Không có lửa, sao có khói?

Thứ Hai, 24/03/2014, 08:00
Ở đời, có những điều anh có thể cãi "lật cối đá", song sự thật vẫn là sự thật. Dân gian ta đã đúc kết điều này bằng một câu phương ngôn thật giản dị: "Không có lửa làm sao có khói".

Đúng như dự đoán của nhiều người, chiều ngày 13/3 vừa qua, tại phiên sơ thẩm xét xử vụ đại án đưa và nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng… xảy ra tại chi nhánh Ngân hàng Phát triển Đắk Lắk - Đắk Nông, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Đắk Nông đã tuyên phạt bị cáo Vũ Việt Hùng, nguyên Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Phát triển Đắk Lắk - Đắk Nông mức án tử hình! Không chỉ có vậy, bị cáo này còn phải nộp phạt 10 tỉ đồng và bị tịch thu một phần tài sản gồm 5 căn nhà và đất ở Tp HCM để sung công quỹ.

Điều đáng nói là, trong phần tranh luận tại tòa, để chối tội, bị cáo Vũ Việt Hùng đã đưa ra những lý lẽ hết sức ngây ngô, buồn cười. Nói như các cụ nhà ta là "đến trẻ con cũng không nghe được".

Cụ thể: Với cáo buộc nhận hối lộ chiếc xe BMW - X6 trị giá hơn 2 tỉ đồng từ các bị cáo Trần Thị Xuân (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Nhật Tân) và Cao Bạch Mai (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Minh Nhật), bị cáo Vũ Việt Hùng chối rằng ông ta chỉ mượn để đi chứ không gợi ý xin. Và việc hai bị cáo Mai, Xuân nhờ người đứng tên xe rồi viết giấy tặng cho con trai ông Hùng là "hoàn toàn tự nguyện, đúng pháp luật".

Với các tội danh nghiêm trọng, kết thúc phiên tòa ngày 13/3/2014, bị cáo Vũ Việt Hùng, nguyên Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Phát triển Đắk Lắk - Đắk Nông đã bị Hội đồng xét xử TAND tỉnh Đắk Nông tuyên phạt mức án tử hình.

Lời chối tội của bị cáo Vũ Việt Hùng bất giác làm tôi nhớ tới một câu ngạn ngữ rất thâm thúy của người phương Tây, rằng thì "Chiếc pho mát không mất tiền mua thì chỉ tìm thấy ở trong chiếc bẫy chuột". Không, ở đây xin bạn đọc đừng vội cho rằng tôi nhìn đời như vậy là quá u tối, rằng thì trong cuộc sống, không phải tất cả việc cho, tặng đều xuất phát từ mục đích vụ lợi. Tôi hiểu, tình cảm nhiều lúc cũng cần được biểu hiện bằng vật chất. Tuy nhiên, rõ ràng cái cách dùng vật chất để "thể hiện tình cảm" như trường hợp hai bị cáo Mai, Xuân làm với ông Hùng là điều rất không bình thường. Bởi nếu là bình thường, chắc chính phủ nhiều nước đã không phải đặt mức "trần" tối đa (quy ra tiền) cho các món quà mà các quan chức của họ được phép nhận. Các nhà làm luật ở những nước ấy không "dở hơi" và "rỗi việc" để nghĩ ra những quy định ngớ ngẩn, nếu nó không xuất phát từ một cái lý nào đó. Sự thật, trong vụ việc của ông Vũ Việt Hùng, cả hai bị cáo Mai, Xuân chẳng đã chính thức thừa nhận tội lừa đảo và đưa hối lộ của mình - đúng như cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát - đó sao?

Tất nhiên, con người một khi đã vướng vòng lao lý và phải đối mặt với "án tử", thường thì họ vẫn tìm cách chối tội để bảo toàn mạng sống. Song, chối tội như cách bị cáo Vũ Việt Hùng đưa ra thì e không… lọt tai.

Cũng khó… lọt tai như vậy là lời chối tội của cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Dương Chí Dũng tại phiên tòa sơ thẩm TAND Tp Hà Nội ngày 14/12/2013. Nói lời cuối cùng sau khi phải nhận về mức án tử hình, bị cáo Dương Chí Dũng mạnh mồm như thể mình đang phải chịu cái "án oan tày đình": "Tôi không tham ô mà nói là tham ô thì tôi không nhận, kể cả đánh chết tôi trong tù cũng không nhận. Đó là danh dự của tôi. Tòa tuyên án tôi tử hình thì tôi phải chịu, nhưng vợ con tôi sẽ đi kêu oan suốt đời".

Cái "oan" ở đây, theo Dương Chí Dũng cho biết là ông ta bỏ tiền mua hai căn hộ đắt tiền ở Hà Nội cho bồ nhí - số tiền ấy là ông ta lấy của vợ chứ không phải tiền tham ô mà có (trong khi các bị cáo khác trong vụ án đã khai rành rẽ việc họ lại quả cho ông ta thế nào sau vụ chiếm đoạt 1,67 triệu USD từ vụ mua và khai khống giá thành ụ nổi M83).

Từ những lời chối tội của các bị cáo Dương Chí Dũng, Vũ Việt Hùng, tôi không thể không nhớ tới câu danh ngôn "Có khôn ngoan ra cửa quan mới biết". Lại nhớ tới cụ Nguyễn Du với câu thơ "Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn". Mà, nào chỉ có mấy vị lãnh đạo cỡ vụ, cục… nói trên là "không khôn ngoan", là "hèn" như vậy, ngay như một vị có thời từng là "tư lệnh" một ngành quan trọng, vậy mà trước phiên tòa sắp được mở tại Hà Nội (trong đó vị này là bị cáo), trả lời phỏng vấn một tờ báo, vị này cho biết: "Mình chuẩn bị tinh thần ngồi tù ngay từ khi bị khởi tố. Mình nói với con mình, với vợ mình, với những người thân về điều đó. Mình cũng nói với tất cả mọi người là cả cuộc đời, mình không làm điều gì sai trái để phải xấu hổ với người thân, bạn bè và lương tâm".

Ô hay, ông cựu Bộ trưởng này nói vậy chẳng hóa ra ông bị oan 100%. Như vậy thì cơ quan điều tra đã mắc tội tày đình với ông - rắp mưu bỏ tù một con người cả cuộc đời đã "không làm điều gì sai trái để phải xấu hổ…". Lời "chối tội" có phần… lắt léo ấy đã khiến ngay nhà báo phỏng vấn ông cũng thấy không ổn, phải có lời bình bên lề, rằng việc đưa tiền cho nhân viên bỏ vào ngân hàng khác để hưởng chênh lệch lãi suất như thế là "đã đưa tài sản của ngân hàng vào chỗ rủi ro, đưa nhân viên vào chỗ có thể nguy hiểm và có thể phạm pháp, lại thử thách lòng tham của con người, là một điều tối kị trong kinh doanh…".

Ở đời, có những điều anh có thể cãi "lật cối đá", song sự thật vẫn là sự thật. Dân gian ta đã đúc kết điều này bằng một câu phương ngôn thật giản dị: "Không có lửa làm sao có khói"

Tường Duy
.
.