giả, nếu muốn có những người tiếp tục làm công việc này trong tương lai. Chèo là lĩnh vực đặc thù, nên phải học. Một tác giả có thể viết kịch bản kịch nói đơn giản, nhưng để viết được kịch bản chèo thì lại phải rất am hiểu về chèo. Những năm gần đây, dường như ngành sân khấu đã không quan tâm đến câu chuyện này một cách đúng mức, cho nên kịch bản chèo mới khan hiếm như vậy.

- Xin cảm ơn NSƯT Hà Quốc Minh

Hội Quân (thực hiện)
.
.