Khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe

Thứ Năm, 22/04/2021, 10:25
Ngày 15/4, tại Phiên họp Chính phủ đầu tiên sau khi Quốc hội kiện toàn nhân sự, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Từng thành viên Chính phủ phải gương mẫu, thực sự khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, nhất là các ý kiến phản biện".


Đây vừa là lời nhắc nhở, vừa là lời cảnh báo của Thủ tướng gửi tới những cán bộ lãnh đạo địa phương, những “trưởng ngành” trong quá trình lãnh đạo, điều hành phải biết lắng nghe dân chúng một cách chân thành và nghiêm túc, "là vì tai mắt của dân nhiều, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy… Họ biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà người tài giỏi, những tập thể có trí tuệ chụm đầu nghĩ mãi không ra". 

Bác Hồ thăm hỏi, động viên các nữ công nhân nhà máy dệt. Ảnh: Mai Nam.

Từ nhận thức đó, đại thi hào của nước Pháp Victor Hugo khuyến cáo: "Hãy nhìn qua dân chúng, bạn sẽ tìm thấy chân lý".

Thực hiện điều này không dễ! Bởi lẽ, người có quyền lực trong tay thường hay nảy sinh một thói quen khó khắc phục là chỉ muốn nghe những lời hay, ý đẹp, không muốn nghe những lời trái ý mình. Biểu hiện dễ thấy của thói quen xấu này là rao giảng, soi đường chỉ lối, chứ không quen lắng nghe, đối thoại và tiếp nhận thông tin từ những người xung quanh. Từ đó dẫn đến quan liêu, vô cảm trước những tâm tư, nguyện vọng, đòi hỏi chính đáng của cấp dưới và của nhân dân, dẫn đến xa dân, trở thành những ông "quan cách mạng" như Bác Hồ từng cảnh báo.

"Ai không đồng ý với ta tức là chống lại ta". Logic này dẫn đến một biến thái của sự thỏa hiệp với cái xấu, cái tiêu cực theo lối ứng xử "mi không động đến ta, thì ta không động đến mi; mi động đến ta, thì ta phải động đến mi". Vậy thì phát biểu trái chiều sẽ chẳng bao giờ được lợi lộc gì cả… Im lặng cho nó lành. 

Điều này đã tạo ra một sự "đồng thuận và đoàn kết" giả tạo, vô nguyên tắc, nhân danh sự đoàn kết và ổn định để lấp liếm sai trái. Đó là một thói quen của quyền lực, xa lạ với bản chất của Đảng là gắn bó máu thịt với dân, lắng nghe cho được tiếng nói thật từ cuộc sống để thực hiện sứ mệnh tiên phong là đi trước dẫn đường.

Không có những ý kiến nhiều chiều, không có phản biện xã hội thì sao gọi được là dân chủ. Không có dân chủ thì làm sao có được đại đoàn kết dân tộc. Phải thực sự dân chủ mới có đồng thuận xã hội, tạo ra được sự đồng thuận xã hội mới có được đại đoàn kết dân tộc. 

Như Bác Hồ từng nhắc nhở: Lắng nghe một cách chân thành và nghiêm túc tiếng nói từ bên dưới, mới có thể nhận được những thông tin phản hồi chính xác để điều chỉnh và sửa sai nhằm hoàn thiện chủ trương, đường lối, chương trình, kế hoạch.

Tuy nhiên, một số vấn đề nóng bỏng, bức xúc được các chuyên gia, các nhà khoa học chân chính đề cập dường như bị "bỏ ngỏ", không phải vì ý kiến đó không được lắng nghe mà có thể do nhóm lợi ích nào đó đã ngăn cản, khiến nó không thể đến được với người ra quyết định. 

Bên cạnh đó, một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa chú trọng việc xử lý, phản hồi đối với ý kiến phản biện, khiến người dân có suy nghĩ "nói cũng vậy, không nói cũng vậy", dẫn đến thiếu tin tưởng vào đội ngũ cán bộ, công chức cũng như các cơ quan công quyền. Từ đó họ chuyển hình thức phản ánh, bộc lộ tâm tư, suy nghĩ lên các trang mạng xã hội, khiến vụ việc càng khó nắm bắt và phức tạp hơn. 

Trong một chừng mực nào đó, vấn đề cụ thể nào đó, nếu những người cán bộ lãnh đạo thấy những vấn đề nóng bỏng của đất nước, những nguy hại đến văn hóa, xã hội, an ninh quốc gia, cộng đồng… mà phớt lờ, làm ngơ trước những đòi hỏi bức thiết từ cuộc sống, của người dân, tức là đã gián tiếp tiếp tay cho cái xấu, cái ác.

Sự mở cửa giao lưu với thế giới bên ngoài, sự hội nhập ngày càng sâu của nền kinh tế không cho phép chúng ta bảo thủ. Thực tế đang cho thấy, không ít chủ trương, chính sách của cơ quan công quyền khi ra đời hoặc đem ra bàn thảo gặp những ý kiến phản biện trái chiều của tầng lớp trí thức, của người dân. Bởi vậy, chúng ta cần phải mở rộng, xây dựng nền văn hoá thảo luận đối với thông tin trái chiều, ý kiến phản biện.

Tiếng nói của các tầng lớp nhân dân, của xã hội phải luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm ghi nhận, đây là nguồn thông tin có vai trò rất quan trọng đối với việc quyết định công tác lãnh đạo, quản lý xã hội. Xã hội càng phát triển thì nhân tố "lòng dân" càng quan trọng. Chính vì thế, đối với những ý kiến đóng góp, phản ánh đúng, chân thành, mang tinh thần xây dựng, vì lợi ích chính đáng của người dân hoặc của quốc gia, dân tộc thì cần phải được tiếp thu, kịp thời giải quyết, đáp ứng các đòi hỏi, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua, chúng ta tin tưởng rằng, nếu như người đứng đầu các địa phương, các Bộ trưởng, “trưởng ngành” tạo ra những thay đổi từ sự "khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe" thì sẽ có nhiều chuyển động mạnh mẽ, tích cực trong bộ máy nhà nước. 

Nói một cách đơn giản thì cán bộ phải làm sao thực hiện cho được "nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin", để mỗi cán bộ ngày càng thể hiện tốt hơn vai trò là công bộc của dân, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước càng tốt hơn và bộ máy công quyền hoạt động ngày càng hiệu lực và hiệu quả hơn.

Cù Tất Dũng
.
.