Nghệ sĩ và trách nhiệm công dân

Không có lợi ích nào cao hơn lợi ích của đất nước và nhân dân

Thứ Hai, 20/08/2012, 08:00
Phỏng vấn NSƯT Quang Hưng.

- Thưa NSƯT Quang Hưng, suốt những năm tháng tuổi trẻ của mình, ông hoạt động nghệ thuật để phục vụ đồng bào chiến sĩ ở nhiều chiến trường. Khi đó, ông nghĩ gì về trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ đối với đất nước?

+ Trách nhiệm công dân là điều đương nhiên của bất kỳ ai hoạt động trong bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào, đối với nhân dân, Tổ quốc. Mỗi chúng ta sinh ra trên đời không thể tự chọn cho mình cha mẹ hay thời cuộc. Và đó chính là số phận. Thời của chúng tôi là thời của bom đạn, chiến tranh. Thời Tổ quốc lâm nguy và số phận mỗi con người gắn chặt với số phận của dân tộc. Chúng tôi làm nghệ sĩ, mang lời ca tiếng hát của mình để phục vụ đồng bào, đồng chí ở bất cứ nơi nào có thể. Trên vai người nghệ sĩ chúng tôi cũng có súng như bất kỳ người lính nào khác. Chúng tôi đi hàng tháng trời, ròng rã hành quân từ cao điểm này đến chiến trường khác biểu diễn phục vụ các thương, bệnh binh, những người lính và đồng bào. Có lệnh đi đâu là chúng tôi đi đấy, không bao giờ ngại khó, ngại khổ, không than vãn, trách móc. Nhiều người nghệ sĩ đã hy sinh trên đường đi phục vụ chiến sĩ đồng bào, như bất cứ người lính đi chiến đấu nào khác. Đó là điều hết sức bình thường và chúng tôi hiểu chúng tôi đã làm tròn trách nhiệm của người công dân đối với đất nước.

- Không chỉ thời chiến, mà sau này, khi đất nước hòa bình, các nghệ sĩ thế hệ ông dù có tuổi, vẫn không quên nghĩa vụ đối với nhân dân. Tôi còn nhớ, cách đây 15 năm, khi ông đã ở tuổi gần 70, ông vẫn đi xuyên Việt để biểu diễn miễn phí cho đồng bào…

+ Câu hỏi của chị làm tôi nhớ lại chuyến đi ấy. Đó là dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Chúng tôi gồm một nhóm văn nghệ sĩ hầu hết đã ở tuổi nghỉ hưu, là nhạc sĩ Tôn Thất Chiêm, NSND Tường Vy, nghệ sĩ Kim Cúc, Tố Uyên, Hà Thủy, Thanh Vy… tổ chức một chuyến đi tình nguyện trong một tháng để biểu diễn phục vụ bộ đội và các anh chị em thương, bệnh binh, thăm các chiến trường xưa cũng như viếng các nghĩa trang liệt sĩ. Đoàn chúng tôi đi từ Bắc vào Nam trên một chiếc xe ôtô ọp ẹp, cũ nát, cứ gặp đường xấu lại phải xuống đẩy xe. Nhạc sĩ Phú Quang biết chúng tôi chuẩn bị chuyến đi này đã đến và chuyển cho tôi một bài hát anh vừa sáng tác mang tên "Khúc hát tên anh", phổ thơ của nhà thơ Chính Hữu. Chúng tôi đến Hà Bắc, biểu diễn phục vụ anh em thương, bệnh binh ở các trại điều dưỡng, rồi ngược lên nghĩa trang Điện Biên Phủ, hát trước những nấm mộ vô danh của người chiến sĩ, rồi biểu diễn phục vụ đồng bào, tướng lĩnh ở đây. Tiếp đó, chúng tôi đi về phía Nam, vượt qua Thanh Hóa, vào miền Trung gió lào cát trắng. Ở nghĩa trang Trường Sơn, chúng tôi dựng một sân khấu giữa hai quả đồi chiến sĩ vô danh, hát cho nhân dân và linh hồn những người lính vô danh nghe. Ấn tượng nhất là đêm diễn ở Đông Hà - Quảng Trị. Hàng ngàn thương bệnh binh mặc quần áo trắng, ngồi trên xe lăn, kín một quả đồi. Nhìn từ xa, chúng tôi tưởng như đó là một bầy chim trắng đang sắp sửa bay lên - một cảnh tượng đẹp mà suốt đời tôi không bao giờ có thể quên được…

- Sau những chuyến đi như vậy, cái được lớn nhất đối với người nghệ sĩ như ông là gì?

+ Chắc chắn không phải là tiền. Vì chúng tôi đi tình nguyện, không ai trả tiền cho chúng tôi cả. Những nghệ sĩ già chúng tôi quần áo lấm lem bụi đường, hát ở những sân khấu dựng tạm, và khán giả là những người mà chúng tôi biết chắc là họ yêu mình, họ đã từng nghe mình hát nhiều năm tháng trước đó ở chiến trường. Cái được lớn nhất đối với chúng tôi có lẽ là tình yêu thương, trân trọng, đùm bọc của nhân dân. Chúng tôi được gặp lại những hồi ức cũ, những kỷ niệm cũ, quay trở lại những nơi mà tuổi trẻ mình đã đặt chân đến. Và thấm thía nhiều hơn những giá trị của cuộc đời mình đang có. Các nghệ sĩ trẻ hôm nay có thể không cảm nhận hết được điều này đâu, rằng phải đến nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Điện Biên Phủ, chúng ta mới hiểu hết cái giá mà nhân dân và dân tộc mình đã trả, để có được hòa bình cho hôm nay. Khi thấm nhuần điều này, thì mỗi nghệ sĩ sẽ càng phục vụ tốt hơn cho đồng bào mình.

- Nhân nói về các nghệ sĩ trẻ, theo ông, họ đã làm tốt vai trò công dân của mình với nhân dân, đất nước, như thời của ông chưa?

+ Các bạn trẻ hôm nay được làm nghệ thuật trong hòa bình, có nhiều điều kiện để phát triển tài năng của mình, đó là một thuận lợi. Nhưng tôi chỉ xin nhắc các bạn một điều rằng, dù các bạn làm gì đi nữa, thì hãy luôn nhớ đến trách nhiệm của mình với nhân dân, Tổ quốc. Vì nhân dân là những người sinh ra mình, làm nên tên tuổi của mình. Tổ quốc cho mình không gian, cảm hứng để sáng tạo. Hãy xem lợi ích của đất nước, của nhân dân là cao nhất, đừng chạy theo cá nhân chủ nghĩa. Những nghệ sĩ chân chính phải nghĩ nhiều về cống hiến, chứ không phải nghĩ nhiều về chiêu trò để kiếm tiền.

- Ông bình luận gì về việc hai nghệ sĩ nổi tiếng của dòng nhạc đỏ là Trọng Tấn, Anh Thơ có thể sẽ phải chịu mức phạt cấm biểu diễn trong một thời gian vì đã tự ý bỏ về trong chương trình nghệ thuật chào mừng Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt - Lào vừa qua?

+ Tôi nghĩ đây là một bài học sâu sắc cho những nghệ sĩ trẻ. Họ cần phải ý thức cao hơn về trách nhiệm của mình trong các hoạt động lớn phục vụ lợi ích của đất nước. Tự ý bỏ về trong một chương trình mang tính ngoại giao quan trọng như vậy là không chấp nhận được.

- Là người nghệ sĩ đã có hơn nửa thế kỷ phục vụ quân đội, nhân dân, nếu cần phải nhắn nhủ với các nghệ sĩ trẻ về tinh thần trách nhiệm công dân của họ với đất nước hôm nay, ông sẽ nói điều gì?

+ Chúng ta đang có rất nhiều nghệ sĩ trẻ đáng yêu và tài năng. Họ được học hành chu đáo, bài bản, được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa tiên tiến trên thế giới. Một mặt nào đó họ hoàn hảo hơn thời của chúng tôi. Nhưng có một điều đáng buồn là ý thức xã hội của họ lại chưa cao. Có thể vì họ được công chúng yêu chiều quá, xã hội ve vuốt quá, nên họ trở nên ích kỷ và xa lạ với quần chúng. Có thể trong nhà trường và ở gia đình, họ không được dạy kỹ về điều này. Tôi khuyên các nghệ sĩ trẻ, nếu bạn muốn được tỏa sáng lâu bền trong lòng công chúng, thì đừng bao giờ lãng quên trách nhiệm công dân của mình. Hãy sẵn sàng đi đến những nơi gian khổ phục vụ đồng bào, thay vì nghĩ quá nhiều đến lợi ích cá nhân. Lịch sử đã cho thấy, những người nghệ sĩ đã dốc lòng phục vụ nhân dân, Tổ quốc, họ sẽ luôn được nhớ đến, và hình ảnh của họ luôn đẹp lung linh, cho dù họ đã già, hay thậm chí không còn trên cuộc đời này nữa.

- Xin cảm ơn NSƯT Quang Hưng…

Hội Quân (thực hiện)
.
.