Khi những "con cò bé bé" phải lao động kiếm tiền

Thứ Hai, 11/11/2013, 09:00

Ở lứa tuổi lên 10, các bé Quang Anh, Phương Mỹ Chi sẽ làm được gì sau khi thành "sao"? Như mọi bạn bè đồng trang lứa khác, lẽ ra Quang Anh hay Phương Mỹ Chi sẽ chỉ làm các công việc đơn giản mà gia đình và pháp luật đã quy định: ăn, ngủ, học và chơi... Thế nhưng, rất nhiều "thần đồng" trong giới showbiz lại phải sống như người lớn, phải vắt kiệt sực lao động kiếm ra tiền để nuôi sống bản thân và gia đình mình.

Có bầu show ca nhạc cho biết, cátsê của Phương Mỹ Chi sau khi cuộc thi Giọng hát Việt nhí kết thúc tăng nhanh chóng mặt. Trong một show diễn mới đây, gia đình Mỹ Chi đòi 30 triệu đồng. Bầu show cò kè bớt một thêm hai xuống còn 20 triệu nhưng cuối cùng vẫn phải trả đủ 30 triệu để Mỹ Chi lên sân khấu. Một show diễn event của Mỹ Chi được cho là ngang với ca sĩ ngôi sao người lớn, giá 5.000 USD… Lại có thông tin, một công ty kinh doanh nhạc chờ điện thoại muốn mua 10 bài hát do Mỹ Chi thể hiện, được gia đình hét giá trọn gói 600 triệu đồng. Không rõ thực hư thế nào?

Quán chè nhỏ của gia đình Mỹ Chi đã tạm đóng cửa để người nhà tập trung đưa Mỹ Chi chạy show ở Tp HCM và các tỉnh. Không phải đến khi nổi tiếng trên truyền hình Mỹ Chi mới chạy show. Hiện nay Mỹ Chi vừa chạy show có hợp đồng khắp nơi nhưng vẫn hát ở các đám cưới như thời chưa trở thành ngôi sao. Cô bé đã là người kiếm được tiền từ rất sớm với ước mơ đơn giản của con trẻ: có tiền chữa bệnh cho ba và xây nhà cho mẹ!

Đem chuyện cátsê của Mỹ Chi ra mổ xẻ, các tờ báo mạng thậm chí có ý nói gia đình đã biến cô bé thành cỗ máy kiếm tiền hoặc lợi dụng sự nổi tiếng của con cháu để… chảnh. Nói đi cũng phải nói lại, nếu thông tin cátsê của Mỹ Chi không được những bầu show tiết lộ với giới truyền thông như muốn gây một sức ép lên gia đình Mỹ Chi thì làm sao các báo mạng biết được? Sức ép ấy mục đích là gì nếu không phải là để mời được cô bé đi hát với giá tiền thấp nhất có thể!

Của nào thì tiền đó. Hẳn nhiên các ông bầu đã tính toán rất chi li những lợi ích mà mình sẽ bỏ túi khi có cô bé này xuất hiện trên sân khấu một show diễn. Phía gia đình Mỹ Chi cũng không vừa khi ý thức được sức hút của cô bé, nên lý do chính đáng gia đình đưa ra là cô bé cần ưu tiên học hành. Nói thì nói vậy, nhưng từ khi tham gia Giọng hát Việt nhí đến nay, sự học của Mỹ Chi bị ảnh hưởng không nhỏ. Chưa kể, các quyền lợi cơ bản khác mà lứa tuổi của em phải được thừa hưởng như ăn, ngủ, chơi cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có thông tin cho rằng, Mỹ Chi đã từng phải nhập viện vì chạy show quá sức. Nếu thật vậy thì thật là thông tin đáng buồn. Thành "sao", sự hồn nhiên xem như khó giữ.

Cuộc thi Giọng hát Việt nhí do một đơn vị tư nhân - Công ty Cát Tiên Sa phối hợp với đài truyền hình thực hiện có tính chất vui chơi giải trí với rất nhiều nhãn hàng quảng cáo, tài trợ. Nếu đây là một cuộc thi nhằm tìm kiếm tài năng ca hát nhỏ tuổi để nuôi dưỡng, phát triển thành một đỉnh cao của thanh nhạc trong tương lai thì đáng quý biết bao. Tuy nhiên, đây chỉ là một cuộc chơi, mà đã chơi xong thì các phụ huynh lo mà đắt con về nhà tiếp tục cuộc sống vốn có của mình.

Sau chiến thắng ở cuộc thi Giọng hát Việt nhí, cả Phương Mỹ Chi (ảnh trên) và Quang Anh đều trở nên đắt show.

Nhưng trong thời đại truyền hình và internet hiện nay, sự nổi tiếng trong một cuộc chơi lại mau chóng biến một đứa bé ngây thơ trở thành ngôi sao sáng, rồi thì bạc tiền tự nhiên cứ thế ùa về. Quang Anh, Thu Hà được Công ty Cát Tiên Sa ký hợp đồng sau khi Giọng hát Việt nhí khép lại. Gia đình Phương Mỹ Chi lại từ chối hợp đồng này. Không làm ca sĩ độc quyền ở một công ty thì gia đình phải lo kiếm show cho bé diễn. Càng nhiều show thì có càng nhiều tiền. Trẻ con chưa ý thức nhiều đến tiền nhưng người lớn thì rất quan tâm!

Những hợp đồng đã ký giữa gia đình bé Quang Anh, Thu Hà với Cát Tiên Sa hay những thỏa thuận cátsê của gia đình Phương Mỹ Chi với các bầu show, suy cho cùng cũng chỉ là sự ngã giá giữa những người lớn với nhau trên hình hài và tâm hồn của con trẻ.

Hiện tại, chưa thể biết nội dung hợp đồng giữa gia đình hai bé Quang Anh, Thu Hà ký với Công ty Cát Tiên Sa là gì, bởi hợp đồng làm ăn thì người ngoài khó mà biết được. Hy vọng rằng, ngoài các show diễn, công ty độc quyền sẽ có những khoản chi để hai bé học kiến thức cũng như học thêm âm nhạc. Với Phương Mỹ Chi, gia đình từng phát biểu sẽ cho em đi học âm nhạc để hát hay hơn và giữ giọng tốt hơn. Nhưng dưới áp lực chạy show như hiện nay, chất giọng ngọt ngào ấy liệu có còn giữ được?

Trong giới showbiz từng xuất hiện nhiều ngôi sao nhí để rồi khi không còn nhí nữa thì họ cũng biến mất. Bé Xuân Mai xuất hiện trên sân khấu, băng đĩa nhạc khi chưa đầy ba tuổi. Với giọng hát còn ngọng líu ngọng lo, Xuân Mai được cha là ca sĩ Tuấn Cảnh đào tạo trở thành một ngôi sao không đối thủ ở lứa tuổi của em trên thị phần nhạc thiếu nhi. Người đời hy vọng tương lai Xuân Mai sẽ trở thành một ngôi sao lớn với năng khiếu bẩm sinh. Vậy nhưng Xuân Mai mãi mãi là "con cò bé bé" sống trong ký ức của nhiều người mà thôi. Tinh hoa âm nhạc của Xuân Mai đã bị vắt cạn khi em còn ở tuổi nhảy lò cò.

Một dạo khi phim truyền hình "Bà mẹ nhí" phát sóng, tên tuổi cô bé Phương Trinh cũng nổi như cồn. Nếu năng khiếu của Phương Trinh được chăm bón đầy đủ thì tin rằng cô sẽ trở thành một diễn viên giỏi trong lĩnh vực của mình. Vậy nhưng, năng khiếu của "bà mẹ nhí" Phương Trinh được biết đến khi cô tròn mười tám trăng tròn lại là những màn múa cột ở quán bar. Phương Trinh thật thà cho biết cô làm vậy là để kiếm tiền chăm lo cho gia đình.

Luật sư Lý Đại Long, Văn phòng luật cùng tên ở quận Phú Nhuận, Tp HCM phân tích: Theo điều 162 và 163, Bộ Luật Lao động năm 2012 thì trẻ em trong độ tuổi từ 15 đến dưới 18 tuổi có thể làm hầu hết mọi công việc, tuy nhiên phải tuân thủ một số nguyên tắc. Về tính chất công việc thì "chỉ được sử dụng người lao động chưa thành niên vào những công việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách" của họ.

"Không được sử dụng người chưa thành niên sản xuất và kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần và các chất gây nghiện khác". Về thời giờ làm việc phải tuân thủ "người lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không được quá 8 giờ trong 1 ngày và 40 giờ trong 1 tuần, người dưới 15 tuổi không được quá 4 giờ trong 1 ngày và 20 giờ trong 1 tuần và không được sử dụng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm". Pháp luật quy định "cấm sử dụng người chưa thành niên làm việc ở các nơi sau đây: a) Dưới nước, dưới lòng đất, trong hang động, trong đường hầm; b) Công trường xây dựng; c) Cơ sở giết mổ gia súc; d) Sòng bạc, quán bar, vũ trường, phòng hát karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, phòng tắm hơi, phòng xoa bóp; đ) Nơi làm việc khác gây tổn hại đến sức khoẻ, sự an toàn và đạo đức của người chưa thành niên". ( Điều 165 Bộ Luật Lao động).

Đối với trẻ dưới 15 tuổi, Thông tư số 11/2013/TT-BLĐTBXH ngày 11/6/2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội quy định: ''Danh mục công việc được sử dụng người dưới 13 tuổi làm việc: 1. Diễn viên: múa; hát; xiếc; điện ảnh; sân khấu kịch, tuồng, chèo, cải lương, múa rối (trừ múa rối dưới nước). 2. Vận động viên năng khiếu: thể dục dụng cụ, bơi lội, điền kinh (trừ tạ xích), bóng bàn, cầu lông, bóng rổ, bóng ném, bi-a, bóng đá, các môn võ, đá cầu, cầu mây, cờ vua, cờ tướng, bóng chuyền".

Như vậy, trẻ em lao động trong giới Showbiz là hợp pháp. Tuy nhiên thời lượng, điều kiện, hình thức và tính chất lao động cuả các em là điều cần giám sát chặt chẽ.

Khác với vẻ đẹp hình thể phải đợi đến tuổi trưởng thành mới phô diễn được hết, vẻ đẹp của giọng hát hay vẻ đẹp của diễn xuất đã có thể bộc lộ từ nhỏ. Nhưng vắt kiệt mồ hôi của các em nhỏ ra để kiếm tiền liệu có nên không? Biến các bé thành những ngôi sao để người lớn trục lợi liệu có làm lệch lạc tâm hồn trẻ thơ của các em? Các câu hỏi thuộc phạm trù đạo đức, xã hội ấy xin dành cho những nhà nghiên cứu trả lời. Chỉ biết rằng, các bài hát của thiếu nhi đều ví các em như "những bông hồng nhỏ", "những búp măng non" chứ chưa thấy bài hát nào viết về các em như "những lao động chính" trong gia đình

D.C.
.
.