Khi sách là một thứ hàng hóa

Thứ Ba, 12/05/2015, 08:05
Mấy tuần gần đây, một trong những đề tài khá thu hút đối với đông đảo bạn đọc là văn hóa đọc. Có nhiều ý kiến xoay quanh văn hóa đọc đã được đưa ra bởi những học giả đủ mọi ngành nghề và nhìn chung, ý kiến nào cũng mang tính xây dựng tích cực cả. Nhưng cuối cùng, vấn đề cũng được khép lại một cách lặng lẽ, theo đúng mô hình chung của nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội hiện nay. Đó là "Nói thế đủ rồi, nói mãi đâm ra nhàm"...

Và sự lặng yên ấy để lại hai dấu hiệu. Một là văn hóa đọc, ngành công nghiệp xuất bản Việt Nam rồi vẫn cứ y như cũ. Và hai là, đến một ngày nào đó, đề tài cũ lại được khuấy động trở lại, và rồi lại được khép lại một cách lặng lẽ. Điều đó không khác gì một vòng lặp lại, nhàm chán còn hơn bất kỳ thứ nhàm chán nào.

Sở dĩ có chuyện ồn ào tranh luận về văn hóa đọc hôm nay cũng bởi lẽ đó là cách thức để truyền thông cho sự kiện song song xảy ra ở hai đầu đất nước là Ngày sách Việt Nam, với phố sách Nguyễn Văn Bình – TP HCM và hội sách tại Công viên Thống Nhất - Hà Nội. Hội sách thường niên ấy vốn dĩ vẫn thu hút rất đông người đọc, ở mọi lứa tuổi, với lượng tiêu thụ sách rất khá, một điểm son tích cực trong không khí chung mà mọi người cùng cảm nhận là văn hóa đọc đang xuống dốc.

Tất nhiên, chuyện doanh số bán sách và người đọc đang đọc cái gì là hai câu chuyện không thể đánh đồng nhưng còn người mua sách, còn người chịu đọc tức là văn hóa đọc ở Việt Nam vẫn còn cơ hội để hồi sinh chứ không hẳn là đang ở mức báo động với những xuất bản phẩm bán chạy toàn thuộc diện manga với ngôn tình.

Nhưng thực sự, những người yêu sách, yêu kiến thức, đăm đắm với văn hóa đọc nước nhà đã bao giờ suy nghĩ kỹ đến chuyện vì sao người đọc bây giờ dễ dãi quá, ngành xuất bản khó khăn quá vì gặp rất nhiều trở ngại thị trường hay chưa, hay họ mới chỉ chăm chăm vào mỗi chuyện tại sao sách kiến thức nghiêm túc thì khó bán mà ngôn tình thì cứ chạy như tôm tươi. Dường như họ đang đặt mình, cùng văn hóa đọc theo lối nghĩ của mình, ở một cấp độ cao quá so với thực tế thị trường hiện nay và chỉ khăng khăng phán quyết sự việc ở cái tầm cao đó mà thôi.

Có lẽ, đã đến lúc chúng ta nên nhìn nhận lại một cách rõ ràng rằng sách không chỉ là kiến thức và phải tạm gác kiến thức ấy sang một bên để nhìn nhận thị trường sách nói riêng và thị trường văn hóa nói chung cũng chẳng khác gì những thị trường hàng hóa khác, tức là nó phải chịu đúng những điều chỉnh của quy luật thị trường. Và trong mối quan hệ mang tính thương mại đơn thuần ấy, chính người làm sách cũng phải tự điều chỉnh mình để có thể khơi nguồn tiêu thụ mạnh hơn cho những sản phẩm mà họ cho rằng đáng đọc thay vì cứ xuôi dòng theo thị hiếu để thực hiện sản xuất, kinh doanh những sản phẩm sách dễ dãi, dễ tiêu thụ, dễ thu hồi vốn, dễ sinh lời để rồi sau đó ngồi than thở với nhau rằng "người Việt bây giờ tầm thường quá, toàn đọc những thứ không đâu".

Một ví dụ điển hình mà người viết bài này trải nghiệm thực tế chính là những gì đã được thực hiện bởi những nhà xuất bản, những công ty sách tại đường sách Nguyễn Văn Bình -TP HCM. Phải thừa nhận, sách và gian hàng sách năm nay sơ sài hơn hẳn so với hội sách năm 2014.

Không những thế, việc trưng bày sách theo đúng chuyên mục chung cũng không được tôn trọng, và nó khiến người đi tìm mua sách thấy rất khó kiếm tìm, thậm chí cảm thấy mình cũng không được tôn trọng đúng nghĩa. Chẳng hạn như ở gian hàng lớn có tên "Sách cũ-sách xưa", có một bàn nhỏ với chủ đề chung là "Sách Liên Xô cũ". Vậy mà chình ình ngay trên bề mặt của bàn sách ấy là cuốn "Sử ký Tư Mã Thiên" và cuốn "Thuật xử thế của người xưa". Nhìn thấy cảnh ấy, người đọc cảm giác như mình đang bị lừa khi người bán sách đang làm một cách quấy quá cho xong.

Đã đến lúc chính những người làm sách ở Việt Nam hãy quên chuyện cao sang, quên kiến thức, quên đẳng cấp văn hóa, quên việc mình là người làm sách đi, mà chỉ cần nhớ một điều thôi. Mình là NGƯỜI BÁN SÁCH. Và khi bạn là người bán một mặt hàng nào đó, bạn phải hiểu chính mặt hàng của mình cái đã. Rồi sau đó hẵng nói đến khách hàng là ai, kênh tiêu thụ thế nào, kênh tiếp thị, khuyến mại ra sao. Có như thế, ta mới thấy dấu hiệu mới cho thị trường sách thực sự chứ không phải cứ ngồi đó mà tranh luận với nhau "Văn hóa đọc ở Việt Nam ngày một xuống cấp".

Hà Quang Minh
.
.