Cuộc thi nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc:

Không chỉ là chuyện huy chương

Thứ Năm, 20/08/2015, 08:17
Là một trong những hoạt động nghệ thuật lớn trong năm 2015, Đợt 2 cuộc thi nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc sẽ diễn ra vào đầu tháng 9 tới tại thành phố Vũng Tàu.

Với thời gian 3 năm một lần, hoạt động văn hóa này không chỉ là cơ hội gặp gỡ, giao lưu giữa các nghệ sĩ, mà còn là hoạt động nhằm đánh giá chất lượng nghệ thuật, hiệu quả hoạt động của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp công lập trong 3 năm qua. Thế nhưng, dẫu xác định mục tiêu “vui là chính” thì vẫn còn nhiều băn khoăn, mong muốn từ hoạt động văn hóa này.

1.Theo con số thống kê, hiện nay cả nước có 130 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp công lập. Cuộc thi nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc sẽ là hoạt động nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động của các đoàn này với mục đích, ý nghĩa, tính chuyên nghiệp và khả năng thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền… trong thời gian qua. Đồng thời, cuộc thi cũng nhằm định hướng phát triển cho các đơn vị trong những năm tiếp theo, rút ra các bài học về quản lý, chỉ đạo nghệ thuật, sáng tạo, tìm giải pháp và phương thức hoạt động phù hợp, hiệu quả trong giai đoạn mới, tôn vinh các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong lao động nghệ thuật…

Hơn thế, qua cuộc thi, ít nhiều các nhà quản lý nhà nước, các nhà chuyên môn cũng có thể đánh giá, nhìn nhận một cách tổng quan bản sắc của từng đơn vị nghệ thuật, bản sắc vùng miền của các địa phương, hiểu rõ chất lượng nghệ thuật của các đoàn trong những năm vừa qua.

Theo đó, diễn ra từ ngày 21 đến ngày 27/5 tại Thái Nguyên, cuộc thi nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015 đã đi được nửa chặng đường và sẽ tiếp tục chặng cuối cùng vào những ngày đầu tháng 9 tại thành phố Vũng Tàu. Hiện nay, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được đăng ký của 21 đoàn nghệ thuật. Mỗi đoàn tham gia một chương trình với thời lượng từ 60 đến 80 phút. Chương trình dự thi bao gồm các tiết mục thanh, khí nhạc và nghệ thuật múa.

Để chất lượng nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật địa phương, đặc biệt các tỉnh vùng sâu, vùng xa tiến kịp các đoàn Trung ương, cần nhiều biện pháp đồng bộ.

Không thể phủ nhận, chặng đường đầu tiên của cuộc thi đã mang đến những chương trình nghệ thuật đa dạng và đậm đà bản sắc vùng miền. Nếu như Đoàn nghệ thuật Thái Nguyên là "Sắc hồng nơi gió ngàn" vừa mang tính hiện đại, trẻ trung nhưng vẫn giữ được nét riêng của mảnh đất giàu truyền thống lịch sử này thì Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Nghệ An lại phát huy “đặc sản” vùng miền là những làn điệu dân ca ví, giặm không lẫn vào đâu được.

Đoàn nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình lại đậm đặc truyền thống của đất Mường với những bản hòa tấu, những lời ca điệu múa mang âm hưởng vùng núi rừng Tây Bắc. Những tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ lại tha thiết, gần gũi với những tiết mục mang hơi thở của giai điệu chèo, quan họ mộc mạc, duyên dáng…

Tuy nhiên, cũng tại những cuộc thi như thế này đã bộc lộ sự chênh lệch không nhỏ giữa các đơn vị nghệ thuật. Những tiết mục hoành tráng, công phu hầu hết thuộc về các đơn vị ở Trung ương và các thành phố lớn. Đơn cử như tại cuộc thi chặng I lần này, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã mang đến "chương trình bom tấn" với vở nhạc kịch opera "Cô Sao".

Ra đời năm 1965, "Cô Sao" của tác giả Đỗ Nhuận có thể coi là vở nhạc kịch opera đầu tiên của lịch sử ca múa nhạc Việt Nam với nhiều lần dàn dựng. Lần này, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã mang "Cô Sao" đến Thái Nguyên cùng với sự xuất hiện của gần 200 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công. Dù không gian biểu diễn chưa đạt chuẩn như tại Nhà hát Lớn Hà Nội nhưng vở nhạc kịch đã gây được một ấn tượng mạnh với khán giả và Ban giám khảo. Nhà hát Tuổi trẻ - đơn vị nổi tiếng năng động và nhạy bén của Thủ đô Hà Nội với "Tình ngàn xanh" cũng đã chinh phục khán giả bằng sự trẻ trung, mang hơi thở của thị trường ca nhạc hiện đại.

Với sự đầu tư được cho là lớn nhất từ trước đến nay, Nhà hát Tuổi trẻ hướng người xem nâng cao ý thức trong việc bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường, trái đất… Những đơn vị nghệ thuật mang đặc trưng ngành nghề như Đoàn văn công Bộ đội Biên phòng, Đoàn Văn công Quân khu I hay Đoàn ca múa Công an nhân dân luôn là những đơn vị có các chương trình nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp, được đầu tư công phu, kỹ lưỡng. Ngay từ tiết mục mở đầu, "Tổ quốc - Biên cương - Người chiến sĩ" do cố nhạc sĩ An Thuyên sáng tác cũng đã khiến khán giả hứng thú với màn hợp xướng gần 60 người…

2. Lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định, xét về mặt chất lượng nghệ thuật, so với những mùa thi trước, các tiết mục của các đoàn địa phương đã có những tiến bộ trong cách dàn dựng, biểu diễn chuyên nghiệp cho đến sự đầu tư về trang phục. Bước đầu, các đoàn đã thổi được những hơi thở mới, trẻ trung, hiện đại, xóa phần nào định kiến trước đây về những đoàn nghệ thuật tỉnh lẻ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng trong thời kỳ mới. Những cuộc thi như thế này không chỉ tạo điều kiện nâng cao tài năng, tích lũy huy chương cho các nghệ sĩ, mà còn là dịp để các nghệ sĩ biết được mặt bằng chung của mỗi đơn vị đang đứng ở đâu trên bản đồ nghệ thuật để đánh giá chất lượng…Tuy nhiên, với lợi thế về mặt điều kiện tài chính, nhân lực, các đơn vị Trung ương và các thành phố lớn vẫn đang tạo một sự khác biệt khá lớn với những đoàn địa phương, nhất là ở những tiết mục cần sự đầu tư công phu, hoành tráng.

Theo chia sẻ của một số nghệ sĩ, với quy định tổ chức 3 năm/lần, áp dụng từ năm 2009 trở lại đây cũng ít nhiều gây khó khăn cho các đoàn nghệ thuật, nhất là các đoàn địa phương. Mỗi chương trình dàn dựng và đưa đi biểu diễn, mỗi đơn vị thường phải đầu tư từ 600-700 triệu đồng, có đoàn lên tới cả tỉ đồng. Đó là một con số không nhỏ so với những đoàn địa phương.

Hiện nay, chỉ một số đơn vị nghệ thuật Trung ương ngoài tiền ngân sách nhà nước có thu nhập từ những hoạt động kinh doanh. Còn điều này gần như là bất khả thi với các đoàn địa phương. Chính vì thế, nếu không được đầu tư thích đáng, các đơn vị này sẽ lao vào kiếm sống, bỏ rơi nhiệm vụ chính là đầu tư các tác phẩm đỉnh cao và phục vụ chính trị.

Không giữ được bản sắc riêng, các đoàn này còn đứng trước nguy cơ nghiệp dư hóa, trở thành các đoàn văn công với những chương trình biểu diễn thuần túy mang tính giải trí. Tình trạng "lấy ngắn nuôi dài" đang diễn ra ở khá nhiều đoàn nghệ thuật địa phương. Đứng trước sự lựa chọn được và mất, tồn tại hay không nhiều đoàn đã phải xây dựng những chương trình tạp kỹ để biểu diễn sự kiện. Đặc biệt, những đoàn ở vùng sâu, vùng xa như Sơn La, Bắc Kạn, Quảng Ngãi… còn khó khăn hơn nhiều. Họ đứng trước muôn vàn thách thức từ đội ngũ tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, biên đạo múa còn rất thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ biểu diễn hỏng hóc, xuống cấp, kinh phí xây dựng chương trình rất hạn chế.

Thực tế hiện nay, mỗi năm, ngoài thực hiện một số chương trình lớn để đi thi hay phục vụ những hoạt động chính trị thì hoạt động của các đoàn địa phương thực sự kém sôi động. Phần lớn lãnh đạo các đoàn cũng tạo điều kiện thoải mái thời gian để các nghệ sĩ làm thêm, tăng thêm thu nhập. Bởi nếu chỉ trông chờ vào đồng lương nhà nước thì khó có thể trang trải cho cuộc sống hiện nay.

Một khó khăn lớn nhất hiện nay tồn tại ở các đoàn nghệ thuật địa phương vẫn là vấn đề nhân lực. Có không ít những tài năng xuất hiện tại các cuộc thi nhưng để chào mời họ về đoàn là không hề đơn giản. Thậm chí, nhiều tài năng ở địa phương cũng thường có xu hướng "bơi về biển lớn". Chế độ đãi ngộ thấp, điều kiện làm việc khó khăn nên thu hút nhân tài với các đoàn địa phương được ví như nhiệm vụ bất khả thi.

"Giọng hát thực sự xuất sắc không có, lại ít có cơ hội cọ xát, rèn giũa nên ít có tác phẩm đỉnh cao cũng là điều dễ hiểu" là chia sẻ chung của nhiều lãnh đạo đoàn. Thế nên, thay vì chỉ tạo cơ hội để trao tặng huy chương cho các tiết mục, các nghệ sĩ, các đơn vị chức năng cần có ngay những biện pháp phù hợp để nâng cao chất lượng nghệ thuật, cũng như bồi dưỡng nhân lực cho các đoàn ngay từ gốc rễ.

Khánh Thảo
.
.