Khi toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc

Thứ Năm, 24/05/2018, 08:37
Sự kiện nhóm "hiệp sĩ đường phố" ở TP Hồ Chí Minh dũng cảm truy đuổi tội phạm đến cùng, chấp nhận thương vong đã để lại trong lòng người dân cả nước những hình ảnh đẹp, rất đáng trân trọng. Tuy nhiên cũng nhiều ý kiến cho rằng liệu có nên khuyến khích người dân chủ động bắt trộm, cướp và tính pháp lý, hiệu quả và hậu quả của việc đó ra sao?


Trong xã hội Việt Nam ngày nay, nhiều người dân đang ngày càng trở nên vô cảm, thờ ơ trước đau khổ của đồng loại. Chúng ta rất hiếm thấy có người tốt đến mức bỏ công việc, bỏ tiền để cứu giúp nạn nhân không quen biết dọc đường.

Thế nên, nạn nhân cứ nằm im chịu chết trước việc mọi người đi qua, hoặc dừng lại chụp ảnh, quay video đưa lên mạng… và chỉ thế. Người ta sẵn sàng giữ chặt cái túi của mình, im lặng tránh xa tên móc túi trên ôtô. Bởi nói ra, không được gì, lại phải chịu hậu quả là bị bọn trộm cắp trả thù và khi đó, chắc gì đã có ai dám lên tiếng bênh vực.

Đã có nhiều người tố giác, tham gia vây bắt tội phạm bị chúng chống trả gây thương tật, có người bị chúng đe dọa trả thù. Những vụ việc này đã làm nhụt chí của những người chính trực trước các hành vi sai trái, đồng thời vô hình trung tạo nên "chỗ ẩn nấp" cho lương tâm người tốt đỡ cắn rứt khi buộc phải ngậm miệng trước những việc làm xấu xa.

Người thân hiệp sĩ Nam đón nhận bằng khen của UBND tỉnh Đồng Nai.

Trước hết, cần nói rằng việc người dân tham gia hỗ trợ việc bảo đảm an ninh trật tự là việc đáng khuyến khích. Ngày xưa, cha ông ta vẫn dạy: "Giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha" để khuyến khích tính tự giác của cộng đồng, của người dân với những điều xấu, điều ác gây cho cộng đồng, cho xã hội.

Tại sao truyền thống cha ông từ ngàn xưa đến nay đã dạy tinh thần nghĩa hiệp, không chấp nhận cái xấu, cái ác nay người dân Việt Nam lại sẵn sàng bỏ qua những tội ác hiển hiện ngay trước mắt mình? Phải chăng họ chưa nhận được nhiều sự đồng thuận, ủng hộ, bảo vệ, cổ vũ, động viên của xã hội?

Ai cũng hiểu rằng, những điều tốt đẹp vẫn là xu thế nổi trội trong xã hội chúng ta, nhưng vì sao những cái xấu, cái ác chỉ là thiểu số vẫn có xu hướng ngày càng lấn át. Chúng ta còn nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng tốt, nếu biết giữ bí mật, họ sẽ sẵn sàng cung cấp thông tin, hồ sơ, giấy tờ cần thiết để làm chứng cứ đấu tranh.

Người tố cáo, phát hiện hành vi có dấu hiệu phạm tội là nhân tố khởi đầu và ở vị trí then chốt có tính chất quyết định thắng lợi của việc đấu tranh với các loại tội phạm. Có vai trò và vị trí quan trọng như vậy, nhưng họ chưa nhận được nhiều sự đồng thuận, ủng hộ, bảo vệ, cổ vũ, động viên của xã hội. Nhiệm vụ bảo vệ người tố giác tội phạm, người dám đấu tranh với cái xấu, cái ác có vị trí đặc biệt, là mắt xích quan trọng, nhưng thực tế lại là khâu yếu nhất.

Những người dám dấn thân đấu tranh với các xấu, cái ác không được biểu dương xứng đáng, những kẻ tham ô, tham nhũng, trộm cướp không bị phê phán, diệt trừ thì các hành vi xấu xa, đi trái với chuẩn mực đạo đức đương nhiên sẽ tiếp tục gia tăng. Điều này sẽ dẫn đến kỷ cương, phép nước bị coi thường, nhân dân mất niềm tin và đó là mối họa lớn cho đất nước.

Thực tế trong những năm qua cho thấy, phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" do Bộ Công an phát động đã phát huy được tác dụng và hiệu quả trong công tác đảm bảo an ninh trật tự và phòng, chống tội phạm. Từ phong trào này, các địa phương đã xây dựng được nhiều mô hình tự quản về an ninh trật tự ở khối phố, làng bản như: Phong trào liên gia tự quản, Tiếng mõ an ninh, Ánh sáng an ninh, Đội cựu chiến binh tự quản... Hoạt động của mỗi tổ tự quản về an ninh trật tự đều có quy ước, tiêu chí  riêng, phù hợp từng địa bàn đã góp phần vào việc xã hội hóa công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

Với mô hình "Hiệp sĩ đường phố", cấp ủy, chính quyền cơ sở phải chủ động, tích cực cùng sự phối hợp của lực lượng Công an các địa phương quan tâm, hướng dẫn về mặt chuyên môn, nghiệp vụ. 

Ðồng thời, cung cấp các trang, thiết bị hỗ trợ cần thiết cho họ; cần có những biện pháp, một khung pháp lý, quy chế, phạm vi hoạt động, quyền hạn… các quy định pháp luật cụ thể về khen thưởng cũng như bảo vệ khi họ tham gia vào hoạt động đấu tranh chống tội phạm. Từ đó, người dân sẽ tin tưởng hơn và như vậy sẽ tạo được sự đoàn kết hơn, an tâm hơn trong việc tham gia phòng, chống tội phạm, cung cấp nhiều thông tin tố giác để cuộc chiến chống tội phạm đi vào chiều sâu.

Cù Tất Dũng
.
.