"Khó" cho người đương nhiệm

Thứ Ba, 11/03/2008, 10:15
Nhà văn Nguyễn Khải - trong bài trả lời phỏng vấn nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải ít tháng trước khi mất - đã dùng hai chữ "mất dạy" để nhận xét về cách nói "hạ cánh an toàn". Với ông, dù "hạ cánh" thế nào thì vẫn phải có trách nhiệm với cuộc sống và vẫn còn tiếp tục chịu trách nhiệm trước cuộc sống.

Báo ANTG Giữa tháng số 2 (2008) có in bài trả lời phỏng vấn của nhà báo Hữu Thọ. Trong những điều nhà báo dày dạn trường đời và lão luyện tay nghề này tâm sự, tôi đặc biệt tâm đắc với ý kiến của ông về cách hành xử với những người đương nhiệm của các cán bộ đã nghỉ hưu.

Theo ông, trong thực tế có nhiều đồng chí lãnh đạo rất tôn trọng thế hệ tiền bối, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, xin ý kiến của họ, song mặt khác, những cán bộ đã nghỉ hưu "cũng phải thông cảm với những người đương chức: người ta còn có tập thể của người ta, có bộ máy của người ta, có những nhiệm vụ cụ thể của người ta" và "cũng nên hiểu rằng không phải ý kiến nào của mình cũng đúng...".

Cổ nhân từng nói "Điều gì mình không thích thì đừng bắt người khác làm". Trong thực tế, tuy không phổ biến, song đây đó cũng đã xảy ra một số trường hợp cán bộ khi còn đương chức, có những việc không bao giờ họ phê duyệt, nhưng khi rời nhiệm sở, cầm tấm sổ hưu, họ trở nên thoải mái, "thoáng tính" lạ thường, có thể sẵn sàng yêu cầu người kế nhiệm giúp việc này việc khác mà họ thừa biết là không đúng thủ tục.

Việc không vừa ý họ, họ sẵn sàng bỉ bai, phàn nàn là "máy móc", là "không năng động". Thậm chí, có nhà văn khi còn đương chức đã có những phản ứng gay gắt trước việc một tờ báo đã cho đăng một truyện ngắn mà ông cho là mang biểu tượng hai mặt và có nội dung nói xấu lãnh tụ.

Ấy thế mà, chỉ vài năm sau khi nghỉ hưu, tại một Hội nghị dành cho những người viết văn trẻ, ông đã hết lời tung hô một tác giả nữ là "dũng cảm" khi cô này tung ra thị trường một tập truyện có nội dung xúc phạm nặng nề tới truyền thống đánh giặc của lớp cha anh. Nhiều bạn đồng lứa chứng kiến hành động "cởi mở đột xuất" này của ông đã phải ngạc nhiên và cho rằng đấy là "cú hích" của một người muốn gây chú ý trong công luận sau khi đã im hơi lặng tiếng mấy năm vì… nghỉ hưu.

Tôi có một anh bạn hiện đang công tác tại một đơn vị xuất bản. Anh kể, cơ quan anh có một ông nguyên là Phó giám đốc phụ trách sản xuất. Ông vốn không phải là người viết và thời ông còn tại vị, ông rất ghét việc phải ký in những cuốn sách dày. Thế rồi một ngày, có lẽ do buồn chán cảnh ngồi không, ông xoay sang viết hồi ký, kể lại những chuyện xảy ra đối với gia đình ông trong mấy mươi năm qua.

Bản thảo dày tới cả ngàn trang. Lãnh đạo NXB muốn in cho ông một cuốn gọi là "kỷ niệm", nhưng sợ ảnh hưởng tới kinh tế cơ quan nên đề nghị rút lại còn hai trăm trang. Anh bạn tôi thay mặt đơn vị đề xuất phương án cắt và sửa chữa. Thoạt đầu, ông ngồi nghe chăm chú, vẻ rất cầu thị. Xong buổi làm việc, ông bắt tay rất chặt biên tập viên rồi đạp xe ra về.

Những tưởng ông ưng thuận, nào ngờ trưa ấy ông không về nhà mà đạp xe tới thẳng cơ quan Bộ, tìm gặp bằng được Bộ trưởng (nghe đâu với ông là bậc con cháu trong họ), hết lời mắng nhiếc lãnh đạo đơn vị xuất bản nọ là "ăn cháo đá bát" và yêu cầu phải in trọn bộ sách dày hơn ngàn trang về gia đình ông. Và khi in "không được sửa chữa, cắt xén một chữ, một câu".

Ở một hội nghệ thuật trước đây cũng từng xảy trường hợp: một lão nghệ sĩ có lẽ do nghỉ hưu đã lâu, nên khi có dịp được mời tham gia hội nghị này, hội thảo nọ là lại tranh thủ đăng đàn diễn thuyết. Và vì trước đây ít nhiều cũng có chức sắc nên khi phát biểu, ông thường có ý hướng răn dạy, mặc dù người nghe ai cũng biết từ lâu ông đã xa rời đời sống văn nghệ.

Một đặc điểm là khi nói, ông "xả" tới cả tiếng đồng hồ, khiến cho chương trình nhiều phen lỡ kế hoạch. Vậy mà khi Ban Tổ chức tìm cách nhắc nhẹ, thì ông lại "dỗi", cho rằng anh em như vậy là có ý "phân biệt đối xử" với những người đã trở thành "thảo dân".

Một trường hợp khác: Tại một hội văn nghệ địa phương, tôi đã nghe anh em than phiền rằng, có lão nghệ sĩ từng giữ vị trí Chủ tịch Hội, nhưng vì xem mình là "của hiếm" của địa phương nên mặc dù đã nghỉ hưu, cụ vẫn sử dụng phương tiện đi lại của Hội một cách… vô tư.

Thậm chí, không ít lần cụ yêu cầu lái xe đưa cụ đi đây đó thăm thú bạn bè, người thân, trong khi lãnh đạo tiền nhiệm của Hội đang cần đi công tác. Sợ cụ giận, cụ dỗi, anh em phải thuê xe ngoài cho lãnh đạo, còn thì để cụ dùng chiếc xe mà cụ nói là "đã gắn bó, quen thuộc với cụ từ nhiều năm nay".

Nhà văn Nguyễn Khải - trong bài trả lời phỏng vấn nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải ít tháng trước khi mất - đã dùng hai chữ "mất dạy" để nhận xét về cách nói "hạ cánh an toàn". Với ông, dù "hạ cánh" thế nào thì vẫn phải có trách nhiệm với cuộc sống và vẫn còn tiếp tục chịu trách nhiệm trước cuộc sống.

Theo tôi điều này hoàn toàn chính xác và thiết nghĩ, một trong những trách nhiệm đó là tạo điều kiện tốt nhất cho người kế nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình

Tường Duy
.
.