Từ những ồn ào xung quanh phim sitcom 18 + "Căn hộ số 69":

Khi luật định còn nhiều lỗ hổng

Thứ Bảy, 19/07/2014, 08:00
Những ngày qua, dư luận ồn ào xung quanh những sai phạm của ê kíp sản xuất và phát hành phim sitcom gắn mác 18+ "Căn hộ số 69" trên mạng internet. Sự lúng túng của các nhà quản lý trong xử lý vụ việc, những tranh cãi chưa "hạ hồi phân giải" đã cho thấy cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin thì để quản lý lĩnh vực vô cùng phức tạp này, những luật định cần thường xuyên cập nhật thời cuộc và bám sát thực tế hơn nữa.

1. Ngày 5 tháng 6, tập đầu tiên của phim sitcom (theo cách gọi của nhà sản xuất) "Căn hộ số 69" chính thức phát hành và được tung lên Youtube. Đây được giới thiệu là phim hài tình huống dài 30 tập, mỗi tập có thời lượng gần 30 phút do nhà sản xuất Nam Cito, đạo diễn Trần Nguyễn Bảo Nhân thực hiện (với sự tham gia diễn xuất của các diễn viên Ngọc Thảo, Sỹ Thanh, Kỳ Nam…). Cùng với việc phát sóng, ê kíp làm phim, đặc biệt là hai diễn viên nữ chính - vốn được cư dân mạng gọi là những hotgirl - cũng đã có những chiến dịch PR rầm rộ bằng cách tung những hình ảnh nóng bỏng trong phim lên trang cá nhân để thu hút dư luận.

Dư luận đã có những phản hồi gay gắt, cho rằng phim đề cập tới cuộc sống, cảm xúc của đối tượng thanh niên mới lớn nhưng có quá nhiều cảnh dung tục đi ngược lại thuần phong mỹ tục của dân tộc. Phim nhạt, nhảm, tục tĩu, tự gắn mác phim người lớn là cảm giác chung khi xem tập đầu tiên. Ngay ở tập này đã xuất hiện những cảnh quay thô thiển, vụng về cùng diễn xuất cường điệu, phản cảm, như cảnh diễn viên nữ nằm hớ hênh, cởi và ném áo ngực lên đầu nhân vật nam…

Trước những phản hồi này, cuối tháng 6, Cục Điện ảnh đã tổ chức cuộc họp báo chính thức. Điều này cho thấy sự vào cuộc tích cực của các nhà quản lý văn hóa. Tuy nhiên, sau cuộc họp báo khá căng thẳng, sự việc  vẫn rơi vào tình trạng rối rắm, không ai chịu ai, kiểu "Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay". Phía Cục Điện ảnh kết luận việc sản xuất và phổ biến phim này là trái với Luật Điện ảnh. Bởi Luật Điện ảnh quy định: "Các tổ chức, cá nhân muốn sản xuất phim phải thông qua hãng phim có tư cách pháp nhân, nghĩa là có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phim do Cục Điện ảnh cấp. Sau đó, phim muốn phổ biến phải được Hội đồng thẩm định phim thẩm định và tư vấn để Cục Điện ảnh cấp giấy phép phổ biến phim". Theo đó, nhà sản xuất phim "Căn hộ số 69" không có tư cách pháp nhân, không có chức năng sản xuất phim theo quy định, vì vậy đã vi phạm điều 49 của Luật Điện ảnh. Việc phổ biến phim này cũng không qua thẩm định, cấp phép. Phía Cục Điện ảnh cũng cho biết họ đã có công văn đề nghị các cơ quan chức năng như Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Công an vào cuộc để cho kết luận cuối cùng.

Tuy nhiên, phía nhà sản xuất - mà cụ thể là Giám đốc sản xuất Nam Cito, người đã từng là giám đốc sáng tạo một số bộ phim về thanh thiếu niên phát sóng trên truyền hình như "Bộ tứ 10A8", "Những phóng viên vui nhộn", "Tiệm bánh hoàng tử bé 1, 2" - lại lý luận: "Căn hộ số 69" thuộc thể loại sitcom, nghĩa là hài dựa trên tình huống. Thường thì các tình huống sẽ được hài hước hóa và cường điệu hơn so với thực tế…

Phim''Hoa nắng'' bị dư luận chỉ trích nặng nề là bài học nhãn tiền cho việc lạm dụng cảnh nóng khi làm phim về giới trẻ. Chọn cách sản xuất, phát hành sai quy trình cộng với những hình ảnh hở hang phản cảm, ê kíp thực hiện ''Căn hộ số 69'' đứng trước nguy cơ bị xử lý.

"Căn hộ số 69" không phải là phim điện ảnh hay phim truyền hình. Chúng tôi chọn đề tài mà rất ít bộ phim Việt nhắm tới, đó là thẳng thắn đề cập đến cuộc sống của những bạn trẻ thành thị, hiện đại với những cung bậc về cuộc sống, về tình yêu, tình bạn một cách cởi mở nhất. Chúng tôi luôn tôn trọng khán giả, vì vậy đã gắn mác 18+ để cảnh báo trong phim có những nội dung, hình ảnh hay những câu thoại mang tính chất nhạy cảm, không thích hợp cho lứa tuổi dưới 18 nếu không có sự giám sát của phụ huynh".

Một điều khá hài hước là trong khi Cục Điện ảnh và một số cơ quan truyền thông vẫn đang tranh luận về việc "Căn hộ số 69" được gọi là "phim", "video clip" hay một tên gọi nào khác thì ngay nhà sản xuất cũng không dám chắc cách gọi tên đứa con tinh thần của mình là gì: "Dù tôi có gắn cho đứa con tinh thần của mình là gì phải dựa trên sự thẩm định nghiêm túc của các bậc thầy, bậc đàn anh, chứ mình không thể tự quyết được…

Những người làm điện ảnh chuyên nghiệp như đạo diễn Phan Đăng Di, đạo diễn Trần Lực không coi đây là phim mà chỉ gọi là một sản phẩm video clip chế… phục vụ mục đích giải trí. Tôi nghĩ họ là những người làm chuyên môn thực sự và họ cũng có cái lý khi gọi "Căn hộ số 69" như vậy" - Nam Cito cho biết.

2. Việc cho dừng phổ biến "Căn hộ số 69" được cho là một động thái cần thiết của các nhà quản lý trước một sản phẩm văn hóa "rác" có khả năng ảnh hưởng không tốt tới giới trẻ. Tuy nhiên, sự việc rối rắm này một lần nữa đặt ra cho điện ảnh nhiều điều cần phải quan tâm một cách thiết thực hơn nữa trước sự phát triển của công nghệ thông tin. Trong đó, việc phân loại phim theo độ tuổi với 3 loại đơn giản như hiện nay là cấm phổ biến, phổ biến rộng rãi và dán nhãn "16+" lộ nhiều nhược điểm. Những phim bị dán nhãn "16+" sẽ chỉ được chiếu ở rạp mà không phổ biến rộng rãi trên truyền hình, Internet. Ông Đỗ Duy Anh, Cục phó Cục Điện ảnh cho biết, hiện nay Cục đang tổ chức phân loại phim theo độ tuổi, hy vọng đến 2015 có thể ra quy chế hoặc thông tư phân loại phim theo độ tuổi… Việc chậm trễ trong việc đưa ra thông tư phân loại phim theo độ tuổi với nhiều cấp độ hơn chính là một nguyên nhân khiến Cục Điện ảnh rơi vào thế khó xử khi xử lý những trường hợp như kiểu "Căn hộ số 69".

Trước đây, bộ phim truyền hình "Hoa nắng" của đạo diễn Đặng Minh Quang phát sóng trên khung giờ vàng của VTV3 vài năm trước cũng đã từng bị dư luận chỉ trích và phải dừng phát sóng vì có nhiều cảnh ăn chơi phản cảm trong việc phản ánh đời sống thanh niên. Tuy nhiên, đó là phim được sản xuất theo quy trình phổ biến lâu nay. Còn cho đến thời điểm này, Cục Điện ảnh chưa thể áp dụng những hình thức xử phạt mà phải chờ kết luận của các đơn vị liên quan vì việc "Căn hộ số 69" có phải là phim hay không vẫn còn là điều gây tranh cãi. Chưa kể, trang Youtube ở Việt Nam chỉ quy định những sản phẩm có nội dung xấu hay vi phạm bản quyền mới phải gỡ bỏ. Đây chính là lỗ hổng lớn để các bạn trẻ lạm dụng. Sự việc chưa từng có tiền lệ này khiến các nhà quản lý văn hóa không khỏi lúng túng. Đây là điều chúng ta có thể hiểu được. Vì thế, thay vì nôn nóng chỉ trích các nhà quản lý, giới truyền thông cần một sự thông cảm và góp ý chân tình hơn. Bởi chỉ có bình tĩnh mới có thể giải quyết sự việc một cách thấu tình đạt lý nhất.

Có lẽ, chúng ta cần nhìn nhận sự việc từ cả phía nhà sản xuất "Căn hộ số 69". Rõ ràng nhà sản xuất của sản phẩm này đã từng tham gia thực hiện những bộ phim sitcom chiếu trên truyền hình thì chắc chắn không phải không biết quy trình tham gia hoạt động điện ảnh. Chỉ có thể lý giải rằng, ngay nhà sản xuất cũng biết nếu "Căn hộ số 69" tuân thủ đúng quy trình sản xuất phim hiện nay là trình kịch bản lên hội đồng duyệt kịch bản thì chắc chắn sẽ không bao giờ được cấp phép. Chính vì vậy, họ đã chọn cách tự làm, tự phổ biến như một cách lách luật, ra ngoài sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Đây thực sự là một điều đáng phê phán với những nhà làm phim trẻ. Họ chưa thực sự có ý thức nghề nghiệp khi chọn cách làm phim phản cảm, chọn lối phát hành online - một hình thức khó phân loại hay kiểm soát đối tượng thưởng thức.

Từ rắc rối của "Căn hộ số 69" cho thấy xu hướng những nhà làm phim trẻ: độc lập tự sản xuất phim và đăng tải trên Youtube để né tránh tất cả các khâu kiểm duyệt cũng như các thủ tục hành chính khác mà vẫn tiếp cận được người xem. Cũng không thể ngăn cản việc mọi người quay và đăng các sản phẩm hình ảnh cá nhân lên mạng bởi đây là xu thế của thời đại công nghệ thông tin. Điều quan trọng là phải ngăn chặn để không có những tác phẩm tương tự như "Căn hộ số 69" ra đời. Và để có thể quản lý chặt chẽ hơn những sản phẩm văn hóa này, các cơ quan quản lý buộc phải tìm cách để thích nghi và có những tiêu chuẩn, quy định thật cụ thể, phù hợp thay vì chung chung như hiện nay. Điều này cần sự chung tay của các nhà làm luật, các cơ quan chức năng và của cả các nhà chuyên môn trong ngành truyền thông…

K.T.
.
.