Khi truyền thông... vọng ngoại (hay là chuyện lệch chuẩn trong giao lưu hội nhập văn hoá)

Thứ Tư, 19/06/2013, 09:00
Có rất nhiều kênh để các sản phẩm văn hóa của dân tộc này hội nhập vào văn hóa các dân tộc khác, trong đó có truyền thông. Có thể nói, truyền thông chính là mạch chủ đạo để văn hóa thế giới xâm nhập vào Việt Nam, và ngược lại. Sự phát triển như vũ bão của công nghệ cho phép chúng ta tiếp cận những giá trị mới của nhân loại gần như ngay tức thì. Nhưng thật tiếc là không phải cái mới, cái lạ nào cũng là cái hay... Trong rất nhiều "rác rưởi" văn hóa hiện nay, có nguyên nhân từ sự lệch chuẩn trong tiếp cận, truyền bá thông tin của giới truyền thông. Cùng với đó là tâm lý vọng ngoại, sính ngoại vốn là tâm lý của phần đông người Việt mình...

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa tổ chức một hội thảo khoa học có tên gọi: "Ảnh hưởng của xu thế văn hóa thế giới trong hoạch định chính sách và quản lý văn hóa", nhằm đánh giá lại thành tựu 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương V khóa VIII về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". 15 năm mở ra thời kỳ hội nhập, người dân đã được hưởng nhiều lợi ích của giao lưu văn hóa. Rất nhiều sản phẩm văn hóa từ truyền thống tới đương đại của nhiều quốc gia, dân tộc đã xâm nhập vào Việt Nam, làm giàu có, phong phú đời sống tinh thần của nhân dân. Sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống truyền thông như báo điện tử, báo in, truyền hình… mang tới một lợi thế nổi bật, là công chúng có thể cập nhật sớm nhất những thông tin văn hóa trên toàn thế giới, đặc biệt các nền văn hóa lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật…

Tính đến thời điểm hiện nay, cả nước có tới 1.084 ấn phẩm báo in, 74 trang báo điện tử, 67 kênh truyền hình từ trung ương tới địa phương… Những con số đó cho thấy, lượng thông tin mỗi ngày mà truyền thông cung cấp cho công chúng vô cùng lớn. Sức lan tỏa mạnh mẽ của thông tin cũng vô cùng lớn. Xét về mặt ảnh hưởng văn hóa, nó sẽ là tích cực khi những người làm truyền thông biết chọn lọc các giá trị văn hóa đặc sắc, bổ ích, cần thiết cho người dân. Nhưng nó cũng lại là tiêu cực nếu việc truyền bá thông tin văn hóa tùy tiện, tràn lan, lệch chuẩn, thiếu định hướng…

Trong khi việc "xuất khẩu" văn hóa Việt ra nước ngoài chưa thu được kết quả mong muốn, thì việc "nhập khẩu" văn hóa đang làm nhức đầu các nhà quản lý văn hóa, vì sự ồ ạt và vô tổ chức của nó. Mỗi ngày ngồi trước tivi với chiếc remote, bấm từ kênh này sang kênh kia, bạn thấy nhan nhản phim ảnh, chương trình ca nhạc của Mỹ, của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Phim Việt thì ít về số lượng, đôi khi lại không được ưu tiên phát sóng giờ vàng nên càng lép vế. Các game show trên truyền hình phần lớn có fomat của nước ngoài, gần như không có các chương trình "made in Việt Nam". Và vì nhiều lý do mà sự "Việt hóa" của nó cũng không có nốt. Nên dù người chơi có là người Việt, thì ứng xử vẫn là theo kiểu… Tây.

Quang cảnh buổi hội thảo "Ảnh hưởng của xu thế văn hóa thế giới trong hoạch định chính sách và quản lý văn hóa" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 28/5/2013.

Trên các ấn phẩm báo chí, từ báo điện tử đến báo in, xu hướng cạnh tranh thông tin, lôi kéo, tranh giành bạn đọc để tồn tại đã khiến cho rất nhiều người làm truyền thông ngày càng xa rời mục đích, tôn chỉ của mình… Truyền thông Việt đang trở nên… quá đà khi mải mốt đuổi theo những thông tin văn hóa giật gân câu khách. Chẳng hạn, một ca sĩ Hàn Quốc đến Việt Nam, là ngay lập tức những thông tin này được phủ đầy trên báo chí, cập nhật liên tục từng giờ từng phút trên các trang mạng. Điều đáng nói, đó không chỉ là những thông tin về cuộc đời, sự nghiệp của nhân vật, mà chủ yếu là những thông tin hậu trường. Cảnh giới trẻ Việt Nam đội mưa, giăng cờ, biểu ngữ đợi thần tượng ở sân bay. Cảnh các bạn trẻ cuồng thần tượng đến mức hôn ghế mà thần tượng vừa ngồi… đã khiến không ít người ái ngại về văn hóa, thẩm mỹ của con em mình. Hay mới đây nhất, nữ diễn viên chuyên đóng phim cấp 3 của Nhật Maria Ozawa đến Việt Nam theo lời mời của một công ty game trong nước, mà báo chí đưa tin rầm rộ như là một sự kiện văn hóa quan trọng. Một số báo giải trí, đặc biệt là báo mạng, giật ảnh cô này lên trang nhất nhằm câu khách, rất phản cảm. Rồi câu chuyện người không tay không chân Nick Vujicic đến Việt Nam cũng ồn ào không kém. Rất nhiều tiền đã được nhà tổ chức chi hầu bao để mời được Nick tới Việt Nam diễn thuyết. Trước đó hàng tháng trời, thông tin về Nick đã tràn ngập trên các phương tiện truyền thông. Trong khi đó, không ít người cảm thấy cay mắt, khi mà có hàng triệu người khuyết tật Việt Nam đang âm thầm nỗ lực vượt qua khó khăn của số phận để sống và cống hiến cho cuộc đời, thì lại rất ít khi được truyền thông ngó ngàng, động viên. Sự  kiện em Nguyễn Văn Nam, học sinh trường PTTH Đô Lương - Nghệ An đã hy sinh thân mình để cứu 5 em nhỏ khỏi chết đuối ngày 30/4 vừa qua, có được truyền thông phản ánh, nhưng mức độ vẫn chưa đủ để có thể dấy lên một phong trào thi đua trong giới trẻ. Truyền thông chưa xây dựng hình ảnh em Nguyễn Văn Nam thành một thần tượng của giới trẻ học đường Việt Nam, như cách mà truyền thông đã làm với nhiều ngôi sao giải trí quốc tế. Phải chăng, đang có một tâm lý vọng ngoại, sính ngoại rất đáng lo ngại trong giới truyền thông Việt?

Từ không ít những câu chuyện như vậy, có thể nói không quá, rằng trong những năm qua, truyền thông là một trong những nguyên nhân không nhỏ biến một bộ phận giới trẻ Việt bỏ qua, quay lưng với các giá trị văn hóa truyền thống, chạy theo sự phù phiếm, lai căng...Nói về tác động tiêu cực của truyền thông lá cải trong hội nhập văn hóa, nhà văn, nhà báo Nguyễn Hồng Thái, Phó Tổng biên tập Báo Công an Nhân dân nhận định: "Với xu hướng đưa tin, bài với mật độ dày đặc về một số ca sĩ, diễn viên điện ảnh, biểu diễn thời trang… cổ súy lối sống, sinh hoạt không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam đã vô tình hoặc hữu ý tạo "thần tượng" xa lạ với giới trẻ. Điều này trái với chủ trương xây dựng lối sống, nhân cách giới trẻ Việt, làm nhạt nhòa nhiều gương người tốt việc tốt…"

Hội nhập nhưng không hòa tan là chủ trương chính sách văn hóa đúng đắn của Đảng và Nhà nước, của ngành văn hóa. Nghĩa là những tiếp thu văn hóa từ nước ngoài cần phải được chọn lọc, có tính toán, không được tự nhiên chủ nghĩa. Một nền văn hóa truyền thống lâu đời luôn cần được tiếp thu, bồi bổ, làm phong phú hơn bởi các tinh hoa văn hóa nhân loại. Song rất tiếc là các nhà quản lý văn hóa, trong 15 năm qua, đã thiếu các giải pháp đồng bộ, cần thiết để ngăn chặn những luồng văn hóa độc hại, những bãi "rác thải văn hóa" thế giới, vì một nền văn hóa Việt tiên tiến nhưng thanh sạch và vẫn "đậm đà bản sắc". Chúng ta đang phải trả giá cho những hệ lụy không đáng có từ việc "nhập khẩu" văn hóa bừa bãi, thiếu cân nhắc, tính toán. Không ít vẻ đẹp văn hóa lâu đời của người Việt, đã từng là niềm tự hào của cha ông ta trong 4.000 năm dựng nước và giữ nước, nay phôi phai trong tình cảm của giới trẻ. Truyền thông, nhiều khi để tồn tại trong thế giới cạnh tranh, đã quên mất đi một vai trò tối quan trọng của mình, là truyền bá những giá trị thuần Việt cho công chúng cả trong nước và quốc tế. Thực tế này đã khiến cho ngay cả những nhà làm truyền thông quốc tế, khi muốn lựa chọn các giá trị Việt để đưa ra thế giới quảng bá, họ cũng bối rối không biết lựa chọn cái gì, trong mớ "tả pí lù" thông tin mà truyền thông trong nước đang "tiêu thụ" mỗi ngày…

Đi tìm giải pháp cho câu chuyện truyền thông vọng ngoại có tác động tiêu cực đến quá trình hội nhập văn hóa của đất nước, phải bắt đầu từ vai trò của các nhà quản lý văn hóa. Một khi các nhà quản lý văn hóa còn thơ ơ, chưa quyết liệt đến cùng vì một nền văn hóa Việt sạch, chuẩn mực, thì nghĩa là "rác rưởi" vẫn được tuồn vào trong nước mỗi ngày, qua các kênh truyền thông. Cùng với đó là những chính sách hợp lý để nâng tầm ảnh hưởng của các giá trị văn hóa trong nước ra với thế giới, cũng như du nhập văn hóa thế giới vào trong nước. Chính sách giống như một cái "sàng",  chọn lựa những gì cần thiết nhất cho công tác xuất - nhập khẩu văn hóa, tránh sự tùy tiện, vô tổ chức. Vì văn hóa chính là gương mặt của mỗi quốc gia, dân tộc.

Bên cạnh các chính sách, chế tài, sự bắt tay mật thiết của những người làm truyền thông và các nhà quản lý văn hóa càng trở nên quan trọng hơn nữa, nhằm hạn chế bớt những những luồng văn hóa độc hại đang có xu hướng làm nhiễu loạn đời sống, ảnh hưởng hàng ngày hàng giờ đến các quy chuẩn đạo đức, ứng xủ của nhân dân, đặc biệt là giới trẻ…

H.Q.
.
.